Nguyễn Tường Thụy
21-6-2018
Biểu tình là một sự ô danh?
Ít ra, từ mùa Hè năm 2011 (hoặc có thể sớm hơn, từ 2007?), nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra khái niệm “biểu tình trái phép,” được báo chí, tuyên giáo, dư luận viên và cả lãnh đạo sử dụng nhằm chụp tội người biểu tình.
Khi bị phản biện, quyền biểu tình là quyền hiến định thì họ ngụy biện rằng biểu tình nhưng phải theo qui định của pháp luật, khi chưa có luật biểu tình thì không được biểu tình. Vì vậy, họ cho Luật Biểu Tình là món quà, có thể ban cho dân lúc nào thì dân được hưởng lúc ấy mà không thấy đấy là trách nhiệm của họ phải luật hóa trong thời gian sớm nhất.
Bởi quan niệm như thế, Luật Biểu Tình bị hoãn đi hoãn lại bởi những đầu óc bảo thủ, quan điểm ban phát trong đảng, trong Quốc Hội.
Tiên phong trong việc chống Luật Biểu Tình là Hoàng Hữu Phước, đại biểu Quốc Hội khóa 8. Ông ta chê dân trí Việt Nam thấp nên chưa thể ra luật biểu tình. Hoàng Hữu Phước căm ghét biểu tình tới mức láo hỗn cho rằng biểu tình là một sự ô danh: “Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh.”
Người dân có quyền biểu tình mà không phải chờ luật biểu tình.
Trước hết, khi quyền biểu tình là quyền hiến định ghi ở điều 25 Hiến Pháp.
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”
Khi đã là quyền hiến định thì không có một cơ sở pháp lý nào để nói rằng, người dân không được phép biểu tình, cho dù có luật biểu tình hay không.
Quyền lãnh đạo của đảng CSVN cũng được hiến định tại điều 4 Hiến Pháp. Tuy nhiên, điều 4 cũng qui định “đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến Pháp và pháp luật.” Cho đến nay điều 4 cũng chưa được luật hóa nhưng đảng CSVN vẫn cứ thực hiện quyền lãnh đạo của mình, thọc tay vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, mặc dù thọc đến đâu thì hỏng đến đó.
Đảng CSVN không cần luật hóa điều 4 mà vẫn thể hiện quyền lãnh đạo của mình thì lý do gì mà người dân phải chờ Luật Biểu Tình mới được thể hiện lòng yêu nước?
Trên nguyên tắc và tinh thần bình đẳng trước pháp luật, giả định một cuộc mặc cả giữa một bên là nhân dân, một bên là đảng CSVN như thế này: nếu dân đồng ý tạm dừng biểu tình để chờ luật thì đảng CSVN cũng phải dừng hoạt động để chờ luật. Đảng CSVN có chấp nhận không? Dĩ nhiên là không bao giờ họ chấp nhận, nhưng lại bắt nhân dân phải chấp nhận.
Miệng họ nói biểu tình là trái luật nhưng ghi nhận bằng văn bản đâu phải là điều đơn giản. Vì vậy mới có chuyện ngày 18 Tháng Tám, 2011, chính quyền Hà Nội ra một thông báo cấm biểu tình, kỳ quặc và bôi bác chưa từng thấy, được gửi đến tận từng người biểu tình và đọc cả lên đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội. Thông báo không có ai ký mà chỉ có cái dấu treo. Nơi nhận không có và số công văn cũng không có nốt. Nghĩa là chẳng ai phải chịu trách nhiệm cả.
Ai cần Luật Biểu Tình hơn?
Luật Biểu Tình không phải là thứ để ban phát, bố thí cho dân. Ngược lại, bên cần luật biểu tình hơn phải là nhà cầm quyền. Họ cần để quản lý hoạt động biểu tình. Về phía người biểu tình dù có luật hay không có luật, họ vẫn có quyền biểu tình. Có khi ra Luật Biểu Tình lại bất lợi hơn cho người dân vì những điều khoản khắt khe, phức tạp như chờ thời gian đăng ký (hay xin phép) cùng với đủ các giới hạn khác, có thể là cấm một số tuyến phố “nhạy cảm,” xét duyệt nội dung các khẩu hiệu, qui định về thời gian, hạn chế số người tam gia… Đó còn chưa kể các tiểu xảo khác như cho hồng vệ binh khiêu khích rồi vu cho gây rối trật tự công cộng để bắt hoặc giải tán biểu tình.
Và điều này còn quan trọng hơn, ai bảo có Luật Biểu Tình rồi thì sẽ không bị đàn áp, không bị đánh? Luật nào cho phép đánh người mà công dân vẫn bị đánh đập đến tàn phế? Luật nào cho phép ngăn cản quyền đi lại của công dân để họ đưa công an với một lực lượng đông đảo canh khắp các nhà mỗi khi có biểu tình? Thế nhưng, những việc đó vẫn xảy ra thường xuyên, phổ biến tới mức nhiều người dân cứ tưởng công an họ có quyền làm như vậy?!
Cho nên, Luật Biểu Tình có hay không, không phải là điều quan bức thiết đối với người dân, mà quan trọng ở chỗ nhà cầm quyền có tôn trọng pháp luật không? Những gì đã diễn ra trong suốt thời gian đảng CSVN cầm quyền cho thấy câu trả lời là không. Chưa bao giờ, nhà cầm quyền Việt Nam, đặc biệt là ngành công an lại vi phạm pháp luật trắng trợn với một diện rộng như hiện nay.
Nghị định không thể điều chỉnh Hiến Pháp
Đó là một lẽ đương nhiên. Thế mà khi tranh cãi về quyền biểu tình bị đuối lý, thì Nghị Định 38/2005/NĐ-CP của chính phủ và sau đó là thông tư 09/2005/TT-BCA của Bộ Công An cấm tập trung từ 5 người trở lên lại được coi là cứu cánh cho nhà cầm quyền. Họ không nói không được biểu tình nữa mà nói cấm tụ tập đông người. Tại các khu vực biểu tình, loa phóng thanh ra rả đem Nghị Định 38 ra đòi giải tán, đe dọa. Tất nhiên chẳng ai nghe.
Dùng thông tư 38 để điều chỉnh hoạt động biểu tình là vi hiến. Vì không thể giới hạn mọi cuộc biểu tình phải dưới 5 người được.
Tuy vậy, những người biểu tình vẫn cứ bị bắt, bị đánh đập tàn bạo. Hai đợt biểu tình vào các ngày 9, 10 và 16, 17 Tháng Sáu, năm 2018, là những ví dụ gần nhất cho thấy điều đó.
Lẽ ra, một đất nước tôn trọng luật pháp thì cùng một hành vi sẽ bị xử lý như nhau. Nhưng thực tế thì cách cư xử đối với mỗi cuộc biểu tình lại khác nhau. Nếu biểu tình có lợi cho họ thì không bị đàn áp, như những cuộc biểu tình bị họ lợi dụng để làm giá với Trung Quốc chẳng hạn. Nếu cuộc biểu tình nào bất lợi ít thì bị đàn áp ít, cuộc nào hại nhiều cho họ thì bị đàn áp dữ dội như biểu tình phản đối Luật Đặc Khu, Luật An Ninh Mạng trong những ngày vừa qua. Điều này cũng chỉ là một ví dụ trong ngàn vạn dẫn chứng nói nói lên đất nước này vô luật.
Mặc dù quyền biểu tình của công dân đã rõ ràng như vậy nhưng giới cầm quyền vẫn cứ nói biểu tình trái phép, tập trung đông người là vi phạm để đàn áp, bắt bớ, đánh đập. Cuộc biểu tình đẫm máu ngày 17 Tháng Sáu, 2018 vừa qua, công an Sài Gòn đã bắt 179 người và nhiều người bị đánh đập vô cùng dã man.
Quyền biểu tình chỉ bị tước đoạt khi nó bị xóa ra khỏi Hiến Pháp đồng thời luật pháp có điều khoản cấm biểu tình. Nếu chỉ xóa ra khỏi hiến pháp mà không có điều luật cấm thì dân vẫn có quyền biểu tình vì người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm.
Nếu Luật Biểu Tình không phải là thứ để ban phát, bố thí cho dân thì tại sao trí thức nhà mình đang xin Đảng & Chính phủ ban phát cho luật biểu tình để Đảng & trí thức dễ dàng kiểm soát dân biểu tình ?
Không cần nhà cầm quyền VN phải có hành động công khai bán nước (như ý đồ lập 3 đặc khu cho Tàu Cộng thuê 99 năm), nhân dân VN lúc nào cũng có lý do để mà XUỐNG ĐƯỜNG BIỂU TÌNH, như BIỂU TÌNH để đòi quyền làm người, đòi được hưởng các quyền mà “hiến pháp” ghi như quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do lập hội, hay QUYỀN BIỂU TÌNH.
Biểu tình để nói cho bọn lưu manh cầm quyền rằng: Hiến pháp không phải là cái bánh vẽ để lừa bịp nhân dân VN!
(Ở các nước có dân chủ (không có điều 4 độc tài bẩn thỉu như hiến pháp VN), “Biểu tình là một quyền cơ bản của người dân”. Theo Điều 8 Bộ Luật cơ bản CHLB Đức, nếu tụ tập đông ngưởi ở trong nhà thì “không cần phải đăng ký hoặc xin giấy phép”. Chỉ khi tụ tập và biểu tình ngoài trời mới phải thông báo trưóc 48 giờ cho công an (lý do để họ điều hành, bảo vê an toàn giao thông), và khi đi biểu tình không được mặc đồng phục, bịt mặt, mang vũ khí.
Chỉ có biểu tình với nội dung, đòi hỏi trái với Hiến pháp, mới bị công an cấm. Thấy không đúng , có thể kiện lại công an ở Toà Báo hiến).
Trên Thế giới có lẽ chả nước nào muốn biểu tình phải có luật biểu tình, mặc dù Hiến pháp có „khẳng định“ quyền đó, nhưng lại kèm 1 cái đuôi: „Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định“. Và theo tôi hiểu cũng chưa có Hiến pháp nước nào khẳng định quyền lãnh đạo của Đảng thành 1 điều của Hiến pháp. Hiến pháp Trung Quốc chỉ trong phần mở đầu của Hiến pháp từ những thời điểm 1993, 1999, 2004 bắt đầu bổ sung câu: „Sự chiến thắng của cuộc cách mạng dân chủ mới và các thành quả sự nghiệp Xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc đạt được từ lực lượng quần chúng mọi dân tộc Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc“. Tức là Trung Quốc cũng ngày càng muốn nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng – chứ không có điều khoản riêng Đảng là lực lượng lãnh đạo. Rất đơn giản kể cả coi việc 1 Đảng lãnh đạo là chuyện bình thường (với dân thì bình thường 1 đảng hay nhiều đảng không quan trọng, mà quan trọng là đất nước mạnh giầu, dân sung sướng, ấm no, hạnh phúc, dân chủ). Nếu ai dựa vào 1 điều của Hiến pháp để nói là Đảng là lực lượng lãnh đạo bao trùm đứng lên trên hết thảy để rồi sau đó lại nói Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất sẽ tự làm rối loạn bộ máy quyền lực của 1 đất nước (lỗi hệ thống), khiến cho người dân chẳng hiểu ai to hơn ai, Quốc hội hay Đảng. Điều này rất quan trọng, vì dù đại biểu QH hầu hết đều là đảng viên, thì ngồi vị trí Quốc hội thì nhiệm vụ đại biểu Nhân dân là chính, nên thực ra đại biểu quốc hội phải đại diện chính cho dân, và vị trí đảng viên phải đặt phía sau. Còn quay lại quyền biểu tình nhắc ở bài này thì xây dựng Hiến pháp không chuẩn mực với các điều khoản không hợp lý: CHO 1 QUYỀN, NHƯNG VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN ĐÓ LẠI DO PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH – VÀ GIẢI THÍCH DO CHƯA CÓ LUẬT NÊN CHƯA THỰC HIỆN – KHIẾN HIẾN PHÁP NHƯ THẾ TỰ VÔ HIỆU HÓA QUYỀN LỰC TỐI CAO CỦA MÌNH – VÀ THỰC TẾ NHƯ THẾ HIẾN PHÁP SẼ THUA KÉM LUẬT NẾU NGƯỜI LẬP HIẾN CÓ CHỦ Ý NHƯ VẬY!