15-5-2018
Trong bài “Thời của hai chữ đạo văn” (Báo Lao Động – 2015), tôi có viết: “Đạo luận án” có thể xếp vào hàng “đại bợm”, sẵn sàng bê nguyên xi hàng chục trang viết của người khác. (Đa số các công trình này đều “xếp kho” sau khi “bảo vệ” xong nên rất ít khi bị phát hiện) […] Tục ngữ có câu “Gái đĩ già mồm, kẻ trộm lắm gan”. Tuy mức độ manh động có khác nhau, nhưng có thể nói “gan” kẻ “đạo văn” to hơn gan kẻ trộm nhiều. Bởi xưa nay, có đạo chích, đại bợm nào sau khi đột nhập lại dám để lại tên tuổi, địa chỉ đàng hoàng như kẻ “đạo văn”?.
Thế nhưng, với trưởng hợp GS. Nguyễn Đức Tồn, dường như vấn đề không còn là “ĐẠO VĂN” nữa, mà phải gọi là “CƯỚP VĂN” mới đúng.
1. Trong bài “Ông Nguyễn Đức Tồn thực chất là đạo văn” (bài mới trên Phụ Nữ Thủ Đô), GS.TS Trần Ngọc Thêm cho biết:
“Trong bản Báo cáo thẩm định năm 2006, tôi đã viết rất rõ: ‘Việc cả một chương sách từ 15-20 trang gần như trùng hoàn toàn về nội dung với những trang sách trong luận án, dù là đã nói rõ nguồn và dù là của NCS do mình hướng dẫn, không thể coi là dẫn lời (vì không có mở và đóng ngoặc kép), cũng không thể coi là dẫn ý (vì không thể có ý nào dài 15-20 trang)’.
Với số trang trùng cao như thế (4 chương, tổng cộng hơn 100 trang, chiếm gần 1/3 toàn bộ cuốn sách, thì NCS Nguyễn Thuý Khanh (và sinh viên Cao Thị Thu) phải được ghi tên là những đồng tác giả. Mà chỉ chú nguồn đơn giản như vậy thì thực chất cũng là đạo văn“.
2. Mười năm sau, chính GS.TS Trần Ngọc Thêm lại trở thành nạn nhân, khi GS. Nguyễn Đức Tồn “cướp” hẳn 3 trang trong sách “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” của chính GS.TS Trần Ngọc Thêm để bổ sung vào cuốn sách đạo văn năm 2002, làm thành sách “Đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy”, rồi đưa đăng ký Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Trớ trêu thay, GS.TS Trần Ngọc Thêm lại chính là một trong hai người phản biện cuốn sách này. Ông cho biết:
“Hội đồng này họp vào đầu năm 2016 và tôi là một trong hai phản biện. Công trình của ông Tồn không được thông qua là do nó không đáp ứng được những tiêu chuẩn mà giải thưởng yêu cầu và do vậy, không hội đủ số phiếu cần thiết. Trong quá trình thảo luận, mối quan hệ giữa cuốn sách này với những công trình của NCS, SV cũng có được bàn đến. Ngoài ra, về phần mình, tôi đã rất bất ngờ khi thấy trong cuốn sách này, ông Tồn đã chép 3 trang phần viết về bốn đặc trưng của văn hóa (trang 32-34) từ cuốn ‘Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam’ của tôi. Không chỉ đạo văn của tôi, ông Tồn còn ‘đạo’ cả định nghĩa văn hóa của Tổng giám đốc UNESCO mà tôi dẫn ra trong sách của mình“.
Nếu quả tình, GS.TS Trần Ngọc Thêm đã viết rõ trong “báo cáo thẩm định” như vậy, thì con đường nào đã đưa PGS.TS Nguyễn Đức Tồn trở thành GS.TS Nguyễn Đức Tồn, để rồi trong những năm “trị vì” , vị Giáo sư này đã làm mưa làm gió, gây ra biết bao nhiêu bất bình, phẫn nộ đối với đồng nghiệp và giới khoa học trong ngành Ngôn ngữ học?