12-9-2018
Vừa đọc một stt rất ngắn, tổng kết chuyến đi làm việc ở Nhật Bản 5 ngày của bạn Nguyễn Bá Quỳnh, Tổng giám đốc Hitachi Consulting (có một khu nông nghiệp công nghệ cao của Hitachi đang làm thử nghiệm tại CV phần mềm Quang Trung):
– Gặp 64 ông executive toàn có tên cuối kết thúc bằng chữ A.
– 5 Ông chức danh Executive VP manage hoặc co-manage business vài chục tỷ Trump. Ông nào cũng nhã nhặn và lịch sự, chả ông nào hợm hĩnh trả giá, nói nhiều. Không có kiểu đến tỷ doanh thu tưởng mình mua cả thế giới.
Đó là Nhật. Lại nói một câu còn thấy thiếu về “một người Nhật” mình vừa viết, Naomi Osaka, về phong thái và bản lĩnh Nhật. Khi đối thủ (đã 23 lần vô địch, còn cô mới vào chung kết lần đầu) cứ lớn tiếng gây gỗ, chửi bới trọng tài, đập vợt được mấy vạn khán giả Mỹ đùng đùng ủng hộ thì… Osaka bình thản như không. Vẫn giao bóng 200 km/giờ. Wow, Nadal còn chẳng mấy khi đạt tốc độ đó. Và chiến thắng. Và lí nhí, nhút nhát khi phát biểu nhận giải.
Chuyến đi Nhật của bạn Bá Quỳnh diễn ra cùng lúc với 2 sự kiện quan trọng: Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – châu Phi và Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương.
Kết thúc diễn đàn hợp tác Trung-Phi, đại diện Trung Quốc phát biểu: “Trung Quốc không phải là chủ nợ số một của các nước châu Phi”. Và Trung Quốc kết luận, đầu tư thêm 60 tỷ USD giúp châu Phi phát triển, trong đó có 15 tỷ USD viện trợ không hoàn lại và cho vay không lãi. Nhưng hơn 10 nước vẫn kêu về khối nợ TQ tăng mạnh…
Cùng lúc đó lại có một sự cố nhỏ xảy ra tại Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương tại Nauru. Đại diện Trung Quốc đòi phát biểu (dù chỉ là “đối tác đối thoại” tức không nằm trong số 18 nước chính thức dự Diễn đàn) và khi không được như ý, thì đập bàn, kéo cả đoàn ra về. Chủ nhà sau đó họp báo, tổng thống của Nauru, ông Waqa cho rằng đại diện Trung Quốc “ngạo mạn”, “có thái độ cản trở cuộc họp trong nhiều phút”.
Những câu chuyện tương tự chúng ta vẫn thường gặp. Tháng 9 này DN thành phố có cuộc làm việc dài với Cục xúc tiến TM Hồng Kông (HK). Tôi nhớ thuở HK chưa về với TQ, trong một tiệc trưa nhằm xúc tiến thương mại bình thường, đại diện HK đứng dậy tự giới thiệu tiềm năng để mời mọi người hợp tác.
Người đại diện khá trẻ, thái độ khoáng đạt, cởi mở và nói ngắn gọn. Nhưng bỗng, một chiếc đũa từ đâu ném thẳng về phía anh và ngay sau đó là ý kiến giận dữ của vị quan chức đại diện Trung Quốc, rằng sao Hong Kong không thưa gửi và nói tới “Mainland” cho đúng phép? Ai nấy chưng hửng, còn anh đại diện Hong Kong thì bình tĩnh, cười cười nhẫn nhịn…
Ngay tại những diễn đàn khoa học, Trung Quốc cũng có lý lẽ đúng sai riêng. Chuyên gia về biến đổi khí hậu, tiến sĩ Lê Anh Tuấn vừa đi dự một hội thảo do CSIRO của Úc tổ chức (mà diễn ra tại tỉnh Vân Nam, TQ) về “học thuyết mới về biến đổi khí hậu”. Ông trình bày tại hội thảo về hiện tượng thiên nhiên như mùa nước lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, thực tế thì người dân xem đó là chuyện bình thường, miễn biết rõ nguyên nhân là có giải pháp thích ứng.
Sau đó, ban tổ chức cho ông Tuấn biết: một số nhân vật của Trung Quốc nói thẳng là “Văn hóa Trung Quốc không chấp nhận nước nhỏ dạy khôn nước lớn”. Và khi nói đến “nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân nhả khói gây nguy hại môi trường” thì người Trung Quốc nói lý lẽ riêng, họ “xem đó là chuyện bình thường”!
Nhưng ngay cả khi kiểu cư xử trên có xảy ra thường xuyên, ta cũng không thể phủ nhận một thực tế, Trung Quốc đang phát triển về kinh tế và công nghệ rất ấn tượng và đáng nể. Tôi thích thú cách nói hài hước mà không kém phần sâu sắc của bạn Dương Ngọc Thái, chuyên gia về an ninh mạng của Google:
“Trong lúc chúng ta tranh cãi liệu Trấn Thành sau khi bị đài Vĩnh Long cắt hợp đồng có quyền được xài WiFi khi uống trà sữa Phúc Long nữa hay không, thì Trung Quốc đưa người lên trạm vũ trụ do chính họ xây dựng. Trong lúc chúng ta tranh cãi về chuyện ‘giáo sư mặc quần đùi’ thì Trung Quốc trở thành tâm điểm sáng tạo công nghệ thế giới, đến Silicon Valley còn phải bắt chước”.
Thế mới biết, văn hóa tôn trọng người khác, nước khác, không phụ thuộc nước lớn hay nhỏ. Một doanh nhân đang hợp tác đầu tư với TQ nói vui: “thấy cũng bực mà thôi cũng kệ, thị trường họ lớn quá”.
Tôi biết nhiều doanh nhân chọn “thái độ phớt lờ thái độ”, dù đôi khi biết mình bị khinh miệt, áp chế. Muốn làm ăn thành công với họ, thì phải hiểu họ. Nhất là cần tìm hiểu thật cặn kẽ, làm sao, và bằng cách nào họ huy động, họ tổ chức các nguồn lực để đạt những thành tựu đáng nể cả về kinh tế lẫn công nghệ như thế?
Và quan trọng hơn nữa là cần hiểu rõ mục tiêu, động cơ, ý đồ rất sâu xa, bền bĩ (có khi bền trăm năm, ngàn năm?) của họ. Hiểu họ thì mới mong có đối sách phù hợp với họ và hai bên cùng có lợi.