17-5-2018
Tiếp theo phần 1
Luật sư Lê Công Định là người đã kết nối để gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức mời tôi làm luật sư tư vấn pháp lý. Những ý kiến nêu ra trong văn bản gửi đi các cơ quan chức năng đều đã được cả gia đình ông Thức và luật sư Định nhất trí đồng tình.
Chúng ta hãy cùng hy vọng rằng, thông qua những ý kiến xác đáng thận trọng và nghiêm túc, các ban ngành chức năng sẽ vì lòng nhân đạo và lẽ phải mà sớm giải quyết trả tự do cho ông Thức.
II/ HÀNH VI CỦA ÔNG TRẦN HUỲNH DUY THỨC CHỈ LÀ SỰ CHUẨN BỊ
Yếu tố cơ bản hình thành nên hành vi phạm tội theo Điều 79 luật cũ hoặc Điều 109 luật mới là “Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Do vậy cần làm rõ xem ông Trần Huỳnh Duy Thức đã “thành lập hoặc tham gia tổ chức nào” để bị xử lý về tội này? Nếu hành vi của ông Thức mới chỉ là chuẩn bị thành lập hoặc chuẩn bị tham gia tổ chức thì hành vi của ông Thức chỉ là sự chuẩn bị.
Dưới đây, căn cứ theo nội dung bản Cáo trạng số 09/VKSTC-V2 ngày 23/11/2009 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao mô tả về hành vi việc làm của ông Thức, chúng tôi phân tích chỉ ra cho thấy toàn bộ hành vi của ông Thức chỉ là sự chuẩn bị.
1. Cáo trạng có đoạn, trích: “Ngày 26/11/2001 Trần Huỳnh Duy Thức thành lập Công ty Cổ phần Internet Một kết nối kinh doanh trên lĩnh vực công nghệ thông tin và dịch vụ điện thoại. Do có sự nhìn nhận, đánh giá chủ quan về các hiện tượng tiêu cực xảy ra trong xã hội, Trần Huỳnh Duy Thức nảy sinh tư tưởng bất mãn với chế độ, đường lối, chính sách của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, đã có tư tưởng phản động đòi phải thay đổi cơ chế kinh tế và thể chế chính trị hiện nay ở Việt Nam.
Vì vậy cuối năm 2005, Trần Huỳnh Duy Thức thành lập tổ chức có tên gọi “Nhóm nghiên cứu Chấn” và đã lôi kéo 04 đối tượng khác tham gia vào tổ chức này gồm: Lê T L, Lê Thị T.T, Trần Thị T và Cù Thị P (đều là nhân viên Công ty Cổ phần Internet Một kết nối do Thức làm Tổng giám đốc).
Trần Huỳnh Duy Thức cùng các đối tượng trong “Nhóm nghiên cứu Chấn” đã tổ chức nghiên cứu, phân tích tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và cho rằng Việt Nam sẽ bị khủng hoảng kinh tế vào cuối năm 2010, lúc đó là thời cơ hành động thể thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam,
Trần Huỳnh Duy Thức gọi thời điểm này là “Lúc phất cờ” (viết tắt là LPC) và lúc đó Trần Huỳnh Duy Thức sẽ tham gia lãnh đạo “Chính phủ mới” để điều hành đất nước.
Với vai trò là người thành lập “Nhóm nghiên cứu Chấn”, Trần Huỳnh Duy Thức đã đề ra đường lối, kế hoạch hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân của tổ chức này như sau:
+ Lập Website “Chanlachong” để tuyên truyền hoạt động của tổ chức “Nhóm nghiên cứu Chấn”, làm ra tài liệu để tuyên truyền tập hợp lực lượng tham gia tổ chức “Nhóm nghiên cứu Chấn” có tên gọi là “Tuyên ngôn lạc hồng” trong đó nêu rõ mục đích hành động: “… Tôi tuyên thệ trước bản Tuyên ngôn này, tôi sẽ lãnh đạo dân tộc Lạc hồng giành lấy quyền lực chính trị cho toàn dân chúng trong năm Canh Dần 2010…”.
+ Tiếp cận, mở rộng mối quan hệ với lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và những người có vai trò hoạch định đường lối chính sách kinh tế, chính trị, xã hội nhằm tác động, chuyển hóa tư tưởng, gây nghi ngờ, gây mất đoàn kết nội bộ, tạo điều kiện để từng bước thay đổi thể chế chính trị hiện nay;
+ Tuyên truyền lôi kéo tầng lớp trí thức (tập trung vào nhà báo, luật sư) tranh thủ sự ủng hộ và phát triển lực lượng của “Nhóm nghiên cứu Chấn”.
+ Kêu gọi chính phủ các nước và tổ chức phi Chính phủ có tư tưởng thù địch chống Việt Nam ủng hộ hoạt động của “Nhóm nghiên cứu Chấn”;
+Làm ra tài liệu có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc sự lãnh dạo của Đảng và sự điều hành của Chính phủ, nói xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước truyền tải lên mạng internet, gửi cho các tổ chức, cá nhân phản động lưu vong người Việt và các thế lực thù địch bên ngoài sử dụng chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Hết trích.
Xét nội dung đoạn cáo trạng mô tả hành vi của ông Trần Huỳnh Duy Thức thì thấy, Cơ quan An ninh điều tra đã quy kết ông Thức thành lập lên một tổ chức chống chính quyền nhân dân là “Nhóm nghiên cứu Chấn”, vậy đây có phải là một tổ chức không?
Đầu tiên, đúng như tên gọi của nó, “nhóm” không phải là một tổ chức, “nhóm” chỉ là sự hợp lại của nhiều người và khi hợp lại mỗi người vẫn giữ sự độc lập và bình đẳng. Thực tế Nhóm nghiên cứu Chấn không có điều lệ tổ chức, không có tên gọi của một tổ chức, không có phân cấp trên dưới, cho nên đây không phải là một tổ chức.
Nhóm này cũng không phải đông người, thực tế Cáo trạng đã nêu Nhóm nghiên cứu Chấn gồm ông Thức và 04 người khác đều là nhân viên của Công ty Cổ phần Internet Một kết nối do ông Thức làm Tổng giám đốc. Trong đó đoạn sau Cáo trạng cho biết tháng 4/2007 ông Lê T L tách ra khỏi Nhóm nghiên cứu Chấn, còn ba người phụ nữ còn lại do tính chất hành vi không có gì nghiêm trọng nên Cơ quan an ninh điều tra không xử lý hình sự mà giao cho chính quyền địa phương quản lý giáo dục.
Như vậy một “Nhóm nghiên cứu Chấn” chỉ gồm vài người, trong đó bao gồm ba nữ nhân viên công ty, liệu quy kết đây là tổ chức nguy hiểm nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì có thỏa đáng không? Sẽ bớt vô lý hơn nếu quy kết ông Thức phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân bằng cách chỉ ra cho thấy ông Thức đã thành lập một tổ chức như Đảng này đảng nọ, hoặc Hội này hội kia. Còn Nhóm nghiên cứu Chấn cùng lắm chỉ là tiền thân của một tổ chức chính trị trong tương lai mà thôi, và như vậy hành vi của ông Thức chỉ là sự chuẩn bị.
Điều này sẽ rõ hơn trong các phân tích dưới đây khi Cơ quan An ninh điều tra quy kết ông Thức đã tích cực tham gia các hoạt động của Đảng dân chủ Việt Nam (của ông Nguyễn S B ) và chuẩn bị thành lập Đảng xã hội Việt Nam.
Như vậy sẽ cho thấy rõ “Nhóm nghiên cứu Chấn” không phải là một tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân, nó chỉ có tính chất của một tổ chức tiền thân mà thôi. Bởi nếu ông Thức muốn thành lập một tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân thì chẳng phải là ông nên thành lập một đảng như Đảng xã hội chẳng hơn là “Nhóm nghiên cứu Chấn” hay sao?
Cho nên quan điểm quy kết “Nhóm nghiên cứu Chấn” là một tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân là khiên cưỡng, gượng ép, không có tính thuyết phục.
Về những hành vi như lập website “Chanlachong”, tiếp cận mở rộng mối quan hệ với lãnh đạo cao cấp, tuyên truyền lôi kéo tầng lớp trí thức, kêu gọi chính phủ các nước ủng hộ, làm ra tài liệu có nội dung tuyên truyền xuyên tạc phỉ báng chính quyền nhân dân… thì đó là những hành vi không phải là “thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân”.
Những hành vi đó về tổng thể chỉ là những biểu đạt chính trị ôn hòa hướng đến mục tiêu nhận thức con người, cùng lắm chỉ tác động được đến quan điểm suy nghĩ của mọi người, nó chưa thể trực diện có thể lật đổ chính quyền nhân dân. Một mục đích như thế còn xa mới đạt được.
Các hoạt động của ông Thức cùng lắm chỉ thuộc về dạng tạo ra môi trường điều kiện thuận lợi để đến một lúc nào đó thực hiện hành vi phạm tội mà thôi, và như vậy hành vi chỉ thuộc dạng chuẩn bị.
Điều 14 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về Chuẩn bị phạm tội như sau: Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.
Theo nội dung trên thì Chuẩn bị phạm tội là tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm, nếu áp dụng cho hành vi của ông Thức sẽ đỡ vô lý hơn là quy kết ông Thức đã thực hiện hành vi phạm tội. Bởi các việc ông Thức làm chỉ tác động đến quan điểm nhận thức, nhằm tạo ra môi trường điều kiện thuận lợi cho tiến trình thúc đẩy dân chủ sau này.
Nhất là khi kết quả điều tra cũng đã xác định ông Thức gọi thời điểm khủng hoảng kinh tế cuối năm 2010 là “Lúc phất cờ”. Thì như chính bản thân ý nghĩa của thuật ngữ này – Lúc phất cờ – là một thời điểm trong tương lai, đến lúc đó ông Thức mới thực hiện các hành vi bị quy kết, còn hoạt động ở thời điểm trước đó thì mới chỉ là các hoạt động chuẩn bị mà thôi.