Vụ việc ở Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh ‘có hiệu ứng tốt’

BBC

18-4-2018

Đại gia bất động sản Phan Văn Anh Vũ đang bị tạm giam bốn tháng. Ảnh: VGP

Vụ việc xử lý cán bộ của chính quyền và ban ngành liên quan ở Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh như truyền thông Việt Nam mới loan tin ‘có hiệu ứng tốt’, làm ‘người dân rất hồ hởi’ và đã được ‘tiên liệu’, theo ý kiến các nhà quan sát thời sự chính trị nội bộ Việt Nam từ trong nước.

Hôm 18/4, trong diễn biến mới nhất, ông Phan Văn Anh Vũ bị khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB).

Thông cáo Bộ Công an nói việc bổ sung quyết định khởi tố bị can hôm 18/4 với ông Anh Vũ, cùng quyết định bổ sung khởi tố bị can đối với ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc DAB) về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản liên quan đến hành vi chiếm đoạt 200 tỷ đồng của DAB.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 18/4/2018, một ngày sau khi Việt Nam đã bắt một Trung tướng Công an, khởi tố hai cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Đà Nẵng cùng nhiều người khác có liên quan vụ ông Vũ Nhôm (tức Phan Văn Anh Vũ), Luật sư Trần Quốc Thuận nói:

“Diễn biến, tình hình Đà Nẵng qua vụ án tạm gọi là vụ án Vũ Nhôm, người ta cũng đã tiên liệu là có những sự việc nổ bùng ra trong vỏ bọc từ lâu đến giờ. Ở Việt Nam, như chúng ta đã biết, khi đã thanh tra, truy tìm các sự việc, thì nhiều sự việc sẽ vỡ ra từng mảng, từng mảng, đó là điều đã nhìn thấy…

“Đà Nẵng đã được mang tên là một thành phố đáng sống, đẹp nhất của Việt Nam, mà bây giờ thực chất nó là như thế, thì đó là một điều cảnh báo cho những người cầm quyền, những người có trách nhiệm thấy sự thật rằng nền kinh tế và sự phát triển của đội ngũ cán bộ là có vấn đề.

“Thể chế này, muốn hoạt động được, nó có nhiều cái ma mãnh, ghê gớm, nhiều người giàu có một cách không bình thường, suy cho cùng, thực tế cũng từ đất đai mà ra, sinh lợi từ đất đai, mà sinh lợi từ đất đai, thì cái giàu đó không bình thường, bản chất của cái giàu đó là ‘cướp’ của người dân, ‘cướp’ của nông dân để làm giàu cho người đó.

“Và những người che chắn nhân danh cái này, nhân danh cái kia để làm những việc sai trái, thì điều đó cho thấy pháp luật Việt Nam chưa đi vào cuộc sống và sự kiểm soát chưa có hiệu quả.

“Cho nên qua đây, ta thấy rằng lực lượng trước đây người ta tin tưởng nhất là công an, là thanh ‘Bảo kiếm,’ là ‘Lá chắn’, là ‘Còn Đảng còn ta’, bây giờ rõ ràng là nhiều cán bộ cao cấp, đến lúc này là hai Trung tướng công an, một Thiếu tướng đã bị truy tố, đã bị bắt.”

“Và công an đang có một cuộc cải cách tôi cho là rất đại quy mô, qua cải cách mà Đảng bộ Bộ Công an trình cho Bộ Chính trị mà đã được cho ý kiến và báo chí đã công khai, tôi nhìn thấy áng chừng một nửa hàng tướng lĩnh sẽ có một sự sắp xếp trở lại.

“Đó là một cuộc cải cách mà nếu lực lượng không kiểm soát, cải cách được, thì người ta thường nói đây là một cơ quan quyền lực không kiểm soát được, rõ ràng chúng ta phải biết chuyện sai trái, chuyện vơ vét tiền của của nhân dân, của nhà nước làm giàu cho mình, thì đó là một chuyện không thể nào tránh khỏi được và dĩ nhiên việc này suy cho cùng liên quan đến những người còn cấp cao hơn nữa,” cựu Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc Hội của Việt Nam nói với BBC.

Từ Đà Nẵng, blogger Trương Duy Nhất, nguyên phóng viên báo Công an Quảng Nam – Đà Nẵng, nói với BBC:

“Tôi từng khẳng định rằng vụ án Phan Văn Anh Vũ sẽ là một vụ án gây một dư chấn lớn trên chính trường Việt Nam, nó sẽ rúng động hơn cả vụ án Đinh La Thăng rất nhiều, bởi vụ án Đinh La Thăng chỉ gây chú ý và lớn bởi vì vị thế của ông Đinh La Thăng, tức là ông đã từng là Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh…, nhưng mà hình như nó chỉ dính đến cá nhân vai trò của ông Thăng thôi.

“Tôi nói vụ của ông Phan Văn Anh Vũ sẽ gây chấn động hơn vụ của ông Đinh La Thăng hơn bởi vì nó không phải là bản thân một mình ông Phan Văn Anh Vũ mà nó sẽ liên đới tới rất nhiều cán bộ cao cấp trong bộ máy, mà đặc biệt là những tướng, tá, trong lãnh đạo Bộ Công An.

“Tiến trình có vẻ chậm hơn dư luận đồn đoán, bởi vì ngay sau khi bắt ông Phan Văn Anh Vũ, dư luận đã đồn ông tướng này bị bắt và ông tướng kia sẽ bị vào tù, người ta đã liệt kê hàng loạt, nhưng đến giờ phút này, hôm qua mới bắt một ông Trung tướng, cựu Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục tình báo (Tổng cục 5) Bộ Công An, thì tôi cho rằng tiến trình hơi chậm, nhưng như thế nó cũng là rúng động.

“Một ông tướng Bộ Công An và một cán bộ nghiệp vụ của Bộ Công An, mà đây là một ông tướng tình báo nổi tiếng là Phó Tổng cục trưởng của Bộ này, thì tôi cho đó là một cuộc đại phá, rúng động Bộ Công An, tôi nghĩ nó sẽ không dừng ở đó.

“Vì sao ông Vũ Nhôm vào ngành Công An, ai đưa vào ngành Công An đúng hay sai, và những hoạt động thực tế ông hoạt động tình báo, hay hoạt động cái gì, và những cuộc mua bán đất đai, những lợi ích khổng lồ đó qua những cái mà chúng ta thấy, thì lợi lộc, nguồn lợi đó có đem lại cho hoạt động tình báo của Bộ Công An hay không, hay nguồn tiền đó tập trung vào ai trong Bộ Công An?”

‘Chưa từng có trong lịch sử’

Theo ông Trương Duy Nhất, điều vừa xảy ra ở Đà Nẵng là chưa từng có trong lịch sử và các diễn biến có thể được xem như một cuộc ‘mổ xẻ’ đại phẫu ở thành phố biển duyên hải miền Trung của Việt Nam.

“Đà Nẵng lâu nay được coi là thành phố hiện tượng, thành phố đáng sống, thì bây giờ ‘tanh bành’ hết rồi.

“Hôm qua, đúng là trong lịch sử, chưa có lúc nào mà người ta có thể nghĩ là hết vụ án Đinh La Thăng, rồi đến vụ án Phan Văn Vĩnh ‘cờ bạc’, đến bây giờ vụ Phan Văn Anh Vũ bắt hàng loạt tướng tá ở trong công an, bây giờ lại khởi tố cả hai cựu Chủ tịch thành phố Đà Nẵng mà trong đó có một cựu Chủ tịch là ông Trần Văn Minh, từng là Trung ương Ủy viên và Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng.

“Những chấn động này dần dần cho thấy đúng là công cuộc chống tham nhũng mà người ta hay dùng từ ví von là ‘nhóm lò’, ‘đốt lò’ như ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay nói đúng là có vẻ như nó đã không chừa một ai, bất kể anh là ai, anh làm gì, sai là bắt.

“Tôi cho là không chỉ dư luận ở Đà Nẵng, mà dư luận ở khắp nơi cho rằng đây là một hiệu ứng tốt, người dân có vẻ rất hồ hởi, mà không chỉ với vụ Phan Văn Anh Vũ…, bởi vì bộ máy này có quá nhiều ‘tệ hại’ quá rồi, nên bây giờ có quan chức nào, thậm chí bắt càng nhiều quan chức, quan chức càng to, thì người dân càng mừng, càng hồ hởi,” ông Trương Duy Nhất nêu quan điểm riêng.

‘Công khai là điều tốt’

Về sự việc mới diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh, với việc con trai ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, là ông Lê Trương Hải Hiếu, người có chức vụ Thành ủy viên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 12, vừa bị nhận hình thức ‘khiển trách’ vì “có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo với tổ chức,” Luật sư Trần Quốc Thuận từ Sài Gòn bình luận:

“Sự việc đó trong mấy tháng vừa qua đã râm ran trong dư luận rất nhiều và bây giờ cũng công khai lên báo chí. Tôi cho rằng một kỷ luật với một Thành ủy viên mà được công khai trên báo chí đưa tin, thì đó cũng là một điều tốt.

Từ Đà Nẵng, blogger Trương Duy Nhất nhân dịp này bình luận thêm:

“Từ năm 2015, tôi đã có một loạt bài mà tôi gọi là tình trạng ‘Thái tử Đảng’. Trước đây, nếu có thì cũng không nhiều, không tràn lan như bây giờ.

“Hai năm vừa rồi có rớt một số trường hợp như trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh… từ một người là phóng viên của Ban Quốc tế, Báo Thanh niên, đùng một cái chuyển vào trong này ‘vèo vèo’, đi trong vòng một, hai năm thành Ủy viên dự khuyết, rồi Ủy viên chính thức [Trung ương Đảng], rồi làm Bí thư Thành ủy.

“Con đường đi rất nhanh, nếu không có bệ đỡ của bố họ, thì các nhân vật ấy không thể lên nhanh trong bộ máy như thế được… Vấn đề làm người dân bất bình là ở điểm đó. Đất nước này đâu phải là chiếu cỗ để để phân chia mâm bát cho vài gia đình, dòng tộc.

“Trong việc ‘đốt lò’ này, tôi nghĩ ngoài chuyện chống tham nhũng, thì hình như cũng có một mũi thứ hai đang bắt đầu tấn công vào nhóm ‘Thái tử Đảng’ này,” ông Trương Duy Nhất nói với BBC.

Bình Luận từ Facebook