15-5-2018
Với tư cách một công dân đã ở thành phố Sài Gòn gần 50 năm, trải qua hai chế độ và đã vào tuổi lão, tôi không đồng tình với Thiếu tướng công an Phan Anh Minh khi ông cho rằng cần công nhận mô hình hiệp sĩ đường phố.
Như tôi đã nhiều lần phát biểu, phận sự và trách nhiệm giữ an ninh trật tự xã hội là phần việc của công an. Lực lượng công an không thiếu và được sự hỗ trợ của dân phòng địa phương và cả lực lượng thanh niên xung phong. Những lực lượng này có hưởng lương, có tổ chức và pháp luật công nhận.
Một nhà nước pháp quyền là một nhà nước chỉ cho phép những tổ chức đúng luật pháp hoạt động đúng chức năng của họ. Chức năng, bổn phận, trách nhiệm của công an là bảo vệ cuộc sống an lành cho nhân dân, là giữ gìn an ninh trật tự cho xã hội. Đó là công việc cơ bản của công an. Năm lời thề danh dự của công an nhân dân ghi rõ trong điều 3 và 4 là:
3. Kính trọng, lễ phép với nhân dân. Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Suốt đời tận tuỵ phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
4. Đề cao cảnh giác, kiên quyết, mưu trí, dũng cảm đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch, các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.
Điều 7 của 10 điều kỷ luật của công an nhân dân cũng ghi: Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động xâm hại an ninh, trật tự của Tổ quốc, thiệt hại tài sản Nhà nước, tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Không làm hại người tốt, không bao che kẻ xấu; không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Như thế, lời thề và điều kỷ luật của lực lượng công an đã ghi rõ ràng trách nhiệm của người công an nhân dân. Đó là bổn phận, anh không thể trốn tránh được.
Đồng ý là nhân dân phải hỗ trợ và giúp đỡ công an hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng giúp đỡ không có nghĩa là phải đối mặt chiến đấu với kẻ thủ ác, với quân trộm cướp khi không có tấc sắt trong tay, không có một pháp lệnh nào cho phép. Người dân tham gia với chính quyền trong việc bảo vệ an ninh, trật tự xã hội là báo cho chính quyền hay lực lượng công an biết những nơi ẩn dấu tội phạm, những hoạt động của bọn tội phạm chứ không thể đơn độc chiến đấu trực diện với bọn chúng.
Người dân có thể đấu tranh để bênh vực kẻ bị hiếp đáp, cùng nhau bảo vệ những người cô thế bị gạt gẫm, đùm bọc những thân phận bị lừa đảo, đấu tranh với những sai trái trong sinh hoạt… Đó cũng là bổn phận công dân, là tình tương thân tương ái của con người đối xử với nhau. Không thể lập ra và công nhận nhóm người quy tụ lại thành Hiệp sĩ đường phố, rảo xe giữa phố để bắt cướp, xông vào chiến đấu với cướp, mà cướp bây giờ rất manh động và tàn nhẫn, lúc nào cũng có vũ khí trong người và sẵn sàng đâm chết kẻ nào cản trở hành vi của chúng. Làm như thế là đẩy những người gọi là hiệp sĩ đó đi vào nơi hiểm nguy, có thể bị tước đoạt tính mạng. Bọn ác không thể đe doạ công an và gia đình họ, nhưng chúng sẵn lòng trấn áp gia đình, thân nhân của Hiệp sĩ, ai có mặt để suốt ngày bảo vệ họ. Họ sẽ luôn bị đe doạ và không tránh được những hậu quả.
Hào khí của người dân Nam bộ là “Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” chứ không phải là lập nhóm chạy xe liên tục để tìm cướp để bắt cứớp hay diệt cướp. Việc đó là chuyện của cảnh sát hình sự, là trách nhiệm của công an.
Công nhận lực lượng này là bắt họ thay thế trách nhiệm của công an khi họ không có một phương tiện nào hỗ trợ và việc chính danh cũng đi ngược với luật pháp. Họ chỉ có thể là người dân giúp công an chứ không thể thay thế công an. Họ không thể dùng tính chất anh hùng hảo hán, khí phách giang hồ để ổn định trật tự xã hội. Đã qua rồi cái thời của Lục Vân Tiên, đó là sản phẩm của một xã hội luật lệ lỏng lẻo, xã hội pháp quyền chưa ổn định. Không thể chống cướp và bắt cướp bằng khí phách anh hùng và xã hội cũng không thể ổn định bằng khí phách ấy.
Công nhận mô hình Hiệp sĩ đường phố là tiếp tục gây thêm nhiều cái chết oan uổng cho những người tưởng có thể dùng khí phách anh hùng cá nhân có thể diệt được gươm dao, mã tấu, lưỡi lê. Đó cũng là một việc làm tàn nhẫn. Tôi không muốn chứng kiến những cái chết tiếp theo của những người được gọi là hiệp sĩ, những cái chết vô lý. Chưa kể khi công nhận mô hình này sẽ kéo theo những hệ luỵ không lường trước được và cũng có thể đưa đến những hậu quả chưa tính được. Nhân dân đóng thuế và nhân dân trông đợi những lực lực lượng chính quy, hợp pháp và có bài bản bảo vệ cuộc sống của mình
Điều mong ước của người dân là có một cuộc sống an toàn, đi đường không sợ cướp giật, giấc ngủ không lo sợ cướp vào nhà và có giấc ngủ bình yên. Trách nhiệm đó là của công an chứ không thể trông đợi vào lực lượng Hiệp sĩ.
Với những lý do đó, tôi phản đối việc công nhận mô hình Hiệp sĩ đường phố, tôi không đồng tình với phát biểu của thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc công an thành phố.
Cảnh sát Mỹ nơi tôi ở luôn luôn khuyến cáo dân chúng đừng đối đầu với những kẻ tội phạm bạo lực hoặc đối tượng vũ trang nguy hiểm. Cảnh sát Mỹ hiểu rõ nhiệm vụ của họ.
Tướng công an Việt Nam suy nghĩ “kiến tạo” quá, quên béng nhiệm vụ chính của mình là gì.
Có một điều rất dễ nhận thấy là ở VN hiện nay, lương của công an, bộ đội là bảng lương cao nhất, nhiều ưu đãi nhất, lại độc quyền làm kinh tế không ai dám động đến (bí mật quốc phòng). Nghỉ hưu được hưởng nguyên lương một năm đầu rồi mới nhận lương hưu. NHưng nhiệm vụ thì tránh né: CA được giao cho nhiệm vụ làm căn cước công dân thì không làm để sử dụng CNTT đánh bạc, tránh né săn bắt cướp vì sợ chết chỉ để đàn áp nhân dân. Còn bộ đội thì buôn lậu tránh thuế từ tiền công quỹ, tàu TQ qua đe dọa vùng biển thì bắt ngư dân chịu đòn thế! Có đúng vậy không mấy vị “dư lợn viên”?