Vấn đề không phải thoát khỏi China, càng không phải là chống lại China

FB Lê Trung Tĩnh

23-8-2018

Tôi đến thăm đền Thomas Jefferson khoảng 7h sáng sớm một ngày cuối tuần bằng xe đạp, đi qua các cây cầu đá bắt qua các dòng sông nhỏ để vào khu tưởng niệm. Tiếc là bấy giờ đã vào giữa hè, vì khi đầu mùa xuân hoa đào quanh đây nở rộ, hồng đến nao lòng. Cũng nói thêm cho những người muốn đi dạo DC rằng xe đạp là một lựa chọn kinh tế và thú vị. Khoảng chừng dưới 10 USD là các bạn có thể dùng xe đạp thoải mái, và nên vậy, vì dù đã đi bộ chạy bộ khắp nơi, tôi thấy không nên làm khổ đôi chân mình quá đáng ở DC, nơi công trình nào cũng to lớn và cách khá xa nhau.

Đền tưởng niệm Thomas Jefferson, người viết tuyên ngôn độc lập và cũng là tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, nằm hơi lệch qua bên ngoài khu National Mall, khu tưởng niệm quốc gia của thủ đô Washington DC. Đền nằm soi bóng trên một hồ nước lớn, giáp ranh với dòng sông Potomac. Đền được xây dựng theo kiến trúc Tân Cổ điển (Neoclassical), cấu trúc chủ đạo hình tròn, mái cầu, bao quanh là một dãy cột cẩm thạch cao to một người ôm không hết. Bên trong đền, tượng Thomas Jefferson cao lừng lững chính giữa, 4 phía là những bức tường cao ghi lại những lời bất hủ của ông trong bản tuyên ngôn độc lập.

Dầu đến sớm, trước tôi đã có một đoàn khách China gồm những ông bà khá lớn tuổi đi dạo quanh đền, chụp hình, và chăm chú ngắm nghía những dòng chữ ghi trên những bức tường cao lớn bên trong đền. Trên bức tường phía Tây Nam là những dòng trích dẫn từ Tuyên ngôn độc lập Mỹ do Thomas Jefferson viết năm 1776, lượt dịch trích đoạn qua tiếng Việt như sau:

“Chúng ta cho rằng những sự thật sau là hiển nhiên, rằng tất cả mọi người đều được tạo ra bình đẳng, rằng họ được ưu ái bởi Đấng Tạo Hóa bằng những quyền không thể thay đổi được, trong số đó có quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc, để đảm bảo các quyền này các chính quyền đã được con người tạo dựng nên. Chúng tôi … long trọng công bố và tuyên bố rằng những thuộc địa này có quyền và phải là các quốc gia tự do và độc lập…”

Các bức tường khác cũng ghi những lời khá tương tự trích từ những văn bản bất hủ khác, ca ngợi sự vĩ đại của Đấng Tạo Hóa trong việc xác lập các quyền tự do, mưu cầu hạnh phúc, tự do tín ngưỡng và bình đẳng giữa người với người như những người anh em.

Cũng như tôi, những du khách China chụp hình từng bức tường một và sau đó đứng nhìn, đọc chăm chú từng bức, và lặng yên suy nghĩ trong không khí tĩnh mịch và trong lành buổi sáng.

Sau khi xem hết các bức tường, tôi lặng lẽ nhìn ra ngoài, xa xa là dòng sông Potomac, tự nhiên suy nghĩ không biết những du khách China đó đang nghĩ gì. Tôi cũng không biết họ cảm nhận thế nào về Thượng Đế, về Đấng Tạo Hóa, về những quyền tự do, bình đẳng mà Đấng Tạo Hóa đã tạo lập và gìn giữ cho các người con của mình, những người- con-mang-tên-loài-người. Và không biết họ so sánh và dung hòa như thế nào vũ trụ quan phương Tây kể trên với cách giải thích từ nhiều nghìn năm nay, thậm chí có thể cho cả đến nay, của nước Trung Hoa nơi vua được gọi là con của Trời. Dưới vua hay giai tầng thống trị là biết bao thần dân, trong đó có lẽ có nhiều người trong số các du khách kia, với sứ mệnh duy nhất là tôn kính và phục tùng, ít nhất là về mặt chính trị.

Có lẽ tôi cũng không quan tâm đến những điều trên làm gì nếu không vì ở Việt Nam nhiều người đã và đang nhìn vào kiểu cách kể trên ở China một cách ngưỡng mộ. Những người này muốn hướng đến, hay áp dụng một cách tạm thời, cách thức của China để nâng dần mức sống và dân trí của người dân bị trị. Họ có thể cũng đã nhận ra, nhưng vẫn không chấp nhận, rằng khoảng cách, ít nhất về mức sống, giữa những người của tổ chức/đảng lãnh đạo cùng thận thuộc họ và biết bao người dân còn lại không giảm đi mà thậm chí còn tăng lên rất nhiều. Để rồi đến một lúc nào đó phương cách cai trị còn sót lại là áp đặt, đàn áp và áp dụng những phương pháp làm cho những người bị trị dễ bảo hơn.

Sẽ không có nâng dần lên hay giảm dần khoảng cách, nếu từng người trong chúng ta không có niềm tin vào con người, vào sự bình đẳng, vào khả năng, vào sự sáng tạo có được từ tự do của từng con người.

Giải quyết điều này là vấn đề của tất cả người Việt. Tuy nhiên trọng trách lớn nằm trong tay những người lãnh đạo, họ cần có sự dũng cảm và thẳng thắn. Là những người quyết định, họ không thể giải bài toán nếu đặt trên những nền tảng giá trị sai cùng với những mục đích không đúng. Và những nền tảng sai và mục đích sai đó kéo họ xa khỏi thế giới của nhân văn để đi vào quỹ đạo của sự lệ thuộc một cách tự nhiên vào China. Dầu họ có đi dây, có chơi với tất cả thể giới, có đối tác chiến lược và toàn diện với tất cả các nước khác.

Không nước nào có thể áp đặt cho Việt Nam bất cứ suy nghĩ hay cách thức nào nếu chúng ta tin yêu vào con người và sự quý giá của từng con người. Niềm tin đó trong một khuôn khổ luật pháp rõ ràng và nghiêm minh sẽ nâng từng con người lên, và cả đất nước lên.

Vấn đề không phải thoát khỏi China, càng không phải là chống lại China. Vấn đề là chúng ta có thể đi theo cách-của-chúng-ta, và người Việt hoàn toàn có thể và có nhiều điều kiện tốt để làm điều đó. Nếu muốn China có thể đi theo và đi cùng chúng ta, nhưng đó là lựa chọn của họ.

Tôi và các du khách China chụp giúp cho nhau vài tấm hình, bập bẹ với nhau vài câu vừa tiếng Hoa vừa tiếng Anh. Tôi chia sẻ kinh nghiệm đi xe đạp ở DC với họ, có lẽ họ không cần vì cả đoàn đi xe car một người lái. Nhưng biết đâu trong tương lai họ không muốn một chút tự do?

Sau khi chào chia tay nhau, tôi lại tiếp tục lên xe đạp rong ruổi thủ đô nước Mỹ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Vấn đề cấp bách hiện nay là CỨU NƯỚC trước tham vọng tìm “không gian
    sinh tồn” của chủ nghĩa bành trướng đại Hán núp dưới chiêu bài cùng chung
    ý thức hệ CS. ! Hãy lựa chọn VN.hay Trung Cộng,thưa anh Lê Trung Tính mà
    không nên mất thì giờ phân tích chữ nghĩa !

Comments are closed.