14-4-2018
Mới đây, Bộ Tài chính vừa “trình làng” dự thảo Luật đánh thuế tài sản đối với nhà trên 700 triệu đồng và xe từ 1,5 tỉ đồng.v.v… Người phân tích chính xác nhất, theo tôi, là nhà báo Hà Quang Minh khi nói đến QUYỀN SỞ HỮU CÁ NHÂN VỀ ĐẤT (dưới nhà) thay vì chỉ QUYỀN SỞ HỮU NHÀ (trên đất) như hiện nay tại Việt Nam.
Điều 53, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (năm 2013) ghi rõ: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”
Đề xuất đánh thuế như nói trên, để hợp lý về Luật và Hiến pháp, thì cần sửa đổi thêm Hiến pháp để công nhận đất đai thuộc sở hữu tư nhân. Kèm theo đó, đổi một số Luật liên quan.
Điều này quá táo bạo! Quốc hội, Chính phủ, Đảng và cả NHÂN DÂN nữa; cần ghi nhận sự táo bạo này! Tôi mạn phép xin ghi nhận đầu tiên!
Do không đủ dữ liệu để lạm bàn về việc sửa đổi Hiến pháp nên chỉ xin phân tích việc thu thuế nói trên dưới góc độ tài chính đơn thuần. Phân tích này dựa trên những thứ tôi đọc, nghe và báo chí đăng tải.
Hệ thống tài chính bao gồm: Tài chính công (gồm ngân sách nhà nước và các quỹ ngoài ngân sách); Tài chính doanh nghiệp;Thị trường tài chính (gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn); Tài chính quốc tế; Tài chính hộ gia đình, cá nhân; Tài chính các tổ chức xã hội; Tài chính trung gian (bao gồm tín dụng, bảo hiểm).
Tài chính công bất ổn với nợ công “chạm trần nguy hiểm”- báo chí đăng rất nhiều ý kiến chuyên gia và Đại biểu Quốc hội.
Tài chính doanh nghiệp được bà Vũ Kim Hạnh- Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao- nhận định rất ngắn gọn: “”Sức khỏe” doanh nghiệp Việt Nam hiện đang rất yếu!”
Thị trường tài chính chứng kiến đồng tiền Việt Nam thay đổi giá trị nhiều lần từ sau 1975, thị trường vốn chứng kiến nhiều đại án ngân hàng gần đây.
Tài chính Quốc tế, thế nào nhỉ?! “Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP song hiện nay Việt Nam đã thu thuế lên đến khoảng 32% GDP.” – chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cảnh báo. Nói thêm về vay ODA nữa thì…
Tài chính hộ gia đình, cá nhân; Tài chính các tổ chức xã hội; Tài chính trung gian (bao gồm tín dụng, bảo hiểm) tôi không biết sâu nên không lạm bàn. Chỉ biết rằng các bất ổn tài chính nói trên chưa bao giờ xuất phát từ LỖI CỦA NHÂN DÂN, nếu xét về bản chất. Lỗi của nhân dân là hóa vịt và không biết kêu khi bị… “vặt lông”!
Khái niệm “nguyên tắc tài chính” được sinh ra để minh định rằng tài chính luôn có quy luật. Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng phải tuân theo quy luật/nguyên tắc ấy để có một cấu trúc tài chính ổn định và cơ hội phát triển.
Với các cứ liệu trên có nên ủng hộ đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính không? Ai nói CÓ, e sẽ tiếp nối anh “Bình ruồi” để tuyên bố xứng với “nửa giải Nobel” còn lại để đưa đất nước XUỐNG HỐ CẢ NÚT!