15-5-2018
Thật buồn khi dư luận ít quan tâm đến đạo văn. Đến mức đa số xem chuyện đạo văn là chuyện của mấy ông trí thức, văn nghệ sĩ, có vẻ như chẳng quan hệ gì đến đời sống của mình. Với suy nghĩ ấy, chuyện bất bình thường hóa thành bình thường. Bình thường đến mức dân Việt có nguy cơ thấy người ta ăn cắp thì mình cũng hùa nhau ăn cắp một cách hoang dã vậy!
Đó là lý do người Việt đi đâu cũng bị mang tiếng ăn cắp, từ ăn cắp vặt trong dân gian đến ăn cắp lớn là tham nhũng của quan chức, kể cả ăn cắp trí tuệ của trí thức. Một dân tộc như thế thì thêm bốn ngàn năm nữa vẫn hoang dã.
Đạo văn là từ gốc Hán, dịch nôm là ăn cắp văn. Chữ văn mang nghĩa rộng là những gì thuộc về tài sản trí tuệ. Do định kiến phân giới giữa trí thức và giới bình dân, kéo theo định kiến về ngôn ngữ: trí thức ăn cắp thì gọi là đạo văn, còn giới bình dân ăn cắp thì gọi đúng tên ăn cắp. Theo lý thuyết của mấy nhà ngôn ngữ học giả cầy thì từ Hán Việt sang trọng, còn thuần Việt thì thấp hèn, trong khi bản chất ăn cắp của trí thức mới thật sự đê tiện, thậm chí tác hại vô cùng lớn trên nhiều mặt.
Ở bài viết “Có đạo văn hay không trong các diễn văn chính trị”, tôi nói đạo văn của bọn văn nghệ sỹ có tác hại nhưng không lớn. Nó chỉ gây tổn hại đến tác quyền của tác giả, nhiều lắm là làm nghèo đời sống tinh thần của nghệ thuật. Trong khi đạo văn trong khoa học thì tác hại còn lớn hơn một vụ tham nhũng cấp quốc gia, thậm chí làm sụp đổ một nền kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục của một đất nước!
Ta thử hình dung đạo văn trong khoa học không chỉ mỗi Nguyễn Đức Tồn. Hàng năm nhà nước chi hàng ngàn ngàn tỉ ngân sách và vay nợ nước ngoài cho hàng ngàn công trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở đến cấp bộ và cấp nhà nước, nhưng thành tựu của những công trình ấy được mang ra áp dụng chỉ tính trên đầu ngón tay. Lợi ích kinh tế thu được chỉ bằng một phần tỉ tỉ vốn đã chi. Trong số nợ nần chồng chất trên đầu dân, phần lớn nhất phải là món chi vô tội vạ này vì nó được quốc hội xếp vào diện quốc sách hàng đầu!
Vì sao thế? Là bởi hàng ngàn công trình đó chỉ có xào nấu, sao chép lẫn nhau. Tôi cam đoan cứ lôi các công trình các cấp đó ra đối chiếu sẽ thấy sự trùng lặp đến mức… không có gì mới.
Hiện tượng một kết quả khoa học được nhân bản làm 3 luận án, luận văn như ông Tồn chỉ là giọt nước trong đại dương đạo văn ở xứ ta.
Vì cả nể, thậm chí vì đồng lõa (xem nó cũng như mình), cho nên các Hội đồng thẩm định nhắm mắt cho qua chứ không phải không nhìn thấy!
Đó là hiện tượng tham nhũng có tổ chức mà số tiền tham nhũng có thể ngốn sạch ngân sách mục tiêu của một quốc gia mà không làm nên tích sự gì.
Vì tầm nhìn của trí thức Việt chưa vượt qua khỏi đôi đũa tre, cho nên đa số trí thức quan niệm rằng, nhiều lắm là ta moi ngân sách để tiêu chứ chẳng moi tiền của ai mà thấy xấu hổ. Cho nên họ thi nhau gian dối trong khoa học bằng cách bịa ra các đề tài mang câu chữ khác nhau nhưng cái ruột thì na ná nhau, thậm chí giống nhau đến từng dấu chấm, dấu phẩy!
Kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến chính trị. Những kẻ đạo văn lấy thành tích đạo văn để leo cao, chui sâu, lũng đoạn cả hệ thống chính trị. Khi đã quen tay ăn cắp ở vị trí thấp ắt sẽ leo thang ăn cắp ở vị trí cao. Không cần nói ở địa vị chính trị với những vụ tham nhũng mà cụ Tổng đang tìm cách đưa vào lò, chỉ cần nói đến một địa vị trong giới khoa học thôi đã kinh khủng. Kẻ cắp sẽ tiếp tục nghĩ ra những đề tài cấp bộ, cấp nhà nước để moi ngân sách với quyền chủ nhiệm đề tài của mình hoặc hưởng hoa hồng tiền quản lý.
Không ngẫu nhiên mà trong nhiệm kỳ Viện trưởng của ông Tồn, bà Vũ Thị Sao Chi, phó tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ do ông Tồn làm Tổng biên tập, trong 6 năm chủ nhiệm 3 đề tài cấp bộ, mỗi đề tài không dưới 300 triệu đồng, một kỷ lục mà bất cứ một cán bộ có năng lực nào của Viện cũng không thể đạt tới. Trong khi bằng đại học của bà Chi chỉ xếp loại Trung bình. Đó có phải là “nâng đỡ không trong sáng” không?
Chính sự thao túng của ông Tồn đã làm rối loạn nội bộ Viện Ngôn ngữ, hạ thấp uy tín của Tạp chí Ngôn ngữ, dẫn đến kiện tụng kéo dài nhiều năm gây mất ổn định nội bộ một cách sâu sắc!
Tác hại về văn hóa, giáo dục của đạo văn thì khôn lường. Văn hóa trong nghĩa nghiêm túc của nó là những thỏa ước của cộng đồng để hạn chế tối đa sự tham lam tùy tiện, dục vọng hoang dã. Xem đạo văn là bình thường, vô tình hay hữu ý, chính giới trí thức đã khuyến khích những trò gian dối, lưu manh, lừa đảo nhân dân để hốt tiền trên xương máu của nhân dân. Trí thức mà ăn cắp sao có thể trách dân đen ăn cắp?
Việc ông Tồn cũng như nhiều ông bà khác nhờ ăn cắp mà có được học vị thạc sĩ, tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư ăn lương cao ngất sẽ làm gương cho học trò phấn đấu không bằng năng lực mà bằng trò ăn cắp. Thầy nào trò nấy. Ăn cắp không đào tạo ra kẻ cắp mới là chuyện lạ. Cứ thế thành hệ thống dây chuyền ăn cắp làm nát cả ngành giáo dục. Đó là lý do đa số học sinh từ cấp phổ thông đến các cấp đại học, cao học, nghiên cứu sinh không muốn học nữa mà chỉ lăm le ăn cắp cho nhanh có bằng rồi đua nhau chạy giáo sư, phó giáo sư như dân chợ đen.
Đạo văn trong khoa học ảnh hưởng to lớn đến vận mệnh quốc gia, dân tộc. Đất nước nào cũng nhờ lực lượng trí thức tiên phong với những sáng tạo trong nghiên cứu khoa học mà phát triển kinh tế, ổn định chính trị, kiến tạo văn hóa, giáo dục theo hướng tiến bộ, văn minh. Nhưng đạo văn được dung dưỡng và phát triển tràn lan như vậy chỉ có làm cho đất nước thụt lùi hàng bao nhiêu thế kỷ và tất yếu bị lệ thuộc ngoại bang. Không phải ngẫu nhiên mà ta có hàng vạn giáo sư, tiến sĩ với hàng vạn công trình khoa học các cấp mỗi năm mà cái gì cũng lệ thuộc nước ngoài, từ nhà máy công nghiệp đến kỹ thuật gieo trồng và chế biến sản phẩm, người dân phải chấp nhận hưởng rác thải độc hại của bọn tư bản lạc hậu, hoang dã! Không dẹp thẳng tay vụ ông Tồn để làm gương, Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên nói đến cải cách giáo dục nữa. Xót tiền dân và đau lòng dân lắm lắm!
Bằng chứng đạo văn của Nguyễn Đức Tồn lộ rõ mồn một. Không lên tiếng và không xử lý rốt ráo tội đạo văn của Nguyễn Đức Tồn, tôi khẳng định tất cả những người có trách nhiệm đang đồng lõa với ăn cắp!