28-4-2018
Mình có một trải nghiệm cá nhân với Hội thánh Đức Chúa trời. Hôm kia, trước khi báo chí tấn công, mình đậu xe trước một trường đại học nọ thì có một bạn nữ đến hỏi mình có nghe về “tàu Seon” và “Hội thánh Đức Chúa trời” bao giờ chưa. Mình buồn cười quá bảo rồi, nghe “bên kia” rồi. Bạn ớ ra hỏi “bên kia là bên nào” ạ. Mình cười tiếp và bảo anh không theo tôn giáo, cảm ơn em. Bạn lịch sự đi chỗ khác.
Không có cái gọi là “tà đạo” trên đời này. Đức tin nằm ở trong trái tim và trải nghiệm tâm linh của mỗi người và không ai ở bên ngoài được phán xét. Tự do tôn giáo do đó là tự do tuyệt đối (nhưng thực hành tôn giáo thì không – cần phải phân biệt).
Xét cho cùng, không thờ cúng ông bà tổ tiên, dừng quan hệ vợ chồng, tin tưởng vào thiên đường và ngày tận thế… không phải là cái gì quá xa lạ với các tôn giáo, hay thậm chí là với các chủ thuyết chính trị. Nó không đi ngược lại truyền thống văn hoá dân tộc (come on!). Nó có thể làm gia đình chia rẽ, li tán, nhưng can thiệp càng không phải là chuyện của Nhà nước. Một người Thiên Chúa có thể không thờ cúng ông bà tổ tiên, một người theo Phật sẽ dừng quan hệ vợ chồng, và một người theo chủ thuyết Cộng sản tin vào một thiên đường xã hội chủ nghĩa về sau. Những đức tin đó là rất bình thường và cần được tôn trọng.
Tuy nhiên, nếu việc thực hành đức tin khiến nó ảnh hưởng đến quyền của người khác, hoặc tệ hơn là ảnh hưởng đến đức tin của người khác, thì đó là sự vi phạm. Và đó là trường hợp duy nhất Nhà nước có quyền can thiệp. Thờ cúng ông bà suy cho cùng là một loại tín ngưỡng, tôn giáo. Và các tôn giáo cần phải sống hoà thuận với nhau. Điều đó gọi là khoan dung. Người theo Hội thánh Đức Chúa trời có quyền dẹp bỏ bàn thờ tổ tiên của họ, nhưng phải đảm bảo rằng bàn thờ đó chỉ duy nhất thuộc về họ. Nếu bàn thờ đó là của một gia đình, một dòng tộc, thì việc khăng khăng đòi dẹp bỏ chính là vi phạm đến quyền tự do tôn giáo của người khác. Nó cũng giống như bắt người khác giáo điều tin vào đức tin của mình khi họ chưa có trải nghiệm. Ngược lại, nếu gia đình thấy người thân của mình thay đổi và không chấp nhận theo những lễ giáo ngày xưa nữa thì cũng phải chấp nhận như số phận.
Tất nhiên, đó là tranh luận thuần tuý về mặt lý tính. Sự đau khổ là chắc chắn xảy ra. Nhưng Nhà nước không thể hành xử theo cảm tính mà phải lý tính. Dẹp bỏ một hội thánh chỉ xảy ra khi và chỉ khi hội thánh đó khuyến khích người theo đạo phải về đập phá hết tất cả bàn thờ tổ tiên, ông bà cho dù nó có thuộc sở hữu riêng của người đó hay không. Còn lại thì không thể can thiệp. Chẳng ai can thiệp khi một người bỗng trở thành vô thần và tuyên bố rằng họ không muốn thờ cúng ông bà nữa mà thay vào đó là thờ một vị lãnh tụ, có phải không?
Xã hội luôn có những thay đổi như vậy và thay đổi có khi làm người ta đau khổ, hoặc vui sướng. Thông cảm với những đau khổ khi chứng kiến sự thay đổi quá nhanh chóng của người thân của mình, và mình không thích điều mà cái hội thánh đang nổi rao giảng. Nhưng mặt lý trí của mình thì nói rằng Nhà nước làm ơn ngồi yên trước khi những bài báo công kích trở thành những hành vi bài xích và đàn áp một loại đức tin cho dù có bị gọi là tà đạo so với chuẩn được chấp nhận xưa nay hay không.
Nói về cách đối xử với tôn giáo, xã hội Việt Nam vẫn còn ở thời Tự Đức.