Nghi kỵ và sụp đổ

FB Nguyễn Tuấn Anh

7-8-2018

Hitler với tham vọng bá chủ thế giới đã xây dựng nên những tập đoàn quân kiên cường, kỷ luật và hùng mạnh. Đỉnh cao của trí tuệ Quốc Xã là lực lượng tình báo SS. Lực lượng SS tinh nhuệ được xây dựng không những để lấy các tin tình báo quan trọng của đối thủ mà còn để thử thách cả lòng trung thành của các sĩ quan cao cấp với Quốc trưởng và đế chế.

Vào những ngày tháng cuối của cuộc chiến, có một sự tan rã lan nhanh trong quân đội của Hitler làm cho Đức quốc xã dần mất hết các pháo đài chiến lược từ đông sang tây. Nguyên nhân của sự suy yếu nhanh chóng trong quân đội Đức quốc xã dẫn tới sụp đổ đế chế có phần lớn lỗi lầm do lực lượng SS mà ra. Họ quản trị bằng cách tuyên truyền lòng trung thành và reo rắc sự sợ hãi trong các tập đoàn quân.

Sự nghi ngờ của họ dẫn tới xung đột trong nội bộ, thậm chí có nhiều sĩ quan cao cấp của Đức vốn từng rất trung thành với Quốc trưởng đã bán tin cho tình báo Mỹ và gián tiếp hỗ trợ cả các nhóm du kích của Đông Âu, các điệp viên của Ba Lan, Đông Đức, Nga,… Kết cục, Quốc trưởng và kiến trúc sư Himmler, tổng công trình sư của lực lượng SS, đã phải trả giá chính bằng máu của mình.

Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng lâm vào tình trạng tương tự như vậy trước khi bị đảo chính. Cố vấn Ngô Đình Nhu, kiến trúc sư của chế độ, đã gần như không còn sáng suốt khi sử dụng lực lượng an ninh, tình báo hoạt động vô tội vạ và không hiệu quả trên nhiều mặt trận. Với đối phương, họ luôn mắc sai lầm, nhưng theo dõi nội bộ thì họ lại vô cùng “chính xác”.

Cao điểm, họ liên tục thử thách lòng trung thành của các tướng lĩnh dưới quyền, đẩy lòng nghi kỵ lên cao độ, không chỉ trong bộ máy chính quyền, quân đội mà lan ra cả trong dân. Có nhiều tướng lĩnh đã từng chịu ơn sâu nặng của gia đình Ngô Tổng Thống, tới lúc ấy, cũng quyết định hướng mũi súng vào Dinh với mong muốn đánh đổ sự độc đoán, chuyên quyền. Tổng nha cảnh sát Đô thành thời điểm ấy không ai tin ai, cũng chẳng ai dại gì bàn ra tán vào. Cánh sĩ quan cơ hội thì thừa cơ cấu kết với một số doanh nhân để vơ vét. Kết quả cho sự nghi kỵ, hai anh em Ngô Tổng Thống cũng phải trả bằng máu.

Trên thế giới, rất nhiều ví dụ phải trả bằng máu như vậy khi sự giả dối, bội tín trong một cộng đồng đẩy lòng nghi kỵ lên cao độ.

Hiện tại, sự nghi kỵ ấy đang sống lại ngay trên đất Việt với nhiều cách khác nhau. Rất khó để không khỏi nghi ngờ, càng khó hơn khi đặt được niềm tin đúng chỗ. Sự dối trá và bội tín có thể xuất hiện bất kể lúc nào, ở bất kể ai như là một phản xạ cần có. Từ quan tới dân, từ già tới trẻ. Kẻ hay nói tới đạo đức thỉnh thoảng lại phải ra toà vì sự bất nhân. Cả xã hội tranh luận nhau những thứ đúng sai trong khi tất cả cùng đang sai hoặc ít nhiều im lặng với những điều sai trái bắt nguồn từ sự chậm chạp thay đổi và bảo thủ đến từ thể chế.

Bám đuổi theo giá trị của các quốc gia tiến bộ chưa bao giờ là thừa. Đau đớn thay, một thời gian, người dân lại được giáo dục rằng đó là sự thù địch. Cho tới giờ trên mảnh đất chữ S đẹp đẽ, những giáo sư tiến sĩ có được danh vị bằng cách mua bán bằng cấp, bằng cách trộm cắp sản phẩm của người khác, vẫn cùng nhau khề khà rượu vang và cãi nhau về truyền thống và đạo đức mãi không thôi.

Người dân bị cắt đi nguồn tri thức, khoa học hàng chục năm trời và từ đó, dân Việt dần mất đi phản xạ sáng tạo, lòng trung thực và tính con người cơ bản. Những gì “hay nhất” còn lại đó là thế hệ trước bảo thế hệ sau: không nghe, không biết và không thấy. Điều này đồng nghĩa với ngu dốt bắt đầu trỗi dậy và đi kèm theo đó là mê tín dị đoan lên ngôi. Trong cộng đồng đã bắt đầu xuất hiện những hành vi phi nhân tính ở khắp mọi tầng lớp.

Xã hội phát triển theo một hướng kỳ lạ. Bề ngoài nhìn vào, không quá thô lỗ cũng chẳng hẳn thanh tao. Vẫn có sự chu đáo, ân cần với nhau nhất định. Nhưng, đó là một sự chu đáo ẩn chứa tính vô cảm đến rợn người.

Nghi ngờ gần như là một phản xạ bản năng của con người. Không có nó, ta không thể tồn tại. Nhưng khi sự nghi ngờ trong cộng đồng bắt đầu lên cao độ thì những người cầm cân nẩy mực rất cần thiết phải có hành động. Hành động hay hoặc dở phụ thuộc nhận thức, hiểu biết của chính họ và sự hưng thịnh hay đỗ vỡ của cộng đồng cũng chính từ đó mà ra.

Chính quyền nào cũng từ nòng súng mà ra hoặc dùng nó để củng cố quyền lực. Song, chính quyền biết dành quyền lực mạnh mẽ ấy cho người dân mới là một chính quyền thực thụ của dân, được người dân thương mến, chở che. Còn lại, tất cả chỉ có thể gọi là “tạm bợ” mà thôi. Mà đã là tạm bợ, thường tất cả đều ăn xổi và không ai nghĩ đến tương lai cả. Đó là điều tất yếu.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. So sánh như vậy là thiếu trung thực và khách quan vì chế độ Hitler làm chủ
    và kiểm soát toàn bộ nước Đức trong khi chế độ NĐD.đang bị Mỹ tìm cách
    “thay ngựa giữa dòng” vì không chịu cho Mỹ can thiệp vào nội bộ nước mình
    với sự góp sức của giới tướng lãnh đa phần i tờ về chính trị nhưng đầy tham
    vọng quyền lực.Đa số tuớng lãnh này lại đưọc thực dân Pháp đào tạo và một
    thiểu số làm gián điệp cho Mỹ.
    Nếu Mỹ không chủ mưu lật đổ NĐD.thì đám tướng lãnh này chẳng làm được
    trò trống gì cả.Thử hỏi tại sao các nhà độc tài Á châu như Tưởng Giời Thạch,
    Lý Quang Diệu,Phác Chánh Hy chống lại được CS.mà VNCH.thất bại ? Lý do
    là chỉ vì Mỹ muốn tự mình giải quyết chiến tranh mà không đếm xỉa gì đến
    thực tế tình hình VN.lúc đó vừa thoát khỏi chế độ thực dân Pháp !
    Mỹ nhảy vào đã làm mất chính nghĩa của VNCH.và miền Bắc hưởng lợi bởi
    vì có lý cớ để tuyên truyền rằng Mỹ xâm lược VN.Hãy nhớ là dân trí VN.lúc
    bấy giờ còn rất thấp nên họ đã tin như vậy !

  2. Chính quyền nào cũng từ nòng súng mà ra hoặc dùng nó để củng cố quyền lực(?)
    Sai!
    Một thể chế sinh ra và tồn tại dựa vào lòng súng – thì thể chế đó chỉ có lực chứ không có quyền. Tức là thể chế đó giống như một thằng ăn cướp dùng hung khí để cưỡng bức người khác phải làm theo ý nó – Nếu cho sự cưỡng bức bạo lực đó là quyền (của thằng ăn cướp) thì rất nông cạn và quá ngây thơ về chính trị./.

  3. “Cả xã hội tranh luận nhau những thứ đúng sai trong khi tất cả cùng đang sai

    Tỷ dụ như bài này . Sai không chừa cho người khác!

    Những ngày cuối của Third Reich, chỉ có Borgman là rời bỏ hàng ngũ . Vợ chồng Goebbels đầu độc con mình và tự sát sau đó . Tất cả những ai từ tướng đến con nít 10 tuổi mới xung lính còn sống & chưa bị bắt làm tù binh đều trung thành với Hitler tới phút cuối cùng . Lực lượng SS vẫn giữ nguyên lòng trung thành với Bác Hồ Ít Le tới giây phút cuối cùng của thể chế . Không tin ? Tòa án Nuremberg đưa ra gần hết bộ sậu chỉ huy còn lại lúc đó, tính tất cả trên 400 cá nhân . Third Reich đổ vì cả thế giới chống Hitler & đổ quân vào Đức .

    “Có nhiều tướng lĩnh đã từng chịu ơn sâu nặng của gia đình Ngô Tổng Thống, tới lúc ấy, cũng quyết định hướng mũi súng vào Dinh với mong muốn đánh đổ sự độc đoán, chuyên quyền”

    Chịu ơn sâu nặng của gia đình Ngô Tổng thống nhưng vẫn quyết định hướng mũi súng vào Dinh đánh đổ sự độc đoán chuyên quyền, có nghĩa quân đội miền Nam phân biệt được chính quyền & đất nước . Họ không biết “Cứu Đảng là cứu nước”. Đây là những viên gạch đầu tiên của quân đội dân chủ hiện đại .

    “Chính quyền nào cũng từ nòng súng mà ra hoặc dùng nó để củng cố quyền lực (a). Song, chính quyền biết dành quyền lực mạnh mẽ ấy cho người dân mới là một chính quyền thực thụ của dân, được người dân thương mến, chở che (b)”

    (a) & (b), Điên nặng! Chỉ có chính quyền nhà các bác hoặc những thứ tương tự mới từ nòng súng mà ra . Ở đây cứ mỗi 4 năm lại “lật đổ chính quyền” 1 lần . Không lần nào bằng nòng súng cả .

    Tuy vậy “chính quyền biết dành quyền lực mạnh mẽ ấy cho người dân mới là một chính quyền thực thụ của dân” nảy ra 1 điều . Nhưng nếu chính quyền không trao cho dân quyền lực mạnh mẽ của nòng súng, dân có nên dùng nòng súng để giành lại không ?

    Có lẽ tớ là 1 trong những người “tự hào” về tương lai của Việt Nam . Với những người yêu chế độ đến xót xa như Mai Quốc Ấn, Lưu Trọng Văn … Tớ tin chế độ này sẽ dẫn cả dân tộc đi tới chủ nghĩa xã hội qua con đường Trung Quốc . Mai mốt con cháu tớ về sẽ tự hào vì Tổ quốc Xã Hội chủ nghĩa trải dài từ biên giới Tân Cương tới Mũi Cà Mau . Tây Tạng được coi là 1 trong 4 nơi khởi điểm của văn minh nhân loại, là 1 phần của Tổ quốc XHCN. Vinh quang quá, mai mốt đây chỉ cần Visa Việt-Trung mà đi được cả Tây Tạng!

Comments are closed.