Còn một dự luật nữa

FB Lê Nguyễn Duy Hậu

9-6-2018

Luật đặc khu đã hoãn là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng nếu Luật An Ninh Mạng không bị phủ quyết luôn thì mối lo vẫn còn đó.

Theo lịch, đến ngày 12/6 thì Luật An Ninh Mạng sẽ được thông qua.

Hãy nhớ đến khẩu hiệu của đất nước này: Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc. Ba thứ phải đi cùng với nhau.

Có hai vấn đề lớn đối với Luật này.

Thứ nhất là sự hạn chế tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, tự do internet. Luật đưa ra hàng loạt hành vi cấm. Có những hành vi hết sức mơ hồ như “xúc phạm vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc”, “lôi kéo tụ tập đông người”, “xúc phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm của người khác” (Điều 15). Và các tổ chức cung cấp dịch vụ trên internet sẽ phải gỡ bỏ những thông tin này khi Nhà nước có yêu cầu, và lưu vết thông tin để Nhà nước truy bắt người đăng thông tin (Điều 26)

Hiện nay, Facebook, Google, Youtube… cũng có nghĩa vụ xem xét yêu cầu của Nhà nước gỡ bỏ thông tin “xấu” (Thông tư 38). Nhưng các tổ chức này vẫn có quyền từ chối (và thực tế là họ vẫn từ chối) nếu xét thấy thông tin bị yêu cầu gỡ không “xấu” như Nhà nước cáo buộc. Khi Luật An Ninh Mạng ra đời, Facebook, Google, Youtube không còn nhiều cơ sở pháp lý để từ chối nữa vì họ phải thực hiện các yêu cầu của cơ quan Nhà nước (Điều 26)

Nhưng thứ hai, và quan trọng hơn, Luật An Ninh Mạng cho phép Nhà nước thu thập gần như không giới hạn thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng internet mà không cần có lệnh của toà, không cần có lý do chính đáng, không cần có trình tự. Điều 26 quy định tổ chức cung cấp dịch vụ phải cung cấp các thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng khi Nhà nước có yêu cầu bằng văn bản. Đây là một quyền rất rộng, rất vô lý, và là mầm mống của việc thu thập thông tin trên diện rộng và giám sát dân chúng.

Điều 24 bảo đảm thi hành điều 26 bằng cách cho phép Nhà nước kiểm tra, xâm nhập đột xuất hoặc định kì vào hệ thống thông tin của các tổ chức này.

Vậy thử tưởng tượng, bạn đi đâu, làm gì, nói với em, check in ở đâu, chụp ảnh ra sao, xem cái gì, nghe nhạc gì… tất cả trở thành dữ liệu cá nhân mà Nhà nước có thể thu thập chỉ bằng một văn bản gửi đến cho Facebook, Youtube.

Không chỉ Facebook, Youtube… các tổ chức khác có dùng internet để cung cấp dịch vụ như Agoda, Tripadvisor, ngân hàng… cũng chịu ảnh hưởng của quy định này. Những tổ chức này thì nắm giữ các thông tin không kém phần nhạy cảm như thông tin tài khoản, thẻ tín dụng…

Chỉ riêng trong ngày hôm qua, hai tổ chức theo dõi nhân quyền lớn là Human Rights Watch và Amnesty International đã có công văn phản đối dự thảo Luật này. Đại sứ quán Mỹ cùng Canada đã ra thông cáo thúc giục Việt Nam hoãn thông qua luật này. Nhiều người cho rằng luật này nếu thông qua thì những tiếng nói phản biện luật đặc khu trong kì họp sắp tới sẽ bị giám sát, theo dõi chặt chẽ hơn. Có phải đó là lý do mà những thảo luận của Luật An Ninh Mạng ít xuất hiện trên truyền thông chính thống?

Ở Việt Nam, một phong trào thu thập chữ ký để gửi cho Quốc hội nhằm hoãn thông qua Luật này đã hình thành từ thứ 5. Hiện đã có gần 5000 chữ kí.

Lý do mà Nhà nước đưa ra để thông qua luật này là vì “an ninh quốc phòng”. Đó là một lý do chính đáng, nhưng biện pháp thì phải tương xứng. Chính tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng từng nói “ném chuột đừng để vỡ lọ quý”. Lọ quý ở đây ngoài an ninh quốc phòng, còn là tự do của người dân. Một lần nữa, hãy nhớ đến khẩu hiện của đất nước này là Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc. Không thể chỉ vì sự lo ngại mất Độc Lập một cách mơ hồ mà ném vỡ Tự Do và kìm hãm Hạnh Phúc được.

Bạn sẽ làm gì?

Thông cáo của ĐSQ Mỹ và ĐSQ Canada

Thông cáo của Human Rights Watch

Thông cáo của Amnesty International

Phong trào kí tên phản đối

– Clip mình giải thích về dự luật

Bình Luận từ Facebook