18-8-2018
Mấy hôm nay, tôi cứ bần thần mỗi khi nhìn thấy cái mũ bảo hiểm bị vỡ mà những kẻ bất nhân đã dùng để đập vào đầu cô Đoan Trang.
Cái mũ vỡ đó khiến tôi nhớ đến bức ảnh con gà mái ấp trứng trong cái mũ sắt vỡ của lính viễn chinh Pháp mà ba tôi cho xem hồi bé. Bức ảnh do phóng viên Đức Như, một đồng nghiệp của ba tôi ở Việt Nam Thông tấn xã chụp trong những năm 60 thế kỷ trước, trong một chuyến đi công tác ở nông thôn. Tôi rất mê bức ảnh đó, vì nó nói lên sự thất bại của bạo lực và sức mạnh của cuộc sống. Tôi lùng trên mạng để tìm lại. Tôi tưởng bức ảnh đó đã được giải thưởng nhiếp ảnh, vậy mà nay không còn lại dấu vết của nó.
Những bức ảnh mũ sắt mà google cung cấp cho tôi chỉ là những bằng chứng của chủ nghĩa phát xít đã bị chôn vùi. Duy nhất một bức ảnh của Alamy có hình con gà nằm trong cái mũ sắt, nhưng không phải bức ảnh của chú Đức Như tài hoa năm xưa.
Tình cờ tôi cũng đã tìm được một bài báo trên Tiền Phong nói về số phận của bức ảnh “con gà ấp trong mũ sắt” (1)
“Bức Gà ấp trứng của Đức Như, phóng viên ảnh Phân xã Nhiếp ảnh VNTTX cũng bị coi là ‘có vấn đề’. Ảnh chụp một con gà mái đang ấp trứng, ổ trứng đầy rơm trong cái mũ sắt của quân đội Pháp thua trận để lại. Tác giả thuyết trình rằng: Hình ảnh con gà và ổ trứng tượng trưng cho hòa bình chiến thắng, còn cái mũ sắt tượng trưng sự thất bại của quân xâm lược. Nhưng một số người quản lý văn nghệ và nghệ sĩ lại cho rằng bức ảnh có ý đồ ru ngủ, thỏa mãn với hòa bình, quên mất nhiệm vụ đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam v.v…” (Trích bài báo)
Hóa ra vì thế, bức ảnh con gà ấp trứng trong mũ sắt nổi tiếng, nói lên khát vọng yêu hòa bình của người Việt Nam đã biến mất khỏi mọi kho tư liệu nhiếp ảnh của nước nhà. Nếu được phổ biến ra thế giới, chắc chắn tác giả đã được giải thưởng lớn, chứ không phải ngồi kiểm điểm như ở ta.
Hậu quả của việc cấm bức ảnh đó 50 năm trước lại là chiếc mũ vỡ đập vào đầu một cô gái như Đoan Trang?
Cuộc tấn công đầy bạo lực của lực lượng an ninh vào một nhóm người dân đang nghe nhạc tối 15.08 tại Sài Gòn không phải là điều gì mới lạ ở Việt Nam. Cách hành xử bẩn của lực lượng công quyền khi thả người cũng không phải là lạ.
Lạ ở chỗ phản ứng của người Việt trước các hành động bạo lực nhân danh chính quyền đó. Khi một số nhân sỹ đăng bản tuyên bố “PHẢN ĐỐI CÔNG AN TPHCM KHỦNG BỐ NGƯỜI DÂN MỘT CÁCH PHI PHÁP ĐÊM 15/8/2018” thì có một bạn đọc sống ở Đức phát biểu như sau:
“Kêu ca, phản đối cái gì? Đất nước phải có luật pháp, các ô, các bà tụ tập không xin phép rồi còn hát hò gây mất trật tự công cộng, chưa kể đến là còn tuyên truyền chống chính quyền, chính quyền và CA họ dẹp lại còn chống đối. Ở VN còn nhẹ chứ ở PT CS họ đập cho chết luôn. Vớ vẩn!”….
“Cháu học và sống làm việc tại Tây Đức hơn 30 năm này ạ, cháu không ủng hộ độc tài tham nhũng, nhưng cái kiểu ‘đấu tranh’ của mấy ô bà ‘dân chủ’ xứ mình như kiểu Đoan Trang… cháu cũng không ủng hộ. Kiểu đấu tranh ‘Chí phèo’ như của các ô bà này ở Tây Đức họ dẹp ngay tắp lự bằng vũ lực, ở ta thử hỏi kể cả chính quyền không cấm đoán liệu họ thu hút được bao người có lương tri ủng hộ ngoài một số vô công rồi nghề vỗ tay theo phong trào?”
Kiểu ý kiến như thế này không ít. Họ không phải là dư luận viên mà là những người Việt bình thường. Tôi không hơi đâu mà tranh luận xem ở Đức cảnh sát có được đánh người đi xem ca nhạc? Hay biểu diễn ca nhạc có phải xin phép hay không? Nhưng tôi khẳng định: Cách bênh vực bạo lực một cách thản nhiên như vậy là bệnh hoạn.
Khỏi bàn đến dân chủ hay cộng sản, đến tư bản hay đế quốc, không cần nói đến quyền nọ luật kia, việc sáu thằng đàn ông lực lưỡng xúm vào đánh một cô gái tàn tật là một hành vi man rợ!
Căn bệnh tôn sùng bạo lực đã khiến nhiều người Việt coi việc đánh, tra tấn, hành hạ người, tước đoạt tài sản của công dân là quyền của nhà nước. Từ anh gác cổng bệnh viện, anh quản lý chợ, ông dân phòng đến ông cảnh sát… ai chẳng là nhà nước? Tất cả họ đều có quyền bắt nạt và hành dân.
Lối suy nghĩ đó ngấm vào đầu những người sống trong xã hội, vì họ nhìn quanh, chỗ nào cũng vậy. Nó biến cả xã hội thành một quần thể khiếp nhược. Quen với lối sống khiếp nhược, người ta đôi khi ác cảm với những người ngẩng cao đầu, vì sợ những người này làm cho người ta phải từ bỏ thói quen khiếp nhược.
Nhưng người đã 30 năm sống ở xứ văn minh, nơi mà bố mẹ cũng không được đánh con thì chắc chắn không phải vì khiếp nhược. Việc họ bênh vực bạo lực chỉ có thể giải thích bằng sự tôn sùng cái ác.
Einstein từng phát biểu: “Thế giới sẽ không bị đe dọa bởi kẻ xấu, nhưng nó sẽ bị đe dọa bởi những kẻ nhìn thấy cái ác mà không chịu làm gì”.
Nay bên cạnh những kẻ vì sợ hãi mà không làm gì còn có vô số những kẻ đứng ngoài cỗ vũ cái ác. Đó chính là thảm họa.
Köln 17.08.2018
Tái bút: Ai tìm giúp được bức ảnh “Con gà ấp trứng trong mũ sắt” của phóng viên VNTTX Đức Như chụp vào quãng năm 1964-1965, thì tôi xin vô cùng cảm ơn.
Chưa chắc họ đã tôn sùng cái ác như tác giả nghĩ mà là nói thẳng thế này :
Chủ thì nhà cửa như cung điện,xe hơi đời mới,con cái toàn gửi đi du học
mấy nước tư bản phát triển nhất còn tớ là những đứa tự nguyện làm chó
sủa hay lăn xả vào cắn người để bảo vệ đặc quyền đặc lợi của chủ !
Thảm hại như thế mà còn có người tự nguyện làm tớ cho loại chủ trên thì
đúng là…chó thật ! Lẽ ra,thấy chủ làm điều bất nhân tàn ác thì họ ít nhất
cũng phải khinh bỉ mà xa lánh,chứ đâu lại “sủa” theo để nịnh chủ ?