17-7-2018
Theo tìm hiểu thì ông Trần Đại Quang không nói cần có luật biểu tình như báo Tuổi Trẻ đã dẫn trong bài viết. Đó là ý kiến của một cử tri nhưng không hiểu sao phóng viên lại “gắn” cho ông Chủ tịch nước. Sai sót này có thể nói là nghiêm trọng. Đành rằng ông Chủ tịch nước hay một người dân thường đều có vai trò bằng nhau trên mặt báo, nhưng xưa nay các báo đều cử những phóng viên có kinh nghiệm già dặn đi “cover” các sự kiện có hiện diện của những nguyên thủ. Cho nên, phải nhìn thấy lỗi trước tiên thuộc về tác nghiệp của phóng viên và quy trình thẩm định thông tin của biên tập viên.
Bởi vì đây là sai sót nghiệp vụ và nếu ông Chủ tịch nước cho rằng điều này gây ảnh hưởng không tốt cho mình thì ông Quang có quyền khiếu nại theo Luật Báo chí, nếu thấy chưa đủ thì có thể nhờ đến sự phân xử của toà án. Đây là một phản ứng trong không gian của một xã hội dân sự bình thường. Tại Việt Nam không như vậy. Báo chí được khẳng định là “công cụ” của đảng cầm quyền, vì vậy thay vì để mọi thứ diễn ra như một hoạt động dân sự thì quy trình khiển trách bằng một quyết định hành chính đã được áp dụng. Cụ thể là số tiền phạt 220 triệu đồng và đình chỉ 3 tháng đối với ấn phẩm Tuổi Trẻ online.
Cũng trong một không gian dân sự lý tưởng, hình phạt nặng nhất với một tờ báo là bị độc giả quay lưng khi có sai sót và bị kiện bởi bên bị cho là ảnh hưởng do sai sót của tờ báo. Toà án là nơi ra quyết định phạt đối với tờ báo để đền bồi những thiệt hại cho nạn nhân của sai sót. Chính phủ làm nhiệm vụ bảo đảm các quy trình ấy hoạt động công bằng và xuyên suốt theo các bộ luật đã được ban hành. Chính phủ không phải và không thể là nơi ban hành quyết định phạt một tờ báo.
Đó là một ngày thứ 2 của tháng 4.2009, những công đoạn cuối cùng của số báo Du Lịch đã gần xong để đưa đi nhà in. Một cuộc điện thoại thông báo đình bản 3 tháng vì những “sai sót” trong số báo Xuân trước đó đã để lại một số báo mãi mãi không được xuất bản. Quy trình ứng xử với báo chí không hề thay đổi sau 9 năm, và chắc chắn không thay đổi sau nhiều năm nữa khi báo chí Việt Nam không thoát khỏi kiếp “công cụ”.
Cho đến giờ vẫn chưa có gì thay đổi quyết tâm “lãnh đạo toàn diện” đất nước của đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng mọi thứ đều đã được luật hoá, tôi tự hỏi tại sao với báo chí, đảng cầm quyền lại không để nó vận hành như một doanh nghiệp. Chịu sự chi phối và điều phối bởi các bộ luật như mọi chủ thể khác đang hoạt động trên đất nước này. Có thể nhiều người ủng hộ quyền lực của đảng sẽ nạt nộ: “Thế thì loạn à?”, nhưng hãy nhớ lại chỉ 20 năm trước đây thôi thị trường chứng khoán vẫn còn bị coi là “công cụ bóc lột của giới chủ tư bản” trong nhiều văn kiện đảng, lùi xa hơn là 30 năm trước thì doanh nghiệp tư nhân vẫn là một hình thức “người bóc lột người”.
Báo chí cũng vậy, cũng chỉ là một “diện” của đời sống mà đảng Cộng sản muốn quản lý. Có muốn hay không thì báo chí cũng sẽ tìm cho được cách hoạt động tự do, bởi những nhu cầu bắt buộc của xã hội. Vậy hãy quản lý bằng cách rút dần bàn tay điều hành trực tiếp ra khỏi lĩnh vực này mà để thị trường điều tiết và chi phối bằng luật pháp. Đồng thời, xin tha cho người làm báo cái vai trò “chiến sĩ thông tin” để rồi ra ân ra uy bằng cái thẻ. Hãy để họ được làm báo bằng các quy tắc nghề nghiệp đã có từ hàng trăm năm nay, đừng bắt những nhà báo có lương tâm phải đau khổ khi đứng trước những sự thật không được chuyển lên mặt báo, phải tủi nhục khi ai ai cũng có thể khinh khi rẻ rúng một nghề nghiệp đầy cao quý như nghề báo.