13 năm tù cho nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc

BBC

10-4-2018

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc nhiều lần tham gia biểu tình đòi đất đai, ‘đòi’ tự do dân chủ. Ảnh: FB Nguyễn Văn Túc

Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Văn Túc nhận án tù 13 năm, năm năm quản chế với tội danh ‘âm mưu lật đổ chính quyền’ trong phiên xử ngày 10/4.

Phiên tòa xét xử ông Nguyễn Văn Túc diễn ra tại Thái Bình, kết thúc chóng vánh chỉ trong một buổi sáng.

Trao đổi qua điện thoại với BBC ngay sau khi tòa nghị án, bà Nguyễn Thị Mai, con gái ông Túc xác nhận mức án nói trên.

Bà Mai nói tòa nghị án rồi đưa ông Túc đi ngay, gia đình không kịp gặp gỡ, không kịp nói lời nào với ông.

“Bố tôi rất yếu, không thể đứng được”, bà Mai nghẹn giọng.

“Suốt hơn bảy tháng họ giam giữ bố tôi, gia đình tôi không được vào thăm một lần nào.”

Bà Mai cũng cho hay gia đình bà có bốn người được vào phòng xử án của tòa, nhưng là “bị triệu tập để làm nhân chứng, chứ không phải mời tham dự”.

“Chúng tôi rất bức xúc vì mức án quá nặng dành cho bố tôi.”

‘Kết luận giám định cần được làm rõ’

Trong khi đó, luật sư Ngô Anh Tuấn, người bào chữa duy nhất cho ông Túc tại phiên tòa, nói với BBC rằng mức án dành cho ông Túc cũng tương tự như mức dành cho sáu nhà hoạt động, bao gồm luật sư Nguyễn Văn Đài, trong phiên tòa hôm 5/4.

Luật sư Tuấn khen ngợi phiên tòa có nhiều tiến bộ, với việc có hai kiểm sát viên và ‘chịu khó đối đáp với luật sư’ mặc dù ông không thể nói là mình hài lòng với chất lượng đối đáp.

“Tòa gần như không chấp nhận, hoặc chỉ chấp nhận một phần rất nhỏ từ lời bào chữa của luật sư”, ông Tuấn cho hay.

Luật sư Tuấn cũng cho rằng Kết luận giám định của Bộ Thông tin Truyền Thông về các chứng cứ để buộc tội ông Túc, “cần phải được làm rõ tại tòa”.

“Giám định viên, người thực hiện bản Kết luận giám định này, không có mặt tại tòa án.”

Khẳng định bản Kết luận giám dịnh này đóng vai trò lớn trong việc làm sáng tỏ sự thật của vụ án, luật sư Tuấn nói hi vọng trong các phiên tòa trương tương lai, các giám định viên sẽ có mặt để đối đáp với luật sư.

“Như vậy thì sự thật sẽ được đảm bảo hơn, và bị cáo có thể chấp nhận được cáo buộc dành cho mình”, luật sư Tuấn nói.

‘Người cả đời ‘đi đòi’

Ông Nguyễn Văn Túc là thành viên Hội Anh Em Dân Chủ (HAEDC), từng ngồi tù bốn năm, từ 2008-2012, và ba năm quản chế, với tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’.

Đợt xử năm 2008, cùng với ông Túc còn có năm nhà đấu tranh dân chủ khác, trong đó có ông Phạm Văn Trội. Ông Trội vừa bị xử tù lần hai trong phiên tòa ngày 5/4.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một trong những nhà hoạt động dân chủ bị xử và ngồi tù cùng đợt với ông Túc năm 2008, chia sẻ ngày 9/4:

“Nguyễn Văn Túc đã ngoài 50 tuổi. Cuộc đời anh dành hầu hết thời gian sống để ‘đòi’. Đòi về nhà cày cấy khi còn trong quân ngũ đóng ở Campot, đòi ruộng cày bị cướp khi được trở về nhà, đòi giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo, đòi dân chủ nhân quyền thay cho đòi ruộng đất của bản thân khi vỡ ra những điều lớn lao hơn.”

Ông Túc từng tham gia khiếu kiện đất đai, chăng biểu ngữ đòi giữ vẹn toàn biển đảo và đa nguyên chính trị. Ông cũng viết nhiều bài được cho là ‘chống đối’.

Nhà văn Xuân Nghĩa cũng cho biết thêm ông Túc ‘bị bệnh tim’ và ‘gia cảnh rất khó khăn’.

Phản đối

Trước phiên tòa xử ông Túc, giới hoạt động trong và ngoài nước đồng loạt có các hoạt động phản đối.

Nhà hoạt động Nguyễn Trung Trọng Nghĩa từ Philippines phát động Chiến dịch đòi trả tự do cho tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc.

Ông Nghĩa là con trai mục sư Nguyễn Trung Tôn, người vừa bị kết án 12 năm tù, ba năm quản chế trong phiên tòa ngày 5/4 với tội danh ‘âm mưu lật đổ chính quyền’.

Ông Nghĩa viết trong lời kêu gọi được chia sẻ rộng rãi trên trang cá nhân:

“Thiết nghĩ rằng, cuộc đấu tranh cho dân chủ “dân chủ không phải là tội” của chúng ta cũng chỉ để hướng tới mục tiêu người dân Việt Nam được sống trọn vẹn và “hạnh phúc.” Nhưng nếu những người yêu nước như bác Túc tiếp tục bị bắt bớ bức hại thì thử hỏi đến ngày nào cái ham muốn của lãnh tụ cộng sản HCM mới trở thành hiện thực. Hạnh phúc ở đây không chỉ là cái hạnh phúc nhỏ bé cá nhân, hạnh phúc ấm áp gia đình một con người tên Nguyễn Văn Túc, mà còn là cái hạnh phúc tự do, dân chủ lớn hơn của cả dân tộc.”

Phản ứng trước phiên tòa xử ông Túc, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực châu Á, ông Phil Robertson phát biểu trong một thông cáo chung ngày 10/4:

“Chính quyền Việt Nam thường xuyên sử dụng các luật khắc nghiệt để bức hại và bắt giam các nhà bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động ôn hòa.”

“Thực tế là tòa án sẽ làm bất cứ điều gì giới chức yêu cầu. Điều này cho thấy các phiên tòa này giả tạo thế nào.”

“Chính phủ nên nhận ra rằng ông Nguyễn Văn Túc không làm gì đáng để bị bỏ tù. Chính phủ cần bãi bỏ các cáo buộc chống lại ông và đảm bảo ông được thả ngay lập tức.”

“Các nhà tài trợ quốc tế và đối tác thương mại của Việt Nam cần yêu cầu chính phủ chấm dứt hàng loạt vi phạm nhân quyền vô liêm sỉ đối với các nhà hoạt động – những người chỉ đơn giản bảy tỏ chính kiến và đòi hỏi quyền của mình được tôn trọng.”

Thư gửi Facebook trước phiên xử ông Túc

Theo tin của Reuters, trước phiên tòa xét xử ông Nguyễn Văn Túc, giới hoạt động dân chủ Việt Nam trong và ngoài nước có thư ngỏ gửi Facebook với câu hỏi:

“Facebook có đang thoả hiệp với Hà Nội – một chính quyền nổi tiếng là đàn áp quyền tự do biểu đạt?”

Bức thư kêu gọi Facebook “xem lại cách hành xử mạnh tay” “có thể đang bóp nghẹt tiếng nói của giới hoạt động nhân quyền và các phóng viên độc lập tại Việt Nam”.

Lý do được đưa ra là Facebook thường xuyên khóa tài khoản và tháo gỡ nội dung của giới bất đồng chính kiến.

“Từ năm ngoái, mức độ tháo gỡ nội dung ngày càng gia tăng và Facebook đã không còn hỗ trợ việc phục hồi tài khoản và nội dung. Đến độ, trước và sau một phiên tòa lớn xử các nhà hoạt động nhân quyền vào ngày 5/4/2018. Một số tài khoản và trang Facebook không đăng tin được”, bức thư viết.

“Trong một xã hội mà tự do ngôn luận và quyền truyền thông độc lập bị đàn áp một cách có hệ thống và nhiều lúc bằng vũ lực, Facebook trở thành ngọn đuốc dẫn đường cho sự cởi mở và liên kết. Facebook là nơi truyền thông độc lập hoạt động và đã giúp cho người dân Việt Nam có được những trao đổi công khai trên mạng, trong lúc các quyền này bị ngăn cản trầm trọng ngoài xã hội. Đối với chính quyền Việt Nam, thái độ thù địch với cư dân mạng trao đổi ôn hòa đã không có gì thay đổi từ lúc họ tìm cách chận Facebook năm 2009.”

Bức thư cũng đưa ra thông tin chính quyền Việt Nam đã bỏ tù hơn 100 bloggers và các nhà bảo vệ nhân quyền.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết “không có gì là người bị bắt vì tự do bày tỏ ý kiến” tại Việt Nam.

Bình Luận từ Facebook