4-9-2018
Những sự trùng hợp, dù hoàn toàn ngẫu nhiên, cũng dễ khiến sự liên tưởng bật ra so sánh.
Ngày 2-9-1945, tại Hà Nội, Hồ Chủ Tịch đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hàng chục vạn quần chúng lao khổ đã ngẩng mặt kiêu hãnh đón nhận vị thế công dân một quốc gia độc lập vừa giành được từ tay đế quốc Nhật Bản. Kể từ đó, dù còn phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh khác, trong óc và trên môi người Việt vẫn không bao giờ vắng bóng những từ ngẩng đầu, kiêu hãnh, tự hào… Từ ngữ được lặp đi lặp lại hình thành nên một tâm thế, một tư duy bất biến, giàu tính lãng mạn anh hùng ca, giàu vẻ lấp lánh mơ ước, rất có lợi cho hứa hẹn, tuyên truyền nhưng pha không ít màu ảo tưởng hay chí ít cũng xa rời thực tế. Phần nào, cả dân tộc đã tự đặt mình vào quán tính lấy mục đích để mô tả thực tế.
Cũng ngày 2-9-1945, trên chiến hạm USS Missouri của Mỹ neo đậu trong vịnh Tokyo, tướng Umezu, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nhật Hoàng, có Ngoại trưởng Shigemitsu và nhiều thành viên nội các khác đứng nghiêm trang phía sau, đã cúi thấp người ký văn kiện đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện. Trước sự chứng kiến của hàng loạt tướng lĩnh Đồng Minh, gồm: Đô đốc Nimitz của Mỹ, Tướng Xu Yongchang của Quốc Dân Đảng Trung Quốc, Đô đốc Fraster của Anh, Trung tướng Derevyanko của Liên Xô, Trung tướng Blamey của Úc, Thiếu tướng de Hauteclocque của Pháp, Phó Nguyên soái Isitt của New Zealand và nhiều sĩ quan cao cấp của một số quốc gia Đồng Minh khác…, Thống Tướng McArthur, Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã trịnh trọng đọc lời chấp thuận cho Nhật đầu hàng. Kể từ hôm đó, từ vị thế một đế quốc hùng mạnh, làm mưa làm gió khắp Châu Á, nước Nhật đã phải khép mình sống lệ thuộc dưới chính sách hậu chiến McArthur. Đầu họ cúi thấp, lưng họ khom xuống, như dáng dấp của người đại diện, tướng Umezu, khi cúi xuống ký văn kiện đầu hàng, trong khi trước mặt ông là viên tướng 5 sao của phe chiến thắng đứng chắp tay sau lưng ngạo nghễ.
Nhưng trái tim họ vẫn trỗi lên những nhịp đập mạnh mẽ. Người Nhật chấp nhận vị thế chiến bại, nuốt trái đắng thua cuộc vào lòng để làm lại từ đầu. Và họ đứng dậy. Chỉ 15 năm sau, từ hoang tàn, đổ nát và kiệt quệ, họ đã vượt lên thành một quốc gia công nghiệp phát triển. Miền Nam Việt Nam, nửa quốc gia chiến thắng, đã vui mừng, hồ hởi đón nhận những khoản viện trợ thay cho bồi thường chiến phí từ kẻ chiến bại năm nào. Nhà máy thủy điện Đa Nhim, Bệnh viện Chợ Rẫy, công trình Thủy lợi Kênh Nam, Kênh Bắc (thường gọi chung là mương Nhật) ở cả Bắc và Nam tỉnh Ninh Thuận… đều được Nhật giúp xây dựng từ thập niên 1960, đến nay vẫn phát huy tác dụng và không thể thay thế.
Bây giờ, sau 73 năm, Việt Nam huy hoàng vẫn là quốc gia nhận nhiều nhất Viện trợ không hoàn lại, Viện trợ phát triển từ Nhật Bản, quốc gia chiến bại có bầu trời u ám, con người cúi đầu trong ngày chúng ta đang ngẩng đầu mơ bầu trời sáng lạn.
Hãy nhìn nhận cho đúng, sòng phẳng và nghiêm túc. Khi nói về thực tế chậm phát triển, lạc hậu lâu dài của Việt Nam xin đừng đổ lỗi cho những cuộc chiến tranh, dù nó là sự thật lịch sử. Bởi lẽ, chiến tranh thật sự đã lùi xa đất nước chúng ta những 43 năm (1975-2018), gấp 3 lần khoảng thời gian Nhật Bản từ tro tàn thảm bại vươn mình thành một cường quốc kinh tế (1945-1960), và sau đó tiến như vũ bão. Phải thừa nhận, cái khác cơ bản chính là cái khác tâm thế giữa con người hai dân tộc. Người Nhật biết nhún mình, cúi đầu để chìa tay cùng bè bạn, thậm chí cùng cựu thù ở bên ngoài, nhưng bên trong là niềm kiêu hãnh, tự tôn, là ý chí vượt lên chính mình trong những cố gắng khiêm tốn chưa bao giờ nguôi tắt. Còn người Việt, chúng ta quá quen với sự cao ngạo chiến thắng, kiêu hãnh ngẩng đầu với những chiến tích, thật ra chỉ để khỏa lấp mặc cảm tự ti, một tâm thế dân tộc dễ bị tổn thương, dễ nảy sinh hoang mang đố kỵ từ trong sâu thẳm. Ta tự kìm hãm ta vì mặc cảm bé nhỏ, luôn tự đặt mình vào vị thế đáng thương của một nạn nhân, dù là nạn nhân đã giành chiến thắng. Kẻ thiếu tự tin ưa mơ ước nhỏ nhoi, thiển cận, thường dễ sa vào những hành vi nhỏ nhen, không minh bạch.
Tôi sẽ không so sánh sự khác biệt trong ý thức hệ và cấu trúc chính trị của hai quốc gia để lấy đó làm nguyên nhân giải thích sự phát triển hay tụt hậu. Và nếu có, điều đó sẽ được phân tích trong một phản biện khác. Bởi lẽ, dù phát triển vượt bậc, trong nhiều thập niên sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nền chính trị Nhật Bản vẫn đầy rẫy những biến động. Cùng với Thái Lan, một quốc gia yên bình không bị cuốn vào bất kỳ cuộc chiến tranh nào trong thế kỷ XX, Nhật Bản là quốc gia châu Á thay đổi nội các nhiều nhất, luôn xoành xoạch. Thực trạng này chỉ thật sự lắng lại, ổn định hơn khi chạm ngõ thế kỷ XXI, nghĩa là kéo dài liên tục hơn 50 năm. Đã có những thời điểm, nội các nước Nhật bị chi phối bởi cả chính sách hậu chiến McArthur lẫn sự thao túng của các tập đoàn tội phạm Yakuza. Nhưng ngay cả trong những giai đoạn đó, người Nhật công dân vẫn luôn nhìn về một hướng. Họ vẫn mạnh mẽ trong khiêm tốn để góp sức tái thiết và phát triển đất nước mình.
Còn Việt Nam, nhất là từ sau 1975, cho dù đã hoàn toàn thống nhất, đã có một thể chế chính trị đồng nhất, một con đường chính trị duy nhất thì lòng người vẫn hoang mang, ly tán. Con đường xây dựng và phát triển lấp ló quá nhiều ngã rẽ đi ngang về tắt, dẫn vào ngõ cụt; cũng nảy nở quá nhiều những khúc quanh của lòng tham quyền lực. Người Việt cò con, ỷ lại, cam chịu, tự dối mình và ưa níu chân người khác. Sự thống nhất bên ngoài đang che đậy – nhưng không che kín được – cho sự hỗn loạn bên trong lòng người. Xã hội Việt Nam là một khối chuyển động Brown khổng lồ với hành vi cá nhân, mục đích cá nhân không quỹ đạo và mất kiểm soát, kéo dài hàng nhiều thập kỷ.
Cái người Nhật có, để phát triển, là tinh thần quốc dân trong mỗi công dân, được đặt trong tinh thần xã hội pháp trị từ thời Minh Trị. Tinh thần quốc dân được xây dựng và phát triển dựa trên niềm tin vào con ngươi, sự tự trọng, tự giác, tinh thần ái quốc, ý thức trách nhiệm. Nó được bảo đảm và giáo dục để phát huy dựa trên nền tảng thượng tôn luật pháp. Giáo dục tinh thần quốc dân trước hết là giáo dục và khơi dậy lòng tự trọng trong,trách nhiệm của mỗi cá nhân, trong đời sống lao động và giao tiếp hàng ngày.
Say sưa với những hào quang quá khứ, Việt Nam mất quá nhiều thời gian để hướng nền giáo dục tới những niềm tự hào, niềm kiêu hãnh nặng tính khẩu hiệu, bỏ qua sự cần thiết bắt buộc giáo dục lòng tự trọng và ý thức trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm công dân. Chúng ta lấy mục đích đẹp đẽ, hào nhoáng thay cho phương pháp kỷ luật, nề nếp cần phải có. Nhiều thế hệ người Việt đã trở nên ảo tưởng và kiêu ngạo. Mục đích sống tử tế, cống hiến bằng sự cố gắng và nhẫn nại bị bẻ lệch thành mục đích tìm kiếm sự kiêu ngạo, từ vật chất và quyền lực. Xã hội thiếu ý thức công dân trở nên yếu ớt, thiếu sức đề kháng, co rúm mình trước những tác động từ sự thay đổi của thế giới quanh ta, dẫn đến nhìn đâu cũng chỉ thấy nguy cơ và đối thủ, nếu không nói là kẻ thù.
Xã hội Việt Nam tụt hậu về mọi mặt vì thiếu hẳn tinh thần quốc dân, nhất là ở giai đoạn mở cửa, ý thức cá nhân lên ngôi. Không nhận ra chân ngọn, Việt Nam đang loay hoay chống đỡ sự băng hoại, sự thua kém bằng cách thỏa hiệp, từ thỏa hiệp cá nhân đến thỏa hiệp quốc gia. Chúng ta không xác định được đúng vị thế của cá nhân lẫn vị thế dân tộc – quốc gia ở đâu cả. Thiếu ý thức công dân và tinh thần quốc dân, từ một dân tộc kiên cường trong chiến tranh, chúng ta đang tự biến thành một dân tộc bạc nhược, dễ tổn thương giữa thời bình.
Muốn thay đổi, không còn cách nào khác, chúng ta cần khiêm tốn và can đảm xác định lại: chúng ta chỉ mới ở ngay vạch xuất phát. Đừng quá ảo tưởng tụng ca những thành tựu không bền vững. Cái cần nhất phải là giáo dục ý thức thượng tôn luật pháp trong mỗi công dân, để từ đó khơi dậy và củng cố tinh thần quốc dân cho toàn xã hội.
Bất kỳ công dân một quốc gia nào, dù thiên kiến chính trị có khác nhau, cũng mong được nghĩ về ngày độc lập, ngày quốc khánh đất nước mình với một niềm tự hào, tin tưởng. Tôi cũng thế. Nhưng tôi đã phải nhìn rõ thực tế: trước, trong và sau kỳ nghĩ lễ Quốc khánh, xã hội đã có quá nhiều chuẩn bị âu lo để đối phó với những điều có thể xảy ra mà không đáng, không thể tự hào. Sau 73 năm có ngày độc lập, chúng ta đã thật sự để tuột mất một cơ hội cho tinh thần thần quốc dân đáng tự hào trỗi dậy. Chúng ta phải hoài nghi, cảnh giác ngay cả với nhân dân mình.
Một quốc gia sau hơn bảy thập kỷ vẫn chưa xây dựng được nền móng tinh thần quốc dân cho nhân dân mình thì khoan mơ tưởng sẽ xây dựng thành công một công trình kỳ vĩ nào khác.
Lẽ ra, tôi đã viết bài này trước ngày quốc khánh. Nhưng, là một công dân, tôi ý thức rõ: chính trị xã hội con nhiều điều nhạy cảm. Tôi không muốn bài viết chuyển tải ý kiến nặng lòng, góc nhìn tâm huyết cuả cá nhân tôi có thể tạo nên một vết mẩn ngứa, dù nhỏ, trên cơ thể xã hội vốn đã quá mẫn cảm với sự bất ổn. Dằn mong ước sớm được chia sẻ suy nghĩ của mình với cộng đồng cho thời điểm thích hợp hơn, ổn định hơn, đó cũng là cách tôi thể hiện tinh thần quốc dân trong cá nhân tôi. Tinh thần quốc dân ấy vẫn luôn đầy ắp, chưa bao giờ bị lãng quên hay chịu sự chi phối nào, ngoài ý thức trách nhiệm với bản thân, cộng đồng và rộng hơn, với xã hội và đất nước mà tôi yêu quý.
Nac danh viết comment hay quá, rất khâm phục!
– “Tôi sẽ không so sánh sự khác biệt trong ý thức hệ và cấu trúc chính trị của hai quốc gia để lấy đó làm nguyên nhân giải thích sự phát triển hay tụt hậu”.
Không so sánh, vậy mà tác gỉả đã đòi người VN phải có “tinh thần quốc dân” như người Nhật?
Theo tôi, đã là người VN là phải biết: “muốn xây dựng CNXH, phải có con người mới XHCN”, và muốn sống, thì phải học tập “tấm gương đạo đức, tác phong của HCM”.
Đấy là nền móng “tinh thần quốc dân” của nhân dân VN mà ĐCSVN mong muốn, nó phải khác, không được phép giống cái “tinh thần quốc dân” của người Nhật.
Ậy, nếu so sánh thì lấy lý do gì để yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh nữa bây giờ!
Nguyễn Hàm Lông, lộn, Làm Hông, cũng như nhiều trí thức nhà ta, còn yêu Bác Hồ lắm lắm lun