25-5-2018
Tôi có một sự cảm thông sâu sắc với Thủ tướng Chính phủ. Ông Nguyễn Xuân Phúc lên làm Thủ tướng trong lúc quốc khố không thể cạn kiệt hơn nữa. Hàng loạt đại án với hàng loạt cán bộ đốt tiền của thập niên trước đó lần lượt được đưa ra ánh sáng. Dân oan đổ ra Hà Nội bởi mỗi tỉnh không khác nào một vương quốc riêng.v.v…
Nhưng tôi băn khoăn về thực quyền của Chính phủ nói chung và Thủ tướng nói riêng.
Ví dụ Thủ tướng nói đóng cửa rừng thì Quảng Nam phá rừng ngay sau đó. Ví dụ Thủ tướng yêu cầu không đánh đổi môi trường lấy kinh tế thì Bộ Xây dựng muốn hạ chuẩn môi trường để đưa tro xỉ nhiệt điện đi san lấp. Ví dụ tuy phát hiện các dự án BOT có nhiều sai phạm nhưng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trí trá đổi “thu phí” thành “thu giá” là xong. Ví dụ Thủ tướng tuyên bố không tăng trưởng bằng mọi giá thì Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT, tăng phí môi trường lên xăng dầu.v.v..
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo vụ phân bón giả Thuận Phong ở Đồng Nai gần… 3 năm mới có chuyển biến. Ông Trương Hòa Bình cũng ra chỉ đạo giữ nguyên hiện trạng nhưng hiện thực ở Đak Nông là tiếng súng Đặng Văn Hiến. Ở Tp.HCM, văn bản chỉ đạo của ông Trương Hòa Bình cũng bị “lờ” đi khiến nỗi uất ức Thủ Thiêm cao ngút trời.v.v…
Trên đã nóng mà dưới vẫn lạnh là một thực trạng rất cay đắng! Thứ cay đắng mà nhân dân là đối tượng “thụ hưởng”.
Tôi không hiểu người đứng đầu Chính phủ nghĩ gì khi cấp dưới bất tuân thượng lệnh. Nhưng rõ ràng việc chỉ đạo ngưng mua sắm xe công được “đáp lại” bằng kết quả hơn nghìn tỉ đầu tư “mua xe biển số xanh”. Hàng chục nghìn tỉ được chi chống ngập mà “điểm tụ nước” cứ xuất hiện khắp nơi. Luật Biểu tình- điều nhân dân mong đợi, lại luôn trì hoãn trong khi Luật An ninh mạng với nhiều dấu hỏi, lại đang sốt sắng trình lên? Có ít nhất 7 dự án địa phương bị kê vống lên từ vài chục tỉ thành… nhiều nghìn tỉ. Ngay cả việc chủ quyền quốc gia bị bôi nhọ trên những “chiếc áo lưỡi bò” cũng bị đánh tráo khái niệm thành “vì đại cục”.v.v..
Không lẽ sự tôn nghiêm của Chính phủ minh bạch bị coi thường? Lý nào mỗi mong đợi Chính phủ kiến tạo bị bóp nghẹt? Và thực quyền của Chính phủ lần lượt bị các bộ, ngành, địa phương “lờn thuốc”?
Và có một điều kỳ cục vẫn diễn ra là tuy ký quyết định bổ nhiệm các cán bộ cao cấp của Chính phủ nhưng ông Nguyễn Xuân Phúc lại không thể sa thải họ ngay lập tức nếu họ sai phạm! Phải chăng quán tính tham lam và vô trách nhiệm của một số cán bộ cao cấp trong Chính phủ và đứng đầu địa phương vẫn còn rất lớn?
Nhiệm kỳ của ông Nguyễn Xuân Phúc, ngay năm đầu tiên, đã giảm bội chi ngân sách xuống thấp nhất so với 10 năm trước đó. Việt Nam đã được vào CPTTP. Người dân cũng được nói nhiều hơn trên mạng xã hội.v.v.. Nhưng cái chưa được, thậm chí sự bất cập, điều bậy bạ vẫn còn rất nhiều.
Nhưng liệu sẽ có một tương lai tươi sáng nào cho đất nước khi thực quyền của Chính phủ nói chung và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói riêng, lại không đủ cho cấp dưới “nóng lên”, ít nhất trong nhiệm kỳ hiện tại?
Liệu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có biết những điều trên (và xử lý) như cách ông đã tuyên bố không? (Xem ảnh)