Hơn 20 năm trước, vướng mắc giữa giáo viên và học sinh đã được giải quyết như thế nào?

FB Lê Thiếu Nhơn

7-4-2018

Tôi thực sự ngỡ ngàng khi ngành giáo dục TPHCM chuyển trường cho em Phạm Song Toàn, vì trước đó học sinh này đã nói lên sự thật: cô giáo Trần Thị Minh Châu dạy Toán ở trường THPT Long Thới – Nhà Bè đã im lặng suốt cả học kỳ với lớp 11A1. Cô giáo chỉ cho chép bài, chứ không thèm mở miệng giảng bài hoặc trò chuyện với học sinh!

Nghĩa là em Phạm Song Toàn phải trốn chạy khỏi những áp lực giữa môi trường giáo dục chuộng thành tích ư? Câu chuyện của em Phạm Song Toàn làm tôi nhớ lại câu chuyện của tôi và bạn bè hơn 20 năm trước!

Năm học 1994-1995, ở trường Lương Văn Chánh – Phú Yên, chúng tôi học chuyên Văn nên chẳng mấy hứng thú với môn Toán. Đành rằng, chúng tôi học hành không tốt, nhưng cô giáo dạy Toán lại thích uốn nắn học trò bằng cách… buông những lời mỉa mai. Chúng tôi nhạy cảm, và chúng tôi bị tổn thương. Sau khi trao đổi, chúng tôi muốn… có những giờ học Toán dễ chịu hơn, nhẹ nhàng hơn. Tôi là người trực tiếp viết “Đơn đề nghị thay đổi giáo viên dạy Toán” bằng mực tím trên hai trang giấy học trò. 25 học sinh trong lớp cùng ký tên, và mang lên nộp cho Ban giám hiệu!

Hành động ấy có ý nghĩa như một… quả bom bùng nổ giữa ngôi trường vốn tập hợp những học sinh ưu tú và ngoan ngoãn ở đô thị nhỏ. Khắp trường ồn ào bàn tán. Bởi lẽ, cô giáo dạy Toán là vợ của một Hiệu trưởng Trường trung học lâu đời ở Phú Yên, đã từng dìu dắt không ít giáo viên đang giảng dạy tại trường Lương Văn Chánh. Học sinh lớp khác nhìn chúng tôi e ngại như sắp sửa có hàng loạt vụ kỷ luật dành cho những kẻ ngang ngược. Thú thật, có người trong chúng tôi cũng hơi lo sợ, từng tiết học trôi qua nặng nề. Thế nhưng, chúng tôi đã gặp những giáo viên đúng nghĩa sư phạm.

Phản ứng đầu tiên là của cô giáo chủ nhiệm Mai Lâm. Buổi sinh hoạt chung đầu tuần, cô Mai Lâm chỉ đề cập ngắn gọn: “Lớp mình chơi một vố lớn quá nhỉ! Nếu các em đã suy nghĩ nghiêm túc để ký tên tập thể, thì cô tin nhà trường sẽ biết cách lắng nghe các em!”, sau đó chuyển sang hát hò vui vẻ.

Lá đơn không được vi tính, chữ viết của tôi rõ ràng, trình bày cả nguyên nhân lẫn giải pháp cho vướng mắc của lớp mình với cô giáo dạy Toán. Thậm chí, còn đề xuất cả giáo viên dự kiến thay thế là ai kia mà… Tôi bỗng dưng rơi vào điểm nóng xôn xao. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tăng mời tôi và lớp trưởng Huỳnh Văn Thọ lên phòng giám hiệu. Hai đứa tôi vừa bước vào, đã hơi choáng, vì ngoài thầy Nguyễn Văn Tăng còn có một nhân vật nữa là thầy Phan Long Côn – nguyên Hiệu trưởng vừa được bổ nhiệm làm Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Phú Yên. Thầy Nguyễn Văn Tăng thẳng thắn: “Vụ của mấy em nghiêm trọng quá. Thầy kham không nổi, phải nhờ cậy thêm người tiền nhiệm của thầy là thầy Phan Long Côn đây!”.

Vào vấn đề chính, thầy Hiệu trưởng hỏi: “Có động lực nào bên ngoài kích động các em làm đơn không?”. Lớp trưởng Huỳnh Văn Thọ trả lời chắc nịch: “Dạ, không! Cả lớp em thống nhất như vậy!”. Hiệu trưởng thương lượng: “Tụi em có thể bàn bạc lại để rút đơn không?”. Tôi đáp: “Thưa thầy, tụi em không phải trẻ con, hôm trước nộp đơn rồi hôm sau lại rút đơn!”.

Thầy Phan Long Côn ngồi im theo dõi cuộc đối thoại, rồi kết luận: “Các em đã có nguyện vọng chính đáng, thì thầy ủng hộ giải quyết theo yêu cầu của các em, như một ví dụ dân chủ trong ngành giáo dục tỉnh ta!”. Được một nhà giáo uy tín như thầy Phan Long Côn đồng tình, thì còn gì sung sướng bằng. Tôi và lớp trưởng Huỳnh Văn Thọ chỉ thiếu điều nhảy chân sáo từ phòng giám hiệu về lớp học!

25 thành viên lớp tôi ngẩng cao đầu để nhìn những xì xầm kém thiện chí đã tắt trên môi những học sinh lớp khác. Một “ví dụ dân chủ” chứ có phải đùa đâu! Hôm sau, vừa tan trường, tôi dắt xe khỏi cổng thì thấy Tiến sĩ Tâm lý giáo dục Nguyễn Xuân Đàm – Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên đứng bên kia đường. Mái tóc bạc trắng và khuôn mặt phúc hậu của thầy Nguyễn Xuân Đàm có ấn tượng đặc biệt với tôi. Thầy Nguyễn Xuân Đàm là thế hệ những nhà giáo đầu tiên sau khi được đào tạo trên đất Bắc đã vượt Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau khi tách tỉnh Phú Khánh năm 1989, thầy Nguyễn Xuân Đàm nhận trách nhiệm Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên với nhiều ngổn ngang. Ngay cả trường chuyên của tỉnh cũng chưa có cơ ngơi riêng, phải chia ba khối 10,11 và 12 đi học ké ở ba địa điểm khác nhau.

Vừa bước chân vào Trường Lương Văn Chánh, tôi đã viết bài “Trường chuyên ở đâu?” in trên báo. Thầy Nguyễn Xuân Đàm đọc được, đã đến tận lớp học tìm tôi: “Cảm ơn em đã nhắc nhở. Thầy cũng đang đôn đốc việc xây trường!”. Không những vậy, thầy Nguyễn Xuân Đàm còn hồi âm thắc mắc “Trường chuyên ở đâu?” bằng cách tuyên bố trong buổi lễ chào cờ, trước toàn bộ giáo viên và học sinh: “Với tư cách người đứng đầu ngành giáo dục của tỉnh, tôi xin hứa năm học sau thầy trò Trường chuyên Lương Văn Chánh sẽ có cơ ngơi riêng rất khang trang!”. Quả nhiên, lời hứa ấy được thực hiện đúng hẹn!

Thầy Nguyễn Xuân Đàm đưa tay vẫy, tôi đến gần chào thầy. Vỗ vai tôi, thầy Nguyễn Xuân Đàm bảo: “Thầy cố tình ở đây đợi em, để trò chuyện vài câu. Thầy đã nghe báo cáo và cũng đã đọc trực tiếp lá đơn của tụi em. Lời lẽ hơi quyết liệt đấy. Em và các bạn của em hãy hiểu dùm thầy một điều, giáo viên trên bục giảng cũng nhiều gánh nặng lắm, đôi lúc không kiểm soát được thái độ nhà giáo đúng mực. Tuy nhiên, quyền lợi của học sinh vẫn được đặt ở hàng ưu tiên. Thầy và đồng nghiệp của thầy luôn tôn trọng ý kiến của các em!”. Tôi đứng trông theo mái tóc bạc trắng của vị Giám đốc Sở GD-ĐT nhòa xa dần giữa trưa nắng miền Trung, mà bất giác xúc động!

Sau lá đơn kiến nghị, lớp chúng tôi học hành bình thường. Còn người giáo viên mà chúng tôi đề nghị thay thế cô giáo dạy Toán vào 20 năm trước là thầy Huỳnh Tấn Châu, bây giờ đã thành Hiệu trưởng Trường chuyên Lương Văn Chánh – Phú Yên!

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Bổ sung tiếp: Nói thêm cho rõ, 40 năm trước người thầy này phát hiện ra sinh viên của mình vào học để đi dậy học nhưng lại với mục đích là trốn lính (nói theo cách nói ngày nay là trốn tránh nghĩa vụ quân sự), họ định chỉ dậy học cho tới khi 28 tuổi (tuổi không còn bị bắt lính) thì sẽ bỏ nghề, bởi vậy, vào học rồi mà họ không hề rèn luyện tư cách làm thầy mà còn làm nhiều truyện vô pháp vô thiên, gây mất an ninh trật tự trong ký túc xá và ngoài xã hội. Ông thầy đó phải ra tay loại trừ, không để họ làm thầy là vì thế!

  2. Bổ sung: Bản nhân xin kể thêm cho tác giả của bài viết hai chuyện có thực sau:
    *Chuyện một: Cách đây gần 40 năm, tức là lúc tác giả mới là trẻ sơ sinh hoặc mới là trẻ lớp mầm, có một thầy giáo đã phải ra đề cực khó để cho 28/35 sinh viên của một lớp không đủ tiêu chuẩn để thi tốt nghiệp vì ông ấy cho rằng họ không xứng đáng làm người thầy cho thế hệ trẻ.
    *Chuyện hai: Cách đây 20 năm, tức là vào thời điểm tác giả kể chuyện của mình, thì vẫn có các thầy cô giáo, chỉ do các lời giới thiệu hoặc do đọc học bạ của học trò mà đã lặn lội tới nơi để kiểm tra xem đối tượng ấy có đủ tư chất học hay không mà đưa về đào tạo năng khiếu,).
    Bởi thế rất tiếc rằng khái niệm năng khiếu (lúc tác giả đang là học sinh) so với khái niệm chuyên bây giờ nó khác nhau và lộn xộn nhằng nhịt quá cỡ nên tác giả lấy cái cũ để hòng soi rọi cho cái mới thì quả là quá sai rồi đấy!!

  3. Hai mươi năm trước, tác giả thuộc thế hệ mà giáo dục đang trượt dài xuống dốc: Học sinh chỉ cần thuộc lòng các bài văn mẫu, các lời giải sẵn có trong sách là có thể thi vào Đại Học với điểm số cao, thậm chí, còn kiếm được học bổng để đi học các trường danh tiếng trong các nước Mỹ, Âu, Úc….
    Hai mươi năm sau khi tác giả ra trường (tức là thời điểm hiện nay) thì giáo dục đã trượt xuống tận “đỉnh cao chói lọi” rồi, vậy mà, tác giả lại định lấy lời giải có sẵn ở thời ấy để làm khuôn vàng thước ngọc cho bây giờ chăng!?

Comments are closed.