Gạc Ma, cuốn sách hay quyền tự do dân tộc

FB Tâm Chánh

11-7-2018

Cuốn sách Gạc Ma – Vòng tròn bất tử sau 4 năm với 48 lần biên tập mới vừa được xuất bản. Ảnh: internet

Mừng khi đọc thấy tin First News, một công ty sách tư nhân đã trót lọt được cuốn sách về Gạc Ma.

Nhưng câu chuyện một cuốn sách ghi nhận những người lính chết trận trên biển để bảo vệ chủ quyền đất nước và danh dự của người lính trước quốc kỳ mà phải long đong tận 4 năm trời, chạy tới 14 nhà xuất bản thì niềm vui cũng đắng vị.

Dân mình từ lâu đã quen với phản xạ, thôi đừng đợi nhà nước, cái gì làm được cho Hoàng Sa, Trường Sa…cố gắng làm được thì làm. Thậm chí còn chủ động làm công việc lẽ ra nhà nước phải làm. Khổ nổi sự chung tay đó của dân chúng cũng phải thập thò tranh thủ. Rồi mãi thành quen, thành nếp, thành một thứ qui phạm vô lí phải tuân thủ.

Trong khi đó cơ quan và cá nhân có trách nhiệm lại cũng thành lật đật. Phía bên này hiện vẻ chống nạnh ra oai. Ở phía khác tươi cười thông cảm.

Cũng là bộ máy ấy, con người ấy tạo ra khung cảnh long đong cho một cuốn sách. Rồi cũng chính họ tỉnh queo đóng vai đổi mới.

Tôi không nghĩ việc đến thăm và mua cuốn sách long đong về Gạc Ma ( hành động này được báo chí nhấn mạnh ) của ông Võ Văn Thưởng là một hành động đúng đắn.

Ban Tuyên giáo mà ông Thưởng là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về tình trạng những thông tin đúng đắn, nghiêm túc của dân chúng về những vấn đề của dân tộc mình, đất nước mình, xã hội mình bị cản trở.

Chúng ta có thể cùng tin cậy nhau để chọn lựa những đối sách thích hợp cho từng giai đoạn, từng thời điểm cần ngôn luận phối hợp trong đấu tranh về chủ quyền lãnh thổ. Đó phải là sự tổ chức khéo léo, thuyết phục.

Nhưng không có bất kỳ một cuộc đấu tranh nào để giành chút thế thuận lợi chúng ta lại có quyền hy sinh tự do của dân tộc.

Quyền tự do ấy dân tộc chúng ta đổ bằng máu xương để giành lấy và ủy thác cho nhà nước gìn giữ, bảo vệ.

Quyền tự do ấy của dân tộc có còn không khi trong một đất nước có chủ quyền, trong một quốc gia độc lập, trong một xã hội hội nhập sâu rộng mà những chủ đề như cuộc chiến tranh biên giới 1979, trận chiến Gạc Ma hay Hoàng Sa không thể xuất hiện bình thường trên ngôn luận?

Tôi nghĩ việc làm đúng đắn nhất của ông Võ Văn Thưởng vào lúc này không chỉ là hành động cho thấy sự thuận tình của ông với cuốn sách về Gạc Ma mà cao hơn là phải xác định quyền tự do dân tộc cũng là một nguyên tắc dĩ bất biến như chính từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc vậy.

Tôi cũng nghĩ bằng nguyên tắc đảng, ông Thưởng cũng cần phân tích rõ mối quan hệ giữa “ta” và Trung Quốc trong phát biểu của bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư và quyền tự do dân tộc mà hàng triệu đảng viên, quần chúng đã hy sinh, chịu đựng tù đày, mất mát từ 1945 đến nay cái nào nặng nhẹ?

Bình Luận từ Facebook