Ông Trần Huỳnh Duy Thức có hai lý do để xứng đáng được trả tự do

FB Ngô Ngọc Trai

11-8-2018

Lý do 1: Năm 2009 cơ quan an ninh bắt giữ ông Trần Huỳnh Duy Thức cùng ba người khác và xử lý ông về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Trong khi những người khác chỉ chịu mức án 3 năm rưỡi, 5 năm, 7 năm thì người ta thành kiến sao đó tuyên ông Thức 16 năm tù.

Suốt từ đó đến nay hàng chục cơ quan ngoại giao quốc tế, các tổ chức nhân quyền, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đã thường xuyên lên tiếng hối thúc về bản án bất công của ông Thức, đề nghị các ban ngành chính quyền trả tự do cho ông ấy.

Sự lên tiếng và quan tâm đông đảo của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đã hội đủ các yếu tố về đối nội và đối ngoại để có thể áp dụng quy định về đặc xá trong trường hợp đặc biệt theo Luật đặc xá.

Lý do 2: Mới đây Bộ luật hình sự mới ban hành có hiệu lực, tội danh về hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân được sửa đổi, bổ sung thêm nội dung phân biệt xử lý hành vi chuẩn bị phạm tội với mức án nhẹ hơn chỉ từ 1 đến 5 năm tù so với hành vi phạm tội.

Gia đình đã nhờ luật sư tư vấn giúp đỡ và sau khi nghiên cứu tài liệu về hành vi việc làm của ông thức cũng như đối chiếu với nội dung điều luật thì thấy:

Trong tội danh này, yếu tố cơ bản của tội hoạt động lật đổ là người nào thành lập tổ chức hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Đối chiếu với vụ án của ông Thức thì thấy ông Thức không tham gia tổ chức nào (hoặc có thể là ông chưa kịp tham gia), ông cũng không thành lập tổ chức nào ngoài một nhóm có tên gọi là Nhóm nghiên cứu Chấn. Cơ quan điều tra xoáy vào nhóm này để quy cho ông Thức thành lập tổ chức lật đổ chính quyền nhân dân.

Trong khi nhóm này chỉ gồm ông Thức và 4 nhân viên công ty, trong đó có 3 phụ nữ mà vì tính chất ít nghiêm trọng nên đã không bị xử lý hình sự. Đây hoàn toàn không phải là một tổ chức. Nó không có tên gọi của một tổ chức, nó không có nội quy điều lệ tổ chức, không có cơ cấu nhân sự phân cấp trên dưới của tổ chức, số lượng ít ỏi.

Cái mà khả dĩ nhất có thể quy cho nó sai phạm thì đó chỉ có thể là tiền thân của một tổ chức chính trị trong tương lai mà thôi.

Như thế, xét theo luật mới hiện nay thì hành vi của ông Thức sai phạm nếu có chỉ là hành vi chuẩn bị, ông lập ra Nhóm nghiên cứu Chấn như là một hành vi chuẩn bị thành lập một tổ chức chính trị trong tương lai.

Và căn cứ theo quy định mới của luật về hành vi chuẩn bị phạm tội thì hình phạt của ông Thức nhẹ hơn rất nhiều. Trong khi theo luật cũ người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm tội đối với tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm về tội định thực hiện với mức án cao.

Nay ông Thức đã thụ án hơn 9 năm tù trong khi theo luật mới hành vi chuẩn bị chỉ chịu mức án 5 năm. Dựa theo luật mới và bản chất vụ việc Luật sư đã phân tích ra một văn bản 15 trang giấy kết hợp hai yếu tố đề nghị các cơ quan áp dụng quy định về đặc xá trong trường hợp đặc biệt để trả tự do cho ông Thức.

Nhưng văn bản gửi đi 5 lần 7 lượt rồi mà vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục kiên trì, và hy vọng rằng nếu pháp luật là thứ được thực hiện đứng đắn, nghiêm chỉnh, nghiêm minh thì ông Trần Huỳnh Duy Thức phải được trả tự do.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. THD Thức không được trả tự do vì ông không phải là điếu cày hay bà phong Tần .ông không thỏa hiệp không nhượng bộ .không ra nước ngoài mà nhất định kiên trì con đường đấu tranh cho tự do và nhân quyền của người VN .con đường ông Thức chọn là sự hủy diệt của tà quyền cộng sản bằng hình thức bất bạo động kiên trì .nhưng liệu phải đấu tranh ôn hòa đến bao giờ ,tôi khâm phục và ngưỡng mộ ông.người VN can đảm và kiên định .chúng chắc chắn sẽ giam giữ ông đúng theo bản án bỏ túi đả tuyên hoặc ông chỉ ra tù khi chế độ cộng sản giẫy chết hay sụp đỗ.ông là kim chỉ nam là lý tưởng là chân lý cho các nhà đấu tranh dân chủ đi theo.kiên quyết không khoan nhượng dù bị ngược đại trong nhà tù khắc nghiệt và ác ôn của tà quyền hiện nay .ông là biểu TƯỢNG của ý chí đấu tranh cho một VN không còn độc tài đảng trị.ông là anh hùng trong trái tim tôi

Comments are closed.