Lãnh đạo “chép bài” và giới trẻ “ngáo đá”

FB Lê Ngọc Sơn

19-9-2018

Một lễ hội âm nhạc cho giới trẻ mà có 7 nhân mạng ở tuổi mơn mởn ra đi vì lý do dùng ma tuý, thuốc lắc, đó là một thảm hoạ. Nhưng chuyến thăm của Phó Chủ tịch Hà Nội Ngô Văn Quý đến các cháu “đập/ cắn/ ngáo đá” may mắn còn giữ được mạng, là một thảm hoạ khác về xử lý khủng hoảng, khiến người ta cười ra nước mắt.

Ông Phó Thị trưởng hẳn hồi đi học hay chép trộm bài của bạn. Sở dĩ nghi rằng ông có thói quen chép trộm bài của bạn vì hành động lười tư duy của ông “tố” chính chủ.

Có lẽ, trước đến nay, hễ có sự cố gì là lãnh đạo đến uý lạo người bị hại. Việc này trong quản trị khủng hoảng, người ta gọi là thủ pháp “Supportive Rituals” (tạm dịch: những lễ nghi tương trợ) để góp phần giải quyết khủng hoảng. Thứ nhất, đảm bảo duy trì tính chính danh của chính quyền: Ý là, à, sự cố dù lớn mấy cũng có chính quyền đây. Thứ hai, vừa mang tính uý lạo tinh thần đám đông, chính nghĩa luôn được ủng hộ và giành phần thắng. Một mặt khác của việc “đến thăm” là góp phần làm cho hình ảnh của chính trị gia và chính quyền (ở đây là Thủ đô) được đánh bóng, kiểu chúng tôi đây là vì dân lắm.

Những “supportive rituals” này thường mang tính lan toả, và là “tấm gương dẫn đạo”.

Ông Phó Thị trưởng “luộc nguyên con”, “chép nguyên bài”, mà không hiểu sâu xa mô tê về ý nghĩa của các lễ nghi tương trợ (supportive rituals), làm cho việc giải quyết khủng hoảng trở nên tệ đi.

Vậy cách giải quyết đúng trong trường hợp trên là gì?

(1) Chính quyền thành phố họp báo ngay lập tức công bố điều gì đã và đang diễn ra, nỗ lực của thành phố hiện tại là…

(2) Thay vì đến thăm các “thanh niên đập đá tích cực”, thì ngay lập tức áp dụng bài “Chiếc đầu Vương Hậu” – lôi ai đó ra chịu trách nhiệm, vì 7 người chết không phải là chuyện nhỏ. Trong trường hợp này, Vương Hậu có thể là Chủ tịch quận Tây Hồ (nơi diễn ra sự kiện), hoặc Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Du lịch Hà Nội (nơi cấp phép).

(Bạn trẻ nào muốn biết chiêu “Chiếc đầu Vương Hậu” xin đọc lại câu chuyện Tào Tháo xử lý chuyện hết kho lương, trong Tam Quốc Chí).

(3) Thay đổi về mặt chính sách (a) quản lý và kiểm soát chất ma tuý, (b) các sự kiện biểu diễn thu hút đông người, theo hướng cấp tiến, sáng tạo. (Muốn được khen thì phải nhấn ở điểm này. Đây là thấy “cơ” trong “nguy” để ghi điểm, và nâng cao hiệu quả quản trị xã hội trên địa bàn). Chứ không phải không quản được thì cấm. “Cấm” trong trường hợp này là hành vi bất lực về năng lực chính sách, lúc đó sẽ bị chê trách hơn.

Tóm lại là, không nên dùng những lãnh đạo có thói quen “chép bài” hồi đi học, não để làm hàng, sẽ tác dụng ngược.

Bình Luận từ Facebook