Từ vụ bác sĩ Lương và tài xế Hoàng: Ai ‘kích’ cho ‘động’?

Blog VOA

Trân Văn

13-9-2018

Phiên xử phúc thẩm hai tài xế Ngô Văn Sơn và Lê Ngọc Hoàng bị cáo buộc “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” lại hoãn. Đây là lần hoãn thứ hai.

Ngày 10 tháng 8, Tòa án tỉnh Thái Nguyên từng tuyên bố hoãn xử vào phút chót và đúng một tháng sau, ngày 10 tháng 9, phiên xử này đột nhiên được hoãn lần nữa và cũng vào phút chót.

Cách nay khoảng hai năm, chiều 19 tháng 11 năm 2016, ông Ngô Văn Sơn, 40 tuổi, ngụ tại tỉnh Bắc Ninh, điều khiển một chiếc xe loại bảy chỗ, chở mười người từ Yên Phong – Bắc Ninh đến Sông Công – Thái Nguyên dự đám cưới. Do vượt qua lối ra cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên ở đoạn chạy ngang Yên Bình – thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên), ông Sơn cho xe… lùi lại dù đang trên cao tốc!

Vào thời điểm đó, ông Lê Ngọc Hoàng, 33 tuổi, ngụ tại tỉnh Thái Bình, đang điều khiển xe container chạy phía sau xe ông Sơn và vì không dè ông Sơn lùi xe, ông Hoàng không kịp đạp thắng, đầu xe của ông Hoàng đâm vào đuôi xe của ông Sơn. Vụ va chạm làm bốn người khách trên xe của ông Sơn thiệt mạng, sáu người khác bị thương. Hệ thống tư pháp tỉnh Thái Nguyên khởi tố – truy tố ông Sơn rồi khởi tố – truy tố ông Hoàng cùng một tội…

Trong hai ngày 9 và 10 tháng 5 năm 2018, Tòa án thị xã Phổ Yên đã đưa ông Sơn và ông Hoàng ra xử sơ thẩm. Ông Sơn bị phạt 10 năm tù và giới cầm lái để kiếm sống ở Việt Nam vốn đã từng sửng sốt vì ông Hoàng bị khởi tố – tạm giam hồi tháng 2 năm 2017, choáng váng khi ông Hoàng bị phạt… tám năm tù, chưa kể còn có trách nhiệm liên đới trong việc bồi thường cho các nạn nhân gần 500 triệu đồng!

Tất nhiên là ông Hoàng kháng cáo và không chỉ có thế…

Thượng tuần tháng trước, giới cầm lái để kiếm sống tại Việt Nam hẹn nhau về Thái Nguyên để dự khán phiên xử phúc thẩm ông Hoàng (1). Hành động đó không đơn thuần là bày tỏ sự đồng cảm với một đồng nghiệp chẳng may vướng vào vòng lao lý. Nó còn là một cách bày tỏ thái độ đối với bản án mà ai cũng thấy là phi lý – không thể tưởng tượng nhưng có thật. Chẳng biết có phải vì thế mà Tòa hoãn xử hay không?

Thượng tuần tháng này, khi có tin Tòa án tỉnh Thái Nguyên sẽ đưa ông Hoàng ra xử phúc thẩm trở lại, trên các diễn đàn của giới cầm lái để kiếm sống, người ta nhắc nhau phải chú ý tới vụ án này vì “hôm nay là Lê Ngọc Hoàng, ngày mai có thể là chính chúng ta bị phạt tù oan”. Khi “đèn Trời” không soi cũng chẳng xét, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia các Hiệp hội Vận tải mà địa phương nào cũng có luôn luôn “ngậm tăm” thì giới cầm lái để kiếm sống phải có ý thức, phải hành động để tự bảo vệ mình. Giới cầm lái để kiếm sống tiếp tục hẹn nhau về Thái Nguyên dự khán phiên xử phúc thẩm ông Hoàng. Chẳng biết vì sao Tòa án tỉnh Thái Nguyên lại quyết định hoãn xử phúc thẩm vụ này thêm một lần nữa (2)…

***

Giờ, “trông người, ngẫm đến ta” dường như đã trở thành tâm thế phổ biến của nhiều giới trong xã hội Việt Nam. Trước khi giới cầm lái để kiếm sống nhận ra “hôm nay là Lê Ngọc Hoàng, ngày mai có thể là chính chúng ta bị phạt tù oan” và quyết định lên tiếng, bày tỏ thái độ, giới y, bác sĩ cũng đã từng hành xử tương tự trong trường hợp bác sĩ Hoàng Công Lương.

Ngày 29 tháng 5 năm 2017, 6/18 bệnh nhân bị suy thận, vẫn đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình lọc máu định kỳ, đột tử. Dư luận Việt Nam rúng động. Thảm kịch lên đến đỉnh khi có thêm 3/12 nạn nhân còn lại mất mạng… Cuối cùng thì nguyên nhân dẫn tới thảm kịch vừa kể cũng đã được xác định: Nhà thầu đảm trách công việc bảo trì hệ thống máy lọc máu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để sót hóa chất khi súc rửa hệ thống này.

Trước sự phẫn nộ của công chúng, hệ thống tư pháp tỉnh Hòa Bình đã khởi tố, tống giam ba người: Bùi Mạnh Quốc – Giám đốc Công ty Xử lý nước Trâm Anh, bị cáo buộc “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”, Trần Văn Sơn – nhân viên Phòng Vật tư – Trang thiết bị y tế của Bệnh viên Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bị cáo buộc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và Hoàng Công Lương – Bác sĩ của Bệnh viên Đa khoa tỉnh Hòa Bình, người trực tiếp theo dõi việc lọc máu cho 18 bệnh nhân bị suy thận, bị cáo buộc “vi phạm quy định khám chữa bệnh”.

Có một điều mà hệ thống tư pháp tỉnh Hòa Bình không dè là việc chụp – đẩy bác sĩ Lương ra “đầu sào” đã khiến đội ngũ nhân viên y tế ở Việt Nam nhận ra thân phận bọt bèo, liên tưởng đến tương lai bấp bênh của họ và phản ứng dữ dội. Thông qua hệ thống truyền thông chính thức và mạng xã hội, nhiều bác sĩ, chuyên gia y tế chứng minh bác sĩ Lương không phạm sai lầm hay có thiếu sót về chuyên môn. Không thể buộc bác sĩ Lương chịu trách nhiệm về chất lượng – hoạt động bảo dưỡng thiết bị y tế.

Hội Hồi sức – Cấp cứu – Chống độc Việt Nam và Bộ Y tế Việt Nam bị đẩy vào thế phải lên tiếng: Xác định bác sĩ Lương không có trách nhiệm – không thể chịu trách nhiệm về nguồn nước, chất lượng nước. Vi phạm nếu có chỉ là thiếu sót về thủ tục hành chính không phải là nguyên nhân dẫn tới thảm họa làm nhiều người chết. Đồng thời đề nghị hệ thống tư pháp tỉnh Hòa Bình cho bác sĩ Lương được tại ngoại…

Tháng 5 vừa qua, bác sĩ Lương ra tòa. Tội danh “vi phạm quy định khám chữa bệnh” đã được đổi thành “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Phiên xử sơ thẩm do Tòa án tỉnh Hòa Bình tổ chức giống như một vở kịch, các luật sư trưng dẫn nhiều bằng chứng, nhiều nhân chứng phản cung, tất cả cho thấy, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và hệ thống tư pháp tỉnh Hòa Bình đã phối hợp rất nhịp nhàng trong việc ngụy tạo hồ sơ, mớm cung để tống bác sĩ Lương vào tù… Có một điểm thú vị là chẳng riêng đồng nghiệp mà thân nhân của các nạn nhân đã thiệt mạng cũng đề nghị Tòa án tuyên bố bác sĩ Lương vô tội. Họ mang biểu ngữ, ảnh bác sĩ Lương tới tòa để minh định với Hội đồng Xét xử rằng họ nhận thức thế đó. Báo giới bắt đầu bóc, tách từng lớp vỏ để cho thấy kẻ thực sự phải chịu trách nhiệm là ai…

Cực chẳng đã, Hội đồng Xét xử vụ án phải trả hồ sơ, yêu cầu công an, Viện Kiểm sát điều tra lại, làm rõ trách nhiệm của ông Trương Quý Dương – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ông Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Thiên Sơn, hai cá nhân tham gia ký các hợp đồng liên doanh – liên kết mua bán máy móc, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị vật tư y tế và có nhiều dấu hiệu cho thấy, tiền thu được từ việc liên doanh – liên kết, kể cả khai thác hệ thống máy lọc máu cho những bệnh nhân bị suy thận đã chảy đi đâu đó, chứ không vào bệnh viện, công khố.

Vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình nay đã có thêm ba bị can: Trương Quý Dương – cựu Giám đốc, Hoàng Đình Khiếu – cựu Phó giám đốc và Trần Văn Thắng – cựu Trưởng phòng Vật tư của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Cả ba cùng bị cáo buộc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Bác sĩ Lương vẫn chưa thoát nạn, tuy không còn bị cáo buộc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng hệ thống tư pháp tỉnh Hòa Bình cho rằng, bác sĩ này “vô ý làm chết người”…

Tới đây, phải nói một chút về Trương Quý Dương – nhân vật mà theo tường thuật của báo chí Việt Nam, dứt khoát phải có “quý nhân phò trợ”… Năm 2001, lúc đang là Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, ông Dương bị phát giác vi phạm hàng loạt qui định về quản lý kinh tế – tài chính, bị buộc phải bồi thường 48 triệu đồng. Sau khi Thanh tra đề nghị xử lý kỷ luật, ông Dương được đưa lên làm Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khoẻ Bà mẹ – Trẻ em và Kế hoạch hoá gia đình. Năm sau, cơ quan này bị thâm hụt 172 triệu. Nguyên nhân tiếp tục là vi phạm hàng loạt qui định về quản lý kinh tế – tài chính. Riêng 172 triệu bị xác định là chi tiêu sai mục đích, ông Dương ký duyệt 113 triệu… Chuyện lùm xùm kéo dài từ 2002 đến 2004 thì ông Dương được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình…

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ông Dương dùng lại “bổn cũ”: Không công khai tài chính, tự chọn nhà thầu, tự chỉ định các gói thầu mua sắm vật tư trang thiết bị y tế, khiến vật tư, hóa chất hao tốn quá mức, những thiết bị y tế do ông Dương chỉ định mua thường có giá rất cao và hư hỏng ngay sau khi dùng. Thay vì lập hội đồng tuyển dụng, ông Dương tự tuyển thêm 15 người vào biên chế bệnh viện, tự ký hợp đồng lao động với 78 người khác. Có những trường hợp sau đó tự ý bỏ việc đi học vẫn được trả lương…

Sau biến cố 9/18 bệnh nhân bị suy thận chết do sai sót trong việc bảo trì hệ thống máy lọc máu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ông Dương bị kiểm điểm, bị cách chức, ông Dương lập tức xin nghỉ hưu rồi sang Canada thăm con gái. Thay vì kiểm tra việc ký kết, thực hiện hợp đồng liên doanh – liên kết giữa ông Dương và ông Tuấn mà nhiều người tin là nguyên nhân chính dẫn tới thảm nạn bởi các bên chỉ quan tâm tới tiền, hệ thống tư pháp chĩa mũi dùi công lý vào bác sĩ Lương…

Dẫu báo giới Việt Nam đã dấn thêm một bước, moi lại và bày ra tiến trình thăng tiến đầy bất thường của ông Dương, kể cả giới thiệu tư dinh của ông Dương – nhân vật tuy chỉ là lãnh đạo lãnh một cơ quan y tế cấp tỉnh nhưng mức độ lộng lẫy, xa hoa của tư dinh chẳng khác gì nơi ở của một ông hoàng song chẳng có gì bảo đảm công lý sẽ được thực thi theo đúng nghĩa của hai từ này bởi sau lưng ông vẫn còn một, thậm chí nhiều “quý nhân”.

***

Trước nay, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn thường bảo rằng, những chỉ trích, hành động phản kháng của dân chúng là do bị “kích động”. Trong hai vụ vừa kể, chắc chắn “thế lực thù địch” không thể khởi tố ông Hoàng, phạt ông tám năm tù. “Thế lực thù địch” cũng không thể bao che, tác động để nâng đỡ một người như ông Dương thăng tiến không ngừng và lập kế hoạch để biến bác sĩ Lương thành vật thế thân. Xét rộng hơn, cho dù rất muốn, “thế lực thù địch” cũng không thể cướp đoạt đất của dân Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), dân Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM),…

Sau dân chúng nhiều vùng như Mỹ Đức, Thủ Thiêm,… giờ tới thành viên nhiều giới như nhân viên y tế, tài xế,… đã “động”. Ai “kích” để họ nhận ra cam chịu, câm nín chính là con đường dẫn tới tự diệt, vì với những đặc điểm như xã hội Việt Nam hiện nay, ai cũng có thể mất sạch mọi thứ, ai cũng có thể bị bần cùng hóa, ai cũng có thể bị biến thành “tội phạm”, bị “trừng trị đích đáng” để những kẻ thật sự là “đại gian, đại ác” rung đùi hưởng lạc? Ai liên tục “kích”, đẩy họ đến chỗ phải “động” – “kích” liên tục chính là cách tốt nhất giúp dân chúng nhận ra thân phận của họ chỉ là bọt bèo, tương lai của chính họ cũng như thân nhân chỉ toàn bất trắc? Thế lực nào thật sự là thù địch với ấm no, hạnh phúc, dân chủ công bằng, văn minh?

Chú thích

(1) http://doisongvietnam.vn/phuc-tham-vu-container-tong-innova-tren-cao-toc-nhieu-tai-xe-den-toa-theo-doi-49283-3.html

(2) https://www.facebook.com/groups/193493124331444/permalink/769416330072451/

(3) http://soha.vn/tu-dinh-cua-ong-truong-quy-duong-bo-me-2-ben-ban-dat-gop-tien-cung-cong-suc-cua-vo-chong-20180831143841102rf20180831143841102.htm

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Đó là minh chứng cho việc mà cha ông ta đã nói “Con giun xéo lắm cũng quằn”
    * Vấn đề là, kẻ cố tình ra chuyện “xéo” này, chúng có phải là đàn em được nâng đỡ của những thứ như Đinh La Thăng, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa…. hay không?
    * Vấn đề là, hai vụ án nói trên thấy mất hút con mẹ hàng lươn các tổ chức công đoàn, vậy, có đáng phải đóng tiền để cho những tổ chức này tồn tại hay không?

Comments are closed.