8-6-2018
Khi Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân “nói thẳng” Luật đặc khu đã được Bộ Chính Trị thông qua, có nghĩa là ý chí ở nghị trường gần như đã được quán triệt. Quốc gia đặt cả trong tay 18 người quyền lực cao nhất. Và nếu nói BCT ở thời điểm này, tôi cũng xin được phép “nói thẳng”, quyền lực tối thượng đang nằm trong tay TBT Nguyễn Phú Trọng. Và ông, đang nắm giữ lợi ích quốc gia (tôi tránh khái niệm vận mệnh quốc gia).
Như thường lệ, ông vẫn lặng lẽ trước những cơn sóng cào của xã hội. Làm một nhà quan sát lạnh lùng trước khi đưa ra chủ ý cá nhân. Mà có lẽ chủ ý cá nhân ông ở thời điểm này, là ý chỉ.
Là một nhà quan sát sắc sảo, có lẽ ông đã thấy được hai luồng chủ kiến và thái độ xã hội giành cho Dự luật đặc khu. Ông đã rõ những lý lẽ, những ngôn từ về vấn đề này, của từng người, từng giới xuất phát từ lợi ích quốc gia hay lợi ích cá nhân.
Cá nhân tôi không thấy thuyết phục với lý lẽ của bên ủng hộ, những lời nói sáo rỗng kiểu “đón phượng hoàng” hoặc “làm đi đừng bàn” rất chung chung. Cũng đã thấy một Dự thảo đầy lỗ hổng. Thậm chí là những kẻ lưu manh tiểu tốt dám phun bọt, chửi tục lên một vấn đề đại sự.
Ông cũng đã thấy sự phản biện đầy chứng lý và thái độ ôn hòa của bao nhiêu tao nhân thức sĩ, bao nhiêu tướng lĩnh, và hàng triệu người dân. Tổ tư vấn đương thời của Thủ tướng, những Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, những con người cả đời va đập cọ sát trong môi trường kinh tế vĩ mô và các vấn đề xuyên quốc gia. Những tướng lĩnh cả đời kiến thiết chiến lược quân sự và an ninh quốc phòng. Họ không thể sai được.
Tôi thật sự xúc động khi thấy chuyên gia Phạm Chi Lan gầy gò đau đáu, như con chim nhỏ ứa hết tiếng hót sau cùng cho đất nước, cho dân tộc. Bà đã nói rằng, Bộ Chính Trị có lẽ mong muốn một sự đột phá cho Việt Nam, đó là một thái độ quốc gia dân tộc thuần chất. Nhưng những gì trải ra trước mắt cho thấy một sự vội vã duy ý chí mà hậu quả của nó là khôn lường.
Nhân dân sẽ không quên nổ lực của TBT trong công cuộc đốt lò hôm nay. Hơn ai hết, chính bản thân ông biết rõ sự gian nan, nguy hiểm và dai dẳng khi dẹp trừ lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách. Điều có thể chiếm hết phần đời còn lại của ông.
Đặc khu, với hiện trạng trước mắt, có thể sẽ biến thành địa hạt màu mỡ của lợi ích nhóm. Và như vậy, khi TBT “dọn dẹp quá khứ” nhưng không mở ra một tương lai khác, thì chỗ đứng của ông trong nhân dân, trong lịch sử, chỉ là một hiện tượng ngắn hạn.
Bất kỳ trí thức ôn hòa nào cũng sẽ hiểu cho cái khó của ông khi giải quyết vấn đề Trung Quốc. Đương nhiên là phải linh hoạt, mềm mỏng. Thế nhưng, vấn đề đặc khu là hoàn toàn khác biệt. An ninh quốc gia có thể bị đe dọa ở cự ly gần, nội tại nền kinh tế cũng sẽ dính “con ngựa thành Troyes” nếu phụ thuộc vào dòng vốn từ Trung Quốc. Đó là lý do mà nhân dân sẽ ủng hộ thái độ rắn rỏi của người đứng đầu và sẽ cùng chịu trách nhiệm cho quyết định đó.
Đặt dân tộc vào một con người, là điều tối kỵ. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, cá nhân tôi không thấy con đường sáng nào ngoài hy vọng ở TBT. Khi công cuộc chống tham nhũng vẫn đâu đó gợn sóng động cơ cá nhân. Thì việc xem xét Dự luật đặc khu một cách thấu đạt, là cơ hội để ông chứng minh với nhân dân về sự vô tư của mình.
Bất cứ cá nhân nào cũng bé mọn trước dân tộc và lịch sử. Quyền lực tối thượng luôn luôn là một tai họa, nếu nó không đươc đặt dưới lợi ích quốc gia!