9-5-2018
Ngồi dự buổi tiếp xúc cử tri quá nóng hôm nay, mình đã thử note trên sổ tay những gì mà những người dân Thủ Thiêm đã mất.
Quá nhiều, gần như là tất cả. Tuy nhiên, mất nhiều không chỉ là người dân, mà chính quyền cũng đã và đang mất. Rất nhiều. Cũng gần như tất cả.
Mất gì?
Khi một người nói: “Tôi nghe lời ông cựu chủ tịch Võ Viết Thanh nói ông đau không chịu nổi khi sang xem cảnh giải tỏa đường Lương Định Của, tưởng như vừa qua một trận B.52, tôi rớt nước mắt khi nhớ cảnh nhà mình, xóm mình”. Chính mình là người trực tiếp nghe ông Thanh nói, lúc ấy mình cũng thấy buồn, thấy đau, nhưng không sao có thể đau bằng hôm nay. Vì sao vậy?
Vì tiếp lời là người thứ hai: “Ông Thanh chia sẻ với dân, chúng tôi cảm ơn lắm, nhưng ông chưa hiểu hết rồi. Bom B.52 có dội xuống thì sau đó chúng tôi vẫn còn có thể bới gạch vụn để cắm lên một mái lều. Còn sau khi Q.2 giải tỏa, cả mấy khu phố, mấy phường của chúng tôi không còn đất, không còn nhà. Gia đình chúng tôi lang thang, vất vưởng”.
Mình đã giật mình. Quả vậy. Trước buổi tiếp xúc cử tri, mình đã gặp những người dân Thủ Thiêm trên bãi trống cỏ hoang, cắm túp lều nuôi gà nuôi vịt thả rông. Mình đã gặp bà lão còng lưng bứt cọng rau muống trên vũng nước mưa về nấu bữa trưa quấy quá. Những bãi những vũng trước đó vài năm còn là khu dân cư sầm uất…
Mất gì?
Một người nói: “Nhà tôi mặt tiền đường Lương Định Của, giá thị trường 200tr/m2. Chính quyền bồi thường 18tr/m2, ưu tiên cho xuất mua chung cư tái định cư giá 20tr/m2. Vậy đó, tôi mất nhà, mất chỗ làm ăn buôn bán, lại phải mang nợ thêm 2tr/m2 nhà. Mà nhà tôi thì ở ngoài ranh qui hoạch, không tin thì mở bản đồ ra xem”.
Hầu hết những người dân hôm nay đều khẳng định như vậy: “Nhà tôi ngoài ranh qui hoạch. Bản đồ chứng minh đây…”. Còn chủ tịch quận 2 thì nói: “Vấn đề trong hay ngoài ranh thì quận chưa trả lời được, chúng tôi chờ trả lời của Thành phố rồi mới giải quyết được khiếu nại của bà con”. Chưa trả lời được nhưng nhà của dân đã bị giải toả rồi. Giải tỏa trắng. Câu trả lời của chủ tịch quận chưa dứt, dưới các hàng ghế hội trường hàng loạt người đã bật dậy kêu khóc phẫn nộ…
Mất gì?
Hàng chục người, đàn bà lẫn đàn ông uất nghẹn, khóc nghẹn khi kể câu chuyện của mình. Cũng có người bình tĩnh: “Chúng tôi không quá khích, không bức xúc, không phản động, không mơ hồ. Chúng tôi chỉ muốn đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình bằng pháp lý, bằng văn bản, bản đồ, sơ đồ. Chúng tôi tự tin tranh luận với bất kỳ ai, cấp nào…”.
Nhưng nhiều hơn là những người bức xúc: “Tôi đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình qui hoạch và chỉnh sửa qui hoạch, xây dựng và đấu thầu, giải tỏa và cưỡng chế ở Thủ Thiêm, nhưng không được để thành phố làm, tôi không thể tin tưởng. Phải là trung ương vào làm, Quốc hội cùng với dân lập ban giám sát”; “Tôi không thể tin ai trong cấp chính quyền quận 2”; “Những điều oan sai đã diễn ra ở Thủ Thiêm này, đi tù không đủ để đền tội”…
Mất gì?
Ngồi nghe những người đàn ông, đàn bà nối nhau thuyết trình việc riêng việc chung, văn bản, quyết định, bản đồ, sơ đồ rành rẽ hơn một luật sư, chợt nghe xót ruột. Bao nhiêu tâm sức, thời gian, mồ hôi, nước mắt, tiền bạc và máu của họ đã đổ để trở thành luật sư cho chính mình. Những tâm sức, thời gian đáng lẽ được dành cho sự nghiệp, gia đình, dành để tập thể thao, đi du lịch, để đọc sách, nghe nhạc, vẽ tranh.
Cuộc đời bao người, cuộc sống bao gia đình đã phải thiệt thòi những ngày hạnh phúc. Cuộc sống xã hội đã phải thiệt thòi bao nhiêu con người tràn đầy năng lượng, tràn đầy những hành động tử tế, tốt lành, làm đẹp cho đời. Thay vào đó là những luật sư bất đắc dĩ đầy bức bối, những đoàn người khiếu kiện, biểu tình năm này tháng nọ…
Mất gì?
Dẫu không lạ gì với việc tiếp những người dân đang uất ức vì cho rằng mình bị oan sai, nhưng buổi tiếp xúc cử tri ở Thủ Thiêm hôm nay quả là làm mình căng thẳng thần kinh. Thầm thán phục bà đại biểu Quốc Hội kiêm Phó Bí thư ngồi trên ghế nóng. Bao nhiêu câu cay đắng nhằm vào bà.
“Bà đã từng khuyên dân chúng tôi nên hy sinh một chút đất để con cháu được hưởng một cuộc sống mới, tương lai mới trên đô thị mới. Thế rồi hôm nay thấy cả con cháu chúng tôi cũng đang vơ vất trong khu tạm cư, cũng phải hy sinh, bà có ray rứt không?”; “Hai nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội ở Thủ Thiêm, bao nhiêu lời bà đã hứa, bao nhiêu cảnh khổ bà đã nghe, đã chứng kiến? Bà đã làm gì để xứng đáng với lá phiếu của chúng tôi?”; Và mạnh mẽ hơn nữa: “Bà có giải quyết cho dân được không? Nếu không, nghỉ đi cho người khác làm”… Người dân vừa nói vừa khóc.
Và bà thì rất bản lĩnh: “Cô bác giận, bức xúc, nói nặng đến đâu tôi cũng nghe được. Chỉ lo cho sức khỏe cô bác, giận quá cũng mệt lắm…”.
Mất gì?
Đất đai. Tài sản. Sinh kế. Yên bình. Tương lai. Hy vọng. Uy tín. Niềm tin… Gần như tất cả.
Học Giả Nguyễn Duy
con ơi mẹ dặn câu này
cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)
Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
có con dấu đóng đỏ tươi
có còng có súng dùi cui nhà tù
cướp xưa lén lút tù mù
cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
con trời bay lả bay la
cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng
dân oan tuôn lệ ròng ròng
mất nhà mất đất nát lòng miền quê
tiếng than vang động bốn bề
cướp từ thôn xóm tiến về thành đô
ai qua thành phố Bác Hồ
mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
bây giờ mẹ phải dặn thêm
quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.
Nguồn Mạng.
Nhất định dân sẽ thua. Kêu gào như heo bị chọc tiết vậy thôi, làm sao tránh được số phận công dân nước XHCN?