16-8-2018
Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử ông Lê Đình Lượng bị truy tố về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại khoản 1 điều 79 BLHS 1999. Phiên tòa bắt đầu 7:30 và kết thúc 12:20 cùng ngày.
Ông Lượng có 02 Luật sư là Ls Đặng Đình Mạnh và Ls Hà Huy Sơn.
Phiên tòa công khai nhưng chỉ có bà Quý vợ ông Lượng và 1 người em ông Lượng là người thân được tham dự.
Viện kiểm sát đề nghị mức án 17 – 18 năm tù + 05 năm quản chế.
Tòa tuyên án 20 năm tù + 05 năm quản chế.
LUẬN CỨ BÀO CHỮA cho ông Lê Đình Lượng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, TAND tỉnh Nghệ An ngày 301/07/2018.
Kính thưa Hội đồng xét xử,
Tôi là Luật sư Hà Huy Sơn, Công ty Luật TNHH Hà Sơn địa chỉ số 156 Trần Vĩ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Tôi xin trình bày luận cứ bào chữa cho ông Lê Đình Lượng như sau:
I. Tóm tắt vụ án:
Ngày 24/07/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An bắt khẩn cấp ông Lê Đình Lượng, sinh năm 1965, trú tại xóm 9, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại điều 79 Bộ luật hình sự 1999.
Ngày 26/07/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 15 về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại điều 79 Bộ luật hình sự 1999. Ngày 26/07/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An ra Quyết định khởi tố bị can số 26 đối với ông Lê Đình Lượng về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại điều 79 Bộ luật hình sự 1999. Ngày 05/07/2018, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An ra Cáo trạng số 120/CT-KSĐT-P1 truy tố ông Lê Đình Lượng về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại khoản 1 điều 79 Bộ luật hình sự 1999.
Ngày 19/07/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 172/20018/QĐXXST-HS, mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử ông Lê Đình Lượng về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại khoản 1 điều 79 Bộ luật hình sự 1999 vào ngày 31/07/2018.
“Điều 79. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;”
Khoản 1 điều 109, Bộ luật hình sự 2015:
“Điều 109. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;”
Ông Lê Đình Lượng bị tạm giam từ ngày 24/07/2017 cho đến nay.
II. Một số vi phạm thủ tục tố tụng:
1. Tôi đã đăng ký bào chữa cho ông Lê Đình Lượng sau khi ông Lượng bị bắt 15 ngày nhưng đến khi kết thúc điều tra tôi không nhận được Thông báo người bào chữa của Viện kiểm sát “Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định tại khoản 5 Điều này thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa,” (Vi phạm quy định tại điều 74 và khoản 4 điều 78 Bộ luật TTHS 2015).
2. Sau khi kết thúc điều tra Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nghệ An không “gửi bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ điều tra cho người bào chữa;” (Vi phạm khoản 4 điều 232 Bộ luật TTHS 2015).
3. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An sau khi ra Cáo trạng không không thông báo cho người bào chữa. “Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều này, Viện kiểm sát phải thông báo cho .. người bào chữa người bào chữa bản cáo trạng” (Vi phạm quy định tại khoản 2 điều 240 Bộ luật TTHS 2015).
4. Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 172/20018/QĐXXST-HS ngày 19/07/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, vụ án được xét xử công khai nhưng Tòa án không cho người bào chữa “sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa” (Vi phạm quy định tại điểm l khoản 1 điều 73 Bộ luật TTHS 2015).
III. Mặt khách quan của tội phạm:
Cáo trạng truy tố bị cáo theo khoản 1 điều 79 Bộ luật hình sự 1999 là không có căn cứ:
1. Cáo trạng – trang 04, 10: cho rằng “Căn cứ tài liệu do Cục Bảo vệ chính trị 5, Tổng cục An ninh – Bộ Công an cung cấp : Tổ chức “Việt Nam canh tân cách mạng đảng” (gọi tắt là tổ chức Việt tân) là tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, có tôn chỉ, mục đích là hoạt động nhằm xóa bỏ Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.” và “tháng 10/2016, Bộ Công an Việt Nam tiếp tục đưa Việt tân vào danh sách tổ chức khủng bố”. Các tài liệu, thông tin này không phải là chứng cứ hợp pháp bởi nó không thuộc danh mục “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật” quy định tại điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Cáo trạng đã khẳng định từ năm 2010 Việt tân đã chuyển sang hoạt động bất bạo động nhưng vẫn cho rằng tháng 10/2016 Bộ Công an tiếp tục đưa vào danh sách tổ chức khủng bố là mâu thuẫn.
2. Bị cáo không có hành vi “Người tổ chức”: chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy thành lập tổ chức Việt Tân. Cáo trạng cũng không cáo buộc bị cáo là “Người tổ chức”.
3. Về hành vi “Người xúi giục”:
3.1. Theo các lời khai một phía của Nguyễn Văn Hóa cho rằng bị cáo đã lôi kéo Hóa tham gia vào tổ chức Việt Tân nhưng tại Cơ quan điều tra không có lời khai của bị cáo thừa nhận về vấn đề này, Cơ quan điều tra không tiến hành đối chất (Điều 189 – BLTTHS 2015) để xác định sự thật nên những lời khai của Hóa không phải là chứng cứ. Bị cáo có 02 lần chuyển khoản cho Hóa: Năm 2014 là 7.200.000đ và ngày 08/12/2016 là 6.000.000đ theo như bị cáo cho biết là mục đích giúp đỡ vì hoạt động của người đồng đạo.
3.2. Cáo trạng – trang 04 “Ngày 26/11/2010, Lê Đình Lượng lái xe chở Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Xuân Anh cùng một số người khác xuống khách sạn Hải Âu, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An để kết nạp hai người này vào tổ chức Việt tân và bàn về hoạt động phát triển tổ chức. Quá trình tổ chức lễ kết nạp, Lê Đình Lượng tham gia chứng kiến và bắt tay chúc mừng Oai, Anh. Sau buổi kết nạp, Lê Đình Lượng có bàn với Nguyễn Văn Oai là “Tổ chức mình lên đầu tư thành lập các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam kinh doanh để lấy kinh phí hoạt động trong nước”.
3.2.1. Cơ quan điều tra chưa có lời khai của Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Xuân Anh và chưa thực hiện đối chất với bị cáo.
3.2.2. Hơn nữa nếu đúng như vậy thì việc Nguyễn Văn Oai và Nguyễn Xuân Anh ngày 26/11/2010 được kết nạp vào tổ chức Việt Tân phải được chuẩn bị từ trước. Hành vi của bị cáo hôm đó nếu có thì chỉ là đồng phạm, giúp sức cho Oai và Anh chứ không thể là xúi giục.
3.3. Đối với lời khai anh Đinh Hữu Toàn, chị Trần Thị Hiền và anh Nguyễn Viết Dũng, Cơ quan điều tra cũng không tiến hành đối chất với bị cáo để xác định sự thật nên các lời khai này (Điều 189 – BLTTHS 2015) không phải là chứng cứ. Mặt khác những người này không phải là người tham gia tổ chức Việt Tân.
4. Về hành vi “Người hoạt động đắc lực”:
4.1. Cơ quan điều tra không có bằng chứng chứng mình bị cáo được tổ chức Việt Tân kết nạp vào ngày nào và được giao nhiệm vụ gì.
4.2. Không có bằng chứng về việc bị cáo liên lạc với các thành viên cụ thể hay tổ chức Việt Tân như thế nào: phương tiện, thời gian, địa điểm, nội dung trao đổi.
4.3. Các hành vi liên quan đến việc Sở thông tin và truyền thông tỉnh Nghệ An cung cấp “21 đầu tài liệu gồm các hình ảnh, bài viết, bình luận có nội dung sai phạm của FB “Lỗ Ngọc (Lê Đình Lượng)” (Cáo trạng – trang 6):
4.3.1. Cáo trạng xác định các hành vi này thuộc về “Tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nhưng lại truy tố về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” là sai. (không cần thiết phải xử lý riêng đối với hành vi “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” mà xử lý chung theo tội danh đã khởi tố.” (Cáo trạng – trang 09)
4.3.2. Tại Cơ quan điều tra bị cáo không khẳng định Facebook “Lỗ Ngọc (Lê Đình Lượng)” có địa chỉ https://www.facebook.com/lo.ngoc.35, là của bị cáo. Cơ quan điều tra không trưng cầu giám định để xác định FB này là của bị cáo và không bắt được quả tang bị cáo đang sử dụng FB này. Nên các “Dữ liệu điện tử” mà Cơ quan điều tra thu thập từ FB không có căn cứ khẳng định có liên quan đến bị cáo. Cáo buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm về nội dung của các “Dữ liệu điện tử” đó là vi phạm quy định tại khoản 1 điều 108, BL TTHS 2015.
4.3.3. Về nội dung, Cơ quan điều tra không trưng cầu giám định để xác định nội dung các “Dữ liệu điện tử” đó có phải là nội dung hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân hay không. Điều 4 Hiến pháp 2013, có quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam … là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Nên có hành vi chống đối sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội theo pháp luật có thể coi là hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Mặt khác, người dân hoàn toàn có quyền phê phán sự lãnh đạo của Đảng, hành vi này khác với hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Phê phán khác với chống đối, phê phán thì cần được khuyến khích. Vì vậy, để xác định được ranh giới và mức độ thế nào là chống đối thì cần phải có kết luận giám định của cơ quan chuyên môn.
5. Cơ quan điều tra không chứng minh được bị cáo có hành vi gây ra hậu quả nghiêm trọng như thế nào.
6. Tại phiên tòa ngày 16/08/2018, 02 người làm chứng Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng đã bị chủ tọa cho cách ly ngay từ đầu nhưng tại tòa họ đều phủ nhận các lời khai trước đó, do bị đánh đập, ép cung. Sau khi 02 người khai như vậy, họ bị đưa ra khỏi phòng xử và không cho tham gia phiên tòa với lý do được Cảnh sát bảo vệ báo lại “Hóa bị viêm họng, Dũng bị đau bụng”. Tôi đã yêu cầu Hội đồng xét xử tạm dừng phiên tòa để chờ cho 02 nhân chứng Hóa và Dũng có đủ sức khỏe tham gia phiên tòa nhưng không được chấp nhận là vi phạm việc đánh giá chứng cứ tại tòa.
IV. Mặt chủ quan của tội phạm:
1. Bị cáo chưa có tiền án, tiền sự.
2. Bị cáo trước đây tham gia quân đội, chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc.
3. Bị cáo không có động cơ mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
V. Kiến nghị:
Kính thưa Hội đồng xét xử,
– Căn cứ vào các lý lẽ trình bày ở trên, tôi cho rằng truy tố ông Lê Đình Lượng về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại khoản 1 điều 79 Bộ luật hình sự 1999 là sai;
– Căn cứ khoản 1 điều 328 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét khách quan trả tự do cho ông Lê Đình Lượng.
Xin cám ơn sự lắng nghe của các quý vị.