9-6-2018
Đã có nhiều người vỗ tay khen động thái cầu thị lắng nghe của Chính phủ. Tôi lại đặt suy nghĩ của mình nơi khác: Sự chậm trễ ra đời Luật Biểu tình (quyền Hiến định) và sự sốt sắng ra đời Luật An ninh mạng (điều khiến nhân dân lo lắng).
Thông cáo được phát đi lúc 3h sáng 9/6/2018 từ Chính phủ có nội dung: “đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc trình Quốc hội xem xét lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (luật đặc khu) từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2018) để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.” Chính phủ chưa nói gì về dự thảo Luật An ninh mạng…
Đã có khá nhiều phân tích về dự thảo Luật An ninh mạng và chính tôi dành 3 đêm để xem kỹ dự thảo Luật An ninh mạng. Nó kinh khủng quá sức tưởng tượng của tôi! (Xin phân tích trong bài viết khác.)
Nhưng còn dự thảo Luật biểu tình được đề xuất từ 2011 đến nay sau 7 năm vẫn “nợ đọng”. Chính phủ nợ “Quyền biểu tình không chỉ là nhu cầu thực tiễn của xã hội mà gần như là chuẩn mực của thế giới về quyền tự do.” như lời phát biểu của ĐBQH Dương Trung Quốc.
Sự sốt sắng muốn thông qua một đạo luật (An ninh mạng) mà các khái niệm cơ bản còn mù mờ chưa đáng sợ bằng việc các quyền tự do của nhân dân bị bóp nghẹt trong tương lai gần sau khi các ĐBQH bấm nút thông qua.
Nhân danh “vì an ninh quốc gia” thì xin mời cả quân đội và công an hãy theo dõi những quan chức trong hệ thống công quyền và giám sát lẫn nhau. Lý do là nhân dân không có quyền gì để “hỏa thiêu ngân sách” mà chính những quan chức biến chất, lạm quyền mới làm xấu hình ảnh Đảng và Nhà nước, gây thiệt hại cho Tổ Quốc lẫn Nhân Dân. Doanh nghiệp bình phong của quân đội, công an có tiêu cực không thì cả hai lực lượng đều rõ!
Việt Nam có “kinh nghiệm” tự bế quan tỏa cảng từ 1975 đến 1986 rồi tự “mở cửa” và gọi đó là “đổi mới”. Đất nước này cũng chứng kiến từ 2005-2016 các bộ, ngành “đẻ ra” vô số giấy phép con rồi thu hồi lại cũng thông báo là “cải cách thủ tục hành chính”. Vậy thì trình các dự thảo luật gây ra “làn sóng khủng khiếp” (như lời Thủ tướng) để rồi hoãn lại thì cũng không thể gọi là kiến tạo.
Cho đến giờ vẫn không thấy một lực lượng nào đủ kinh nghiệm, sức mạnh để lật đổ chính thể đương nhiệm. Chỉ thấy các cán bộ biến chất phá hoại từ bên trong bằng các dự án “hỏa thiêu ngân sách” một cách “đúng quy trình” cho đến khi bị phát hiện.
Đổi mới hay kiến tạo ở Việt Nam thật ra đơn giả là tôn trọng các giá trị phổ quát của xã hội loài người và ý chí nhân dân; thay vì những dự thảo (hay dự án) mang lại các cảm xúc tiêu cực trong nhân dân, doanh nghiệp. Chỉ duy nhất một việc là đưa tỉ lệ tham nhũng xuống dưới mức “ổn định” là nhân dân đã hoan hô.
Sự vận hành của thế giới nói chung (đang ngày càng “phẳng”) và quốc gia nói riêng (đang ngày càng hòa nhập) không thể dựa trên sự duy ý chí mà bởi các nghiên cứu khoa học và sự chủ động ứng dụng chúng. Tiếc thay, tôi chưa nhìn thấy các Giáo sư, Tiến sĩ ở Việt Nam có những đóng góp vào quá trình này nếu tính bằng chất lượng (rất ít) so với số lượng (rất nhiều).
Và đi copy gần như nguyên xi một đạo luật Trung Quốc (An ninh mạng) để áp dụng ngay vào Việt Nam là một sự khiên cưỡng, áp đặt và thiếu khoa học.
Nhân dân, doanh nghiệp chỉ cần yên ổn “kiến tạo” sự yên ổn tại Việt Nam rất đơn giản chỉ là để các quyền cơ bản của người dân không bị xâm phạm! Quyền biểu tình vẫn chưa được thông qua bằng luật và quyền riêng tư lại bị ảnh hưởng bằng một dự luật (An ninh mạng) mà không chỉ nhân dân trong nước lo lắng thì đó không phải là đổi mới.
Mà là “quay về quá khứ”!
Trong khi thế giới đang hướng về tương lai…
Trong những chuyện không giống ai so thế giới của Việt Nam thì có câu chuyện „kiến nghị, yêu cầu, đòi hỏi“ phải có Luật biểu tình – điều tôi tin chả có quốc gia nào có hiện tượng đó (nếu nói đến nhu cầu thì đáng lẽ phải Nhà nước muốn có luật để quản lý được tốt hơn quyền này)! Tất nhiên người „kiến nghị …“ chả tự nhiên lại làm điều này, mà họ sa vào bẫy chữ nghĩa (kiểu như „LỆ GIÁ“, „NƯỚC LÁNG GIỀNG“) xuất hiện từ Hiến pháp 1992 chứ Hiến pháp trước đó không có cụm từ này (Đ. 69 „Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.“) không thông lệ Hiến pháp các nước, kể cả Hiến pháp Nga và Hiến pháp Trung quốc cũng không hề có cụm từ vô lý này (vô lý vì như thế HIẾN PHÁP CHỈ NHẮC TỚI CÁC QUYỀN ĐÓ CHỨ TOÀN QUYỀN QUYẾT ĐỊNH LẠI LÀ „PHÁP LUẬT“ – nghĩa là nếu không quy định phải có Luật biểu tình, thì kể cả các văn bản do chính quyền phường xã ban hành theo điều khoản này của Hiến pháp về các quyền trên … sẽ quan trọng hơn quy định trong Hiến pháp và lúc đó chúng ta vẫn coi Hiến pháp là luật cơ bản, Luật gốc ư?!
Với người dân nào thấy lạ tai trước những khái niệm như: Luật gốc, Luật cơ bản, pháp luật thì tôi xin kể 1 ví dụ dân dã sau cho dễ hiểu: 1 Ông bố cho phép thằng con út được phép đi chơi đêm đến 12 giờ đêm. Bình thường ra con út sẽ được thực hiện quyền đó khi bố cho phép. Tuy nhiên nếu người bố cẩn thận thì ông ta nhắc thêm (như Hiến pháp 1 số nước có lưu ý bổ sung khi nói về quyền hội họp): Có thể anh cả con sẽ quy định thêm 1 số ý kiến để đảm bảo việc đi chơi của con tốt, an toàn cho con, và đồng thời để gia đình đỡ lo. Ví dụ có thể con út phải báo đi chơi đến đâu, đi chơi với ai (Luật biểu tình quy định trường hợp nào phải đăng ký trước …). Tuy vậy nếu anh cả không quy định thì có nghĩa con út được đi chơi thỏa thích theo ý muốn và vì thế để không có sự quá tùy tiện thì ông bố phải lệnh cho con cả phải ban hành ra quy định kiềm chế con út theo các mức độ thông lệ, tiên bộ các gia đình hay làm. Tuy nhiên nếu làm KHÔNG GIỐNG AI, thì bố nói: „Con út được đi chơi đến 12 giờ theo quy định của các anh chị“. Và thế là con út cứ chạy theo các anh chị để đòi quyền được đi chơi đến 12 giờ, mà mọi người quên hẳn vai trò của ông bố nếu không phải bù nhìn, thì không bao giờ có thể nói được câu tối nghĩa – thậm chí vô nghĩa như vậy khi ông chủ gia đình vẫn là ông bố, còn đủ minh mẫn và chưa trao quyền cho người con nào!
Hiến pháp phải bỏ đuôi: “theo quy định của pháp luật”