23-4-2018
Tôi đã dành hai ngày nay để nhìn cách dư luận ứng xử với sự việc quấy rối tình dục ở tòa soạn lớn. Ngay sau cuộc họp đầu tiên, hàng trăm tin nhắn đã được seeding qua ngả “nhắn nhủ riêng” để người ngoài cuộc cảm thấy mình đang bị “troll” và tham gia vào một cuộc mâu thuẫn cá nhân.
Sự việc chưa hề ngã ngũ. Và tôi nhìn thấy những điều khác hẳn:
TIẾNG NÓI YẾU ỚT
Lần đầu tiên sau 10 năm đi viết, tôi đọc được những dòng công khai cá nhân của đồng nghiệp nữ, nhiều người chỉ thẳng mặt kẻ đã tìm cách động chạm , sờ mó, tận dụng cơ thể họ. Có những “kẻ đi săn” là giáo sư trường báo chí, là trưởng ban, phó tổng biên tập, là nguồn tin bác sĩ, giáo sư. Họ biết mình là kẻ mạnh. Và họ cho mình cái quyền cưỡng đòi nữ phóng viên bất kể liêm sỉ.
Lần đầu tiên nữ phóng viên nói về sự tổn thương họ đã chịu thế nào. Một người làm PR Manager và có thời gian làm báo viết về trải nghiệm của cô:
“Khi còn ở VN, với tư cách là người thực hiện truyền thông cho một chương trình giao lưu về giáo dục, tôi cũng được biết, được kể, và có ý kiến trực tiếp về việc một giáo sư lạm dụng tình dụng một em nữ sinh viên, dù đó không thuộc phạm trù công việc của tôi, nhưng tôi lên tiếng. Họ cắt hợp tác với vị giáo sư đó, nhưng KHÔNG NÓI GÌ, KHÔNG LÀM GÌ với cả hai phiá.
Vì giáo dục những kỹ năng để các bạn, các em tự bảo vệ bản thân trước những tình huống này hiện tại là không có, từ cả nhà trường lẫn gia đình. Vì văn hoá, tập quán, vì điều tiếng, bàn tán của những người thấy mà khôgg nói, biết mà làm ngơ vì họ phải bảo vệ công việc, bát cơm của mình, nạn nhân rất sợ hãi và ngại ngùng khi phải nói ra, họ không nói ra với gia đình, thầy cô, họ chỉ nói với vài người họ có thể tin cậy.
Chưa kể với cơ chế làm việc xin-cho của cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp, của sếp với cấp dưới, với tiền lệ trước khi làm PV phải làm CTV, thậm chí CVT trong nhiều năm trời, phải cống hiến, phải chứng minh, mọi sự tuyển dụng và cất nhắc đều được quyết định bởi các anh chị hướng dẫn trực tiếp, chứ không hề có quy trình tuyển dụng, đào tạo và phát triển một cách công khai, chính quy.”
Và nhiều bạn đồng nghiệp khác mô tả câu chuyện của mình:
Bạn có thể đọc thấy hàng chục những lời bày tỏ như vậy. Và nó tiết lộ một góc tối rất thật trong không gian tác nghiệp của tòa soạn báo. Phóng viên bị đụng chạm, sờ mó, bị gợi ý quan hệ tình dục. Không ai bảo vệ họ. Và họ giữ im lặng trong suốt cả chục năm dài tác nghiệp.
Khi sự cố ở báo Tuổi Trẻ xảy đến, nhiều phóng viên nữ thấy họ có thể bày tỏ sự uất ức, tổn thương đã xảy ra với thân thể và nhân phẩm của mình. Điều đó đòi hỏi nhiều dũng cảm, và cả sự tự phơi bày những phần đau lòng không muốn nhớ tới. Và điều đó cho thấy những nhà quản lý báo chí, đồng nghiệp trong giới đã tự bịt mắt che tai để huyễn hoặc về sự sạch sẽ cao đạo của tờ báo mình.
Tôi biết có những tòa soạn đã dìm không cho tuyến bài về quấy rối tình dục mà nữ phóng viên đề xuất đi. Để khỏi “mích lòng báo bạn”.
Tôi biết có những tòa soạn cấm phóng viên kể về câu chuyện bị quấy rối của họ ở trên mạng, cấm cả họ lên tiếng ủng hộ nạn nhân nào đó yếu ớt.
Như mọi lần, tôi tin người bị nạn không phải cái cây hay chậu cảnh vô hồn. Họ là con người. Và sự bày tỏ này có lẽ là chưa từng có trong lịch sử nghề nghiệp mà tôi có dự phần trong đó. Nỗi sợ khiến người ta im lặng. Và kẻ yếu sẽ luôn bị quay lưng.
ĐỔ LỖI CHO NẠN NHÂN
Khi sự việc ồn ào ở báo Tuổi Trẻ xảy ra, tôi đã nhận được hàng chục inbox của các đồng nghiệp “kín đáo” rỉ tai nhau từ không gian tòa soạn đó ra ngoài: Hai bên đồng thuận thôi, chả có gì ghê gớm, nạn nhân cho dư luận vào trõng lừa rồi.
Tôi hoàn toàn thông cảm với những ai cần bảo vệ pháo đài của họ. Pháo đài của đạo đức. Của nhân danh đạo đức. Hay cái gì tôi không rõ. Tôi chỉ có trong tay một người bạn đồng nghiệp đã uất ức ra đi từ chính tờ báo đó, từ những sờ soạng, quấy rối của một trưởng ban trong đó. Sự “định kiến” của tôi về hành vi dung thứ cho văn hóa quấy rối là có thật. Và nó sẽ vẫn còn y nguyên khi hàng chục giọng nói đi inbox rỉ tai từng người về sự xấu xa của nạn nhân.
Phải, nạn nhân rất xấu xa. Và nạn nhân nhanh chóng sẽ trở thành “mồi nhậu” của những dư luận thế này. Các hình ảnh dưới đây được viết bởi: nhà báo, luật sư, và nhà văn.
Nếu bạn đã đọc tới đây rồi, thì hẳn bạn đã rõ thông điệp của những dư luận ấy:
- Những người đã công khai nói về trường hợp của mình nay chắc đã bẽ bàng, quê mặt.
- Nếu cô là phụ nữ, và cô để cho nó quan hệ với cô, thì đó là lỗi tại cô. Còn cô đoan chính thì cô đã giằng ra bỏ chạy rồi.
Thông điệp ấy được viết bởi những trí thức Việt Nam ở nước ngoài, bởi người nổi tiếng trong nghề báo, bởi luật sư. Nó chứng minh sự dung dưỡng cho văn hóa quấy rối tình dục và sẵn sàng vuốt tay để bảo vệ kẻ bị nghi ngờ, chứ không bảo vệ nạn nhân bị nghi ngờ.
Tại nhiều công sở tôi từng biết ở nước ngoài, khi xảy ra tố cáo. Nạn nhân là người được ưu tiên bảo vệ để điều tra. Ở đây, họ là thứ phẩm được đem xào nấu trong những tin nhắn rỉ tai nhau từ đồng nghiệp, và trở thành sự hả hê thấy “mày bị là đáng đời mày”.
Quấy rối tình dục như con voi to đùng đứng trong phòng khách đó. Các sếp tòa soạn biết. Nhưng họ đang chơi với nó. Tờ báo cần giữ thể diện và danh dự. Quản lý trường học có nhiều sức ép. Người đi tố cáo, chưa được vạ thì má đã sưng. Không ai bảo vệ họ – cho đến khi quyết định cuối cùng xuất hiện. Tòa soạn bảo vệ kẻ bị tố – ngay cả khi họ thừa nhận là cả hai bên khai ngược nhau trên bản tin. Nhưng cứ đứng về phe kẻ săn mồi đã.
Ai cũng có quyền hả hê để thắng một cuộc đấu. Bạn có thể có tiếng nói đủ ồn ào để làm người tố cáo câm miệng. Nhưng khoan đã, dư luận đừng vội vui mừng thế. Chúng ta đang chứng kiến một con voi chà đạp lên những giá trị cơ bản nhất của cơ thể và sự tự chủ con người. Luật pháp không có quy định rõ ràng. Quy định các cơ quan không được đem ra mổ xẻ về hành vi quấy rối. Dù cuộc tranh luận này có phe nào thắng, thì kẻ bại chính là các bạn, những người đang bơi trong không gian làm việc và tác nghiệp đầy vùng xám đó hàng ngày.
Đừng quá tự tin là tay mình không nhuốm bẩn.
QUẤY RỐI TÌNH DỤC LÀ GÌ?
Cuối cùng, để kết thúc bài viết tối nay, tôi gõ lại định nghĩa của UN về quấy rối tình dục. (1):
Quấy rối tình dục là hành vi tình dục mà người bị tác động không mong muốn, có thể là hành vi gợi ý, đòi hỏi về tình dục bằng ngôn ngữ hay đụng chạm cơ thể.
Khái niệm “không mong muốn” không có nghĩa là “bị ép buộc”. Nạn nhân bị quấy rối tình dục vẫn có thể chấp nhận ở mức độ nào đó nhưng nó vẫn là hành vi xúc phạm và đáng bị phản đối. Hành vi tình dục bị coi là không mong muốn khi đối tượng bị tác động không muốn điều này.
Một số hành vi bị coi là quấy rối tình dục khi các hành vi này là không mong muốn:
- Ý định cưỡng hiếp hay xâm hại tình dục,
- Ép buộc người khác quan hệ tình dục,
- Cố ý sờ, đụng chạm, dồn cơ thể người khác vào góc hoặc cấu, véo
- Cố ý nhìn chằm chằm hoặc thể hiện cử chỉ mà người đó không muốn
- Gửi thư, tin nhắn, gọi điện tán tỉnh, quấy rối
- Ép buộc hẹn hò
- Đùa giỡn, đặt câu hỏi hoặc bình luận về tình dục mà đối tượng khó chịu
- Gọi một người lớn là “gái”, “khoai to”, “em yêu”
- Huýt sáo trêu ghẹo
- Chọc ghẹo người lạ
- Bình phẩm có màu sắc tình dục
- Khi thảo luận công việc lại chuyển qua nói chủ đề tình dục
- Dò hỏi về sở thích tình dục, tiểu sử, thói quen tình dục
- Hỏi những câu hỏi về đời sống tình dục
- Bình luận tình dục về quần áo, cơ thể, vóc dáng
- Mút chuột, hú hét, bập môi
- Lan truyền tin đồn sai về đời sống tình dục của người khác
- Xoa bóp cổ
- Chạm vào tóc, cơ thể, quần áo của nhân viên
- Tặng quà riêng tư
- Bám lấy người đó
- Ôm, hôn, vỗ vào người, hoặc vuốt ve
- Đụng chạm và tự vuốt ve cơ thể một cách khêu gợi trước mặt người khác
- Nhìn chằm chằm vào người đó
- Thể hiện tín hiệu gợi ý quan hệ tình dục
- Cử chỉ gương mặt, nháy mắt, liếm môi
- Có cử chỉ suồng sã như dùng tay hay cơ thể
- …
Ghi chú: (1) http://www.un.org/womenwatch/osagi/pdf/whatissh.pdf