27-4-2018
Tôi, cho đến giờ này, vẫn là một bạn đọc hàng ngày của Tuổi Trẻ. Và, cho dù hôm nay có thêm một người bị các nữ phóng viên tố cáo, thì vẫn muốn tin tệ nạn này chỉ dừng lại ở yếu tố cá nhân. Tuy nhiên, tôi vẫn viết vài dòng về điều mà tôi nghĩ đang là “vấn đề của Tuổi Trẻ”.
Sau vụ “Anh Thoa”, phản ứng phổ biến của các bạn Tuổi Trẻ là phê phán những ai “đánh đồng một cá nhân với Tuổi Trẻ” thay vì ý thức đầy đủ tính nghiêm trọng khi tệ nạn đó xuất hiện trong tờ báo của mình. Cái đáng lo hơn không phải là có hay không có một vụ hiếp dâm mà khuynh hướng nặng về phê phán cách ứng xử của nữ CTV. Và, thậm chí, một vài nhà báo nam trong chỗ riêng tư coi chuyện những phóng viên có “quan hệ” với nhau là “chuyện nhỏ”.
Chính cách ứng xử của BBT báo Tuổi Trẻ vào năm 2011, khi có tố cáo của một nữ CTV đối với Trưởng văn phòng một tỉnh miền Tây đã tạo ra “văn hoá” ấy. Một số nạn nhân sau đó cũng của nhân vật này cho biết rằng, họ được khuyên “không nên làm lớn chuyện, đặng còn lấy chồng”. Lãnh đạo báo đi tỉnh cũng yêu cầu có CTV đi nhậu cùng với lập luận, “không giao lưu sao làm báo”.
Thiếu kỹ năng để tự vệ trước nạn quấy rối tình dục hoặc tặc lưỡi chấp nhận không phải là những lựa chọn đúng đắn của người làm báo nhưng sử dụng quyền lực để đặt người lệ thuộc phải “quan hệ” với mình là tội phạm. Loại tội phạm xuất hiện ở những nơi không coi nhân phẩm phụ nữ là quan trọng.
Báo Tuổi Trẻ đang trao cho các trưởng ban quá nhiều quyền lực và đặc biệt chế độ tuyển dụng bất chấp luật lao động đang đặt CTV nữ trong tay các trưởng ban.
Phần lớn những người đến với Tuổi Trẻ đều là những người giỏi nhưng có những người phải mất gần chục năm để đeo bám với thân phận “cộng tác viên”. Trong thời gian ấy, họ làm việc như một phóng viên, thậm chí có người bài vở đăng nhiều và còn chất lượng hơn cả phóng viên nhưng cũng không được coi là phóng viên Tuổi Trẻ. “Tụi em không biết chuẩn mực nào, khi nào trở thành phóng viên, tất cả phụ thuộc vào trưởng ban, làm cật lực và đợi khi được trưởng ban ban ơn đề xuất BBT nhận”.
Nghề báo không quá khó như vậy, ngay trong cái tin đầu tiên một CTV đưa về toà soạn, tự săn, tự viết là biết người ấy có thể làm báo được không. Tất nhiên, không phải ai cũng có thể đeo đuổi dài lâu cái nghiệp khốc liệt này nhưng không vì thế mà không ký hợp đồng làm phóng viên ngay sau thời gian thử việc (chỉ cần tối đa 3 tháng).
Xử lý những người bị tố cáo có căn cứ là cần thiết nhưng cái cần hơn là phải xoá được thứ “văn hoá” mà các nạn nhân cho rằng được mang về từ thời “hậu Lê Hoàng”. Muốn bảo vệ uy tín cho Tuổi Trẻ thì đừng đặt các nữ CTV yêu nghề vào tình huống muốn trở thành PV phải “qua tay” các trưởng ban; đừng để trong toà soạn xảy ra những tệ nạn mà tờ báo đang hằng ngày lên án.
Tôi không nghĩ phạm trù đạo đức của một tờ báo là một cái gì “hiện tượng” cả. Báo Tuổi Trẻ có một thì các báo khác cũng có năm có bảy… Chịu khó nhìn rộng ra chút ta sẽ thấy bất cứ tờ báo nào cũng chỉ là một công ty thuê mướn nhân viên làm việc, mà thôi. Cái xã hội không đặt nặng nhân cách và bảo vệ nữ quyền mới chính là điều cần phải mổ xé và cần đước nói đến.
Ở Hoa Kỳ. Luật trong các công ty rất nghiêm ngặt. Dính vào những lời cợt nhả hoặc có hành động xúc phạm cơ thể nhân viên dù nhẹ….vẫn có thể mất việc hoặc hầu toà như chơi. Không nhẹ chút nào.
Chỉ tội cho các em vì yêu nghề báo, mà phải muối mặt chịu đựng những bỉ ổi trơ trẽn xúc phạm của các ông boss nham nhở đồi bại….không biết cay đắng này có theo các em trong nghề nghiệp không? Và đeo theo bao lâu? Tôi tự hỏi, nếu vì ” yêu nghề” mà phải chịu nhục, thì quả là xã hội này đã NÁT đến mức thê thảm ( na ná như chuyện bóp vú làm từ thiện cách đây không lâu). Ôi Việt Nam !!