Thảm cảnh lao động Việt Nam ở các nước Arab — Phần 1: Abayas

FB Phan Thúy Hà

12-5-2018

Phan Thúy Hà: Được sự đồng ý của người nhà chị ấy mình đăng một đoạn trong câu chuyện chị đang viết.

Tôi đến Ha’il vào ngày 5-11-2014. Đó là một chuyến bay dài và mệt mỏi từ Sài Gòn cùng với 4 người khác. Chúng tôi quá cảnh ở Quatar chừng hơn 1h rồi bay tiếp tới Riyadh. Ả rập Saudi đang vào đông, cái lạnh tê tái làm mũi tôi đông cứng. Đại lý trung gian ở Sài Gòn nói rằng tới Ả rập thì đại lý môi giới bên này sẽ tới rước và đưa chúng tôi tới tận nơi làm việc kí trong hợp đồng tại Việt Nam.

Thực tế phũ phàng hơn tất cả những gì tôi có thể tưởng tượng ra. Không có lời cảnh báo nào về việc bạn sẽ bị cưỡng hiếp. Chẳng có lời nào cho bạn biết bạn sẽ bị biến thành nô lệ. Và không có đường trở về.

Tới Riyadh lúc 7h sáng theo giờ địa phương (khoảng 11h trưa tại VN), chúng tôi lập tức bị lùa vào một cánh cửa riêng bên khu nhập cảnh. Bước vào hành lang bên hông cửa, cảnh tượng một hàng dài, rất dài những phụ nữ bẩn thỉu ngồi bệt dưới sàn với những ba lô, túi xách đập vào mắt làm tôi choáng váng. Họ chia thành nhiều nhóm ngồi tách biệt. Trên tay những người đầu hàng cầm những tấm bảng ghi bằng mực đen: SRILANKA, INDIA, PHILIPPINE, BANGLADESH và VIET NAM.

Chừng hơn chục nữ cảnh sát trùm mạng kín mít chỉ hở có 2 con mắt liên tục cầm roi chỉ vào đám người và gọi bằng tiếng Ảrập. Vài người đứng lên bước vào một căn phòng cạnh đó, những nhóm còn lại bị đưa trở lại vào những phòng ở phía cuối hành lang.

Nhóm chúng tôi bị đẩy vào phòng cuối cùng, sát nhà vệ sinh.  Cảm giác buồn nôn ào tới, căn phòng nồng nặc mùi ôi thiu của thức ăn, mùi hôi của quần áo lâu ngày không thay. Có khoảng 5, 6 chục người đủ các thể loại quốc tịch đang nằm ngồi trên mười mấy hai chục cái giường kê san sát trong phòng. Họ nói chuyện, khóc và chửi rủa ầm ĩ cả gian phòng.

Năm chúng tôi lê tới chiếc giường còn trống, sát bức tường chất đầy túi ni lon và hộp đồ ăn dở. Đầu tôi nhức như búa bổ và không thể hiểu nổi vì sao mình lại đang có mặt tại nơi này. Điện thoại thì hết pin và cũng không có sim. Lúc còn ngồi ngoài sảnh nhập cảnh, tôi thấy có vài người da đen làm vệ sinh đi lảng vảng sát gần chúng tôi và hỏi bằng tiếng Anh: “10$, 10$, lấy không?” Tôi lắc đầu vì chẳng hiểu họ bán cái gì. Mãi sau này tôi mới biết họ bán sim chui cho những người như chúng tôi để kiếm thêm. Mà nếu mua sim thì tôi cũng không biết sẽ phải nói gì với đại lý tại Việt Nam nữa. Biết nói gì khi tôi đã hiểu lý do họ đưa chúng tôi tới tận sân bay và đứng đợi cho tới khi chúng tôi làm thủ tục xuất cảnh xong, điện thoại ra là bắt đầu lên máy bay thì họ mới dám trở về.

Đói mềm, rét run, chúng tôi túm tụm lại nghe một nhóm người Việt đang xôn xao giường bên cạnh. Một phụ nữ mặc một chiếc áo lông màu vàng, đi đôi bốt đỏ chói chửi oang oang vào cái điện thoại cục gạch: “Tiên sư cha chúng mày chứ, chúng mày lừa bà sang đây gần 1 tuần rồi mà vẫn chưa ai đón là thế nào? Bà biết thế này bà ở nhà bán thịt cũng giả xong nợ. Nghe chúng mày dỗ đi kiếm được nhiều tiền lắm mà giờ nằm vạ vật ở đây bảo chúng mày cho về chúng mày cứ tắt điện thoại không nghe là thế nào? Bà gọi quân khu nhà bà kéo lên công ty phá nát công ty chúng mày ra bây giờ…”

Còn định chửi tiếp nhưng rồi chị ta nhìn vào cục gạch trong tay: “Bố chúng nó, mua sim mới để gọi chúng nó mới chịu nghe mà chúng nó lại tắt luôn rồi này”.

Tôi hỏi vọng sang: “Chị ơi, chị quê ở đâu?”

Chị ta nhìn tôi: Bắc Giang. Cả tuần chờ ở cái chuồng lợn này rồi mà chưa ai rước đây. Em mới sang à?”

Tôi gật. Đầu óc quay cuồng, hoang mang.

Khoảng gần 10 giờ sáng (2h chiều Việt nam) thì chúng tôi được phát đồ ăn. Một hộp cơm cà ri và 2 miếng trứng tanh lợm giọng. Tôi bỏ chạy vào nhà vệ sinh. Một đống hỗn hợp băng vệ sinh, đờm và giấy đầy lối đi. Mùi nước tiểu xộc lên tận óc. Gần như muốn ngất lịm vì tụt huyết áp, tôi quay trở vào nằm lăn ra đất và chìm đi.

Tiếng còi rít lên làm tôi mở mắt, người ê ẩm và chưa hiểu chuyện gì thì cô bé đi cùng chuyến lay lay tôi: “Chị ơi, dậy đi, người ta kêu Việt Nam ra xếp hàng kìa”.

Cầm ba lô quần áo lên, tôi theo cô bé bước ra dãy hành lang. Một người phụ nữ to béo tiến đến: “Viet Nam, Viet Nam?”. Chúng tôi gật. Bà ta ngoắc tay chỉ vào căn phòng đầu khu nhà hồi sáng tôi thấy những người ít ỏi tiến vào đó. Tôi bước vào trước.

Căn phòng nhỏ xiu có 2 người phụ nữ che mạng với chiếc áo choàng đen quét đất. Một người ra hiệu cho tôi cởi áo ra. Tôi hỏi bằng tiếng Anh: “Cô muốn tôi cởi áo phải không?”. Lập tức người kia vụt một nhát vào mông tôi và lấy cây gậy thọc ngược áo tôi lên. Quá hốt hoảng, tôi lột hết đồ, run cầm cập. Họ sờ nắn khắp người tôi rồi ra hiệu mặc lại quần áo, đi ra ngoài.

Cứ vậy nhóm Việt Nam được kiểm tra khá nhanh. Chị Bắc Giang lầm bầm: kiểm mẹ chúng mày mà kiểm lắm thế, rồi bà cũng có được ai đón đi đâu. Tôi quay mặt đi không biết còn phải chịu đựng bao nhiêu lâu trong tình trạng khủng khiếp như thế này.

Hóa ra những phút giây ấy lại là những phút sung sướng nhất khi tôi đặt chân tới đất nước của vị thần đèn mơ ước.

30 phút sau, 5 người chúng tôi được gọi đi. Chị Bắc Giang quay lại Chuồng lợn để chờ tiếp.

Chúng tôi bước đi trong tiếng chửi vang cả hành lang của chị. Sau này không biết số phận chị có giống như tôi và những người đi cùng hay không. Tôi không dám chắc và không muốn tìm câu trả lời. Trải nghiệm của một mình tôi là quá đủ rồi.

Chúng tôi quay lại nơi nhập cảnh ban đầu. Một người đàn ông bé nhỏ đón chúng tôi. Ông ta mặc bộ quần áo trắng với chiếc khăn caro và vành quấn màu đen đặc trưng của người Ả rập trên đầu. Đôi mắt đen nhìn xoáy vào tất cả chúng tôi khi ông ta cầm hộ chiếu và lần lượt đọc tên từng người. Tôi hỏi ông ta: “Chúng ta sẽ đi đâu?”. Cuối cùng cũng có người nói được tiếng Anh: “Chúng ta sẽ đi Ha’il, cách đây 7 giờ xe chạy”. Tôi lại muốn ngất. Tôi đã không ăn gì từ trưa hôm qua khi ra sân bay Tân Sơn Nhất đến giờ. Và tôi còn mắc bệnh say xe nữa.

Chẳng có lựa chọn nào khác, tôi chui vào chiếc xe. 5 người khác đã ngồi sẵn trong đó. Chiếc xe chật ních đồ đạc. Không khí đặc quánh mùi hôi. Tôi chỉ được ngồi ghé lên đùi một phụ nữ nhỏ xíu, đen đúa. Mọi người trên xe nhìn chằm chằm vào tôi không cần che giấu: “Cô sang đây làm gì?”. Một trong hai cô gái ngồi cạnh ghế lái xe ngoái cổ lại hỏi tôi.

Có lẽ bộ quần áo tôi mặc trên người cùng chiếc khăn lụa quàng cổ rõ ràng là không thích hợp với hoàn cảnh lúc này: “Cô kí hợp đồng sang nấu ăn”. Cô gái nhìn tôi không chớp mắt: “Nấu ăn? Cháu sang đây là chuyến thứ 2 rồi. Ở bên này chỉ có đi giúp việc nhà chứ làm gì có đi nấu ăn không hả cô. Ở đây cực lắm, trông cô thế kia không biết có trụ được 1 tuần không. Đội của cháu về rồi định không sang nữa nhưng ở nhà không để được tiền như đi sang đây nên cháu lại đi đấy”.

“Cháu bao nhiêu tuổi?”, tôi hỏi.

Cháu 20, Cháu mới đi 2 năm, chủ đánh ghê quá nhưng không về được nên chịu. Được cái hết năm đầu không đánh nữa, lúc về lại cho tiền, cho vàng nên nghỉ 2 tháng ở nhà cháu lại sang”.

5 người chúng tôi cùng im lặng. Tất cả chúng tôi đều đi chuyến đầu. Bé Hằng người Bến Tre có đôi mắt buồn thăm thẳm. Em được một đại lý khác kí gửi vào công ty chúng tôi. Em đi để trả nợ cho mẹ, cho chồng cũ. Một chị cùng tên tôi người Huế, làm thơ và hát suốt ngày trong lúc ở tại công ty đợi để đi. 2 người khác tôi không biết tên.

Tôi đã thoáng tự hỏi vì sao công ty lại tốt đến mức đón chúng tôi lên ăn ở phục vụ tại công ty 2 tuần trước khi đi? Vì sao giữ hộ khẩu tới lúc chúng tôi đi rồi mới trả lại cho người nhà? Ngay cả cách kí hợp đồng cũng không giống ai. Trước khi ra sân bay 30 phút chúng tôi mới được gọi riêng vào văn phòng và kí vào những văn bản dày đặc tiếng Ả rập. Văn bản đó chúng tôi phải lăn tay đủ 10 ngón nữa, còn một văn bản bằng tiếng Anh và tiếng Việt thì chúng tôi được giữ lại. Kí rất vội để ra xe nhưng tôi cũng kịp đọc những điều khoản chủ chốt. Nó giống như những gì chúng tôi đã được công ty hứa hẹn. Vì vậy tôi bước lên xe.

Mọi thứ chỉ là một mớ giấy lộn.

Thực tế là tôi đang ngồi trên 1 chiếc xe chạy long sòng sọc qua những trảng cát dài bất tận. Thỉnh thoảng một cơn gió thổi thốc vào xe kéo theo cả đám cát mù mịt. Mặt mũi mồm miệng chúng tôi đầy cát. Tôi nhắm tịt mắt vì say và đầu óc hỗn loạn không biết những gì sẽ chờ đợi phía trước, mặc kệ những hoàn cảnh bi đát cạnh mình đang được mang ra kể lể. Tôi định nếu không chịu được thì sẽ gọi điện về Việt Nam chạy tiền. 3000$ đền hợp đồng nếu bạn muốn trở về trước 2 năm.

Khi người tôi lả đi, 2 tai ù đặc thì chiếc xe đột ngột dừng lại.

Tôi chúi về phía trước. Không thể chịu đựng thêm, tôi bật cửa xe, lao ra ngoài nôn thốc nôn tháo. Mật xanh mật vàng tuôn ra đắng nghét cổ sau khi tôi đau gập bụng vì không còn gì để tống ra được nữa.

Đó là 1 trạm xăng rộng nằm ngay ven đường. Trạm xăng trống trải giữa những dãy núi đá và cát bao bọc 2 bên. Vài người đàn ông quấn khăn, mặc quần áo trắng đang đứng cạnh xe ô tô của họ đợi bơm xăng nhìn tôi tò mò. Vài phụ nữ với chiếc áo choàng đen quét đất và tấm mạng che kín mặt mở cửa xe liếc nhìn tôi và ôm vội mấy đứa bé đi về phía tiệm tạp hóa gần đó. Ông lái xe đoàn của tôi cũng xuất hiện từ trong đó, tay ôm lỉnh kỉnh một đống nước đóng chai và bánh mì tươi. Tôi quay trở lại xe, không còn sức lực nghe ông ta la hét gì đó bằng tiếng Ả rập. Những người khác vẫn ngồi im trong xe.

Ông ta phát cho mỗi người một ổ bánh mì và 1 chai nước. Mọi người ăn ngấu nghiến. Tôi không thể nuốt nổi vì cơn buồn nôn do say xe cứ chực trào lên. Cuối cùng khi xe chạy, mọi người phải ôm bớt đống hành lí phía sau xe lên để lấy chỗ cho tôi nửa nằm nửa ngồi lả đi trên 1/3 ghế sau.

Tôi không biết xe chạy bao lâu. Khi tôi mở mắt ra, trời đã tối đen. Tai tôi ù đặc. Với tay lấy chai nước uống 1 ngụm, tôi nhỏm dậy. Một lúc sau xe rẽ vào một khu phố. Hai bên đường là những ngôi nhà xây theo kiểu hồi giáo với tháp mái tròn ở trên và những ô cửa sổ nhỏ đóng kín mít. Xe quẹo tới quẹo lui nhưng tôi không thể phân biệt được khu nào vào khu nào vì chỉ có một kiểu nhà như vậy và một kiểu cây như cây cọ trồng giữa những dải phân cách mà thôi. Sau này thì tôi biết đó là những cây chà là. Đèn đường sáng trưng chiếu sáng những biển hiệu bằng tiếng Ả rập. Cuối cùng khi xe dừng tại 1 dãy phố bẩn thỉu, tôi bắt đầu ý thức được rằng mình đã thực sự không còn ở Việt Nam nữa.

Mười người chúng tôi bước ra khỏi xe, người lái xe chạy nhanh lên vỉa hè, bước vào văn phòng trước mặt. Hai người đàn ông lực lưỡng chạy ra mở cửa xe khuân hành lí vào văn phòng. Một người nói với chúng tôi bằng tiếng Anh: “Đi vào nhanh! Đứng đây lâu là bị phạt bây giờ!”. Mấy người kia nhao nhao: “Nó nói gì đấy?”. Tôi nói khó nhọc: “Thôi vào đi rồi xem sao”.

Văn phòng đại diện là một căn nhà khá nhỏ. Bàn ghế làm việc kê kín xung quanh phòng. Hai người đàn ông lúc nãy biến mất sau cánh cửa bên hông và một xíu sau thì mang ra một khay nước cho chúng tôi. Có bốn, năm người đàn ông khác đang mải miết chuyện trò bằng điện thoại. Một người thấp, nhỏ xíu vừa nói vào điện thoại vừa vẫy tay chỉ những hàng ghế chờ sát tường. Chúng tôi ngồi xuống đó. Một lát sau một chiếc xe khác đỗ lại ngoài cửa và 3 cô nhìn giống người Philippines bước xuống. Họ cũng như chúng tôi, bù xù bẩn thỉu và mệt mỏi khi bước vào phòng. Họ ngồi ở hàng ghế sát tường đối diện chúng tôi.

Người đàn ông bé tí tẹo bỏ điện thoại ra bước tới và hỏi bằng tiếng Anh: “Các cô đã ăn gì chưa?”. Tôi gật đầu thay cho cả nhóm. Chẳng còn chút sức lực nào để tế nhị được nữa, tôi lăn luôn ra sàn. Ông ta quay về cùng một người cao to khá điển trai và nói gì đó bằng tiếng Ả rập. Người này cúi xuống nói với tôi: “Cô hãy nói tất cả mọi người đi vào căn phòng đằng sau cánh cửa kia, phụ nữ không được ngồi ở đây lâu đâu”. Tôi đành nhổm dậy, đầu óc quay cuồng và dịch lại những lời ông ta vừa nói.

Đó là một phòng cách âm, với chổi cũ, khăn lau và những tấm nệm bẩn thỉu xếp đầy góc phòng, vali của chúng tôi chồng chất trên đó. Vài tấm mền rải rác dưới chân khi tôi bước vào. Mọi người dường như hiểu rất nhanh phải làm gì trong khung cảnh như vậy nên chen nhau lấy nệm, lấy mền cho mình. Còn tôi thì đứng ngơ ra.

Cánh cửa bật mở, một người đàn ông đen nhẻm, bẩn thỉu xách 1 ấm trà và vài cái cốc đặt lăn lóc giữa phòng rồi biến đi cũng nhanh như khi vào. Tất cả vội vàng rót trà xì xụp cho ấm người. Tôi không thể dù rất khát. Quá bẩn để có thể kê miệng vào những cái cốc đó. Tôi không thể định hình được là mấy giờ. Cũng không muốn mở miệng. Tôi chỉ cầu trời cho người chủ tới thật nhanh đón tôi về. Tôi cần tắm, cần một chỗ ngả lưng.

Khoảng 2 giờ sau hay hơn gì đó, người đàn ông cao to điển trai kia bước vào. Âm thanh buôn bán chuyện gia đình, nợ nần giữa những người đàn bà trong phòng bỗng nhiên tắt hẳn. Ông ta bước về góc phòng chỗ tôi đang ngồi co ro và bảo: “Chủ cô đến rồi, cô ra ngoài đi. Chúng tôi sẽ cho cô nói chuyện với văn phòng ở Việt Nam trước khi cô về với chủ”. Tôi đọc được vẻ tò mò trong đôi mắt đẹp tuyệt của ông ta khi ông nói với tôi. Im lặng, tôi đi ra ngoài. Ngang qua những người còn lại, tôi chào họ. Họ chúc tôi có được người chủ tốt và hỏi tôi có muốn lấy số điện thoại của họ không, tôi lắc đầu. Tôi có số của Hằng là đủ rồi.

Cuộc điện thoại với đại lý ở Việt Nam không giải quyết được những thắc mắc của tôi. Họ tránh né hầu hết những câu hỏi về công việc và sự đảm bảo sức khỏe cho người lao động hoặc nếu bất trắc tôi sẽ liên lạc với họ bằng cách nào ngoài cái zalo chết tiệt? Đại ý chỉ là những câu hướng dẫn cách đánh cắp mật khẩu wifi của chủ nhà bằng cách nịnh những đứa trẻ hoặc sẽ cử người ở văn phòng bên này qua kiểm tra tình trạng làm việc của tôi nếu tôi báo về việc bị ngược đãi
Tự xác định số phận của mình, tôi nhìn ra cửa.

Một gia đình gồm 1 ông chồng cao to với bộ quần áo trắng và khăn caro quấn đầu, bà vợ mập mạp với 2 đứa bé mũi dãi lòng thòng nhìn tôi không chớp mắt. Sau đó họ nói với người đàn ông bé tí teo kia vài câu và bước về phía tôi cười rạng rỡ. “Đi thôi” – ông chồng nói bằng tiếng Anh.

Người mang trà khi nãy xách va li cho tôi tống vào phía sau một cái xe bám đầy bùn đất trong khi ông chồng mở cửa xe cho vợ và 2 đứa nhỏ bước lên rồi quay sang mở cửa xe phía sau cho tôi. Bà vợ quay lại nhìn tôi thêm lần nữa qua tấm khăn che mặt chỉ còn đôi mắt rất to, trong veo. Tôi mỉm cười với bà. Bà lắc đầu, quay lên.

Trong xe bốc lên một thứ mùi của sữa để lâu ngày, chua và tanh. Sàn xe đầy giấy ăn. Hai đứa bé chuồi qua người mẹ chúng leo xuống ghế sau chỗ tôi ngồi. Thằng bé lớn hơn có vẻ là anh túm tóc tôi giật giật. Con bé con mặt mũi lem luốc tuy rất xinh, nhìn tôi chằm chằm rồi khóc váng lên. Mẹ nó vội vàng quay xuống lôi ngược nó lên. Ông chồng ngoái cổ lại liếc nhìn tôi, gặp ánh mắt của vợ, ông ta quay lên rất nhanh, chăm chú lái xe.

Các con phố nhộn nhịp dần dần lùi lại, hai bên đường chỉ còn những hàng cây như cây cọ (mà sau này tôi mới biết là cây chà là) lướt nhanh qua ánh đèn cao áp. Những dãy núi đá liên tục hiện ra rồi mất đi. Tụi nhỏ đã ngủ hết trên xe, tôi cũng gà gật một khoảng thời gian khá lâu thì xe dừng.

Tôi bước ra khỏi xe, rùng mình vì một làn gió quất vào buốt mặt. Trước mặt tôi là con dường khá dài với những ngôi nhà tách biệt có mái vòm tròn nổi lên trên nền trời đen thẳm. Những chiếc xe đậu thành hàng bên ngoài. Nhà chủ tôi đặc biệt hơn một chút vì có một cái cây khá to bên ngoài cổng. Các nhà khác thì không. Núi đá bọc vòng quanh con đường. Một cơn gió mới mạnh hơn kéo theo một đám bụi cát tung mù từ trảng cát bên ngoài dãy núi. Ông chủ ra hiệu cho vợ con và tôi đi vào sau khi cánh cổng điện đã cuốn hết lên.

Một cái sân khá rộng và dài hút mắt hiện ra. Phía cuối sân là một căn biệt thự 3 tầng bề thế. Ánh sáng đèn từ hành lang soi rõ những đường nét trạm trổ đặc trưng của đạo Hồi trên cửa chính và các ô cửa sổ của ngôi nhà. Phía bên kia sân là một căn nhà phụ cũng khá lớn sát với cánh cổng thứ 2 cạnh cổng chính mà tôi vừa bước vào. Căn nhà có mái vòm tròn đóng kín cửa, không có tí ánh sáng nào lọt tới.

Bà vợ mở cửa chính, một hành lang trải thảm xanh chạy suốt chiều dài căn nhà. Một chiếc gương lớn đặt ngay sát tường cạnh cửa. Có 1 hành lang phụ cách tôi 10 bước chân quẹo về phía tay phải. Mới chỉ nhìn được vậy thì ông chồng mang va li của tôi bước vào, 2 đứa bé mắt nhắm mắt mở theo sau. Bà vợ quay sang nói gì đó bằng tiếng Ả rập. Ông chồng liếc tôi và gật đầu với vợ.

Họ bước tới và bắt đầu kéo khóa vali của tôi. Tôi sửng sốt, lắc đầu và giằng tay ông ta lại. Lập tức bà vợ đạp mạnh vào người tôi làm tôi ngã sấp xuống. Bà ta hét lên bằng một giọng the thé. Ông chồng nói to át tiếng bà vợ, rằng thủ tục kiểm tra đồ đạc là bắt buộc để đảm bảo tôi không ăn cắp đồ của gia đình họ. Và tôi cần phải biết luật lệ ở đây là không được chạm vào người đàn ông. Hai đứa trẻ vẫn đứng dựa lưng vào tường, thờ ơ nhìn cảnh tượng đó. Tôi ngồi dậy, ứa nước mắt nhìn họ lôi từng món đồ lót của tôi lên săm soi. Từng gói mì tôm, phở gói của tôi bị họ vứt ra nền nhà. Thuốc mang theo cũng bị họ tịch thu mất. Cuối cùng họ bỏ lại vào vali quần áo và vài cuốn sách tôi mang theo.

Bà vợ ra hiệu cho tôi xách vali lên. Đói lả cả người, tôi run rẩy đi theo bà. Bà ta quẹo vào hành lang phụ mà tôi nhìn thấy, đi qua nhiều cánh cửa tới một phòng khách khá đẹp. Sát phòng khách là 1 cầu thang uốn vòng với hoa văn trang trí cầu kỳ chạy tít lên cao. Bà ta và tôi lên hết sáu vòng cầu thang, tôi kịp nhìn mỗi tầng lầu là một hành lang lớn với các căn phòng đóng kín cửa. Không một âm thanh nào chứng tỏ có thêm người trong căn nhà mênh mông này. Cuối cùng tới cánh cửa nhỏ trên cùng, bà ta mở cửa bước ra sân thượng. Gió buốt lạnh thốc thẳng vào người tôi. Trên sân là các chảo ăng ten và dây phơi giăng ngang dọc. Ánh sáng từ cuối đường hắt lên đủ để tôi nhìn thấy cuối sân có một căn phòng khá nhỏ. Bà chủ của tôi bước về phía căn phòng đó, mở khóa.

Tôi không biết miêu tả thế nào về căn phòng khi bà bật đèn. Một thứ mùi ẩm mốc xộc lên từ tấm đệm bẩn thỉu nằm giữa phòng. Xung quanh là đủ loại thùng cac-ton vắt đầy những thứ trông như giẻ lau. Bà vừa nói vừa ra hiệu khi lấy một cái túi to từ trong thùng và lôi ra 3 chiếc váy ngủ dày cộm dài quét đất cùng với 3 đôi tất màu đỏ chói. Đại loại tôi hiểu là sẽ phải mặc thứ đồ này khi làm việc, trùm ra ngoài quần áo của mình, và sẽ đội những cái khăn mà tôi tưởng là giẻ lau vắt trên thành các thùng kia, không được hở tóc ra. Bà ta làm dấu sẽ cắt lương nếu tôi không nghe lời. Tôi gật. Tôi biết mình đang sốt cao và tất cả những gì tôi cần là lăn ra chiếc đệm kia. Bà nhìn tôi một lần nữa, bỏ đi xuống. Tôi nhắm chặt mắt, khóc nức nở vì sợ hãi.

Tôi tỉnh dậy khi người lạnh run cầm cập, trong chiếc áo dài bà chủ mới đưa cho, tôi lôi thêm 2 tấm mền dày phía cuối đệm, đắp vào. Bất chấp mùi hôi khủng khiếp lâu ngày không giặt, tôi co mình nằm lấy hơi ấm, nước mắt lại tuôn ra. Một lúc sau vì quá khát, tôi lập cập bò ra tính xuống dưới xin nước uống thì cửa sân thượng đã bị khóa. Quay trở vào tôi nhìn thấy 2 ổ bánh mì, 1 chai sữa và 1 chai nước để ngay đầu đệm. Có lẽ bà chủ quay lên mà tôi không biết gì. Tôi cố gắng nhai trệu trạo một mẩu bánh nhỏ để uống thuốc hạ sốt. Sau đó thì tôi chìm đi.

Tiếng loa ngoài đường làm tôi thức giấc. Trời vẫn tối đen. Là tiếng cầu kinh. Tôi bước ra ngoài. Tiếng loa từ cái tháp nhọn hoắt, cao tít ngay phía đầu con đường. Giọng cầu kinh dài lê thê, vang vọng khắp nơi. Bước về phía cửa sân thượng, tôi ngạc nhiên khi khóa đã mở từ khi nào. Bước xuống cầu thang, tôi nhón chân đi qua các tầng lầu im ắng. Đến gần bậc thang cuối thì tôi dừng lại. Dưới sàn phòng khách, bà chủ của tôi đang quỳ trên một tấm thảm nhỏ, bà đội một tấm khăn khá đẹp, mắt nhắm nghiền, miệng lẩm bẩm không ngừng. Tôi đứng im cho tới khi tiếng cầu kinh ngoài đường dứt hẳn, bà chủ đứng lên thu dọn tấm thảm và đi ra ngoài thì mới quay lên. Có tiếng mở cửa, lúc đó tôi mới chú ý tới cánh cửa ngay dưới chân cầu thang chỗ tôi đứng. Ông chủ và một thằng bé lớn hơn 2 đứa trẻ hôm qua bước vào. Cả 2 đều đội một chiếc mũ nhỏ màu đen trên đầu và mặc quần áo trắng tinh, ủi phẳng phiu. Họ trò chuyện một lát thì thằng bé bước lên cầu thang. Nhìn thấy tôi, nó kêu lên một tiếng nhỏ nhưng không tỏ vẻ gì là ngạc nhiên, bước qua tôi mà không liếc lấy một cái dù tôi mỉm cười với nó.

Tôi quay lên mò điện thoại để xem giờ. Điện thoại hết pin. Trời đã mờ mờ sáng. Theo giờ bên này thì có lẽ ở Việt Nam đã khoảng 9 hoặc 10 giờ sáng rồi, tôi đoán thế. Với tay lấy chiếc khăn bẩn thỉu bà chủ đưa hồi đêm, tôi giấu gọn mái tóc mình trong chiếc khăn nặng trịch ấy và quay xuống nhà.

Chiếc váy quá dài làm tôi vướng víu khi di chuyển, nhưng không làm sao được. Tôi đi dọc hành lang phụ ra hành lang chính và nhìn thấy một căn phòng gần cuối hành lang sáng đèn, tôi nhìn vào.

Đó là căn bếp. Ông bà chủ đang ngồi bên một khay trà và trò chuyện. Nhìn thấy tôi, bà chủ vẫy vào.

Căn bếp có hai phòng rộng rãi. Bà ta bảo tôi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh. Bà nói một hồi bằng tiếng Ả rập rồi đưa mắt về phía chồng. Ông ta dịch lại bằng tiếng Anh, rằng hàng ngày tôi sẽ dậy khi nghe tiếng loa báo giờ cầu kinh (tiếng Anh của ông ta cần thêm tay chân phụ họa nên tôi cũng hiểu gần như hết những gì họ muốn), sau đó tôi xuống bếp chuẩn bị đồ ăn cho lũ trẻ tới trường, có 3 đứa, 2 đứa sẽ tới trường và 1 đứa sẽ được gửi ở nhà bà ngoại gần đó. Bà chủ sẽ không để em bé ở nhà vì em chỉ theo cô giúp việc ở nhà bà ngoại. Sau khi họ rời đi thì tôi sẽ có thời gian để ăn sáng. Ăn sáng xong tôi sẽ giặt đồ. Ông ta nói bà chủ sẽ hướng dẫn cho tôi. Giặt đồ xong thì lau chùi tất cả các phòng trong nhà. Hôm nay lau lầu 1, mai lầu 2, mốt lầu 3 và luân phiên như thế. Thảm thì sẽ phải quét bằng tay hàng ngày. Vườn và sân cũng phải được quét và rửa hàng ngày. Khoảng 2h chiều họ sẽ trở về nhà và tôi sẽ chăm sóc lũ nhỏ, còn bà chủ sẽ nấu ăn. Sau này bà sẽ hướng dẫn và tôi sẽ nấu trong lúc họ đi làm. Tóm lại tôi đã hiểu công việc xin đi nấu ăn ở Việt Nam đã cua quẹo thành ra như vậy. Tôi gật vì làm gì có đường lùi.

Bà chủ bước ra và ra hiệu cho tôi đi theo. Tôi bước vào căn phòng thứ 2 trong bếp qua cánh cửa khá rộng. Phòng này chứa vài chiếc tủ lạnh khá lớn và một tủ cấp đông chạy dọc tường. Phía tường đối diện là một tủ tường với nhiều ô khá lớn. Bà ra hiệu sáng nay tôi sẽ lau chùi căn phòng này. Tôi gật. Sau đó tôi tiếp tục theo bà ra ngoài hành lang tới cánh cửa phía đối diện bếp. Là phòng giặt. Bà chỉ cho tôi một đống quần áo trắng để riêng rồi gọi chồng. Ông tới và giải thích quần áo đàn ông, đàn bà tuyệt đối không được giặt chung. Đồ trắng đi lễ phải được giặt riêng. Tôi gật. Quần áo em bé tôi phải giặt bằng tay. Tôi gật. Một đống phân trẻ em trên nền phòng giặt, bà nói chút nữa tôi dọn vì bọn nhỏ thỉnh thoảng mơ ngủ nghĩ đây là nhà vệ sinh (ông chồng dịch lại). Tôi lại gật. Không biết phải lắc như thế nào, bỏ về như thế nào. Tiếp đến là 2 nhà vệ sinh liền nhau, khai mù và cáu bẩn. Hôm nay tôi sẽ chà sạch 2 nhà vệ sinh này. Tôi tự hỏi không biết bao nhiêu lâu rồi họ không lau chùi nhà cửa?

Bà chủ tiếp tục đi hết hành lang chính, mở cánh cửa cuối hành lang ra. Một khu vườn rộng với vài cây lựu, chanh, còn lại trống trơn toàn cỏ dại, sỏi đỏ và cát. Một cái vòi bơm với dây dẫn vắt ngang qua khu vườn. Bà nói tôi hôm nay sẽ dọn sạch cỏ và tưới cây. Tôi gật.

Và rồi Một-Đống cái việc lau chùi khác được giao. Tôi gật. Sau đó bà bấm chuông rồi vào phòng đóng kín cửa lại. Lũ trẻ đầu bù tóc rối lần lượt xuất hiện. Đứa bé nhất nằm trên vai ông bố, mắt vẫn nhắm nghiền. Ông giới thiệu tên chúng với tôi nhưng thú thực tôi không thể nhớ nổi vì quá khó để phát âm. Tôi sẽ phải tự đặt biệt danh cho chúng để dễ phân biệt.

Khoảng 20 phút sau bà mẹ xuất hiện, tay xách nách mang đủ thứ, bà phục phịch đi ra cửa trong chiếc áo choàng dài màu đen, khăn và mạng che kín mặt, chỉ còn hở đôi mắt trong veo, rất đẹp. Bà ra hiệu cho tôi mở tủ giày gần cửa, chọn giày và đi giày cho con bà. Xong xuôi họ kéo nhau ra khỏi nhà và khóa tôi lại bên trong.

Tôi quay vào bếp. Không có gì có thể ăn được. Chỉ còn lỏng chỏng vài củ cà rốt và sữa trong tủ lạnh. Phở và mì gói của tôi họ cất ở đâu không rõ khi mà tôi lục tung tất cả các ngăn tủ đồ khô nhưng không thấy. Quay ngược lên chỗ ngủ của mình, tôi mang bánh mì xuống, cho vào lò quay rồi ăn cùng với chai sữa hôm qua. Uống xong thuốc, tôi bắt đầu đi khắp ngôi nhà.

Bụi phủ dày khắp mọi nơi, ánh sáng mặt trời len qua các tấm kính, lạnh lẽo soi lên các lớp bụi chồng lên nhau qua ngày tháng ở tất cả các phòng, các lầu trong nhà. Có khoảng hơn chục căn phòng, bừa bộn và bẩn thỉu y chang nhau. Đồ chơi của tụi nhỏ vung vãi khắp nơi. Vào căn phòng khách nhỏ cạnh phòng bếp, tôi quẹt tay lên bàn trà, ngón tay tôi đen dày bụi. Một giọt máu nhỏ xuống mặt kính bàn khi tôi cúi xuống. Tôi sờ lên mũi mình, máu bắt đầu nhỏ liên tục rồi ròng ròng chảy xuống áo. Chạy cuống vào bếp, tôi lấy giấy ăn bịt mũi lại, ngồi ngửa mặt lên thở hổn hển. Tôi bị shock nhiệt. Trời lạnh kinh khủng khiếp. Chỉ cách đấy chưa đầy 48h, tôi vẫn đang ở 1 nơi nắng ấm tràn đầy. Tôi ước gì ngoài kia là tiếng còi của những cơn kẹt xe bất tận, không phải là sự im lặng nghẹt thở như thế này. Điện thoại không có sim, không mạng, không ai biết tôi ở đâu, đang làm gì. Không muốn bị đạp ngã xuống đất một lần nữa nên tôi cố đứng lên, bắt đầu công việc của mình.

Làm việc có lẽ là cách tốt nhất để tôi không bị hoảng sợ. Các đại lý tại Việt Nam đã vẽ ra viễn cảnh tôi sẽ được trọng dụng như thế nào khi có bằng nấu ăn và có tiếng Anh (tôi từng tốt nghiệp chuyên ngành này tại một trường Cao đẳng du lịch). Chui đầu vào rọ cũng không khó lắm khi họ cho xem một loạt những tấm hình đầy thuyết phục về công việc mà tôi sẽ kí kết. Thực tế là những gì vừa trải qua đã khiến tôi gần như tê liệt vì sợ hãi. Chúng tôi bị bỏ rơi ngay từ khi bước chân lên máy bay. Và giờ đây, dù công việc nhiều như thế nào tôi cũng sẽ chấp nhận, miễn sao đừng có gì nguy hiểm xảy tới.

Tôi tìm thấy 1 chiếc đồng hồ nhỏ trong giỏ đồ chơi của lũ nhỏ. Nó vẫn chạy tốt. Kim chỉ 10h sáng khi tôi bắt đầu dọn tới phòng ngủ của đứa con trai lớn. Phòng chỉ toàn máy chơi game và một đống lộn xộn tất, quần áo trên nền nhà đầy rác và bụi. Linh tính có người nhìn mình, tôi quay lại. Ông chủ đứng đó từ khi nào, chằm chằm nhìn tôi làm việc. Tôi kêu tại sao không báo trước, ông ta ngoắc tay bảo tôi ra phòng khách nói chuyện.

Cánh cửa phía dưới chân cầu thang khi sáng tôi đứng dẫn ra một cái sân khác, bên hông sân là 1 phòng khách lớn hơn nhiều 2 phòng khách trong nhà. Nó được làm bằng kính, trải thảm cùng với các dãy ghế bọc nhung dài có gối ôm kê sát 2 bên tường. Một lò sưởi lớn với các bình trà bằng đồng có vòi cong vút để đầy trên lò sưởi. Ông chủ ra hiệu cho tôi ngồi xuống. Ông ta nói rằng những gì ông ta nói tôi sẽ không được nói lại với vợ của ông. Tôi gật.

Ở đây cô sẽ phải làm việc theo ý của vợ tôi. Đàn ông chúng tôi không can thiệp vào việc nội trợ và chuyện trong nhà. Cô cũng không được phép nói chuyện với tôi khi có vợ tôi. Có chuyện gì thì cô cứ hỏi vợ tôi, cô ấy sẽ nói lại với tôi. Nếu tôi đồng ý, cô ấy sẽ thông báo cho cô. Nhưng nếu cô biết giữ miệng thì cô có thể hỏi thẳng tôi khi vợ tôi không có nhà. Khi bê đồ ăn cho chúng tôi, cô không được nhìn vào mặt tôi và phải quì xuống khi đưa đồ ăn cho tôi…”

Ông làm nghề gì?”, tôi cắt ngang.

Ông ta thoáng sửng sốt: “Cô không được phép nói khi tôi chưa dừng lại. Vợ tôi là giáo viên dạy kinh Coran trong trường học. Còn tôi là huấn luyện viên thể hình. Tôi sẽ về nhà trước vợ tôi. Cô sẽ phục vụ bữa ăn nhẹ cho tôi trước khi vợ tôi về chuẩn bị bữa chính. Cô sẽ phải tuân thủ luật lệ của đất nước chúng tôi. Khi tôi có bạn tới chơi, cô sẽ phải che kín mặt và ở yên trong bếp không được thò ra cho tới khi bạn tôi về. Ở nhà này có 2 phòng khách, một dành cho phụ nữ, một dành cho nam giới. Cô không được để vợ tôi thấy tôi và cô có mặt cùng lúc tại phòng khách này. Bây giờ thì dọn phòng tập cho tôi rồi hãy tiếp tục công việc của cô!

Rồi ông ta đứng lên, ngần ngại một chút, ông ta hỏi: “Cô có biết mát-xa không?

Để làm gì?

À, không, để vợ tôi có đau đầu thì cô có thể mát-xa cho cô ấy”.

Sau đoạn hội thoại với ngôn ngữ tay chân của ông ta, tôi cuối cùng cũng có cảm nhận mình đang trở lại thời nô lệ của Nghìn Lẻ Một Đêm.

Mà thật ra đúng là như thế.

Hai tuần tiếp theo máu mũi tôi vẫn tiếp tục chảy. Công việc nặng nhọc khủng khiếp. Lau chùi dọn dẹp cả một tòa nhà đồ sộ chỉ là phần phụ. Phần chính là tôi phải cuộn thảm của cả nhà đi giặt ba ngày một lần. Giặt tay ở sân sau nhé. Tôi đã hiểu vì sao sân chỉ trơ trọi 1 gốc chanh và gốc lựu. Sân chủ yếu là để giặt và phơi thảm. Khi gặp Jabih, cô có nói cho tôi biết nhà này gần 6 tháng nay không tìm được người giúp việc, vì vậy mỗi tuần cô sẽ tới lau qua loa cho họ chứ bà vợ tuyệt đối không động vào việc nhà. Jabih là cô hầu gái chăm sóc bé Xoăn (bé út) cho bà chủ tôi ở nhà bà ngoại của bé.

Lần đầu giặt thảm bằng tay, tôi ướt đầm đìa từ đầu tới chân. Các cuộn thảm quá nặng, tôi bò ra dùng bàn chải chà bằng bột giặt rồi phun nước chà đi chà lại cho tới khi sạch. Tay tôi tê dại đi và gần như không đứng lên nổi khi vác các cuộn thảm đẫm nước lên vai đi phơi. Công việc ngốn mất cả ngày trời, tôi không được ăn trưa khi chưa xong việc. Mà cũng không thể giặt gian dối qua loa được vì các vệt xà phòng sẽ bám dính vào thảm khi khô tạo ra những vệt loang rất chướng mắt. Tôi đã phải giặt lại một lần vì xả không sạch. Ba ngày một lần cứ thế tiếp diễn khiến tôi kiệt lực. Vì ở đây mỗi cơn gió là cát tung mù, mà nhà chủ thì thích mở cửa, cả cửa sổ nữa nên thảm bám bụi nhanh khủng khiếp.

Công việc cực nhọc đứng sau giặt thảm là chùi bóng đồ đồng trong nhà. Một tuần một lần tôi phải lôi hết đống ấm, chén, bình trà ra chùi sạch bằng dung dịch đánh bóng. Một thứ rất độc hại mà tôi thì không có gì để che mũi lại. Hai bàn tay đen xì khi chà vào đống đồ đồng. Rồi giặt đồ trắng cho ông chủ bằng tay. Bà chủ dùng thuốc tẩy và xà phòng đổ vào 1 cái chậu to, rồi tôi cứ thế mà giặt. Nhiều lúc phơi đồ xong bàn tay tôi co cứng lại không thể duỗi ra được nữa vì chất tẩy ăn co hết da tay vào. Cố duỗi ra là bật máu. Nhiều khi hứng chí bà chủ lôi những cái cây giả chưng khắp nhà ra bắt tôi lau từng cái lá một. Các việc khác đang đợi mà tôi hoàn thành không xong thì đừng nói đến chuyện ăn cơm. Bọn trẻ thì tôi chỉ phục dịch khi chúng đi vệ sinh, rửa ráy thay đồ cho chúng nên cũng không là vấn đề. Đến khi lau chùi đống cây kia xong thì tôi cũng không còn muốn gì ngoài việc trốn vào nhà vệ sinh nào đó trên lầu và ngồi gục xuống một lúc cho bớt mệt.

Công việc kéo dài luôn từ lần cầu kinh đầu buổi sáng, khoảng 4h30 cho tới gần 11 rưỡi đêm. Liên tục như vậy.

Vấn đề là tôi không thích nghi được với đồ ăn và yếu dần đi. Cơm nấu với nước luộc gà hoặc nước luộc cừu. Họ không biết ăn cơm trắng. Không có thịt heo và họ cũng không ăn thịt bò. Gà, cừu, gà và cừu… Trứng rất hiếm và đắt nên họ kiểm soát từng quả một. Tôi chỉ có thể cắt rau bắp cải ăn với bánh mì. Cả hai thứ thịt kia họ hầm với những gia vị nồng mùi tôi không thể nuốt nổi.

Họ biết tôi bệnh. Nhưng không có sự khoan nhượng.

Tôi gần gũi được với cậu con trai lớn. Mắt to có vẻ ngoài lạnh lùng nhưng thực ra rất ấm áp. Cậu bé nói tiếng Anh khá chuẩn, vì vậy tôi có thể xin cậu được pass wifi.

Những hình ảnh đầu tiên tôi gửi về Việt Nam trên Face book là những hình về căn nhà đẹp đẽ và những hình ảnh tươi vui của tôi. Mọi người chúc mừng và khen tôi may mắn. Tôi biết làm gì hơn cho những người ở nhà?

Tấm áo abayas của người phụ nữ Hồi Giáo phiên bản nô lệ dính chặt vào người tôi suốt cuộc hành trình còn lại.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Nhờ bên “thắng cuộc”,một bộ phận người lao động dân ta trở thành nô lệ lao động kiểu mới nơi xứ lạ quê người.

Comments are closed.