Dự luật đặc khu

FB Nguyễn Hồng Lam

31-5-2018

Ảnh: internet

“Anh chị đồng ý hay không với chủ trương VN cho nước ngoài thuê đất lên đến 99 năm?”. Sau 24h, đã có hơn 1200 người tham gia trả lời trong một thăm dò bỏ túi trên FB Hoàng Linh. 96% nói không, 4% đồng ý. Tỷ lệ thuận – chống này thể hiện khá rõ tâm lý chung của gần tuyệt đại đa số người Việt trong thời điểm hiện tại đang lo lắng trước nguy cơ đất đai mất dần về tay ngoại bang, cụ thể là Trung Quốc.

Tôi nằm trong số 96% đó. Tìm, đọc xong nhiều lần Dự thảo LUẬT ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH – KINH TẾ ĐẶC BIỆT VÂN ĐỒN, BẮC VÂN PHONG, PHÚ QUỐC, mối sợ hãi phải “lưu vong tại chỗ” có dịu đi đôi chút. Chưa nghiêm trọng đến mức phải đánh đồng việc xem xét ra Luật đặc khu (gọi tắt) với chuyện cho nước ngoài thuê đất 99 năm, kéo theo hàng loạt nguy cơ lịch sử có thể làm thay đổi sự tồn vong của quốc gia dân tộc. Và cũng không nghi ngờ gì, hình thành các đặc khu, nếu quy trình được vận hành hoàn hảo, quản lý tốt, có đủ quyết tâm cùng biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn đầu cơ đất, tránh hình thành nhóm tư bản thân hữu mại bản thu gom tài nguyên đất và bán lại cho nước ngoài để trục lợi thì chắc chắn, các đặc khu sẽ thật sự tạo nên những cú hích để phát triển kinh tế, qua đó ổn định lòng dân, ổn định chính trị, đưa đất nước đi lên.

Nhưng đó chỉ là chữ nếu, lại nếu. Bởi lẽ “nước ngoài” mà chúng ta nói đến, những kẻ đang khát thèm chiếm hữu, sở hữu đất đai Việt Nam bằng mọi giá ở đây chẳng ai khác ngoài Trung Quốc. Và họ thì dù đến với danh nghĩa gì cũng mang theo dã tâm. Ngàn năm trước đã thế, ngàn năm sau vẫn thế. Hiện tại, họ đang trong cả tâm thế lẫn giai đoạn bành trướng lãnh thổ. Công thức là: Bành trướng = xâm chiếm + đồng hóa. Trong đó, yếu tố xâm chiếm được thực hiện không chỉ bằng bạo lực, súng đạn mà còn gồm cả quyền lực mềm của kinh tế, chính trị, văn hóa… dưới nhiều chiêu bài hòa bình, thơm thảo, ví như hợp tác, giúp đỡ, cùng phát triển. Đến lúc nào đó, 99 năm là quá đủ, rất có thể ngoảnh lại chúng ta đã không còn Tổ Quốc, không còn lịch sử của riêng dân tộc mình. Cách thức có thể khác, song những Tây Tạng, Tân Cương…phía Tây hay vùng Nội Mông phía bắc bản đồ Trung Hoa chính là những bài học diệt vong đau đớn, nhất là với một dân tộc nhẹ dạ cả tin và giáo điều nhưng kém ý thức chính trị như người Việt.

Chữ nếu cũng là bởi, sau thời bao cấp, Việt Nam chúng ta đang lọt thỏm trong vũng lầy của thời kỳ… bao biện. Lòng tham vô độ, sự băng hoại đạo đức, lý tưởng trong bộ máy quan chức, công chức đã trở nên phổ biến, thậm chí không cần che đậy. Những cái sai, cái ngu, cái nguy, tội lỗi, những tệ nạn… đã không còn cần ngụy trang mà đang được huỵch toẹt ở mọi lúc mọi nơi, được phát ra từ trong chủ trương, chính sách, từ miệng của những quan chức đầu ngành, của những Bộ trưởng, những đại biểu Quốc hội ngay giữa nghị trường Quốc hội. Cái sai được mặc nhiên công nhận tồn tại bằng cách thay đổi từ ngữ, thay đổi cách gọi một cách đồng loạt, mù mờ và đầy tính xảo biện. Cả thế chế lẫn quốc gia dân tộc đang bị phá hoại từ trong phá ra, khiến nhân dân cực kỳ lo lắng và bất mãn, trong khi chính phủ, chính quyền thì vẫn khá bình thản và bằng lòng với các xảo ngữ biện minh.

Với một thực tế như vậy, Dự luật Đặc khu tất nhiên sẽ được nhìn nhận như một mối lo mới, một mối lo cực kỳ nghiêm trọng vì nó ẩn chứa quá nhiều mầm nguy cơ đe dọa sự tồn vong của dân tộc. Nó có bị hiểu sai, hiểu chưa đủ, chưa đúng và bị phản đối với tỉ lệ áp đảo cũng là điều tất nhiên, dễ hiểu. Trong bối cảnh hiện tại, khó có thể thuyết phục để nhân dân tin rằng, xây dựng các đặc khu trong thời điểm hiện nay là việc cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời dẹp hết được nỗi lo nó là một điều kiện mở để cho Trung Quốc “xâm lăng mềm” và bành trướng xuống nước ta.

Đã đành, chính trị thì xảo ngôn, bao biện thì đôi lúc có thể che đậy…Song bản chất vấn đề thì không thể thay được. Muốn tăng năng suất, hiệu quả cây trồng thì phải nghiên cứu, phát triển giống, khoa học nông nghiệp và phương thức tổ chức, quản lý sản xuất, chế biến và tiêu thụ… chứ không phải thay đổi cách gọi. Năng suất quả nho không thể tăng vượt bậc cho dù ta cố tình dùng từ nho để gọi tên loài bí đỏ.

Luật đặc khu, cú hích kinh tế…sẽ không có ý nghĩa gì, nếu chúng được thông qua vội vã, trước khi dẹp bỏ tất cả các mối nguy liên quan cả bên trong lẫn bên ngoài. Cá nhân tôi nghĩ rằng, dù cần đến đâu, đây cũng chưa phải là thời điểm thích hợp để Quốc hội thông qua một Dự luật quan trọng còn chứa trong nó quá nhiều hoài nghi, lo lắng bởi các nguy cơ nghiêm trọng đang tiềm ẩn.

Tôi không phải nhà kỹ trị nên không hồ đồ phân tích chi tiết. Tôi không phải nhà chính trị nên không đề đạt hay hô hào. Tôi không phải đại biểu Quốc hội nên không thể trình bày vấn đề trước Quốc hội.

Tôi là một công dân, tôi phát biểu nỗi lo của mình trên trang cá nhân của mình. Tôi mong mỏi, trong Hội trường Quốc hội, các đại biểu, không nhất thiết có đọc bài viết này hay không, nhưng nhất thiết sẽ nghĩ thấu đáo, có trách nhiệm, vì quốc gia, dân tộc, về vấn đề mà họ sắp ấn nút.

Bình Luận từ Facebook