Biên bản phiên tòa phúc thẩm xử các thành viên Hội Anh em dân chủ

FB Trịnh Vĩnh Phúc

5-6-2018

Bên trong phiên tòa xử Hội anh em dân chủ. Ảnh: TTXVN

BIÊN BẢN PHIÊN TÒA PHÚC THẨM TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI XÉT XỬ VỤ ÁN “HOẠT ĐỘNG NHẰM LẬT ĐỔ CHÍNH QUYỀN NHÂN DÂN” THEO ĐIỀU 79 BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999 ĐỐI VỚI 4 BỊ CÁO HỘI ANH EM DÂN CHỦ.

Hội đồng xét xử phúc thẩm TANDCC tại Hà Nội:

– Thẩm phán: Nguyễn Văn Sơn – Chủ tọa phiên tòa

– Thẩm phán Đặng Bảo Vĩnh

– Thẩm phán Điều Văn Hằng.

Kiểm sát viên: Hoàng Minh Thành – Kiểm sát viên cao cấp VKSNDCC tại Hà Nội.

Thư ký phiên tòa: Phạm Minh Tùng.

Những người kháng cáo: ông Trương Minh Đức, ông Phạm Văn Trội, ông Nguyễn Bắc Truyển, ông Nguyễn Trung Tôn.

Những người không kháng cáo: ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thu Hà.

Luật sư tham gia tố tụng bào chữa cho các bị cáo:

– Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Truyển và bị cáo Nguyễn Trung Tôn

– Luật sư Nguyễn Văn Miếng bào chữa cho bị cáo Trương Minh Đức

– Luật sư Đặng Đình Mạnh bào chữa cho bị cáo Nguyễn Trung Tôn

– Luật sư Đoàn Thái Duyên Hải bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Truyển

– Luật sư Lê Văn Luân bào chữa cho bị cáo Trương Minh Đức

– Luật sư Ngô Anh Tuấn bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Trội.

KHAI MẠC – PHẦN THỦ TỤC TỐ TỤNG:

Phiên tòa khai mạc vào lúc 8h00 ngày 4 tháng 6 năm 2018 tại phòng xử án số 3, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội – Số 1 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

– Vắng mặt tất cả các giám định viên của Bộ Thông tin và Truyền thông được Tòa án triệu tập hợp lệ (Bộ TTTT có Công văn số 1718 đề ngày 31/5/2018 gửi TANDCC cho biết các giám định viên bận công tác, không tham gia phiên tòa).

– Vắng mặt luật sư Nguyễn Khả Thành, 1 trong 3 người bào chữa cho ông Trương Minh Đức (có đơn đề nghị hoãn phiên tòa vì nhận được thông báo quá gần ngày xét xử trong lúc có việc bận gia đình).

– Ông Nguyễn Trung Tôn đề nghị tất cả luật sư có mặt tại phiên tòa giúp bào chữa cho ông, chủ tọa phiên tòa không chấp nhận.

– Ông Nguyễn Bắc Truyển đề nghị HĐXX cho nhận lại bài bào chữa được chuẩn bị mà các cán bộ quản lý Trại tạm giam B14 thu giữ.

– Ông Nguyễn Bắc Truyển đề nghị cung cấp giấy bút để ghi chép và chuẩn bị nội dung phần tự bào chữa.

– Các luật sư nhấn mạnh sự vắng mặt của các giám định viên từ phiên tòa sơ thẩm đến phiên tòa phúc thẩm gây trở ngại cho việc làm sáng tỏ vụ án, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bị cáo, đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập lại các giám định viên.

– Luật sư Lê Văn Luân đề nghị triệu tập ông Nguyễn Văn Đài tham gia phiên tòa vì ông là người đầu vụ.

– Hội đồng xét xử vào bên trong hội ý và trở ra tuyên bố không chấp nhận yêu cầu của các bị cáo và luật sư, tiếp tục phiên tòa.

– Ông Trương Minh Đức yêu cầu: nếu các giám định viên không có mặt thì phải công khai toàn bộ nội dung file ghi âm để cho HĐXX, các luật sư và mọi người nghe trong các lời hội thoại có chứa đựng nội dung bàn luận lật đổ chính quyền hay không, nếu không, việc buộc tội các bị cáo là trái quy định của pháp luật.

Phiên tòa tiếp tục diễn ra…

Chủ tọa phiên tòa đọc tóm tắt nội dung vụ án theo bản án sơ thẩm.

XÉT HỎI:

Hỏi ông Phạm Văn Trội

Hỏi ông Nguyễn Trung Tôn

Hỏi ông Nguyễn Bắc Truyển

Hỏi ông Trương Minh Đức

Lần lượt chủ tọa phiên tòa xét hỏi (2 thẩm phán cùng ngồi hội đồng không tham gia xét hỏi), đại diện Viện kiểm sát và các luật sư xét hỏi.

Bị cáo Phạm Văn Trội cho biết kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xác định không hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.

Bị cáo Nguyễn Trung Tôn kháng cáo cho rằng Tòa sơ thẩm xét xử thiếu khách quan, không đúng tội danh.

Bị cáo Nguyễn Bắc Truyển kháng cáo với các lý do: 1. Bản án sơ thẩm buộc tội oan sai; 2. Các vấn đề vi phạm tố tụng được luật sư nêu ra tại phiên tòa không được HĐXX xem xét và giải quyết; 3. Phiên tòa sơ thẩm vi phạm nguyên tắc xát xử công bằng.

Bị cáo Trương Minh Đức kháng cáo cho rằng không phạm tội về hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Trong phần 4 bị cáo trả lời xét hỏi và 6 luật sư tham gia xét hỏi, chủ tọa liên tục cắt lời và chấn chỉnh các bị cáo và luật sư, cho rằng bị cáo chỉ được trả lời câu hỏi, không được nói thêm, luật sư không được hỏi trùng nội dung câu hỏi của HĐXX, VKS và các LS khác…

LS Lê Văn Luân bị chủ tọa liên tục ngắt lời, tỏ ra bất mãn chấm dứt hỏi giữa chừng.

LS Trịnh Vĩnh Phúc hỏi đến việc bị cáo Nguyễn Trung Tôn từng khai mình là mục sư mà không được hành đạo, trong lúc đi làm công việc thiện nguyện cứu trợ đồng bào thì bị kẻ xấu bắt đánh đập gây thương tích nặng… bị chủ tọa ngắt lời, không cho hỏi tiếp.

Chủ tọa phiên tòa nhiều lần giải thích nhắc nhở bị cáo Nguyễn Trung Tôn cần xem lại thái độ khai báo, nếu nhận tội và thành khẩn thì sẽ được giảm án. Bị cáo Tôn khẳng định không xin giản án, yêu cầu xác định bị cáo không phạm tội và trả tự do cho bị cáo…

TRANH LUẬN

Kiểm sát viên Hoàng Minh Thành phát biểu quan điểm về vụ án, về việc kháng cáo của 4 bị cáo, khẳng định không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của 4 bị cáo, đề nghị HĐXX giữ y bản án sơ thẩm.

BC Phạm Văn Trội tự bào chữa:

– Mục tiêu của HAEDC là nâng cao nhận thức cho người tham gia: kiến thức xã hội, công nghệ, tiếng Anh và mở rộng kiến thức về dân chủ; trong quá trình sinh hoạt có đề cập tới vấn đề đa nguyên, đa đảng…; bản thân không tham gia đào tạo, huấn luyện, hướng dẫn hội viên.

– Rút khỏi Hội vào tháng 6/2016: do có kế hoạch cá nhân riêng sau khi hết quản chế; chờ luật về hội được thông qua thì có thể quay lại sinh hoạt.

– Bị cáo thực tâm mong muốn một đất nước dân chủ, tiến bộ. Trong suốt thời gian hoạt động, thông qua các cuộc họp không có bất cứ nội dung nào liên quan tới việc đòi lật đổ chính quyền.

– Bị cáo có thể có phát biểu hơi thái quá về tiến trình dân chủ ở Việt Nam chứ không có mục đích lật đổ chính quyền.

– Bị cáo đã mệt mỏi, mong muốn được về phụng dưỡng mẹ già.

LS Ngô Anh Tuấn bào chữa cho ông Phạm Văn Trội:

– Một số nội dung cáo buộc trong cáo trạng chưa được làm rõ trong phiên tòa sơ thẩm: Bị cáo không tổ chức đào tạo, huấn luyện hội viên, không chỉ đạo phản đối bầu cử; không có lời nói kích động nhằm lật đổ chính quyền; việc phát biểu không tham gia bầu cử, bỏ phiếu là quan điểm cá nhân vì bản thân xem bầu cử là quyền chứ không phải nghĩa vụ nên có quyền tham gia hay không tham gia.

– Một số nội dung sai trong bản án sơ thẩm: ông Trội không khẳng định mình có hoạt động nhằm lật đổ chính quyền; việc ghi nội dung này không chính xác và làm xấu hơn tình trạng của các bị cáo khác.

– Một số tình tiết giảm nhẹ chưa được xem xét: gia đình có công với cách mạng.

LS Đặng Đình Mạnh bào chữa cho ông Nguyễn Trung Tôn:

– Những tư tưởng, tôn chỉ của HAEDC không có gì sai, mang tính tích cực không mang lại sự nguy hiểm cho xã hội:

+ Kinh tế tư nhân cần và đang được khuyến khích để phát triển, đó là sự tiến bộ;

+ Mong muốn đa nguyên đa đảng cũng là điểm tiến bộ để tạo nên một nền chính trị cạnh tranh;

+ Mong muốn một nền chính trị tam quyền phân lập để tránh sự độc tài. Nước Mỹ bao nhiêu năm có thể chế tam quyền phân lập nhưng bao nhiêu năm nay vẫn ổn định, tiến bộ và đất nước vẫn bình yên;

+ Tôi ngưỡng mộ các bị cáo trong vụ án vì họ dám hy sinh hạnh phúc riêng của mình vì đất nước nhưng theo cách mà họ cho là đúng đắn;

+ Đề nghị tuyên vô tội, trả tự do cho bị cáo Tôn tại Tòa.

LS Trịnh Vĩnh Phúc bào chữa cho ông Nguyễn Trung Tôn:

Luật sư trình bày lời bào chữa bằng một Luận cứ bào chữa được chuẩn bị sẵn và có cập nhật thêm trong thời gian diễn ra phiên xử.

– Các bị cáo không ai có mong muốn lật đổ chính quyền.

– Về vấn đề giám định:

Giám định tư tưởng chính trị các cuộc hội thoại từ ghi âm sang chữ viết là điều mới mẻ, trong trường hợp này việc giám định nội dung các cuộc hội thoại qua file chữ viết tách rời ngữ cảnh, với câu chữ vô hồn, cần được nhìn nhận, đánh giá lại.

Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân phải tập hợp một lực lượng đủ lượng và chất mới có thể làm đối trọng; một nhóm người nhỏ lẻ không thể nào là một lực lượng đối trọng như trên.

Các cuộc họp bàn của HAEDC mang tính chất tự phát và không có kết luận, tổng kết, thường là đánh trống bỏ dùi, không có giá trị thực hiện và không được thực hiện trên thực tế.

Giám định mang tính quy kết thành hành vi phạm tội, làm thay cho cơ quan pháp luật, gây hậu quả nguy hại khó lường tới các bị cáo.

Người thực hiện công việc giám định không chuyên, hoạt động giám định mang tính tập thể.

Phương pháp giám định quy kết cho tất cả nhóm các bị cáo, chứ không cá thể hóa hành vi của từng bị cáo.

Tài liệu giám định không hợp pháp nên cần loại bỏ khỏi hồ sơ vụ án hoặc không xem xét tài liệu này là chứng cứ buộc tội các bị cáo.

– Về tội danh: Các hành vi của bị cáo không vi phạm điều cấm, không có khả năng gây hại cho ai, không thể có khả năng lật đổ chính quyền; đó chỉ là những hoạt động trong phạm vi mà pháp luật quy định, không chống nhà nước, không có hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.

Đề xuất: Tùy phán xét của Hội đồng xét xử.

BC Nguyễn Trung Tôn tự bào chữa:

Gia đình bị cáo có truyền thống cách mạng, bản thân bị cáo vốn là một quân nhân nên không có lý do gì để có hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.

VKS đã cẩu thả trong việc cáo buộc với nhiều sai sót ảnh hưởng đến bị cáo.

Cần đối chất tất cả các hội viên tại phiên tòa để làm rõ cáo buộc của các hội viên khác.

Nội dung nào trong các buổi họp được ghi âm mang tính chất tuyên truyền chống nhà nước, xin hãy đưa ra làm rõ.

Các cơ quan ngoại giao đóng tại Việt Nam đã từng tiếp xúc với các anh em dân chủ khẳng định những người này vận động đa nguyên hay có mục đích lật đổ chính quyền? Cần xác minh rõ từ các cơ quan này.

Xác định nguồn tiền từ nước ngoài về chỗ bị cáo Nguyễn Văn Đài là tiền của cá nhân ông ấy chứ không liên quan tới quỹ của HAEDC nên không thể quy kết tiền đó là để phục vụ hội.

Không kích động người dân biểu tình: Ai cử Trần Thu Nam, Nguyễn Văn Đề phản đối việc chặt cây xanh? Ai cử, ai chỉ đạo, bằng chứng đâu?

Bị cáo mong muốn được nói, được xem xét khách quan lời nói của mình.

Trong trường hợp không chứng minh được bị cáo vô tội, cần xem xét nguồn gốc gia đình, tình cảnh gia đình để cho bị cáo mức án phù hợp để sớm vể phụng dưỡng mẹ già và thờ phụng gia tiên.

LS Lê Văn Luân bào chữa cho ông Trương Minh Đức:

Kết luận giám định đã xác định mặt khách quan của tội phạm, thay cơ quan tiến hành tố tụng định tội cho các bị cáo.

Kết luận điều tra, cáo trạng chỉ làm theo những nội dung có sẵn và copy y nguyên nội dung của giám định để cáo buộc các bị cáo.

Các giám định viên đưa ý cá nhân của mình không có căn cứ để kết luận các vấn đề pháp lý quy chụp các bị cáo.

Điều 21 Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định về bí mật thông tin nhưng những tài liệu mà Bộ Thông tin và Truyền thông thu thập lại có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vi phạm quyền bí mật cá nhân.

Quy định về lập hội: Việc không có luật là trách nhiệm của nhà nước, không có luật thì người dân được phép hoạt động theo Hiến pháp; việc tồn tại thực tế của HAEDC là hợp hiến, mục đích hợp pháp và ngay trong Quy chế tổ chức, hoạt động của hội này cũng đã ghi rõ là sẽ vận động chính quyền hiện tại công nhận sự hoạt động hợp pháp của mình.

Sự tham gia của các thành viên trong hội này là tự nguyện, việc họp bàn chỉ thông qua mạng xã hội, không có sự phân công, không có lương bổng gì.

Không được đánh đồng chữ sụp đổ và lật đổ – trong các cuộc họp có nêu lên nội dung các kịch bản về sự sụp đổ của chế độ cộng sản chứ không phải là lật đổ chế độ cộng sản.

Sự vắng mặt của bị cáo Nguyễn Văn Đài tại phiên tòa sẽ khiến sự thật không được làm rõ, ví dụ: những bài phỏng vấn, những nội dung trả lời trên báo chí nước ngoài là do ý chí cá nhân của bị cáo Đài, không liên quan gì tới HAEDC.

Đề xuất: Tuyên ông Đức vô tội.

LS Nguyễn Văn Miếng bào chữa cho ông Trương Minh Đức:

Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định về quyền lập hội của công dân.

Cáo trạng quy kết ông Đức tham gia soạn thảo điều lệ, quy chế là sai trái vì những nội dung của các văn bản này là thu giữ từ thùng rác máy tính tại nhà của ông Nguyễn Văn Đài.

Sự không có mặt nhiều người trong quá trình giải quyết vụ án và tại tại phiên tòa này cho thấy việc kết tội các bị cáo là khiên cưỡng.

Bản kết luận giám định được thu thập thông tin tài liệu và giám định trái quy định của pháp luật, không có giá trị làm chứng cứ.

Cơ quan tiến hành tố tụng bắt ông Đức có thể là để nhằm bịt miệng truyền thông vì ông Đức vốn dĩ là một ký giả.

Ông Đức chỉ nói về thời kỳ hậu cộng sản rồi suy diễn rằng ông đã có hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.

Đề xuất: Tuyên ông Đức không phạm tội.

BC Trương Minh Đức tự bào chữa:

Cơ quan tiến hành tố tụng vu khống chúng tôi vì chúng tôi không có hoạt động nhằm lật đổ chính quyền…

LS Đoàn Thái Duyên Hải bào chữa cho ông Nguyễn Bắc Truyển:

Luật sư trình bày lời bào chữa bằng một Luận cứ bào chữa được chuẩn bị sẵn và có cập nhật thêm trong thời gian diễn ra phiên xử.

Một vài ý kiến cá nhân của một số thành viên của tổ chức trong một cuộc họp không có văn bản, nghị quyết thì không thể quy kết đó là ý kiến chung của cả tổ chức đó.

Việc áp dụng tình tiết “tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội” đối với bị cáo Truyển là không đúng pháp luật, không phù hợp với các tình tiết diễn ra trong vụ án.

HAEDC không có hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, các hoạt động của hội không vi phạm các điều cấm của pháp luật Việt Nam. Các tập tin được trích xuất từ các buổi họp, không có cơ sở chứng minh các hội viên có hoạt động lật đổ chính quyền nên bản giám định đã có là điều trái quy định của pháp luật và đã quy kết vô căn cứ đối với các bị cáo. Không ai có thể nói thay các bị cáo về nhận thức, ý chí của họ.

Trong quá trình tiếp xúc với đại diện ngoại giao các nước, ông Truyển luôn vận động sự ủng hộ của của họ cho Việt Nam.

Chứng cứ, đánh giá chứng cứ:

Kết luận giám định: khiên cưỡng, áp đặt chung chung không có căn cứ, không có giá trị làm chứng cứ.

Lưu ý: Nghị quyết 35/2016: phát huy kinh tế tư nhân.

Đề xuất: Tuyên ông Truyển vô tội.

LS Trịnh Vĩnh Phúc bào chữa cho ông Nguyễn Bắc Truyển:

Luật sư trình bày lời bào chữa bằng một Luận cứ bào chữa được chuẩn bị sẵn và có cập nhật thêm trong thời gian diễn ra phiên xử.

Bản án sơ thẩm ghi không đầy đủ nội dung đề xuất, yêu cầu của luật sư.

Bản kết luận giám định là không hợp pháp.

Các giám định viên tư pháp không có mặt là sự thoái thác, trốn tránh trách nhiệm đứng ra bảo vệ tài liệu mà mình đưa ra nên tài liệu giám định không được xem là chứng cứ buộc tội bị bị cáo.

Các hành vi của ông Nguyễn Bắc Truyển chỉ hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế.

Các lời khai của ông Truyển là nhất quán, đáng tin cậy từ đầu tới cuối.

Nếu như xem các hoạt động của HAEDC là vi phạm pháp luật hình sự thì hành vi ra khỏi hội của ông Truyển là hành vi “Tự ý nữa chừng chấm dứt việc phạm tội”, điều này HĐXX cần lưu tâm xem xét.

“…Tại phiên tòa sơ thẩm, trong Luận cứ bào chữa, sau khi trình bày các vấn đề thủ tục tố tụng và nội dung vụ án, tôi khẳng định không đủ căn cứ xác định ông Nguyễn Bắc Truyển phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” nên kiến nghị HĐXX tuyên bố bị cáo không phạm tội và trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa. HĐXX sơ thẩm không chấp nhận lời bào chữa của bị cáo và luật sư, tuyên bố ông Nguyễn Bắc Truyển phạm tội theo điều luật bị khởi tố – truy tố – xét xử, xử phạt 11 năm tù và 3 năm quản chế.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, nhiều yêu cầu của bị cáo Nguyễn Bắc Truyển và 3 bị cáo cùng vụ án không được HĐXX giải quyết chấp thuận. Mong muốn được đối chất với những người có liên quan và các giám định viên tư pháp để làm rõ các tình tiết có liên quan đến nội dung cáo buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm không được thực hiện.

Ý thức được khả năng là tất cả nỗ lực của bị cáo và luật sư không làm thay đổi được định kiến về tính chất vụ án và tội danh đã được xác định, chúng tôi không kiến nghị về phán quyết của HĐXX cấp phúc thẩm. Chúng tôi chỉ nỗ lực làm rõ nội dung và sự thật khách quan vụ án và các vấn đề đặt ra theo đơn kháng cáo của bị cáo, theo phận sự của mình, còn lại phán quyết là tùy vào HĐXX”.

BC Nguyễn Bắc Truyển tự bào chữa:

Bị cáo có chuẩn bị bào chữa nhưng bị chủ tọa liên tục nhắc nhở chỉ được bổ sung nội dung bài bào chữa của luật sư, không được phát biểu trùng với ý kiến luật sư. Bị cáo Truyển đành chuyển sang tuyên bố ngắn gọn:

“Lời buộc tội oan sai đối với tôi biến tôi thành tù nhân lương tâm, lời buộc tội oan sai đối với tôi đã khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ.

Tôi yêu cầu các điều tra viên và những người đã có hành vi đánh đập tôi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Phiên tòa hôm nay tôi và các luật sư bị phân biệt đối xử, bị đối xử bất công.

Phiên tòa hôm nay thực chất không phải là phiên tòa công khai…”

ĐỐI ĐÁP CỦA ĐẠI DIỆN VIỆN KIỂM SÁT:

– Quyền tự do lập hội: mọi công dân có quyền tự do lập hội nhưng phải theo quy định của pháp luật. Hiện tại ở Việt Nam rất nhiều hội tồn tại theo quy định của pháp luật.

– HAEDC không thành lập theo quy định của nhà nước, đi ngược với thể chế chính trị Việt Nam.

– Thẩm quyền của các giám định viên: đúng quy định của pháp luật; nội dung các bị cáo nói rõ ràng là chống đối chính quyền.

– Hội có tổ chức chặt chẽ: Có chủ tịch, phó chủ tịch, người phụ trách vùng miền, cách thức tuyển dụng, cách thức triển khai, phát triển trong thời gian dài…

– Các bài phát biểu của bị cáo Nguyễn Văn Đài vi phạm pháp luật mà các bị cáo vẫn tham gia hoặc không tố cáo tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên vẫn phải chịu tội.

CÁC LUẬT SƯ, BỊ CÁO VÀ KSV ĐỐI ĐÁP:

LS Đoàn Thái Duyên Hải:

– Việc cấp phép cho các hội khác thành lập hợp pháp được quy định ở đâu?

– Việc bình luận về dân chủ nhân quyền, tam quyền phân lập của một số thành viên mà quy kết cho Hội có đúng quy định pháp luật hay không?

– Bị cáo Đài nhân danh cá nhân mình thực hiện một số hoạt động trước khi Hội thành lập thì ông chịu trách nhiệm cá nhân chứ các hội viên khác không thể chịu trách nhiệm.

LS Ngô Anh Tuấn:

– Bị cáo Trội thừa nhận toàn bộ hành vi mình đã làm nhưng không thừa nhận mục đích lật đổ chính quyền, chúng ta không có quyền làm xấu hơn tình trạng của bị cáo và các bị cáo khác. Không phải ông Trội thừa nhận hành vi của mình có nghĩa là ông thừa nhận mọi mục đích bị suy diễn.

LS Lê Văn Luân:

Thẩm quyền giám định trong vụ án này là Bộ Công an chứ không phải là thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông nên bản kết luận giám định của Bộ Thông tin và Truyền thông là không có giá trị làm chứng cứ.

KSV: Giám định không phải là thủ tục bắt buộc trong vụ án này.

LS Trịnh Vĩnh Phúc:

Không thể quy kết việc lập hội là hành vi vi phạm pháp luật.

Các bị cáo bị rơi vào tình thế bất lợi trong sự hiểu biết khác biệt giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người dân về quyền lập hội.

Việc giám định là khiên cưỡng mang tính quy chụp đối với các bị cáo, không thể làm căn cứ để buộc tội các bị cáo.

LS Đoàn Thái Duyên Hải:

Việc lập hội là phù hợp với quy định của pháp luật.

LS Lê Văn Luân:

Cơ quan nhà nước chỉ được làm những nội dung mà pháp luật cho phép, không được sáng tạo ra những cách thức thủ tục mới vượt quá phạm vi được ấn định.

LS Nguyễn Văn Miếng:

Cương lĩnh vắn tắt mà cơ quan điều tra thu thập được là tài liệu riêng của ông Đài, không thể đem nó ra cáo buộc cho các bị cáo khác; những bài viết, trả lời báo chí của ông Đài cũng là trách nhiệm cá nhân của ông ấy chứ không thể bắt người khác chịu tội… Không thể dùng hành vi vi phạm pháp luật của người này để cáo buộc, áp đặt cho người khác. Ai làm gì người đó chịu.

BC Nguyễn Trung Tôn:

BC Nguyễn Bắc Truyển:

Điều lệ cơ quan điều tra đưa cho tôi đọc chứ tôi chưa từng đọc trước đó.
Lời nói anh Đài, anh Đài chịu trách nhiệm, không thuộc trách nhiệm của tôi.

BC Trương Minh Đức:

Tôi vào Hội đúng pháp luật, tôi không có tội

BC Phạm Văn Trội:

Điều lệ ghi rõ: Tất cả hành vi vi phạm pháp luật của thành viên trong hội làm do mỗi hội viên tự chịu trách nhiệm.

Hội có người phát ngôn là ông Nguyễn Trung Trực, nên phát ngôn của những thành viên khác, ai phát ngôn người đó chịu trách nhiệm, các thành viên không liên quan sẽ không phải chịu trách nhiệm.

KSV đối đáp loanh quanh, lòng vòng.

LỜI NÓI SAU CÙNG

BC Phạm Văn Trội:

Cảm ơn giám thị và y tế giúp đỡ chữa bệnh dạ dày. Bị cáo đã rất mệt mỏi và đã ra khỏi hội. Mong muốn HĐXX nhân văn với bị cáo để sớm về phụng dưỡng mẹ già.

BC Nguyễn Trung Tôn:

Tôi mong muốn được trả tự do. Tôi đề nghị xem xét hoàn cảnh gia đình, nhân thân, nếu buộc phải tuyên bị cáo có tội thì xin cho tạm hoãn thi hành án để chữa bệnh.

Tôi là mục sư không được hành đạo. Hy vọng một ngày không xa những người như chúng tôi được tôn trọng. Chỉ sợ người dân không phát biểu chứ một ngày họ còn phát biểu thì đất nước còn có cơ hội phát triển.

BC Trương Minh Đức:

Tôi không có tội nên không xin giảm án. Tôi mong rằng những người dân trong nước và các tổ chức quốc tế tiếp tục đấu tranh cho tôi. Tôi mong muốn được về phía Nam thụ án.

BC Nguyễn Bắc Truyển:

Tôi cảm ơn Trại tạm giam B14 đã đối xử tốt với bản thân tôi. Hôm nay có nhiều cán bộ tham gia phiên tòa, đây là dịp tôi nói lời cảm ơn với họ vì tôi sắp phải chuyển đi.

Tôi cảm ơn các cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế đã quan tâm đến trường hợp bị xử lý của chúng tôi. Tôi cảm ơn các chức sắc tôn giáo đã hiệp thông cầu nguyện cho tôi, có lẽ nhờ đó mà sức khỏe của tôi thời gian qua ổn định và tinh thần được an nhiên tự tại dù bị cầm tù.

Tôi muốn được thụ án ở phía Nam để được thuận tiện việc thăm nuôi của gia đình.

Tôi xin chân thành cảm ơn các luật sư rất nhiều vì đã chấp nhận bào chữa cho tôi, dù biết rằng gặp nhiều vất vả, khó khăn và nguy hiểm. Cảm ơn gia đình, các đồng đạo đã chăm sóc giúp đỡ tôi trong thời gian qua.

Tôi sẵn sàng đón nhận bản án của Tòa án dành cho tôi.

HĐXX vào nghị án và ra tuyên án.

QUYẾT ĐỊNH CỦA BẢN ÁN PHÚC THẨM:

– Không chấp nhận kháng cáo của 4 bị cáo.

– Giữ y Bản án hình sự sơ thẩm số 117/2018/HS-ST ngày 05/4/2018 của TAND TP. Hà Nội.

Tuyên bố các bị cáo : Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển và Trương Minh Đức phạm tội « Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ».

Tuyên phạt các bị cáo :

– BC Phạm Văn Trội: 7 năm tù, 1 năm quản chế

– BC Nguyễn Trung Tôn: 12 năm tù, 3 năm quản chế

– BC Nguyễn Bắc Truyển: 11 năm tù, 3 năm quản chế

– BC Trương Minh Đức: 12 năm tù, 3 năm quan chế.

Phiên tòa kết thúc vào lúc 18 giờ 30 phút cùng ngày 04/6/2018.

(Biên bản phiên tòa này được LS Ngô Anh Tuấn tốc ký tại phiên tòa và LS Trịnh Vĩnh Phúc kiểm tra, bổ sung và hiệu đính).

Bình Luận từ Facebook