Trân Văn
18-4-2018
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký của Quốc hội Việt Nam vừa trấn an dân chúng rằng dự luật về Thuế Tài sản chỉ là ý tưởng của một cơ quan cấp Vụ thuộc Bộ Tài chính chứ Quốc hội Việt Nam chưa có bất kỳ dự tính nào về việc xem xét, thông qua một đạo luật về Thuế tài sản.
Ông Phúc nhấn mạnh, trong chương trình làm luật năm nay và năm tới, từ Quốc hội cho tới Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều không hề có dự tính nào liên quan tới chuyện bắt dân chúng Việt Nam phải nộp thuế cho cả bất động sản lẫn động sản.
Nói cách khác, ý tưởng bắt chủ các bất động sản có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên và chủ các động sản có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên phải đóng thuế – khiến dư luận Việt Nam sôi lên sùng sục suốt tuần vừa qua – hóa ra chỉ là… nghiên cứu rồi đề xuất một cách… không chính thức!
Tổng Thư ký của Quốc hội Việt Nam đã nói thế thì… tạm thời có lẽ sẽ là… như thế. Còn chuyện Tổng Thư ký của Quốc hội không biết hoặc không nhớ, cách nay đúng sáu năm – tháng 4 năm 2012, Bộ Tài chính Việt Nam từng long trọng tuyên bố với “đồng chí, đồng bào cả nước” rằng họ đã chính thức triển khai việc soạn thảo một đạo luật về Thuế Tài sản lại là… chuyện khác. Ý tưởng thu thuế tài sản có đúng là… nghiên cứu của một cơ quan cấp Vụ thuộc Bộ Tài chính như ông Phúc mới trần tình hay là thành tựu của quá trình soạn thảo Luật Tài sản kéo dài suốt sáu năm vừa qua lại là… chuyện khác nữa!
***
Về lý thuyết, thuế là công cụ duy nhất để các quốc gia kiểm soát và điều tiết tất cả các nguồn lực sao cho vừa có thể tồn tại, vừa có thể phát triển không ngừng.
Ở nhiều quốc gia, nộp thuế là nghĩa vụ được xem như đương nhiên, trốn thuế, gian lận thuế không chỉ vi phạm pháp luật mà còn bị xã hội lên án là vô đạo đức.
Với nhiều quốc gia, rõ ràng thuế chính là phương tiện thực hiện giấc mơ “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Thuế chính là nền tảng để một chính phủ có thể mạnh miệng bảo đảm “ai cũng được học hành, ai cũng có cơm ăn, áo mặc” và đủ khả năng chu toàn cam kết, không để ai chết vì nghèo đói, hoặc chết vì bệnh tật mà không có tiền chữa trị. Thuế giúp cho những người tàn tật, những người không may thất bại, tiêu tan sự nghiệp, mất việc làm, già cả,… giữ được phẩm giá nhờ các loại trợ cấp về ăn, ở, sinh hoạt.
Thế thì tại sao dân chúng Việt Nam lại hận thuế, thù phí và mức độ thù hận càng ngày càng trầm trọng?
Có thể vì mỗi cá nhân, mỗi gia đình phải gánh quá nhiều loại phí, loại thuế và mức thu, cũng như tỉ lệ nộp thuế, phí càng ngày càng tăng.
Với phí, lạm thu đã xuất hiện từ đầu thập niên 1990 nhưng dân chúng phải rên siết hơn mười năm, Quốc hội Việt Nam mới ban hành Pháp lệnh về phí, lệ phí (2002) nhằm ngăn chặn lạm thu. Tuy nhiên 12 năm sau (2014) chính Quốc hội Việt Nam thừa nhận, lạm thu vẫn diễn ra tràn lan trong mọi lĩnh vực từ thành thị tới nông thôn. Một thống kê được công bố rộng rãi vào thời điểm đó cho biết, dân chúng phải đóng 375 loại phí và 75 loại lệ phí chính thức, chưa kể các loại phí, lệ phí không chính thức mà chính quyền nhiều địa phương thi nhau tròng vào cổ dân, ví dụ như “phí đường nhựa” ở xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (100.000 đồng/người/năm), “phí đường nghĩa trang” ở thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa (100.000 đồng/người/năm), từng làm nghiêng ngả dư luận vì không tha cả những đứa trẻ mới… mười tháng tuổi lẫn những cụ ông, cụ bà đã cận kề gần đất, xa Trời.
Thuế cũng thế! Các sắc thuế mới mỗi ngày một nhiều và tỉ lệ thu liên tục được điều chỉnh theo hướng càng ngày càng cao. Năm ngoái, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố kết quả một cuộc khảo sát, theo đó, nếu đem các khoản thu từ thuế so với GDP thì Việt Nam xếp thứ ba ở châu Á, chỉ sau Nhật và Trung Quốc. Còn nếu so sánh trong phạm vi Đông Nam Á thì mức thuế mà người Việt phải đóng cao hơn dân chúng các quốc gia trong khu vực khoảng từ 1,5 lần đến ba lần.
Phí nhiều, thuế cao nhưng trẻ con vẫn thất học vì nghèo, người nghèo, người bất hạnh, người già neo đơn vẫn phải “tự thân vận động” cho đến khi kiệt sức, bất động vì phí, vì thuế đã được dồn hết vào những cổng chào hàng tỉ, những tượng đài hàng chục tỉ, những trung tâm hành chính hàng trăm tỉ, những “chủ trương lớn”, “chương trình”, “kế hoạch”, “đại dự án” hàng ngàn tỉ để chứng minh tính ưu việt của “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tất cả các giới, vốn đã lao đao vì kinh tế suy thoái vẫn tiếp tục nghe khuyến khích “thắt lưng, buộc bụng” hơn nữa để nuôi hệ thống chính trị lãnh đạo “toàn diện, tuyệt đối” cả hiện tại lẫn tương lai của mình, nay đã ngốn đến 83% công quỹ.
Các cổng chào, tượng đài, trung tâm hành chính, “chủ trương lớn”, “chương trình”, “kế hoạch”, “đại dự án” dẫu không sinh lợi, làm nợ nần phình to nhưng không có ai bị truy cứu trách nhiệm. Chưa thấy Bộ Chính trị kiểm điểm về chủ trương phát triển các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, dồn toàn bộ nguồn lực quốc gia, kể cả vay mượn khắp nơi để tạo ra những “anh cả” cho “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, giờ, tất cả các “anh cả” đều rơi vào tình trạng thiểu năng… Chưa thấy Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN kiểm điểm về những “chủ trương lớn” như khai thác bauxite ở Tây Nguyên, ngốn hết ba tỉ Mỹ kim nhưng giờ, chỉ thấy hại và không còn khả năng mơ thấy lợi… Chưa thấy Quốc hội kiểm điểm về việc bỏ phiếu, chi tiền cho những chương trình như “xây dựng nông thôn mới” đã ngốn hết 16.127 tỉ đồng, dẫu tỉ lệ ly nông (bỏ ruộng), ly hương (bỏ xứ tha phương cầu thực) tăng dần đều, giờ, vẫn không thèm giải thích tại sao lại tiếp tục gật đầu chi thêm 193 tỉ nữa để tiếp tục thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới” đến 2020… Chưa thấy Chính phủ kiểm điểm xem tại sao nước đã nghèo, dân đã mạt, sau hai thập niên “tinh giản biên chế”, bộ máy công quyền vẫn thừa tới 57.000 công chức…
Tổng Bí thư từng khoe: “Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao. Việt Nam có quan hệ với tất cả các nước lớn trên thế giới, tham gia tất cả các tổ chức quốc tế trên thế giới” và “Triển vọng phát triển còn tốt lắm, sắp tới thực hiện một loạt hiệp định kinh tế tự do thế hệ mới nữa thì chúng ta còn có điều kiện phát triển hơn nữa”, giờ, cả đại diện Quốc hội lẫn đại diện Chính phủ cùng thú thật, sở dĩ phải nghĩ đủ cách thu thêm thuế cả từ doanh giới lẫn dân vì 15 FTA mà Việt Nam đã ký, đã triệt tiêu một dòng tiền vốn hết sức quan trọng đối với công khố: Thuế xuất – nhập cảng! Có thể Tổng Bí thư đang bận đốt “lò” nên chưa có giờ tự kiểm và chỉ đạo kiểm điểm.
Thuế vốn cần thiết và quan trọng nhưng đã tới lúc phải hỏi nộp thuế để nuôi ai, làm gì? Giao cho Quốc hội – nơi vốn dĩ thay mặt toàn dân – giám sát điều này dường như không ổn.