30-7-2018
Vào ngày 28/7/2018 gia đình vừa đi thăm anh Thức về, gửi đến mọi người những thông tin cập nhật về việc đấu tranh tự do của anh Thức.
Ngày 28/1/2018 anh Thức làm đơn “Đề nghị giảm hình phạt” gửi đến Chánh án TAND Tp.HCM và cơ quan thi hành án hình sự Tòa án ND Tp. HCM.
Ngày 26/6/2018 anh nhận được phiếu chuyển số 168/2018/TATP – KTNV – THA của Tòa án nhân dân Tp.HCM chuyển đơn “đề nghị giảm hình phạt” của anh cho Trại giam số 6 giải quyết. Đây là một việc làm không đúng luật, Trại giam 6 chỉ là cơ quan thi hành án, không phải là cơ quan xét xử, do đó không có thẩm quyền giải quyết đơn này. Luật pháp lại tiếp tục bị sử dụng tùy tiện. Do đó anh Thức chọn cách chuyển hướng tiếp cận “miễn chấp hành hình phạt còn lại” và đã gửi đơn “Đề nghị miễn hình phạt còn lại” đến Chánh án TAND tối cao và Hội đồng Thẩm phán TANDTC vào ngày 7/7/2018, đơn này đã được trại giam gửi chuyển phát nhanh vào ngày 18/7/2018.
Anh Thức gửi lời cảm ơn luật sư Ngô Ngọc Trai đã đưa ra các lập luận về hành vi “chuẩn bị phạm tội”. Anh nói: “Chúng ta phải sử dụng pháp luật để đòi công lý và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, sử dụng pháp luật để pháp luật được tôn trọng. Cách tiếp cận “miễn hình phạt còn lại” sẽ không có quản chế. “Đặc xá” vẫn bị quản chế, nhưng nỗ lực của các luật sư về “Đặc xá đặc biệt” vẫn có giá trị”. Anh rất mong luật sư sẽ tiếp tục ủng hộ cách thức miễn hình phạt còn lại mà anh chọn để đấu tranh cho công lý, công bằng và lẽ phải.
Xin mời mọi người xem nội dung đơn sau đây. Đây là bản photo đơn “Đề nghị miễn hình phạt còn lại” được Thức gửi về nhà.
***
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
ĐƠN ĐỀ NGHỊ MIỄN HÌNH PHẠT CÒN LẠI
Kính gửi: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
Đồng kính gửi: Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
Tôi tên: Trần Huỳnh Duy Thức, sinh ngày 29 – 11 – 1966; hộ khẩu đăng ký tại: 14/13/48 Thân Nhân Trung, phường 13, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh; hiện đang ở tù tại Trại giam số 6, tỉnh Nghệ An.
Tôi bị kết án 16 năm tù và 5 năm quản chế về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” bởi bản án số 254/2010/HSPT ngày 11/5/2010 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Tp. Hồ Chí Minh. Tôi bị bắt ngày 24 – 5 – 2009 và thụ án từ đó đến nay đã hơn 9 năm.
Tôi luôn tự hào về những việc mình đã làm để đóng góp xây dựng cho sự phát triển của đất nước cho dù do những việc đó mà tôi đã bị kết án “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” một cách sai trái. Do đó tôi không nhận tội. Tôi sẽ kiên trì sử dụng pháp luật để đòi công lý và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Bộ luật hình sự 2015 đã tạo ra cho tôi một quyền lợi rất quan trọng trên con đường đòi công lý này. Đó là quyền được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại. Tôi viết đơn này đề nghị Tòa án nhân dân tối cao thực hiện trách nhiệm của mình để bảo vệ quyền lợi đó của tôi.
Giá trị nhân văn xuyên suốt của Bộ luật hình sự 2015 (cả sửa đổi hoặc chưa sửa) là: Áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội. Nguyên tắc này không chỉ thể hiện tại Điều 7 Bộ luật này mà còn được tái khẳng định và cụ thể hóa tại các Nghị quyết số: 109/2015/QH13; 144/2016/QH13 và 41/2017/QH14 của Quốc hội. Theo đó, nếu Bộ luật hình sự 2015 có quy định một hình phạt nhẹ hơn hoặc miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt thì sẽ áp dụng quy định đó cho người phạm tội dù người đó đang chấp hành hình phạt.
Trong Bộ luật hình sự số 100/2016/QH13 (tức Bộ luật hình sự 2015 chưa sửa đổi, sau đây gọi tắt là BLHS 2015 CHƯA SỬA), tại Điều 14 không quy định người chuẩn bị phạm tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” thuộc diện chịu trách nhiệm hình sự. Điều này có nghĩa rằng khi BLHS 2015 CHƯA SỬA có hiệu lực thì những người đã bị kết án, đang thụ án về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” bởi những hành vi chuẩn bị phạm tội theo quy định của Bộ luật hình sự số 37/2009/QH12 (sau đây gọi tắt là BLHS 1999) sẽ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại. Đây chính là một quy định có lợi cho người phạm tội. Tuy BLHS 2015 CHƯA SỬA bị lùi hiệu lực thi hành (đáng lẽ vào 1 – 7 – 2016) nhưng những quy định có lợi của Bộ luật này vẫn có hiệu lực áp dụng từ ngày 1 – 7 – 2016. Điều này được khẳng định tại điểm a khoản 4 Điều 1 của Nghị quyết số 144/2016/QH13 của Quốc hội (Nghị quyết lùi hiệu lực của BLHS 2015 CHƯA SỬA). Tại khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết này, Quốc hội đã giao cho Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành điểm a khoản 4 Điều 1 nói trên.
Để thực hiện việc hướng dẫn này, ngày 30 – 6 – 2016 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 01/2016/NQ – HĐTP bổ sung thêm 2 trường hợp áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội (bên cạnh 6 trường hợp đã được nêu tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 của Quốc hội). Một trong hai trường hợp được bổ sung thêm nói trên là: Người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm tội trừ các tội quy định tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật hình sự 2015 (tức BLHS 2015 CHƯA SỬA). Xin lưu ý rằng khoản 2 Điều 14 BLHS 2015 CHƯA SỬA không liệt kê tội “hoạt đồng nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Sự bổ sung này chính là sự khẳng định của Tòa án nhân dân tối cao rằng hành vi chuẩn bị phạm tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” không thuộc diện chịu trách nhiệm hình sự mà tôi đã viết ở trên. Sự bổ sung này đã thể hiện tinh thần trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhân dân dựa trên những gì mà Quốc hội đã quyết định.
Tôi đã bị kết án bởi những hành vi chuẩn bị phạm tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo BLHS 1999. Vì vậy tôi có quyền được áp dụng quy định có lợi của Bộ luật hình sự 2015 theo những căn cứ rõ ràng của pháp luật đã nêu trên.
Do đó tôi đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại cho tôi, bao gồm gần 07 năm tù giam và 05 năm quản chế. Qua đó trả tự do cho tôi.
Việc này không chỉ mang đến lợi ích chính đáng của tôi, mà tôi tin rằng nó còn mang đến nhiều lợi ích lớn cho đất nước trong đó có quan hệ ngoại giao tốt đẹp của Việt Nam và đặc biệt là niềm tin của nhân dân vào pháp luật, vào chủ trương “Tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc”.
Tôi mong sớm nhận được quyết định của Tòa án nhân dân tối cao.
Xin cảm ơn và kính chào.
Làm tại Trại giam số 6, Nghệ An, ngày 7/7/2018
Ở 1 Nhà nước pháp quyền thì đúng là sau khi bị tuyên án và bản án đã có hiệu lực thì Bị án vẫn có quyền viết đơn đề nghị Tòa án (Tòa án có bộ phận chuyên trách chịu trách nhiệm cho các bị án ngồi tù) xem xét áp dụng các biện pháp thi hành án nhẹ hơn: được tha trước thời hạn (sau khi đã thi hành 2/3 án tù), hay tuy vẫn án tù nhưng được tại ngoại và tối lại trở về nhà tù và tất cả theo luật định. Công nhận khi đọc tin bài viết: „Tòa án nhân dân Tp.HCM chuyển đơn “đề nghị giảm hình phạt” của anh cho Trại giam số 6 giải quyết“ thì nếu quả thực có quy định cho phép Tòa TPHCM làm như vậy thì lại thêm 1 chuyện không giống ai trong lĩnh vực tư pháp của Việt Nam và nhất thiết phải được thay đổi!