9-6-2018
[MỘT] LUẬT AN NINH MẠNG LÀ CẦN THIẾT nếu phù hợp và bảo vệ quyền dân sự:
Thuyết minh của Ban soạn thảo đã chứng minh sự cần thiết tương đối rõ. Với sự không bó buộc bởi không gian thực và thời gian thực, những thách thức an ninh từ không gian mạng là có thực và cần được quản lý nhằm “Xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”
[CHÍN] ĐIỂM LỚN ĐÁNG CHÚ Ý CỦA DỰ LUẬT AN NINH MẠNG:
1. Định nghĩa được những khái niệm quan trọng trong an ninh mạng, từ đó xác định được cơ chế điều chỉnh pháp luật và các biện pháp quản lý cụ thể.
2. Tuyên bố rõ về chính sách của nhà nước đối với vấn đề an ninh mạng, để người dân có thể xác định và điều chỉnh hành vi phù hợp, hạn chế rủi ro vi phạm pháp luật do vô ý.
3. Xây dựng khung pháp lý, từ đó có những huy động nguồn lực phù hợp để quản lý không gian mạng quốc gia và hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia.
4. Xây dựng cơ sở pháp lý mạnh mẽ để phòng ngừa, xử lý những hành vi xâm phạm an ninh mạng như tuyên truyền chống nhà nước, gây rối trật tự công cộng, tấn công mạng, khủng bố v.v..
5. Xây dựng khung pháp lý để yêu cầu “toàn thể hệ thống chính trị vào cuộc” để đảm bảo an ninh mạng.
6. Xác định rõ các cơ quan quản lý nhà nước trung ương trực tiếp chịu trách nhiệm về an ninh mạng là Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, còn Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ có vai trò phối hợp.
7. Xác định rất nhiều trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng không gian mạng, cung cấp dịch vụ về không gian mạng, dịch vụ trên không gian mạng, trong đó quy định rõ phải “Kịp thời cung cấp những thông tin liên quan đến bảo vệ an ninh mạng, nguy cơ đe dọa an ninh mạng, hành vi xâm phạm an ninh mạng cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng của Bộ Công an hoặc cơ quan công an nơi gần nhất”
8. Quy định về nghĩa vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên không gian mạng như lưu trữ tại Việt Nam các thông tin về người dùng, thông tin quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, có trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
9. Xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, trong đó lực lượng này của Bộ Công an có thẩm quyền rộng nhất.
[TÁM] ĐIỀU BĂN KHOĂN VỀ DỰ LUẬT AN NINH MẠNG:
1. Không gian mạng, đúng như định nghĩa của dự luật, “là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian” thì việc yêu cầu lưu trữ thông tin và đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam liệu có khả thi? Trong trường hợp GG hay FB từ chối đặt văn phòng đại diện thì người dùng VN có thể sẽ không được sử dụng những ứng dụng này nữa. Đây không chỉ thiệt hại về quyền dân sự, mà còn cả về lợi ích kinh tế.
2. Nhiều quy định về nghĩa vụ của người sử dụng không gian mạng còn mơ hồ, dễ diễn giải ở các mức độ khác nhau phụ thuộc vào góc nhìn, thái độ từ cơ quan quản lý nhà nước (như tại Điều 8 và Điều 15).
3. Cả dự luật không quy định bất cứ một nghĩa vụ nào của người sử dụng không gian mạng (thật đáng nể về khâu soạn thảo), nhưng thật ra, nghĩa vụ của người sử dụng được quy định rải rác khắp nơi thông qua quy định nghiêm cấm, không được, trách nhiệm v.v.. Cả dự luật không có bất cứ điều nào quy định về QUYỀN CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG KHÔNG GIAN MẠNG. Khi mà nghĩa vụ không được quy định rõ nhưng thực chất ở khắp mọi nơi và còn quyền không được quy định cụ thể thì việc người dân băn khoăn là có cơ sở.
4. Dự luật chưa định nghĩa được các mức độ xâm phạm an ninh mạng như ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Nếu không phân chia được những hành vi nào ở mức độ nào rất dễ dẫn đến việc áp dụng các chế tài nặng không cần thiết và xâm phạm quá mức cần thiết đến quyền lợi của người sử dụng không gian mạng.
5. Dự luật đưa ra những chế tài ảnh hưởng lớn đến quyền của người sử dụng tại Điều 5 dự luật như ngăn chặn, xóa bỏ thông tin, thu thập dữ liệu người dùng v.v.., nhưng điều quan trọng là những chế tài này không kèm theo điều kiện phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền (ví dụ quyết định xử lý, bản án của Tòa án) và cũng không nói rõ đối tượng bị áp dụng chế tài (xử lý tổ chức cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hay xử lý người sử dụng những dịch vụ này?)
6. Việc cho phép thu thập dữ liệu là một vấn đề hết sức nhạy cảm, nhưng chỉ được đề cập thoáng qua tại Điều 5. Cần thiết phải xây dựng rõ nội dung này bằng một hoặc một số điều luật trong dự thảo.
7. Dự luật An ninh mạng có thể xung đột về ý nghĩa và nội dung điều chỉnh với một số luật khác như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 (trong đó các nguyên tắc tại Điều 4 của Luật An toàn thông tin mạng cũng khá tương tự như dự luật An ninh mạng về việc bảo đảm an ninh mạng) và các cam kết của Việt Nam liên quan đến tự do thông tin. Những nội dung này hơi dài, xin miễn phân tích ở đây.
8. Dự luật quá chú trọng đến các quy định nhằm xác lập địa vị pháp lý (mà chủ yếu là thẩm quyền) cho “lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng”, trong khi đây chỉ là một đơn vị/tổ chức trực thuộc cấp Bộ, mặc dù bị phân chia thẩm quyền giữa các Bộ với nhau nhưng thẩm quyền cụ thể lại rất rộng.
[BỐN] ĐỀ NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT AN NINH MẠNG:
1. Cơ quan soạn thảo cần thuyết minh một cách thuyết phục hơn sự cần thiết của Luật An ninh mạng và cho thấy sự khác biệt so với Luật An toàn thông tin mạng đã có, cũng như sự phù hợp với các quyền dân sự hiến định cũng như điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc gia nhập.
2. Cần quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng trong những điều luật rõ ràng.
3. Xác định rõ các mức độ vi phạm từ ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng cũng như đảm bảo nguyên tắc: Chỉ vi phạm những điều cấm mới bị xử lý theo những hình thức xử lý rõ ràng, phù hợp với mức độ vi phạm.
4. Xác định trách nhiệm bảo vệ an ninh mạng là thuộc thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các Bộ, Ban phối hợp chứ không phải là của “lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng” vì đơn vị/tổ chức này trực thuộc Bộ, không cần thiết quy định trong một luật riêng.
P/S: Các bạn có thể xem dự thảo cuối cùng (dự thảo 7) tại đây.