12-8-2018
Ngày hôm qua, 11/8/2018, có hai con người vừa từ giã thế giới chúng ta. Họ không phải là những người kiệt xuất. Cũng không phải là những anh hùng. Nhưng tôi kính cẩn tiếc thương họ, bởi đó là những con người dũng cảm, dám sống thật và nói thật – một điều rất hiếm hoi trong giới trí thức ở đất nước này ngày nay. Họ là Nhà báo Bùi Tín và Nhạc sĩ Tô Hải.
Hai con người ấy sinh cùng thời. Cùng có gốc gác gia đình được giáo dục nền nếp và chịu ảnh hưởng của “Tây học” (Bùi Tín còn là con trai cụ Bùi Bằng Đoàn, một nhân sĩ nổi tiếng nguyên là quan Thượng thư Bộ Hình của triều Nguyễn và từng là Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thời kỳ đầu sau CMT8). Họ đều hăm hở “đi theo cách mạng”, tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; đều là đảng viên kỳ cựu của ĐCSVN và đạt được nhiều huân, huy chương cũng như sự công nhận về các thành tích đóng góp cho chế độ…
Bùi Tín, ngoài vị trí Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân còn mang quân hàm Đại tá quân đội. Năm 1990, khi tôi vừa chập chững bước chân vào nghề báo thì đã nghe xôn xao vụ Bùi Tín xin tị nạn ở Pháp. Tôi nhớ lúc đó vụ này gây chấn động dư luận chẳng khác gì vụ Hoàng Văn Hoan hồi trước. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của một kẻ hậu sinh đã bị nhồi sọ và quen với việc được định hướng tư tưởng, tôi ngày ấy cũng nghĩ về Bùi Tín như một kẻ “phản bội”.
Theo thời gian, khi đã được mở mắt, vỡ oà ra nhiều thứ, tôi mới thấm hiểu vì sao một con người như Bùi Tín lại có thể bỏ hết tất cả để chọn con đường phải sống lưu vong xa tổ quốc. Đọc “Hoa xuyên tuyết” và “Mặt thật” – các tác phẩm ông viết sau khi “đào thoát” ra nước ngoài, sẽ càng rõ hơn lý do của những diễn biến thay đổi về mặt tư tưởng của Bùi Tín.
Tô Hải không chỉ là một nhạc sĩ tài hoa đa phong cách mà còn là một nhà báo, nhà lý luận và phê bình âm nhạc sắc sảo. Ông cũng là một trong những văn nghệ sĩ đầu tiên được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật (đợt 1). Bao thế hệ người Việt như chúng tôi đã ngất ngây say đắm không thể quên được những giai điệu trong veo thơ thới về “Một chiếc thắt lưng xanh. Một chiếc khăn màu trắng trắng. Một chiếc vòng sáng long lanh. Với nụ cười nàng quá xinh” trong “Nụ cười sơn cước” thời tiền chiến của ông.
Tôi khâm phục Tô Hải không chỉ vì ông đã dám công khai tuyên bố từ bỏ đảng CSVN mà còn là vì ông đã thẳng thắn nhìn nhận mình chỉ là một kẻ an phận hèn nhát, chấp nhận im lặng để được tồn tại… Ông là nhạc sĩ duy nhất đã mỉa mai gọi loại nhạc cổ động, được viết theo chỉ đạo về “nhiệm vụ chính trị” mà chính mình cũng từng tham gia sáng tác là “nhạc nô”. Đọc “Hồi ký của một thằng hèn” mới thấu hết cảm giác cay đắng của người trí thức trong một cuộc sống mà mình không dám là mình, như ông!
Tất nhiên, trong chế độ này sẽ có nhiều người không ưa Bùi Tín và Tô Hải. Tôi thuộc lớp hậu sinh, chỉ biết về hai ông qua những việc các ông làm vào thời gian cuối đời, sau khi đã dành trọn tuổi thanh xuân để đi theo một lý tưởng mà các ông cũng như nhiều người cùng thời từng tin và ngỡ rằng nó là tốt đẹp nhất! Nhưng tôi vẫn kính trọng các ông bởi tôi không bao giờ nghĩ rằng những người dám dũng cảm nói thẳng nói thật, những người dám xuống đường lên tiếng bảo vệ tổ quốc trước nguy cơ bị ngoại bang xâm lăng là những kẻ xấu!
R.I.P những người trí thức chính trực và thương các ông – những kẻ đầu thai lầm thế kỷ (như Tô Hải từng tự thán), bởi ngay cả trong nỗi u uất, các ông cũng chơ vơ, lạc lõng giữa đồng bào của mình.*
* Trích bài thơ “Phương xa” của Vũ Hoàng Chương:
“Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ…”