20-4-2018
Ngay khi Tuổi Trẻ đăng bản tin tạm đình chỉ công việc nhà báo Đặng Anh Tuấn (Anh Thoa), trưởng phòng Truyền hình báo Tuổi Trẻ để làm rõ những thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội liên quan đến nhà báo này thì trên mạng xã hội, một nickname có tên Kim Ngan tự xưng là nữ CTV từng làm việc tại Báo Tuổi Trẻ sau nhiều năm im lặng, đắn đo mãi giờ quyết định lên tiếng về việc từng bị “sếp” Văn phòng Sông Tiền của báo quấy rối tình dục buộc phải nghỉ việc.
Thật tình mà nói, chưa bao giờ thấy Tuổi Trẻ đăng một bản tin thiếu công bằng với bạn đọc như vậy. Tuổi Trẻ chưa dám nhìn thẳng vào sự thật để điều chỉnh “chuyện của chính mình” khi chỉ xoáy mạnh vào chi tiết nữ CTV không phải tự tử như thông tin lan truyền trên mạng xã hội mà không nói rõ cho bạn đọc biết “chuyện gì liên quan đến nhà báo Anh Thoa mà mạng xã hội đang lan truyền vậy”? Chẳng lẽ, nếu nữ CTV này bị hiếp dâm mà không tự tử thì Tuổi Trẻ không quan tâm sao. Nhưng thôi, đó chỉ là tiểu tiết.
Không nên nghĩ rằng, những người đã và đang yêu mến Tuổi Trẻ muốn gì ở tờ báo này. Ngay cả những “nạn nhân” đã lên tiếng, chưa lên tiếng hoặc chỉ lên tiếng ở góc độ “tâm sự riêng” với đồng nghiệp, cũng không ai muốn người nào đó ở Tuổi Trẻ bị kỷ luật. Họ chỉ mong qua câu chuyện của họ, những đồng nghiệp nữ khác sẽ không vướng phải tình trạng này.
Đa số các bạn trẻ khi mới bước từ trường đại học ra, tìm đến với Báo Tuổi Trẻ xin việc làm, đều cảm thấy bản thân như sắp được bước vào một thánh đường. Gia đình, bạn bè họ đều cảm thấy tự hào và rất yên tâm tin tưởng. Ngay cả những nhà báo đã làm việc ở Tuổi Trẻ bây giờ về hưu kể lại vẫn còn nguyên cái cảm xúc, niềm tự hào, có người đã bật khóc khi nhắc đến giây phút được Báo Tuổi Trẻ chính thức nhận vào làm việc. “Thánh đường Tuổi Trẻ” ấy, chính là niềm mơ ước của rất nhiều bạn trẻ khi mới bước chân vào đời.
Nhưng giờ nhiều đồng nghiệp lâu năm ở “thánh đường” ấy còn bức xúc hơn cả người bên ngoài vì chứng kiến ở đó tồn tại một “cái ổ” quấy rối tình dục. Không ai có thể ngờ, chuyện quấy rối tình dục không chỉ xuất hiện ở phòng truyền hình mà còn xuất hiện ở một số ban khác nữa. Chuyện này nó âm ỉ từ lâu lắm rồi chứ không phải bây giờ mới đổ vỡ. Đến nỗi nhiều cán bộ có uy tín và tâm huyết đang làm việc ở Tuổi Trẻ đã trực tiếp báo cáo BBT về tình trạng này. Ngay cả những chú bảo vệ gác cổng của toà nhà Tuổi Trẻ cũng bức xúc lên tiếng vì thấy các anh “sếp” phòng, ban thường đi nhậu về, khệnh khạng vào cất xe lấy nón bảo hiểm rồi bắt tụi nhỏ phóng viên thực tập chở đi chơi.
Chuyện này nếu đem ra hỏi BBT Tuổi Trẻ có biết không? Rõ ràng là họ có biết nhưng vì “sĩ diện Tuổi Trẻ” mà sự việc đã bị lờ đi và cứ thế tình trạng “quấy rối tình dục” được xem như chuyện bình thường ở huyện ngay tại “thánh đường”.
Một đồng nghiệp Ngọc Bảo Châu bức xúc, không có một cơ quan nào, một đồng nghiệp nam nào lại bắt đồng nghiệp nữ đi hầu rượu, ép các CTV nữ mới vào xin việc đi phục vụ thú vui cho mình cả. Làm gì có một cơ quan báo chí nào hễ thấy nữ CTV đến thực tập xin việc là kéo đi uống rượu. Làm gì có tờ báo nào lăng nhăng, “sếp” phòng, ban suốt ngày cứ bắt mấy đứa trẻ con đi hầu rượu? Nhưng dường như nó được xem là văn hóa kết nối và đoàn kết trong công việc ở môi trường Tuổi Trẻ. Ai cũng biết, một “sếp” phòng, ban ở Tuổi Trẻ quyền lực như thế nào. Muốn được duyệt tin, bài hay muốn lên sóng truyền hình Tuổi Trẻ thì “sếp” phòng ban bảo, mấy đứa trẻ con mới vào xin việc có đứa nào dám không nghe theo?
Câu chuyện của một nữ CTV vừa mới chia sẻ trên mạng ở Văn phòng Sông Tiền và âm ỉ câu chuyện của nhiều nữ CTV khác “tố” sếp phòng, ban cũ của mình, nó chưa lộ ra thôi cũng đủ làm nhiều đồng nghiệp nghe mà nhức nhối.
Nhiều đồng nghiệp kể rằng, chuyện một số “sếp” phòng, ban nhậu say nửa đêm đến gõ cửa phòng trọ nữ CTV, phóng viên thực tập là chuyện bình thường. Nó trở thành một thứ quái thai bệnh hoạn. Tụi nhỏ đi làm báo chứ có phải đi làm cave đâu mà đi hầu rượu qua đêm?
Tụi nhỏ mới ra trường, khổ chết cha. Lương CTV thì ba đồng ba cọc, nhuận bút thì phập phồng không biết có được đăng tin, bài không để mà lãnh, mà cũng chẳng được bao nhiêu tiền. Nhưng đó là tiền “mua gạo thổi cơm”, trả tiền thuê nhà trọ hàng tháng. Nếu không phục tùng trưởng ban, có khi miếng cơm của tụi nhỏ cũng không còn.
Chuyện này không phải Tuổi Trẻ không biết, mà hệ lụy của nó kéo dài là do Tuổi Trẻ cứ giấu diếm mãi. Không phải chúng tôi ghét bỏ gì đồng nghiệp để nói thẳng ra điều này. Nhưng đây là một vấn đề nhức nhối bao nhiêu năm tồn tại mà được không bung bét ra.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều đồng nghiệp gọi trụ sở Tuổi Trẻ (dù chỉ là gọi vui) là Lầu Xanh. Mọi chuyện đều có nguyên do của nó cả.
Một đồng nghiệp lâu năm ở Tuổi Trẻ kể rằng, cách đây vài năm, một hầm cầu ở Lầu Xanh bị nghẹt, đơn vị rút hầm cầu đến hút ra vài trăm cái bao cao su. Nó là câu chuyện có thật 100% mà nhiều cán bộ làm việc lâu năm ở Tuổi Trẻ đều biết.
Cho đến khi câu chuyện nhà báo Anh Thoa bị “tố” hiếp nữ CTV lan truyền trên mạng, dù chưa biết có bằng chứng hay không, thì nó đã làm đổ vỡ niềm tin của những người yêu mến Tuổi Trẻ. Câu chuyện này, nó không còn dừng lại và được khoả lấp bởi “sĩ diện của một tờ báo lớn” nữa. Sĩ diện của một tờ báo lớn, nó không thể bằng nhân phẩm của một nữ CTV.
Nếu hỏi Ngọc Bảo Châu rằng, có yêu mến báo Tuổi Trẻ không? Ngọc Bảo Châu sẽ không ngần ngại trả lời ngay rằng, rất yêu mến tờ báo này. Và Ngọc Bảo Châu tin rằng, rất nhiều người ở đất nước này cũng sẽ trả lời như thế. Nếu ai đó hỏi Ngọc Bảo Châu rằng, có quý mến đồng nghiệp ở Tuổi Trẻ không? Ngọc Bảo Châu cũng sẽ trả lời rằng, rất quý mến nhiều đồng nghiệp làm báo tử tế hiện đang làm ở Tuổi Trẻ. Họ là một tập thể làm báo tử tế và rất có tâm với xã hội, với đất nước này.
Nhưng thật đáng tiếc, không hiểu vì một thứ gì đó như là “sĩ diện hão” hay là do chỉ vài kẻ không ra gì đang chui rúc ở những vị trí quan trọng ở Tuổi Trẻ nhưng không bằng chính năng lực của mình, đã ngụy biện để coi những góp ý thẳng thắn của đồng nghiệp yêu mến Tuổi Trẻ là do ganh ghét chăng?
Ngọc Bảo Châu nghĩ rằng, để chấm dứt câu chuyện này, Tuổi Trẻ cần phải dũng cảm nhìn lại một lần. Lần này là cơ hội để Tuổi Trẻ nhìn rõ lại mình. Ít ra thì cũng phải có được quy chế cấm tiệt các sếp phòng, ban bắt tụi nhỏ phải đi hầu rượu như một thứ văn hoá quái thai của sự đoàn kết.