Tính bệnh hoạn của cán bộ CS đã đến mức báo động đỏ!

Blog RFA

VietTuSaiGon

25-7-2018

Có ba nguyên nhân căn bản để đi đến hệ quả đất nước ngày càng băng hoại, bệ rạc, cán bộ đi từ hành xử vô đạo đức đến chỗ hành xử bệnh hoạn, nhân dân không còn niềm tin, thậm chí khinh bỉ nhà cầm quyền và mối nguy dân tộc phân rã, mất sức sống: Luật không trượt giá kịp tiền; Đạo đức bị đánh tráo; Sự lộng hành của cái dốt.

Điều khoản luật không “trượt giá” theo tiền, nguyên nhân thứ nhất có thể là đầu mối của ba nguyên nhân kia trong lúc này nhưng lại là hệ quả của hai nguyên nhân kia trong giai đoạn nó phôi thai. Nghĩa là trong gia đoạn hình thành các điều khoản luật, do dốt, thiếu kiến thức lập pháp, do tham lam, người ta đã đạp qua nhiều thứ. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, các điều khoản luật có tính chế tài lại tạo điều kiện cho cán bộ lộng hành, phạm tội nặng nề nhưng không cần trả giá.

Một ví dụ: “Công an huyện Triệu Phong (Quảng Trị) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 200 nghìn đồng đối với ông Nguyễn Bình Triệu vì hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nữ đồng nghiệp. Thượng tá Trần Minh Chữ – Phó trưởng Công an huyện Triệu Phong hôm nay cho biết, Nguyễn Bình Triệu (chuyên viên Phòng Tài chính – Kế hoạch của huyện Triệu Phong) bị phạt vi phạm hành chính 200 nghìn đồng theo điểm a, khoản 1, nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo ông Chữ, sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của chị N.T.L.A (chuyên viên cùng Phòng Tài chính – Kế hoạch) về việc chị bị ông Triệu có hành vi hiếp dâm tại trụ sở, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện đã có kết luận.

Quá trình điều tra, Công an huyện xác định, trưa 21/6, ông Triệu mở cửa vào phòng làm việc chị L.A. và dùng sức mạnh ôm, giữ và khống chế nữ đồng nghiệp.

Tiếp đó, ông Triệu hôn, cắn vào vùng môi của chị A., dùng tay sờ vào các vùng “nhạy cảm” nhưng không nhằm mục đích thực hiện hành vi muốn giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác đối với chị A.

Cơ quan điều tra xác định hành vi của ông Triệu chỉ nhằm mục đích trêu ghẹo, sàm sỡ nên không đủ yếu tố để cấu thành tội hiếp dâm và không đủ căn cứ khởi tố hình sự”.

Trong ví dụ này, cho thấy hai vấn đề: Mức qui định hình phạt của nghị định này quá thấp, nó chỉ phù hợp với thời giá những năm 1990 của thế kỉ trước. Thứ đến, kĩ thuật phân tích phân tâm học và tâm lý trong quá trình làm luật ở dạng thô sơ, nên nó nhanh chóng biến một con rắn độc thành một con lươn hiền từ, vô độc. Và hậu quả của nó là những cán bộ – kẻ có cơ hội hiểu biết các qui định pháp luật cao nhất tại Việt Nam nhanh chóng lợi dụng kẽ hở, đạp lên đạo đức và pháp luật. Đến đỉnh điểm của việc này là các hành xử bệnh hoạn được bao che bằng tiền và các điều khoản ngớ ngẩn của luật Việt Nam. Và đây là một ví dụ nhỏ trong hàng ngàn ví dụ trong xã hội Việt Nam hiện nay. Người ta phải ngao ngán nói rằng nếu phạt mức như vậy, còn rẻ hơn nửa bữa nhậu bình dân, với đà này, kẻ nào có ý định “nộp phạt” sẽ có nhiều cơ hội và dũng khí để “nộp phạt”.

Đạo đức bị đánh tráo, và sở dĩ đi đến chỗ tệ hại, bệnh hoạn như ngày hôm nay, có lẽ phải nói đến nguyên nhân thứ hai, đó là đạo đức bị đánh tráo. Từ đạo đức Hồ Chí Minh làm chuẩn mực học tập cho đến mọi thứ hành xử, hành vi đều qui nạp vào cái gọi là chuẩn mực đảng. Và một khi đã có công thức để qui nạp mọi thứ vào đó, người ta cũng dễ dàng mượn công thức ấy để nhào nặn ra những thứ mô phạm giả cầy.

Một ông thầy giáo trường chính trị hẹn hò với một cán bộ xã đã có chồng, nhậu say, cùng dắt nhau tới phòng karaoke, bị té xe giữa đường, trầy mặt, gã thầy giáo nói tỉnh bơ: “Té giữa đường như vậy mất quan điểm quá!”. Cô “học trò cán bộ” thay vì lo lắng chuyện phản bội chồng, dối trá con thì lại tập trung vào chỗ “mất quan điểm” này đến mức chẳng còn biết mắc cỡ hay nhục trước hành vi mất phẩm cách của bản thân và của ông thầy giáo.

Cái thứ quan điểm thối nát kia đã làm bình phong cho mọi thứ tội lỗi và tội ác của nhiều lớp cán bộ và điểm cuối của nó là lối sống bệnh hoạn của họ như một dấu hiệu đặc trưng của chế độ. Khi các chuẩn mực đạo đức bị đảo lộn và sự dối trá, sự kệch cỡm, hợm hĩnh cũng như tính bệnh hoạn tăng trưởng, thì hệ quả đương nhiên là các ứng xử xã hội ngày càng tỏ rõ dấu hiệu bệnh hoạn. Sự bệnh hoạn này lại bắt nguồn từ chuẩn mực đạo đức của chế độ, không thể nói khác!

Sự lộng hành của cái dốt, như một hiển nhiên trong cơ thể của một chế độ chính trị đang ở buổi chiều tà với đầy đủ ẩm ướt và thối rữa của nó. Và cái dốt tha hồ nảy nở, sinh trưởng trong bầu sinh quyển Việt Nam hiện tại. Một ông Bộ trưởng giáo dục nói năng hồ đồ, đểu giả và không có liêm sỉ.

Trả lời phỏng vấn VTV1 về vụ gian lận điểm ở Hà Giang và Lạng Sơn, ông Phùng Xuân Nhạ không có bất kì một lời xin lỗi hay nhận trách nhiệm nào. Thay vào đó, ông Nhạ lên giọng giáo huấn và đổ trách nhiệm cho cơ sở, cấp dưới. Chưa dừng ở đó, ông còn nói sẽ rút kinh nghiệm cho năm sau. Như vậy cũng có nghĩa là ông sẽ thực hiện và rút kinh nghiệm cho lần sau, ông vẫn giữ chức và không có gì thay đổi, bởi ông không có lỗi (?!).

Thử nghĩ, nếu có một chút liêm sỉ và có một chút phong cách trí thức, bớt hồ đồ, ông ta sẽ từ chức để thể hiện mình là một con người đi làm cán bộ chứ không phải là con đỉa đeo bám quyền lực. Nhưng không, khi cái dốt đã phủ khắp mọi ngóc ngách, ông bộ trưởng giáo dục này nghiễm nhiên cười nói và thơn thớt trả lời phỏng vấn báo chí với giọng đầy dạy dỗ, răn đe đạo đức.

Không riêng gì ông bộ trưởng giáo dục mà bà bộ trưởng y tế hay một ông vụ trưởng nào đó, bà chủ tịch quốc hội chẳng hạn… Tất cả đều nói năng như kẻ bị ma ám mụ mị, nói như đứa nghiện không còn lý trí khi phát biểu những vấn đề có tính sống còn của quốc gia. Thử nghĩ, một khi những kẻ được xem là tinh hoa của thế hệ cộng sản hiện đại, kẻ đứng vị trí chóp bu còn thớ mớ vớ vẩn đến mức như vậy thì liệu những kẻ tép riu ăn lương bám chế độ bên dưới sẽ ra trò trống gì? Sẽ làm được gì và sẽ bệnh hoạn đến mức nào?!

Có thể nói rằng chưa bao giờ mà nhân cách cán bộ Cộng sản lại rơi vào tình trạng báo động đỏ như hiện nay. Mà đáng sợ hơn là những kẻ bệnh hoạn kia đều nắm trách vụ chỉ huy, quản lý và lãnh đạo. Họ chi phối và làm gương cho đại đa số cán bộ trẻ có thông minh hơn thế hệ trước nhưng lại rất manh động và dễ làm theo.

Điều này tạo ra hậu quả khó mà lường được. Với một đất nước mà hệ thống cán bộ hành xử bệnh hoạn hoặc tiềm năng tính khí bệnh hoạn. Người dân mất niềm tin vào hệ thống chính quyền và hành xử buông thả đến mức có thể bệnh hoạn chẳng kém. Liệu sức mạnh đất nước này sẽ tới đâu khi nó ủ mầm bệnh hoạn?!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Lãnh đạo chuyên giao giảng, cấp dưới chỉ ưa hót và ưa nịnh!!! Tóm lại chủ yếu là nói hay như những bài hát dân ca

Comments are closed.