28-8-2018
Trước năm 1975, trong trường học ở miền Nam không có bán sách giáo khoa. Ở cấp Tiểu học thì phát không và sách thì học cả mấy đời từ đời anh chị đến đời em, năm nào dùng cũng được. Hồi nhỏ, tui mê nhất là sách Lịch sử, vẽ minh hoạ rất đẹp dù hồi đó sách in chữ chì và hình thì làm cliché. Chỉ hai màu đen trắng nhưng rất có hồn, nhân vật thần thái, cá tính đều được bộc lộ rõ nét.
Tui còn nhớ rất rõ là hình nào cũng cái dấu Cliché Dau bên cạnh. Tui mê nhất là hình Hai Bà Trưng cỡi voi diệt quân Tô Định, hình Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt, hình Hưng Đạo Vương cỡi thuyền đuổi quân Nguyên, Mông. Nhưng hình tui khoái nhất cho đến bây giờ vẫn còn khoái là hình Trần Bình Trọng với câu nói bất hủ: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Chính những bức hình đó khiến tui yêu và nhớ lịch sử. Mê hình vẽ, tui thường lấy đèn cầy tô lên hình rồi lấy giấy đè lên cào cho hình hình in qua giấy. Một kiểu scan cổ điển. Đã hơn 60 năm rồi mà vẫn không quên. Lên đến Trung học đệ nhất và đệ nhị cấp thì sách giáo khoa ai muốn mua sách nào thì mua, thường thì do giáo sư phụ trách môn học hướng dẫn nhưng cũng không bắt buộc.
Các nhà làm sách tư nhân in sách thường cộng tác với các giáo sư nổi tiếng để sách bán chạy hơn. Bộ Giáo Dục có Trung tâm Học liệu, cũng có in một số sách giáo khoa theo chương trình và rất nhiều sách nghiên cứu, tham khảo có giá trị. Sách in giấy tốt, trắng phau, bìa đẹp và trang nhã. Học sinh tự chọn sách giáo khoa cho mình, nhà trường ít khi tham gia vào công việc này.
Sau năm 1975, rất nhiều năm sau đó, sách giáo khoa được cho học sinh mượn học trong năm, cuối năm lại trả. Những năm đấy, thư viện nhà trường là nơi thực hiện công việc này và đó cũng là công việc bận rộn cuối năm của giáo viên chủ nhiệm. Sách giáo khoa trong thời kỳ này in trên giấy rơm tái chế đen xì, hình ảnh lại xấu tệ, thiếu hẳn tính sư phạm dành cho sách giáo khoa. Do vậy, chẳng gây ấn tượng gì cho học sinh.
Mấy chục năm gần đây, sách giáo khoa không còn cho mượn không nữa mà bán cho học sinh. Cứ đầu năm học, mỗi học sinh lại mua một bộ sách giáo khoa . Gia đình nào có vài đứa con đi học là mỗi đầu năm học phải méo mặt. Nhà xuất bản Giáo dục, cơ quan duy nhất của nhà nước độc quyền in sách giáo khoa năm nào cũng than lỗ!!!! Tui dính với nghề làm sách từ những năm 70 của thế kỷ trước, tui hiểu rất rõ nghề này là nghề siêu lợi nhuận. Không kể đến những nhà xuất bản sách trước 75 vang bóng một thời, giờ đã tắt thở hết rồi. Tui chỉ nói đến những nhà làm sách tư nhân sau 75. Dù họ không trực tiếp điều hành một nhà xuất bản tư nhân như xưa vì luật pháp không cho phép, nhưng mặc dù họ dựa vào các nhà xuất bản nhà nước, cùng nhau liên kết, họ vẫn thu lợi nhuận rất cao. Xuất thân từ tay trắng, bây giờ tất cả đều là tỷ tỷ phú cả, dù số lượng in cho mỗi đầu sách chỉ đôi ba ngàn. Còn nhà xuất bản Giáo Dục, họ in hàng triệu bản, bao trọn từ mẫu giáo cho đến lớp 12 và cả sách hướng dẫn thi đại học. Con số lời kinh khủng, siêu lợi nhuận. Họ giàu kinh khủng, thu lợi khủng khiếp.
Bởi vậy, mỗi năm họ sửa một chút, chỉnh lý một chút, thay đổi một chút nên học sinh không thể sử dụng sách của năm trước, bắt buộc phải mua sách mới và họ ung dung đếm tiền. Một nước nghèo như xứ Việt ta, mỗi năm tốn hàng hàng ngàn, hàng trăm tỷ cho sách giáo khoa, phi lý quá. Học trò như những con chuột bạch trong phòng thí nghiệm, năm này học kiểu này, năm sau học kiểu khác. Tất cả những sự đổi thay không vì để đưa nền giáo dục khá hơn mà thật sự chỉ loanh quanh vì những đồng tiền. Hàng trăm tỷ cho dự án chỉnh lý. Hàng trăm tỷ cho dự án nghiên cứu. Hàng trăm tỷ nữa cho thay sách giáo khoa. Hàng chục tỷ cho các lớp tập huấn. Học trò và phụ huynh cứ chạy như đèn cù. Bây giờ, cha mẹ về nhà không cách gì kềm cặp, hướng dẫn con học được nữa vì nhìn vào cách đọc, cách giải, cách dạy bây giờ, cha mẹ có giỏi mấy cũng đầu hàng bởi nhìn vào lạ hoắc, mới nghe, mới thấy lần đầu, thôi thì cũng đành cho con đi học thêm ở nhà thầy cô giáo. Chứ không lẽ cha mẹ lại phải đi học lại để về dạy lại con.
Hàng năm, số sách giáo khoa năm cũ không còn giá trị lên đến hàng trăm, hàng ngàn tấn phải phế bỏ. Một sự lãng phí đến vô cùng và cũng phi lý đến vô cùng.
Công ty sách thiết bị trường học độc quyền phát hành sách giáo khoa, bán giá trên trời không ai kiểm tra kiểm soát. Trong khi giáo viên lên lớp lương không đủ ăn thì cũng là giáo viên nhưng lọt được vào cty sách thiết bị trường học thì đời sống như các ông quan doanh nghiệp. Còn nhớ tầm năm 1986, cty sách thiết bị phát động trong ngành giáo dục thu sách cũ để làm sách mới và hứa sẽ phát sách cho học sinh. Trường học phải làm theo lệnh trên thu hồi sách cũ cho học sinh rồi thuê xe chở đến cty sách nhưng mãi đến nay cty sách thiết bị làm gì cũng chẳng ai biết! Và học sinh cũng chẳng nhận lại sách mới. Chắc đã vào túi mấy ông cty sách thiết bị trường học rồi!