Nhóm PV
10-4-2018
Tiếp theo Kỳ 1: Cuộc cưỡng chế “thí điểm” khủng bố tinh thần toàn xã — Kỳ 2: Túp lều dập dềnh bên dự án tỷ đô — Kỳ 3: “Mưu hèn, kế bẩn” ức hiếp cả người chết — Kỳ 4: “Kỷ lục” thu 562m2 đất, bồi thường… 327 ngàn đồng — Kỳ 5: Bước đường cùng của bà lão đẩy lùi ba cuộc cưỡng chế — Kỳ 6: “Giọt nước tràn ly” khi mộ phần tiên tổ bị xâm hại — Kỳ 7: Những kẻ chủ mưu giấu mặt trong đêm 680 nông dân bị bắt
(PLO) – Anh Tám kể trước ngày ra tòa, có người tìm đến nhà, nói với ba mẹ anh nếu chấp nhận giao đất cho Dona.Coop thì con trai ông bà sẽ được hưởng án treo. Còn nếu không giao sẽ đi “tù ở”. Và anh đã bị đi tù thật, thậm chí là đến 18 tháng tù giam chỉ vì lúc đi qua đám đông, anh được người ta gọi nên đã tấp vào bán nửa cây nước đá.
“Bị can Trần Văn Tám (SN 1974 tại Đồng Nai, Nơi ĐKTT: ấp An Xuân, xã Long Hưng, Long Thành (nay đã thuộc Biên Hòa – NV).
Văn hóa: 4/12.
Tiền án tiền sự: Không.
Ngày 18/2/2009 cùng đồng bọn tham gia gây rối trật tự công cộng tại UBND xã Long Hưng. Bị bắt ngày 19/2/2009.
Qua điều tra đã chứng minh Tám tham gia vụ án với các hành vi: Ngày 18/2/2009 tụ tập ở UBND xã Long Hưng phản đối chính quyền quy hoạch giải tỏa đất đai mồ mả. Sau đó tiếp đá lạnh cho các đối tượng gây rối pha nước uống.
Hành vi nêu trên của Trần Văn Tám đã đủ yếu tố cấu thành tội Gây rối trật tự công cộng, được quy định tại Điều 245 BLHS, với vai trò là người giúp sức tích cực”.
Đó là phần cáo buộc trong bản kết luận điều tra vụ nông dân “gây rối” của Công an Đồng Nai với anh nông dân Trần Văn Tám. Chỉ sơ sài những con chữ “buộc tội” như trên cũng dẫn đến bản án tù 18 tháng, và phía sau những con chữ đó là số phận một con người ôm nỗi oan khuất thấu trời.
Bán nước đá cho đám đông cũng bị tù
Hành vi “tụ tập ở UBND xã phản đối chính quyền quy hoạch giải tỏa đất đai mồ mả”, sau đó cơ quan tố tụng đã không chứng minh được. Trích xuất phim ghi lại hình ảnh những người phản đối “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai – Dona.Coop, làm chủ đầu tư), chỉ thấy hình ảnh người đàn ông bán nước đá xuất hiện lúc vác nửa cây nước đá bỏ vô thùng. Vậy nhưng bản án gần 600 ngày tù vẫn ập xuống đầu anh Trần Văn Tám (SN 1974, ngụ ấp An Xuân, xã Long Hưng).
Anh Tám là người bán nước đá duy nhất ở xã. Mỗi ngày, anh chạy xe ba gác khắp các ấp trong xã giao nước đá cho quán ăn, tiệm tạp hóa… Ngày 17 – 18/2/2009, anh thấy người dân tụ tập, la ó ở trụ sở UBND xã. Mặc dù ba mẹ có nhà đất bị thu hồi, có mộ bị quẹt sơn, nhưng anh nông dân mới học đến lớp Bốn không tham gia đám đông, không rõ người ta “gây rối” hay làm gì. Anh chỉ cần mẫn với việc bỏ nước đá của mình, nuôi vợ và hai con, đứa học lớp Sáu, đứa học lớp Chín.
“Đầu giờ chiều ngày 18/2/2009, tui đến giao ba cây nước đá cho chủ tiệm tạp hóa đối diện trụ sở xã, chủ tiệm là anh Ba Đức. Lúc này tui thấy rất đông người dân trong trụ sở. Có người hỏi mua nửa cây nước đá, yêu cầu tui vác sang trụ sở xã, bỏ vào thùng nước dưới chân cột cờ. Lúc đó nửa cây nước đá giá 12 ngàn đồng. Người ta mua thì tui bán, đó là quyền chính đáng của tui. Có ai thông báo cấm bán nước đá đâu mà bảo tui “tiếp tay”. Tui vác nước đá vào, có người tới quay phim, tui không quan tâm. Bán xong, tui chạy xe đi giao đá nơi khác”, anh Tám kể.
Cứ ngỡ chuyện bán nước đá là bình thường, không liên quan đến vụ “gây rối”. Nhưng anh Tám không ngờ, rạng sáng hôm sau, ngày 19/2/2009, khi anh đang mắt nhắm mắt mở chạy xe lôi đi giao hàng như thường ngày, ngang qua trụ sở xã thì bị công an chặn lại, kêu vô “làm việc”. “Vô đó các ổng bắt ngồi ghế đã đời, sau đó quay phim chụp hình, chẳng hỏi gì ráo, còng tay đưa lên xe bít bùng, chuyển về trại giam B5 (Biên Hòa)”.
Lúc anh bị bắt, xe lôi chở nước đá còn nguyên, công an không cho gọi điện về nhà. Mãi gần trưa, vợ anh nghe hàng xóm báo tin chồng bị bắt, mới lật đật chạy đến hỏi thăm. Người phụ nữ òa khóc một tay gạt nước mắt, một tay lật đật chạy xe đi giao nước đá, sợ mất mối, hai con ở nhà lấy gì ăn.
“Phải nói tốt cho dự án không nó nhốt”
Anh Tám bị đưa lên trại giam B5 để điều tra, tại đây anh gặp nhiều người cùng “gây rối” bị bắt. Toàn những người chưa chịu giao đất cho dự án của Dona.Coop. “Cùng bị đưa lên ngồi chung xe với tui, còn có con nhỏ cỡ 22-23 tuổi lạ mặt mặc áo đỏ. Sau này nghe hàng xóm kể, mới biết con nhỏ đó là một trong những đối tượng kích động, đập phá (PLVN đã phản ánh trong bài 7 – NV). Công an còn mướn đò sang tận Quận 9 (TP HCM) bắt thêm ít nhất hai người khác kích động. Lạ là không thấy tụi này có tên trong kết luận điều tra, xử cũng không thấy. Đến giờ dân vẫn ấm ức chưa biết tụi nó ai thuê đến quậy phá”, anh Tám kể.
“Trong phòng lấy lời khai, đầu tiên họ vu cho tui kéo xe chở đá cục đến ném vô trụ sở xã. Tui nói với mấy ông công an: “Các ông cứ mang hình ảnh các ông quay được ra đây coi. Nếu thấy tui la hét, quậy phá, đập xe, hay chỉ cần chọi một cục đá… thì các ông yêu cầu gì tui chấp nhận hết”. Họ lấy phim ra coi, chỉ thấy dính hình tui vác nước đá chặt bỏ vô thùng. Vậy mà các ổng ép mình vô. Tui còn nhớ người ghi lời khai tui khi đó là một thiếu úy, tui nhớ cả họ tên ông này rõ ràng. Tui nhớ lời tui khai từng chữ. 10 năm sau tui nhắc lại, nếu trật một chữ thì tiếp tục bắt tui nhốt cũng được”.
“Cái ông thiếu úy đó lấy lời khai tui đầu tiên. Ổng ngồi ở ghế, kêu mình khai để ổng viết. Mình không làm những việc đó nên chỉ nói: “Tui là người dân địa phương tui đi bán nước đá vậy vậy vậy…”. Ổng “Ờ ờ ờ” rồi giơ thuốc mình hút đàng hoàng, trong lúc đó tờ văn bản ổng lập sẵn rồi. Rồi ổng bảo “đi ra ngoài suy nghĩ lát giải quyết”. Rồi ổng vô lấy cái tờ giấy dưới hộc bàn lên, tưởng mình không biết chữ, bảo “đây có phải lời khai của em không? Em ký tên đi”. Tui cầm đọc lên, phát hoảng la lên “đây có phải lời khai của tui đâu. Tui hổng ký””.
“Sau ổng đi ra kêu thêm một người nữa vô. Người đó cũng làm như vậy, lấy một tờ khai viết sẵn khác để lên. Ai mà sơ ý là bị ghép vào tội đập phá ủy ban, đốt xe luôn à. Trong phim thấy hình ai quậy phá, bị bắt lên đó là bị uýnh luôn”.
“Lên đó nhốt riết tui chín ngày rồi cho tại ngoại. Sau khi tại ngoại, có một tốp người kêu tui ra ủy ban, yêu cầu phải nói tốt cho dự án này, nếu không nó nhốt. Trước khi mình bước vô phòng, có một ông dặn, khi được hỏi “anh phải suy nghĩ theo cảm nghĩ của một người ở địa phương từ nhỏ đến lớn là sau khi cái dự án này đến anh thấy vừa ý hay không?”. Nó bắt mình phải nói tốt theo lời của nó về cái dự án này như “có dự án thì mới có đường lớn, con em mới được đến trường”. Nó bắt mình nói như vậy để nó quay phim. Những ai bị bắt, được tại ngoại, đều phải ra đó xếp hàng nói vậy hết trơn, không thì nó hù nhốt. Tui không rõ tốp người đó là của chính quyền hay của Dona.Coop. Lúc đó vừa bị nhốt chín ngày, từ nhỏ tới lớn đã uýnh lộn lần nào đâu mà nay bị bắt vào tù, sợ tối tăm mặt mũi nên bị bắt nói gì chẳng nói”.
“Sao lại bắt tui ở tù?”
Ba mẹ Tám anh khi đó có ba mẫu ruộng bị dự án Dona.Coop thu hồi. Ông bà phản đối dự án bất công, không chịu giao. Ngày 30/11/2009, Tòa tỉnh Đồng Nai mở phiên xử sơ thẩm, anh Tám có tên trong danh sách 46 bị cáo.
Anh Tám kể trước ngày ra tòa, có người tìm đến nhà, nói với ba mẹ anh nếu chấp nhận giao đất cho Dona.Coop thì con trai ông bà sẽ được hưởng án treo. Còn nếu không giao sẽ đi “tù ở”. Ba mẹ anh lo sợ, 7h tối lật đật gọi vợ chồng con trai đến nói chuyện. Anh khảng khái không chấp nhận. Anh bảo bị oan, không có tội: “Họ không chứng minh được con gây rối quậy phá gì hết nên ép con là “cung cấp đá lạnh cho người gây rối”. Ba má đừng có sợ gì hết. Họ có ác lắm thì ép con mấy tháng tù treo, hoặc cùng lắm một hai năm tù rồi về”.
Như một linh cảm, anh thấy lần này lên tòa “lành ít dữ nhiều”. Anh liệu tính được rằng “có đi mà không có về” nên cả đêm ấy, chạy xe khắp các mối mua nước đá, dặn dò: “Con đi chuyến này có thể bị giam luôn. Ở nhà vợ con thay con giao nước đá, bà con nhớ ủng hộ chờ con về”. Anh kể đã hiểu “mưu ma chước quỷ” là thế nào từ khi bị bắt, nên không còn biết sợ điều gì nữa. Chỉ sợ cả nhà phụ thuộc vào xe nước đá, anh đi tù, mất nguồn sống, là vợ con chết đói.
Đúng như anh liệu tính, tòa tuyên anh 1 năm 6 tháng tù giam về tội đồng phạm “gây rối trật tự công cộng”. Cùng bị tuyên án tù với hành vi “cung cấp nước, đá, xăng cho người gây rối” như anh có những nông dân Nguyễn Văn Tài, Lý Văn Hiệp, Trần Phước Thanh, Lê Văn Rõ… Những người được tại ngoại bị tuyên án tù giam, bị bắt thi hành án ngay sau khi phiên tòa kết thúc. Anh không nhận tội, kháng cáo. Tòa phúc thẩm y án.
Lời gửi gắm của anh trước khi đi tù được người dân xã Long Hưng giữ lời. Vợ anh vẫn tiếp tục công việc thường ngày của chồng để kiếm tiền nuôi con, chờ ngày anh về. Bà con ủng hộ, không bỏ gia đình anh.
“Có người gọi mua nước đá thì tui bán, đó là nghề mưu sinh của tui. Tại sao lại bắt tui ở tù? Sao không bắt luôn những người họ hàng các cán bộ xã bữa đó cũng ra ủy ban la ó kích động “đánh trận giả”? Cái đó cứ coi lại mấy đoạn phim là rõ ngay. Sao có cái kiểu kết án “nhà có đất chưa chịu giao cho Dona.Coop và có mặt ở hiện trường là có tội”? Ấy là họ dùng “luật rừng””, anh Tám bức xúc.
Ngày 24 Tết Nhâm Thìn, hết hạn tù, bước thấp bước cao trên con đường về làng với hai chữ “tiền án” ghi trong hồ sơ, anh biết cuộc đời anh đã rẽ sang một hướng khác. Nỗi oan ấy đời anh đã chịu, ba má anh đã chịu, nhưng không thể để các con cháu anh phải ôm nỗi oan khuất là con cháu của một “thằng tù”. “Tức lắm. Còn gì để sợ nữa. Mất hết đất, lại còn ở tù. Tui là Trần Văn Tám ở tù oan đây”, mắt anh rơm rớm vằn lên những tia đỏ.
Trong vụ án oan nghiệt này, còn có những nông dân đi tù nhưng mãi mãi không về vì bị cho rằng “thắt cổ tự vẫn trong trại giam”; có những người bị bắt oan chín tháng rồi thả, không một lời xin lỗi, không một xu đền bù…
Người nách thước
Kẻ tay đao
Đầu trâu mặt ngựa
Ào ào như sôi
Giống hệ như thời Đấu tố của ông Bác .Hồ.
Đây cũng chĩ là tấn tuồng lập lại từ thời” Cải Cách Ruộng Đất ” của Hồ Chí Minh. Dùng từ” CCRĐ” thật nhẹ nhàng nhưng thực tế là vu oan cho người rồi giết (Mời đọc cuốn “GHI ” của thi sĩ Trần Dần do nhà văn Phạm thi Hoài sưu tập.) Ngày nay nếu ai không giao nộp tài sản của cải , nhà cửa . ruông đất cho đãng CSVN thì chúng không ngần ngại vu cáo ” gây mất trật tư’ bỏ tù . ( Chúng không dám giết như thời HCM vì CSlie6n sô tan rã( 1991)