Người quen của… Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu cứu!

FB Lê Nguyễn Hương Trà

9-7-2018

Từ 1979, hai vợ chồng ông bà Lâm Hồng Long và Phạm Thị Tính nhiều lần gửi đơn đến các cấp chính quyền, cũng như thư cho chủ tịch nước và VP Chính phủ v/v hợp thức hóa căn nhà số 43 Bis An Bình (phường 6, Quận 5, Tp.HCM) mà gia đình cư ngụ 42 năm nay theo nghị định 61/CP; nhưng vẫn chưa được giải quyết!

Ông Long (1926) người Việt gốc Hoa ở Bình Thuận, tham gia kháng chiến chống Pháp và tập kết ra Hà Nội sau hiệp định Geneve; trở thành phóng viên ảnh thời sự của Thông tấn xã Việt Nam. Hàng trăm hình ảnh Hồ Chủ tịch đang được sử dụng rộng rãi trong hệ thống sách giáo khoa cũng như các tư liệu, tuyên truyền, bảo tàng v.v… là do ông Lâm Hồng Long chụp. Như Bác Hồ với các cháu thiếu nhi, Bác Hồ với các anh hùng dũng sĩ miền nam, Bác Hồ tặng hoa cho Mẹ Suốt, Bác trồng cây đa ở Ba Vì… đặc biệt nổi tiếng là bức Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn.

Ngoài ra, Lâm Hồng Long còn chụp được nhiều tác phẩm về các sự kiện chính trị, quân sự, ngoại giao có tính lịch sử trọng đại đang trưng bày trong các bảo tàng. Ông được giải thưởng Hồ Chí Minh 1996!

***

Chuyện là vầy, sau ngày Việt Nam thống nhất, năm 1976 ông Long thuyên chuyển công tác vào cơ quan thường trú; đưa gia đình trở về miền Nam, và ở trong căn nhà nói trên tại quận 5 của cô ruột là bà Lâm Nhơn Mỹ.

Vào 1978, bà Mỹ trước khi vượt biên qua Úc đã viết giấy giao lại căn nhà cho vợ chồng ông Long được toàn quyền sử dụng!

Tháng 3.1979, Phòng Quản lý nhà đất Q.5 kiểm kê đo diện tích và tiếp quản toàn bộ căn nhà. Tháng 8.1979, ông Long đưa đơn xin hợp thức chủ quyền căn nhà và khiếu nại việc quận 5 tự ý kiểm kê tài sản khi ông đang đi công tác.

Tháng 8.1980 P. Tổng giám đốc TTXVN gửi đơn đề nghị Sở nhà đất giải quyết cho ông Long được hợp thức hoá; do cơ quan chưa có điều kiện cung cấp nhà ở. Tháng 9.1980 Tổng giám đốc TTXVN Trần Thanh Xuân tiếp tục gửi thư đề nghị Quận Uỷ Quận 5 giải quyết vụ việc.

Sự việc kéo dài đến tháng 3.1997 thì ông Lâm Hồng Long mất trong căn nhà vẫn chưa có giấy tờ hợp lệ. Bà Tính vợ ông vẫn sống tại đó đến nay, nhưng phải đóng tiền thuê nhà cho Nhà nước. Và, vẫn kiên nhẫn làm đơn gửi khắp nơi!

Đến 2010, UBND Tp.HCM có công văn số 3648/UBND-DTMT chấp thuận theo báo cáo, đề xuất của Sở Xây dựng giao vụ việc cho UBND Q.5 phối hợp với Sở Tài chính lập thủ tục bán căn nhà cho gia đình ông Long.

Tuy nhiên, bà Tính đã gửi nhiều đơn thư xin cứu xét và mong muốn hợp thức chủ quyền; là gia đình đã sử dụng ổn định căn nhà từ năm 1978 đến nay; là tài sản của gia đình dòng họ và hoàn toàn không có phát sinh tranh chấp hay khiếu nại gì. Bản thân ông Lâm Hồng Long thuộc diện chính sách, và là đối tượng người có công với cách mạng theo quyết định số 118/TTg ngày 27/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 30.4.2014 bà Tính tiếp tục làm đơn lên UBND Tp.HCM nhưng vẫn không được giải quyết; mà sau đó chính quyền địa phương đã gởi giấy truy thu tiền thuê nhà từ 02/2010 đến 04/2015 là 99.297.450,00 triệu đồng. Tuy nhiên, bà Tính cho biết, không thể đóng vì tiền lương hưu trí của bà một tháng chỉ có 3 triệu đồng.

Tháng 1.2017 bà Tính tiếp tục làm đơn lên UBND Tp.HCM xin hợp thức hoá, nhưng đã được trả lời từ Trưởng phòng Quản lý nhà của Sở Xây dựng ông Nguyễn Thanh Hải là đề nghị chờ … chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện bà vợ ông Long vẫn… chờ ạ!

Căn nhà số 43 Bis đường An Bình, phường 6, Quận 5 thuộc dạng căn hộ chung cư đã xuống cấp, nơi chứa đựng nhiều kỷ vật của nhà báo – nhiếp ảnh Lâm Hồng Long. Ảnh: Lê Nguyễn Hương Trà
Giấy truy thu tiền nhà của bà Tính tại địa chỉ số 43 Bis An Bình. Ảnh: Lê Nguyễn Hương Trà
Đơn kêu cứu của bà Tính. Ảnh: Lê Nguyễn Hương Trà
Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tại sao lại phải cứu người quen của Chủ tịch Hồ Chí Minh ? Xã hội hết người để lo ? Hay “người quen của Chủ tịch Hồ Chí Minh” là 1 loại người đặc biệt cần được quan tâm ?

    Đọc mấy bài như thế này, nói ra thì bà Phạm Thị Hoài bảo là có tư duy thực dân, nhưng quả thật dân mình rất xứng đáng để cho Đảng Cộng Sản lãnh đạo . Nope, tớ không chê trách gì cả . Kính nhi viễn chi . Sợ lạnh sống lưng khác (hẳn) với khinh thường . Những người như tớ léo hánh về Việt Nam sẽ được/bị dân nộp công an ngay tắp lự . Tớ hổng phải “người quen của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, đã vậy thường đội sổ trong các phong trào thi đua iêu nước là iêu chủ nghĩa xã hội . Và tớ quan niệm chúng ta nên kệ xác tất cả ai là “người quen của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đảng Cộng Sản không lo, mắc mớ gì phải dây với đám đó ?

Comments are closed.