Báo chí ruồi nhặng

FB Hoàng Hải Vân

25-8-2018

Nói vậy cũng oan cho đám ruồi nhặng, vì trong thiên nhiên chúng vốn là loài sinh vật hữu ích giúp phân hóa nhanh xác động vật và chất hữu cơ làm sạch môi trường, việc mang vi khuẩn vi trùng gây hại cho con người chỉ là hành vi chúng không cố ý. Chỉ tạm mượn danh ruồi nhặng để chỉ đám báo chí này vì bọn họ đông, bẩn và gây hại cho xã hội.

Lợi dụng triệt để quyền tự do báo chí được mở thêm vài cánh cửa, những đám đông các nhà báo câu kết nối đuôi nhau biến thành những kẻ tống tiền không còn là hiện tượng cá biệt trong xã hội nữa. Tờ Nhà báo & Công luận từng phản ánh, tại một nhà dân xây sai với cái lỗi “bé như mắt muỗi”, đã có tới 70 ông phóng viên mò tới, một người dân đã phải tiếp tới 182 nhà báo chỉ vì công trình xây dựng của ông dám “lòi” thêm một cái tum. Những chuyện như thế đã thành bình thường của nền báo chí cách mạng.

Đã có rất ít những cuộc điều tra riêng độc lập của báo chí về tình trạng tiêu cực mà cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm khi phản ánh. Họ thường đưa tin “rò rỉ” hoặc công khai từ các cuộc kiểm tra thanh tra của các cơ quan chức năng, tự coi đó là những “phát hiện” của mình và thêm mắm dặm muối.

Nhiều cuộc kiểm tra của quản lý thị trường, của cơ quan bảo vệ an toàn thực phẩm không biết tự bao giờ đã kéo theo từng bầy từng đàn phóng viên. Họ “tiên phong” đưa tin kết án trước, bất chấp đúng sai. Kết luận đúng thì là công của báo chí, kết luận sai là lỗi của cơ quan chức năng. Trong trường hợp cơ quan chức năng trở thành công cụ phục vụ cho sự cạnh tranh không lành mạnh của các nhóm lợi ích, báo chí cũng trở thành công cụ “phái sinh”.

Xung quanh các “đại gia” đứng đầu các tập đoàn kinh tế lớn bao giờ cũng được nhiều nhà báo “có số má” hậu thuẫn. Tôi không đánh giá thấp các đại gia và các nhà báo này. Trong bối cảnh báo chí luôn luôn có nguy cơ biến thành ruồi nhặng, các tập đoàn kinh tế lớn phải biết cách tự vệ, họ không thể để một “cái tum” của mình lòi ra liền bị 182 nhà báo bâu vào xâu xé như trường hợp của người dân nói trên. Và không phải ai trong số các nhà báo “có số má” kia cũng bảo vệ các đại gia bất chấp sai đúng. Có nhiều người “ăn tiền” để làm công cụ, nhưng cũng có không ít người chỉ hậu thuẫn một cách vô tư việc làm ăn chân chính và nhất định không vì tiền mà bẻ cong ngòi bút. Ở đây sự thể trở nên rất phức tạp. Để xua đuổi đám ruồi nhặng kia, một mặt các đại gia phải “dùng độc trị độc”, nghĩa là nhờ các nhà báo “có số má” để bảo vệ cái đúng của mình, mặt khác họ phải “mượn tay” những người có thế lực quản lý truyền thông để dập tắt đám ruồi nhặng. Và đã nảy sinh vấn đề : nhiều cái sai tày đình của một số đại gia vẫn không được báo chí đề cập. Ruồi nhặng cũng bị dập mà tiếng nói chính trực cũng bị dập. Đây chính là hậu quả của một nền báo chí tự do “không đầy đủ”, nếu không muốn nói là tự do báo chí nửa vời.

Các nhà báo mới vào nghề không nên ảo tưởng về sứ mệnh của báo chí, dù báo chí tự do hay báo chí bị quản lý. Phong trào tự do báo chí đỉnh cao ở miền Nam thời Việt Nam cộng hòa trước đây chỉ là phong trào “ký giả đi ăn mày”. Alexis de Tocqueville, tác giả cuốn sách bất hủ “Nền Dân trị Mỹ” là người không có nhiều thiện cảm với báo chí, ông không tin mấy vào những điều tốt mà báo chí mang lại, nhưng ông tin vào việc nhờ báo chí mà những người bất hạnh nhất trong xã hội được cộng đồng biết đến để cưu mang, để không bị bỏ rơi, và ông gọi báo chí là công cụ dân chủ hàng đầu của tự do.

Trong nền kinh tế thị trường, chính sự cạnh tranh của thị trường sẽ biến người thợ trở thành lương thiện. Còn trong nền báo chí thiếu cạnh tranh, nhà báo không có sức ép nào để buộc phải lương thiện. Họ phải tự mình trở thành lương thiện. Bởi vậy mà ruồi nhặng thì đông, còn nhà báo lương thiện có được bao nhiêu thì rất khó nói.

Bình Luận từ Facebook