2-9-2018
Nhược điểm của Sách Công nghệ giáo dục không thuộc nội dung bài viết này. Trước khi nói về nhược điểm của nó, tôi thấy cấp thiết phải nói đến những ngộ nhận về Chương trình Công nghệ giáo dục theo tư tưởng Hồ Ngọc Đại. Những người chửi bới ầm ĩ về sách công nghệ giáo dục rõ ràng không biết gì nhưng tỏ ra biết tuốt một cách đáng ngại.
1) Việc ứng dụng sách công nghệ giáo dục hiện nay không là cải cách mà là “cải lùi”. Tôi gọi là cải lùi theo nghĩa sách Hồ Ngọc Đại không mới, nó đã thực nghiệm từ năm 1978 ở Giảng Võ rồi thành một hệ thống trường thực nghiệm trên toàn quốc. Chương trình này có nhiều thành tựu không thể phủ nhận. Nhiều học sinh thành đạt từ học chương trình này mà ra. Nói nó độc hại, nguy hiểm thì hỏi Ngô Bảo Châu, kể cả con tôi cũng học chương trình này và đang du học từ học bổng của chính phủ Pháp. Đừng nói chúng ngu nên bị đẩy sang nước tư bản để học!
Người đố kỵ với Hồ Ngọc Đại và đòi loại bỏ chương trình này đầu tiên chính là giáo sư Viện Ma học, nguyên Bộ trưởng Phạm Minh Hạc. Chương trình thực nghiệm gần như chính thức khai tử từ cuộc cải cách năm 2000, gọi là Chương trình 2000 (đang thực hiện cho đến nay).
Việc quay lại Chương trình thực nghiệm Hồ Ngọc Đại, theo tôi, có khuất tất nào đó là do giới lãnh đạo đã hết đường cải cách, đành quay lại Chương trình Thực nghiệm để đẻ ra thêm dự án và buôn bán sách. Nhưng đó là chuyện khác.
2) Khái niệm “công nghệ” ở đây không đồng nghĩa thô thiển với sự sản xuất con người hàng loạt như sản xuất công nghiệp. Trong hai quyển sách: Công nghệ giáo dục, Cái và cách, Hồ Ngọc Đại có đưa ra tư tưởng “công nghệ hóa giáo dục”, nhưng chỉ là tinh thần thúc đẩy sự vận động của giáo dục từ lạc hậu đến tiên tiến, hiện đại. Giống như ta từng đi xe bò nay tiến đến đi ô tô rồi máy bay, tốc độ học ngày nay phải nhanh hơn ngày xưa từng học theo lối học thủ công, chữ nào biết chữ nấy. Và như vậy, điều quan trọng của giáo dục không phải dạy gì biết nấy mà phải cải tiến phương pháp, tìm ra cách dạy như thế nào để người học có thể tự học, tự sáng tạo được.
Ở phạm vi học vần, cách dạy nửa đọc chữ nửa đánh vần như trước đây đúng là học chữ nào biết chữ nấy. Chẳng hạn, chữ “ngay” đánh vần là “en nờ rê a i cà rết ay là ngay” thì đến chữ khác, bố học sinh không thể tự đọc được. Không thể ghép tên chữ mà thành âm được. Âm thì phải đọc theo kí âm: “ngờ ay ngay”. Với phương thức ghép âm, học sinh chỉ cần nắm những âm căn bản, đến những chữ tương tự, học sinh tự đọc được mà không cần phát âm mẫu. Sự thực, con tôi khi học khoảng ba trang đầu của sách công nghệ, các trang sau nó đã tự ghép vần được, trừ số ít những âm khó chưa gặp.
3) Không có chuyện học chữ trước âm sau hoặc âm trước chữ sau như nhiều người chỉ trích. Phải nói thẳng rằng, trẻ vào lớp Một là học chữ, bởi trước khi biết chữ trẻ em đã biết nói. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là trẻ em toàn là câm điếc, chỉ cần nhận diện mặt chữ, không cần học âm. Dù chữ và âm là hai phạm trù khác biệt, nhưng khi học chữ, trẻ em phải biết âm của cái chữ đó là gì, đọc như thế nào. Chữ đó phải đọc âm đó là một quy ước, cho nên phải kết hợp cả hai: đọc đúng và viết đúng.
Ở đây xuất hiện hai vấn đề. 1) Bắt trẻ em phân biệt âm và chữ như nhà âm vị học là quá sức đối với chúng, nhưng sự phân biệt đơn giản là cần thiết. 2) Tham vọng đánh vần đúng để viết chính tả đúng là bất khả. Bởi sự thực đánh vần đúng vẫn viết sai và ngược lại.
Chính tả thuộc nhận diện hình ảnh, phải tập luyện viết nhiều thành kỹ năng chứ không phải do phát âm hay cách đánh vần nào.
Tôi thấy nhiều người viết một câu sai cả mấy lỗi chính tả nhưng vẫn cứ tự hào, rằng tao học cách cũ nên tao không sai!
Việc không phân biệt Âm và Chữ không thuộc sách Công nghệ giáo dục. Tất cả các chữ cái đều đọc theo âm C (cờ), L (lờ), M (mờ), V (vờ)… là do sách chính thống của Bộ Giáo dục từ thời bình dân học vụ, kể cả lẫn lộn khi gọi tên chữ khi đọc theo âm trong đánh vần là lỗi của sách giáo khoa hiện hành (Chương trình 2000).
Do phân biệt Âm và Chữ, nên chương trình Công nghệ giáo dục không có chỗ nào đòi cải cách chữ viết. Khi người ta đã phân biệt rõ Chữ và Âm thì cái lý nào nói Hồ Ngọc Đại đòi cải cách chữ viết như Bùi Hiền khi trong sách Công nghệ giáo dục mặt chữ vẫn nguyên như thế, trừ người mù chỉ nghe âm rồi đoán mò cái chữ rồi bảo sai?
4) Hồ Ngọc Đại là nhà tư tưởng với chủ trương cải cách giáo dục mạnh mẽ để vươn đến tiên tiến, hiện đại ngay từ sau 1975. Ông chỉ là nhà giáo dục học, không phải nhà âm vị học, cho nên từ tư tưởng của ông đến hiện thực hóa thành sách giáo khoa là cả một khoảng cách. Những sai lầm, những tham vọng và cả sự duy ý chí mà những người làm sách giáo khoa đã mắc phải, theo tôi, nằm ngoài tầm kiểm soát của ông, vì đó không thuộc chuyên môn sâu của ông!
5) Hồ Ngọc Đại trả lời báo chí, rằng cách học vần của chương trình Công nghệ giáo dục có thể giúp cho học sinh học nhanh trong nhà trường và có thể tự học được ở nhà mà không cần phụ huynh kèm cặp. Điều đó không đồng nghĩa với việc ông chủ trương tách nhà trường khỏi gia đình. Việc gắn nhà trường với gia đình thuộc các vấn đề văn hóa, đạo đức chứ không thuộc tri thức chuyên môn. Xin lỗi ai chỉ trích vào điều này, rằng, về mặt tri thức chuyên môn, phụ huynh nào có tham vọng cái gì mình cũng biết và có thể dạy được cho con em mình để chúng thành đạt thì đó chỉ có thể là bậc thánh… nói phét! Tôi thú nhận, dù là tiến sĩ, nhưng nhiều tri thức phổ thông hiện nay, tôi không thể dạy con tôi được. Còn sự tham lam cải cách với chương trình quá tải và ngày càng khó như học đại học lại là chuyện khác.
Chưa đọc, chưa tiếp cận Hồ Ngọc Đại, kể cả chẳng biết gì về khoa học ngữ âm, rồi phán như thánh phán thì cứ như anh mù cầm gậy bạ đâu phang đấy. Lại bảo Hồ Ngọc Đại độc hại hơn Bùi Hiền cần phải tẩy chay, lên án thì chiếc gậy kia đã trở thành chiếc gậy côn đồ tiếp tay cho quyền lực và bọn buôn gian bán lận trong giáo dục.
_____
Bài tiếp theo: Đoạn tính/phi đoạn tính và những cách đánh vần trong lịch sử dạy chữ quốc ngữ.