Luật đặc khu và “Những điều sỉ nhục và căm giận”

Viet-Studies

Quách Hạo Nhiên

7-6-2018

“Một đất nước luôn có kẻ dẫn đường

Cho người ngoài kéo đến xâm lăng”

(Lưu Quang Vũ)

1. Lập pháp hay “dọn đường” cho ngoại bang?

Trước hết, phải khẳng định rằng, khi đặt ra câu hỏi trên đây bản thân tôi hoàn toàn không có ý “té nước theo mưa” mà tất cả đều trên cơ sở thực tế khách quan sau khi đã tìm đọc bản dự thảo “Luật đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc” (gọi tắt là “Luật đặc khu” dự kiến được Quốc hội nước nhà xem xét thông qua trong kỳ họp lần này); cũng như tham khảo các ý kiến, phân tích đánh giá nhận định của các nhân sĩ trí thức, đặc biệt là các chuyên gia kinh tế trong đó có những người đang là thành viên của Tổ tư vấn kinh tế cho ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tưởng Chính phủ hiện nay.

Và như mọi người đã biết, về cơ bản hầu như tất cả các ý kiến của các chuyên gia đều thể hiện sự “thất vọng” và không đồng tình với bộ luật này vì nó không những non nớt về “kỹ thuật lập pháp” mà quan trọng hơn, với tôi còn là một sự “ngây thơ về chính trị” của những người soạn thảo. Điều này thể hiện rất rõ ngay trong tên gọi của Bộ luật và điều khoản ưu đãi về thời hạn cho thuê đất lên đến 99 năm. Thôi thì, những phân tích và nhận xét cụ thể các chuyên gia kinh tế, các nhân sĩ trí thức đã bàn nát nước rồi, ở đây tôi chỉ phân tích và nhấn mạnh thêm 2 điểm để minh chứng cho vấn đề mà tôi đặt ra là: phải chăng những người biên soạn ra dự luật này đang cố ý hay vô tình tiếp tay và “dọn đường” cho các thế lực ngoại bang đến xâm chiếm bờ cõi của cha ông?

Thứ nhất, tại sao bộ luật này lại có tên gọi dài ngoằng như vậy? Tại sao không phải là “Luật đặc khu về hành chính – kinh tế” cho ngắn gọn và khoa học mà phải nhấn mạnh và thêm vào 3 vị trí cụ thể là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc giống như một cách chỉ định và áp đặt buộc phải làm đặc khu ở 3 địa điểm trên? Hay nói như PGS  TS Nguyễn Đức Thành là lẽ ra những người soạn luật chỉ nên tạo ra một bộ khung chung nhất về luật đặc khu, trong đó “đưa ra những yêu cầu, tiêu chí cơ bản để là “đặc khu” thì các vùng sẽ dựa vào các yêu cầu đó để đưa ra phương án triển khai, cam kết tài chính. Tỉnh nào, vùng nào đưa được đề xuất khả thi, tích kiệm ngân sách nhất, có thể chế sáng tạo, cam kết mạnh mẽ nhất, đề xuất được các phương án hấp dẫn hơn về kinh doanh thì tỉnh đó, vùng đó được chọn làm đặc khu…” [2] mà thôi. Ngôn ngữ phản ánh tư duy của, từ đây, theo tôi cái tên gọi dài ngoằng kia phải chăng không đơn thuần chỉ là do “lỗi về kỹ thuật hành pháp” mà rất có thể đằng sau đó còn có sự mờ ám nào khác? Nghĩa là, ngoài sự “ngây thơ về chính trị” của những người soạn thảo ra thì phải chăng còn có một “bàn tay nhám nhúa” của thế lực hắc ám nào đó thò vào để gây áp lực và chi phối để bộ luật này nhan chóng ra đời?

Thứ hai, có thể thấy từ khi dự luật về 3 đặc khu trên được các cơ quan truyền thông đưa tin cho đến hôm nay tuy có vô số những bài viết phản biện thể hiện sự chưa an tâm và không đồng tình của mọi tầng lớp nhân dân cả trên các phương tiện truyền thông chính thống lẫn phi chính thống (mạng xã hội) nhưng lạ lùng thay chẳng có một ai trong nhóm những người soạn thảo dự luật trên; hay những người chủ trương và quyết tâm cho ra dự luật trên viết bài tranh luận và đối thoại một cách nghiêm túc và khách quan để bảo vệ quan điểm và lý lẽ của họ. Trái lại, người dân chỉ được hồi đáp ngắn gọn bằng những ý kiến mang tính mệnh lệnh, áp đặt và nhất là quy chụp lại ý kiến của những người phản biện và không đồng tình. Cụ thể, bà đương kim Chủ tịch Quốc hội thì cho rằng “Bộ chính trị đã quyết rồi nên phải bàn để ra luật”, còn ông Phó Chủ tịch thì hùng hồn bảo ra luật để “dọn ổ cho Phượng hoàng đến đẻ trứng” (và chỉ nói vậy thôi mà không biết “Phượng hoàng” ở đây là ai, “trứng” của nó đẻ ra dân mình có được hưởng không?). Riêng ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư thì hầm hố hơn khi không ngần ngại bảo những người phản đối luật đặc khu là “nâng quan điểm”“đẩy vấn đề lên”  nhằm “phá hoại” và “chia rẽ mối quan hệ của ta với Trung Quốc”… Và tuy miệng ông bảo toàn dự thảo luật không có một chữ nào nói về Trung Quốc nhưng tâm và trí ông lại hướng về đến mô hình đặc khu Thẩm Quyến, đặc biệt là câu nói của Đặng Tiểu Bình (kẻ đã xua 20 vạn quân sang sát hại đồng bào ta vào năm 1979): “hãy làm đi không bàn nữa!”. Đây là gì nếu không phải là sự trí trá và xảo ngôn của ông Bộ trưởng? Chưa hết, sự trí trá và xảo ngôn ấy còn thể hiện rất rõ khi trong mục 4 điều 55 của dự luật là một sự lươn lẹo, cố tình tạo ra sự mập mờ về chữ nghĩa: thay vì nói “công dân nước bạn Trung Quốc” thì lại dài dòng rằng “công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại Quảng Ninh…” Tại sao lại như vậy? Tại sao phải vòng vo, lươn lẹo chữ nghĩa nếu thâm tâm mình trong sáng?

Như vậy, thêm một lần nữa, có thể nói phải chăng đằng sau tất cả những phát ngôn kia chính là một tâm thế và thái độ vừa độc đoán vừa bảo thủ và duy ý chí của những người tạo ra nó. Vì thà rằng các vị không nói gì hết nhưng một khi đã nói và nói như thế thì có khác gì đang tự đưa tay lột cái mặt nạ mỵ dân của chính mình xuống? Hãy tự vấn lại xem, ông Bộ trưởng luôn miệng bảo nguyên tắc xây dựng luật là lấy sự an nguy về an ninh quốc phòng làm tiêu chí số 1 nhưng trên văn bản thì lại “cài cắm” (chữ dùng của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan) những con chữ, những điều khoản rất bất lợi cho quê hương, dân tộc (như đề xuất cho thuê đất lên đến 99 năm). Thử hỏi làm như thế thì có khác gì tự đi mua dây về để trói mình? Không dừng lại ở đó, việc cho thành lập đặc khu lần này chỉ là một sự “thể nghiệm” hay “vừa làm vừa rút kinh nghiệm” vậy mà lại dám chỉ định hẳn 3 vị trí quan yếu về quốc phòng an ninh trải dài khắp 3 miền của đất nước là nghĩa làm sao? Ông Bộ trưởng và những người đang nắm vận mệnh quốc gia dân tộc hôm nay muốn “thể nghiệm” hay “rút kinh nghiệm” gì mà lại quyết định như vậy? Và khi người dân không đồng tình thì bảo rằng họ “phá hoại” và chia rẽ quan hệ của ta với Trung Quốc”?

Đến đây, có thể khẳng định chính sự không minh bạch của những người chịu trách nhiệm xây dựng luật đặc khu trước và trong quá trình soạn thảo; đặc biệt là việc nói một đằng nhưng làm một nẻo lâu nay của những người lãnh đạo đất nước nên dân chúng giờ đây đã dần cạn kiệt niềm tin. Thế nên, việc người dân hoài nghi và đặt vấn đề: những người quyết tâm cho ra bộ luật này vì ngu, vì tham hay vì hèn nhát mà vô tình hoặc cố ý dẫn đường, “dọn ổ” cho ngoại bang đến xâm lấn bờ cõi cha ông bằng một bộ luật cẩu thả âu cũng là lẽ đương nhiên và tất yếu!

2. “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” – tất cả đều không thỏa mãn

Người Việt có quan niệm “đầu xuôi đuôi lọt”. Hay một công việc, một dự án nào đó muốn thành công mĩ mãn thì cần thỏa có 3 yếu tố quan trọng đó là: “thiên thời, địa lợi và nhân hòa”. Nhìn lại câu chuyện liên quan đến việc thành lập các đặc khu hôm nay có thể thấy cả 3 yếu tố trên về cơ bản đều không thỏa mãn.

Trước hết, về thiên thời: theo như các chuyên gia kinh tế đã phân tích rất cặn kẽ thì việc phát triển kinh tế với tư duy đặc khu là một hướng đi, một mô hình đã lỗi thời và không còn phù hợp trong xu thế hiện nay (ngay ông Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận Việt Nam mới làm đặc khu là đã quá trễ). Thời gian qua trên thế giới, có rất nhiều nước đã thất bại với mô hình này. Vì vậy, theo các chuyên gia thì khả năng thành công của Việt Nam với mô hình này với 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là không cao.

Tiếp theo, về địa lợi: việc dự thảo luật cho phép (chỉ định) thành lập 3 đặc khu ở 3 vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng của đất nước là một điều rất kỳ quặc. Cho dù ông Nguyễn Chí Dũng và những người có trách nhiệm khác luôn miệng bảo rằng việc đảm bảo an ninh quốc phòng là nguyên tắc hàng đầu nhưng tất cả nói cho cùng vẫn không có gì đảm bảo vì thực tế hiện nay cho thấy với cái tham vọng bành trướng cũng như cái “gen xâm lược” ngàn đời, chúng ta rất dễ rơi vào bẫy của “con cáo già” thâm hiểm và quỷ quyệt Trung Quốc” hôm nay.

Cuối cùng, về nhân hòa: Đây là điều mà ai cũng thấy, hầu như đa phần người dân có hiểu biết và còn quan tâm đến tương lai vận mệnh quốc gia dân tộc đều cảm thấy hoang mang và lo lắng nếu như Luật đặc khu được quốc hội lần này thông qua. Một khi người dân đã không đồng thuận mà vẫn cố làm thì cũng không nên nói hoài về sự hòa hợp giữa “ý Đảng, lòng dân”.

3. Quyền của Dân và cơ hội của Đảng

Còn nhớ trước đây khi còn tại vị cũng với chức vụ Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Sinh Hùng khi ấy có nói một câu “bất hủ” rằng: “Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai!”[3]. Nhắc lại câu nói với tư duy “sơ đẳng” và hài hước trên, tôi muốn liên hệ với thực tế về câu chuyện đặc khu hôm nay. Và thật lòng, tôi thấy vô cùng hoang mang và lo lắng vì vài hôm nữa thôi, nếu bộ luật này được gần 500 vị đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua; và sau đó sự “thể nghiệm” 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc thất bại thảm hại thì có lẽ nào lại chẳng có một cá nhân nào trong gần 500 con người kia chịu trách nhiệm hay sao? Tôi lại tự hỏi, còn gì lố bịch và phản văn minh, phản tiến bộ hơn nếu cái nghịch lý ấy thật sự xảy ra trên đất nước mình trong thời đại “cách mạng công nghiệp 4.0” hôm nay?

Có lẽ nào, một xã hội, một đất nước mà các quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng của người dân được ghi rất rõ ràng trong Hiến pháp nhưng trên thực tế hễ cá nhân nào có tiếng nói khác với Đảng và chính quyền về vấn đề nào đó thì ngay lập tức bị quy là “thế lực thù địch” hay “phản động”, “phá hoại”, xuyên tạc, nói xấu đảng và Nhà nước. Đã vậy, tiếng nói của họ không những không được lắng nghe mà trái lại khi hậu quả xảy ra thì trách nhiệm kia họ cũng phải tự gánh chịu luôn!

Ở phương diện khác, nếu nhìn vấn đề ở khía cạnh tích cực nhất thì theo tôi những người lãnh đạo trong bộ máy của Đảng và chính quyền hôm nay cần phải cảm ơn những người dân lên tiếng phản đối dự luật đặc khu thời gian qua. Bởi lẽ, sự phản đối này của người dân ít nhiều cho thấy cái hồng phúc của dân tộc này vẫn còn; và hơn nữa đó còn là một sự may mắn cho Đảng và Quốc hội hôm nay (vì có điều kiện và cơ hội nhìn lại những việc làm của mình).

Người xưa nói, “quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”. Hay “một người lo bằng một kho người làm”. Thế nên, những ngày qua, những ai lên tiếng phản biện hay thậm chí chỉ trích bản dự thảo về Luật đặc khu này thì trước hết đó là sự thể hiện quyền và trách nhiệm công dân của họ. Bên cạnh đó, có thể nói, nếu người dân không còn thiết tha, không thèm quan tâm, hoặc giả như họ thấy không cần phải có trách nhiệm gì với quốc gia dân tộc thì chắc chắn họ đã không phản ứng mạnh mẽ và quyết liệt như thế (nói như ông Nguyễn Xuân Phúc là có “một làn sóng phản đối khủng khiếp”).

Hay nói khác đi, nếu người dân ai cũng im lặng và không chịu mở miệng nói hết những suy nghĩ thật trong đầu họ để chính quyền biết thì đó mới thật sự là điều đáng để lo. Cho nên, mọi sự phản đối của người dân những ngày qua một lần nữa cũng chính là lời khẳng định cho chân lý“đẩy thuyền cũng là dân và lật thuyền cũng là dân”. Một khi đã nói “Đảng là người đầy tớ trung thành của nhân dân”, hay “Quốc hội là đại biểu cho tiếng nói của nhân dân” thì thiết nghĩ, những người có trách nhiệm trong bộ máy công quyền không được quyền tùy tiện chụp mũ chính trị người dân này nọ. làm như vậy không chỉ là đang xúc phạm, coi thường mà còn là sự vô ơn đối với họ. Đặc biệt là với các nhân sĩ trí thức dù đang ở độ tuổi “gần đất xa trời” nhưng vẫn theo dõi, tìm hiểu vấn đề để sau đó viết “tâm thư”, gửi kiến nghị bằng tất cả những lời lẽ chân thành và thống thiết…

4. Thay lời kết

Trong bài trả lời phỏng vấn gây bức xúc dư luận (được các cơ quan báo chí chính thống đồng loạt đăng tải ngày 6/6/2018), ông Nguyễn Chí Dũng có nhắn gửi với những lên tiếng phản đối luật đặc khu rằng “chúng ta cần phải học hỏi những điều hay của Trung Quốc”. Hay: “nếu làm đặc khu mà cái gì cũng sợ thì không nên làm”. [4]

Rất đồng ý với ông Dũng về quan điểm trên nhưng có lẽ cũng cần phải nói rõ với ông rằng: không phải đợi đến những “lời vàng ngọc” kia của ông thì các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế hay các nhân sĩ trí thức nước nhà mới hiểu vấn đề như vậy.

Ngoài ra, nếu ông Nguyễn Chí Dũng và những lãnh đạo cấp cao nước nhà thật sự cầu thị và lắng nghe sẽ thấy có một thực tế không thể chối cãi là qua công cuộc chống tham nhũng hiện nay đã cho thấy Đảng ta hoàn toàn không phải là thần thánh như lâu nay nhiều kẻ vẫn tung hô và ảo tưởng; không phải Đảng ta lúc nào cũng “tài tình và sáng suốt” trong lãnh chỉ đạo dân tộc và đất nước. Những bài học về các dự án khái thác Bauxite ở Tây Nguyên và xây dựng nhà máy thép ở Formosa vẫn còn sờ sờ ra đó. Hay như trên thực tế có không ít những kẻ là Đảng viên từng giữ các chức vụ rất cao trong bộ máy công quyền lại là những kẻ rất tham lam và xấu xa. Chính những kẻ này – những kẻ như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Anh, Phan Văn Anh Vũ (hay sắp tới đây rất có thể sẽ còn rất nhiều nữa) – đã làm cho quốc gia dân tộc ngày một khánh kiệt và không ngóc đầu lên nổi…

Dẫn ra những thực tế trên để thấy rằng, giá như trước đây Đảng chân thành lắng nghe những lời can ngăn và cảnh báo từ các tầng lớp nhân dân đặc biệt là những nhân sĩ trí thức chân chính thì chắc chắn đã hạn chế rất nhiều những sai lầm. Không những vậy, nếu Đảng thật sự biết lắng nghe, thực sự vì dân vì nước và nhất là biết đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên lợi ích của Đảng thì có lẽ giờ đây Việt Nam đã “sánh vay cùng các cường quốc năm châu” từ rất lâu rồi chứ không phải như hôm nay đang ì ạch tìm cách xây dựng các đặc khu mà theo nhiều chuyên gia đã trở nên lỗi thời và không còn phù hợp;…

Hay nếu Đảng biết lắng nghe thì xã hội và con người Việt Nam hôm nay có lẽ không còn phải nhục nhã và xấu hổ mỗi khi nhớ lại những lời tiên tri của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ cách nay hơn có hơn 40 năm trong bài “Những điều sỉ nhục và căm giận” dưới đây:

“Một đất nước luôn có kẻ dẫn đường

Cho người ngoài kéo đến xâm lăng

Cho những cuộc chiến tranh

Đẩy con em ra trận!

 

Những điều sỉ nhục và căm giận

Một xứ sở

Nhà tù lớn hơn trường học

Một dân tộc có nhiều gái điếm nhất thế giới

Có những cái đinh để đóng vào ngón tay

Có những người Việt Nam

Biết mổ bụng ăn gan người Việt!

 

Một đất nước

Đến bây giờ vẫn đói

Không có nhà để ở

Không đủ áo để mặc

Ốm không có thuốc

Vẫn còn những người run rẩy xin ăn!

 

Nỗi sỉ nhục buốt lòng

Khi thấy mẹ ta bảy mươi tuổi lưng còng

Phải làm việc mệt nhoài dưới nắng

Khi thấy lũ em ngày càng hư hỏng

Khi người mình yêu

Nói vào mặt mình những lời ti tiện

Khi bao điều tưởng thiêng liêng trong sạch

Bỗng trở nên ngu xuẩn đê hèn…”

——————

Nguồn tham khảo:

[1]: “Dự thảo “Luật đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc”. Xem tại:  https://m.thuvienphapluat.vn/cong-van/bo-may-hanh-chinh/luat-don-vi-hanh-chinh-kinh-te-dac-biet-2017-340180.aspx

[2]: Nguyễn Đức Thành – “Chúng ta làm luật đặc khu với tư duy con nhà nghèo”. Xem tại:http://danviet.vn/kinh-te/chung-ta-dang-lam-luat-dac-khu-voi-tu-duy-con-nha-ngheo-882494.html

[3]: “Quốc hội tức là dân, dân quyết sai dân chịu”. Xem tại: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/qh-la-dan-dan-quyet-sai-dan-chiu-chu-ky-luat-ai-169988.html

[4]: https://tuoitre.vn/bo-truong-nguyen-chi-dung-khong-co-chu-trung-quoc-nao-trong-du-luat-dac-khu-20180606110916242.htm

[5]. Nguyễn Quang Dy – “Nghịch lý về đặc khu kinh tế”. Xem tại: http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_NghichLyDacKhu.html

[6]: “Nhà báo Đoàn Bảo Châu phỏng vấn kinh tế gia Phạm Chi Lan về Dự luật đặc khu”. Xem tại:http://www.viet-studies.net/kinhte/BaoChau_pv_ChiLan.html

[7]: Lê Ngọc Sơn – “Thử nghiệm thể chế và hai câu hỏi lớn”. Xem tại: http://nguoidothi.net.vn/thu-nghiem-the-che-va-hai-cau-hoi-lon-14009.html

[8]: Trương Trọng Nghĩa – “Luật đặc khu và mối lo chủ quyền”. Xem tại:http://nguoidothi.net.vn/luat-dac-khu-va-moi-lo-chu-quyen-13988.html

[9]: “Vì sao đặc khu vẫn chỉ là “lối cũ ta về”. Xem tại: https://tuoitre.vn/vi-sao-dac-khu-van-chi-la-loi-cu-ta-ve-20180604100413464.htm

Bình Luận từ Facebook