14-6-2018
Qua nay nhiều bạn bè mình share bài của bạn mà không kiểm chứng nguồn tin, không biết rằng những lập luận ngô nghê mà bạn chia sẻ mới là không chính xác và sai lệch, cố tình lái qua hướng ru ngủ khiến nhiều người quên đi sự nguy hiểm của Luật ANM.
Sau khi đã đọc hết một lần toàn bộ Luật ANM (sẽ còn phải đọc lại nhiều lần nữa) cũng như tham khảo từ nhiều nguồn, mình xin phép phản biện lại từng luận điểm của bạn như bên dưới nhé.
Mình post trên trang cá nhân vì bạn đóng Facebook không cho người lạ vào bình luận. Mình cũng nghĩ tới việc nhắn tin riêng cho bạn nhưng mình thấy có vẻ bạn không hoan nghênh ý kiến trái chiều (hãy xem câu đầu tiên trong bài viết của bạn). Nên mục đích bài phản biện này của mình là để cho những người bạn của mình đang bị lẫn trong mớ bòng bong thông tin không bị dắt mũi.
Mình không phải là hot facebooker với hàng ngàn lượt follower nhưng chỉ cần vài trong số những người bạn của mình đọc được và hiểu rõ hơn vấn đề thôi đã là quá đủ đối với mình, và để không hổ thẹn với lương tâm là tại sao thấy cái sai mà không lên tiếng. Vậy hen.
So…
1/ Đúng, nước ta CHƯA CẤM Facebook và Google. Tuy nhiên cũng không có gì đảm bảo nhà nước SẼ không cấm hoặc Facebook và Google BUỘC phải rút khỏi thị trường VN nếu hai công ty này không đáp ứng được Luật ANM theo yêu cầu của nhà nước. Bởi vì sao? Bởi vì họ CÓ QUYỀN cấm, dựa vào bộ Luật ANM này.
Mọi thứ đang ở thì tương lai nên khẳng định SAI là hơi hấp tấp và vội vàng nhé bạn. Một khi Facebook hoặc Google đã rút hoặc bị buộc phải rút thì chuyện xài mạng riêng giống Trung Quốc là HOÀN TOÀN có thể xảy ra.
2/ Vấn đề này không đáng phải tranh luận. Chuyện đặt máy chủ ở đâu không đáng lo bằng việc các doanh nghiệp có bị buộc phải cung cấp dữ liệu đó cho chính quyền nước sở tại khi có yêu cầu hay không. Và thực tế luật ANM CÓ yêu cầu điều này, bằng chứng ở phía dưới.
3/ Bạn đang chỉ ra sự khác biệt câu chữ giữa A và B mà bạn vô tình (hay cố ý) quên đi từ A sẽ dẫn đến B chỉ trong vòng 1 nốt nhạc khi luật này (đã) được thông qua.
“Doanh nghiệp phải cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng” – đây là tiền đề nguy hiểm và cần phải xem xét có vi phạm tới quyền bảo mật thư tín của công dân được quy định trong Hiến pháp hay không (cần nhắc lại xét về khung quyền lực Hiến pháp đứng trên Luật nhé).
Vui lòng đọc qua điều 16 trong bộ Luật ANM để hiểu rõ hơn những hành vi được xem là vi phạm pháp luật.
Lấy ví dụ: theo điều 16, khoản 1, mục c thì hành vi xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc sẽ bị xem là vi phạm. Nhưng cho hỏi như thế nào thì được xem là xúc phạm? Những ai là vĩ nhân, danh nhân, anh hùng dân tộc? Dựa trên tiêu chí nào để xét duyệt?
Ví dụ có người nói không đồng ý với tướng Giáp vì chiến thuật nướng quân thì có bị xem là vi phạm luật ANM không? Hoặc nếu có người bày tỏ thái độ và suy nghĩ của họ về chính sách và đường lối của Đảng/NN thì sao?
Một khi đã bị khép tội (vì những điều luật mơ hồ đó), điều gì ngăn cản bộ Công an yêu cầu doanh nghiệp cung cấp toàn bộ thông tin dữ liệu của người dùng, kể cả tin nhắn, riêng tư… để “phục vụ công tác điều tra”? Trong khi đó việc khép tội lại quá dễ dàng, tôi đố bạn bày tỏ ý kiến trái chiều mà không bị ghép vào một trong các hành vi vi phạm đó đấy.
“Bạn không làm gì sai, không ai lấy thông tin của bạn” => Nói như bạn là bạn đang đặt quyền tự do công dân của bạn vào tay kẻ khác. Họ nói bạn làm sai (trong khi chưa có quyết định từ tòa án) là họ có quyền lấy thông tin của bạn? Chưa kể họ còn có quyền yêu cầu doanh nghiệp dừng cung cấp dịch vụ cho bạn, như vậy có phải là bịt mồm không? Khi đó, bạn lấy phương tiện gì để phản đối lại?
Để tôi nhắc cho bạn một ví dụ, Apple cách đây 2 năm đã từ chối yêu cầu của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nhất quyết không mở khóa chiếc iPhone của 1 trong 2 tay súng trong vụ khủng bố ở San Berardino với lý do để bảo vệ quyền tự do của công dân. Nói như vậy để bạn đủ thấy quyền tự do công dân được họ xem trọng như thế nào. Chính quyền có thể bằng cách nào đó tự mở khóa thiết bị của Apple, chứ không thể yêu cầu Apple làm điều đó và cung cấp thông tin đó cho họ.
4/ Nếu đã dẫn chứng thì dẫn chứng cho hết nhé bạn. Thực tế Facebook sẽ phản hồi khi có yêu cầu cung cấp thông tin từ nhà nước NHƯNG mỗi yêu cầu đều được xem xét kỹ lưỡng và họ có thể TỪ CHỐI cung cấp thông tin nếu các yêu cầu này quá chung chung và mơ hồ.
Và bạn vui lòng mở to mắt ra nhìn vô tỉ lệ thông tin mà Facebook cung cấp theo yêu cầu của nhà nước VN trong năm 2017 vừa rồi nhé: 38% trên tổng số các yêu cầu tính từ tháng 7 tới tháng 12 năm ngoái, và thậm chí thấp hơn chỉ có 25% tính từ tháng 1 tới tháng 6.
Tỉ lệ cung cấp thông tin thấp lè tè như vậy là đủ hiểu mức độ chung chung và mơ hồ của những yêu cầu này từ nhà nước rồi he. Không tin thì cứ so sánh với tỉ lệ các nước khác xem, vào luôn cái link mà bạn share đó bạn.
Đối với Facebook thì không có ngoại lệ, nhà nước khi yêu cầu thông tin thì cũng phải chứng minh cho nó thấy được yêu cầu này là legit. “Facebook hàng năm vẫn cung cấp thông tin đều đặn theo yêu cầu của chính phủ” => nghe bạn mô tả cứ như Facebook là đứa trẻ ngoan răm rắp nghe lời á, bảo gì làm nấy, buồn cười ghê.
5/ KHÔNG CHÍNH XÁC! Bạn dẫn chứng một điều luật của nước khác mà lại cố tình thêm thắt. Thực tế Luật NetzDG của Đức yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phát triển các công cụ ngăn chặn hate speech và fake news trong vòng 24h sau khi nhận được thông tin report từ người dùng, chứ không bắt các mạng xã hội phải cung cấp thông tin dữ liệu người dùng nhé, một sự KHÁC NHAU cực lớn nhé.
Mà bạn có biết hate speech là gì không vậy? Nó là những phát ngôn thù hận nhắm vào chủng tộc, tôn giáo, giới tính, khuyết tật, xu hướng tính dục v.v.. của một người hoặc nhóm người nào đó.
Bất đồng chính kiến với nhà nước thì không xét vào nhóm này nhé nên nếu muốn thì dân Đức vẫn thoải mái bày tỏ thái độ và suy nghĩ của họ về những vấn đề của đất nước họ nhé.
Bên cạnh đó, ngay cả đạo luật NetzDG này cũng đang nhận rất nhiều chỉ trích ở trong và ngoài nước Đức vì nó ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của công dân.
Mặt khác, rất khó để xác định được nội dung nào là hate speech vì phải tìm hiểu kỹ càng, kết hợp nhiều yếu tố văn hoá mới quy kết được là nội dung đó có phải là hate speech hay không để mà yêu cầu các nhà mạng xã hội gỡ bỏ:
https://www.hrw.org/news/2018/02/14/germany-flawed-social-media-law
https://law.yale.edu/mfia/case-disclosed/germanys-netzdg-and-threat-online-free-speech
https://www.bbc.com/news/blogs-trending-41042266
https://www.theguardian.com/world/2018/jan/05/tough-new-german-law-puts-tech-firms-and-free-speech-in-spotlight
Quan trọng hơn cả, đạo luật này đè nặng lên các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, chứ không phải người dùng, vì chính quyền Đức PHẠT TIỀN NHÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ MXH nếu không xóa bỏ thông tin khi đã xác định là vi phạm nhé, chứ KHÔNG HỀ CÓ ĐIỀU KHOẢN PHẠT NGƯỜI DÙNG.
Đã mất công tìm hiểu thì sao không chịu khó đọc thêm cho tới nơi tới chốn vậy bạn?
Còn vụ nói xấu idol Hàn Quốc bạn lôi vào đây làm gì? Nói xấu hoặc sỉ nhục người khác thì người đó có quyền khiếu kiện thôi, ở đâu mà chẳng vậy. Khác biệt ở đây là họ lôi nhau ra toà cho thẩm phán quyết định, chứ không phải trao quyền sinh quyền sát cho Bộ Công an với “găng tay vô cực” là Luật ANM nhé.
=> KẾT LUẬN: bạn bè của mình xin hãy tỉnh táo, tìm hiểu kỹ, tập thói quen kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn hơn nữa để không bị dắt mũi bởi những kẻ định hướng nhé. Hãy có chính kiến của mình. Ngay cả bài phản biện này của mình, nếu bạn nào thấy sai hoặc chưa đúng hãy chỉ ra, mình sẵn sàng đối thoại tranh luận văn minh. Mọi ý kiến dù là bất đồng đều được hoan nghênh.
Cheers,