Công an đánh người Phan Rí Cửa “thổ huyết”

FB Ngô Thanh Tú

20-6-2018

Ảnh: internet

Đây là Nguyễn Minh Kha, ở nhà gọi là Đầu Dài – nạn nhân bị đánh trong đồn công an thị trấn Phan Rí Cửa vì liên quan đến cuộc biểu tình sau ngày 11/6. Kha sinh năm 2000, nay em nó mới được 18 tuổi. Từ người nhà Kha cho biết, sau cuộc biểu tình, em bị CA đến nhà để bắt lên đồn làm việc. Tại đó, công an từ Phan Thiết điều động ra để làm việc đã tra tấn, bức cung em. Đến chiều thì được thả về.

Sau khi về nhà, Kha thấy trong người khó thở, toàn thân bầm tím. Người nhà liền đưa em lên bịnh viện trên Thị trấn Chợ Lầu (huyện Bắc Bình) để khám. Sức khỏe của Kha trở nên trầm trọng, thân nhân lại phải chuyển vô Sài Gòn để chữa trị.

Kha chính là tác nhân chính để thân nhân, hàng xóm kéo nhau đến đồn công an Thị trấn Phan Rí Cửa phản đối, đòi công đạo trong suốt hai ngày qua. Sáng hôm nay (20/6) người nhà lại tiếp tục lên đồn bao vây để yêu cầu công an phải có trách nhiệm với nạn nhân. Nhà Kha nghèo, sinh sống ở Khu 6, gần cảng Phan Rí Cửa. Tiền thuốc men, chữa trị là vấn đề nghiêm trọng đối với người nhà.

Sáng nay Kha lại bị thổ huyết, người nhà vô cùng lo lắng trước tình hình sức khỏe của em.

Nhiều tin đồn nói em đã qua đời, được đưa về Phan Rí Cửa chiều nay là không đúng sự thật. Nguyễn Minh Kha vẫn đang ở Sài Gòn để tiếp tục theo dõi bịnh tình.

Ở Việt Nam không chỉ mỗi Kha là nạn nhân các màn tra tấn của công an, mà rất rất nhiều. Kha vẫn là người may mắn khi chưa thành người thiên cổ, chứ nếu so với Ngô Thanh Kiều (Phú Yên), Hoàng Văn Ngài (Đắk Nông)… hay hàng ngàn sa số khác là nạn nhân của đòn thù công an giờ đã xanh mồ.

Tại Sài Gòn, anh Trịnh Văn Toàn chỉ vì tham gia biểu tình phản đối Luật đặc khu, Luật An ninh mạng mà bị công an tra tấn đến chấn thương sọ não. Bây giờ bịnh tình vẫn chưa thuyên giảm, không thể nhấc nổi thân mình dậy, không phân biệt được ai. Chưa bao giờ những người như Ngô Thanh Kiều, Hoàng Văn Ngài, Nguyễn Minh Kha hay Trịnh Văn Toàn có được công lý trong xã hội công an trị này. Họ-người dân vẫn luôn là kẻ yếu và không được luật pháp bảo vệ.

Nói đến đây tôi lại cảm thấy buồn nôn, thấy tởm lợm cho những người lên án cuộc biểu tình đẩy đến xung đột giữa công an với người dân. Họ lên án người biểu tình, đứng về phía kẻ mạnh để dồn người dân vào ngỏ cụt. Những kẻ mang mặt nạ đạo đức ấy đâu biết rằng, trong tất cả các cuộc biểu tình, kẻ đẩy sự việc thành bạo loạn đều bắt nguồn từ lực lượng có trách nhiệm, khi họ xuống tay trấn áp, đánh đập tàn nhẫn người biểu tình. Khi bị đánh, đám đông chỉ cần một lời hô hào, một màu cờ là họ hùa theo làm những chuyện điên loạn.

Đứng về kẻ mạnh-chính quyền thì an toàn, nhưng nó phần nào cho thấy sự hèn hạ của chính họ.

Bình Luận từ Facebook