1-4-2018
Người Samaritan tốt – Good Samaritan
Yêu cầu tài xế đánh lái để không cán phải hai nữ sinh té xe phải bồi thường những thiệt hại không chỉ bất nhẫn, mà còn có thể gây hại cho xã hội. Nó vừa làm bất công cho anh tài xế, vừa khiến những người ngoài xã hội nhìn vào và đặt câu hỏi, “vậy có đáng cứu người không khi phải chịu thiệt hại như vậy“, vừa làm xấu đi những bài học mà người lớn sẽ dạy trẻ con. Suốt một thời gian dài, nhiều gia đình đã chọn dạy đứa trẻ của mình không cứu giúp người bị tai nạn giao thông vì những câu chuyện người cứu giúp bị gia đình nạn nhân hành hung vì tưởng nhầm là kẻ gây tai nạn. Câu nói “làm ơn mắc oán” là để mô tả tình cảnh trớ trêu đó.
Pháp luật chính vì thế cũng bảo vệ những người như anh tài xế. Điều 601 của Bộ Luật Dân Sự quy định rằng người tài xế sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết. Tình thế cấp thiết được định nghĩa là “là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn”. Và trong tình thế cấp thiết (trừ phi vượt quá giới hạn), người gây thiệt hại không phải chịu bồi thường. Nhưng người gây ra tình thế cấp thiết thì phải bồi thường (Điều 595).
Như vậy, chủ hai chiếc ô tô bị thiệt hại nếu muốn bồi thường thì phải đòi hai nữ sinh đã gây ra tình thế cấp thiết đó, chứ không phải là người tài xế. Tất nhiên, do hai nữ sinh đã biến mất nên chủ hai ô tô chỉ còn cách nắm tóc người còn ở ngay đó là anh tài xế. Điều đó tuy vậy không có nghĩa là anh tài xế có nghĩa vụ phải bồi thường.
Pháp luật khắp nơi trên thế giới đều ra sức bảo vệ những người quên mình vì người khác như vậy. Pháp luật Anh – Mỹ còn gọi những quy định này là “Người Samarita tốt”. Đây là cụm từ có xuất phát từ một câu chuyện trong Kinh Thánh về một người Samartian đã chọn cứu giúp kẻ hoạn nạn bất chấp bị người khác dè bỉu hay người khác né tránh.
Luật Người Samarita tốt có mục đích khuyến khích người ta ra tay cứu người bằng cách miễn trừ trách nhiệm cho nếu “người Samartian” đó vô tình gây ra những thiệt hại khi cứu giúp. Họ lập luận rằng không có những luật như vậy, sẽ không ai ra tay cứu người và xã hội sẽ trở nên vô cảm và thất bại. Tất nhiên, luật này cũng có ngoại lệ, phụ thuộc vào khả năng của “người Samarita” (ví dụ, một người không có kiến thức y khoa không thể xung phong cứu người bằng biện pháp y học được).
Người tài xế trong vụ việc này chắc chắn là “một người Samarita” tốt, và anh phải được bảo vệ. Góp tiền cho anh để trả cho chủ xe ô tô sẽ vô tình gây ra những hệ lụy lớn về vốn xã hội về sau. Anh tài xế không cần tiền để bồi thường vì anh không có trách nhiệm bồi thường. Anh tài xế cần luật sư và sự ủng hộ về truyền thông để người chủ xe ô tô lui bước trước yêu cầu trái luật của ông.
____
Tài xế bẻ lái cứu mạng 2 nữ sinh đối mặt khoản đền đầu tiên 240 triệu đồng
Trọng Đức
31-3-2018
(NLĐO)- Tài xế Đỗ Văn Tiến đang đối mặt với khoản đền đầu tiên 240 triệu đồng vì đánh lái cứu mạng 2 nữ sinh chia sẻ: “Dân mạng cứ gọi tôi là người hùng nhưng tôi không dám nhận. Tôi chỉ nghĩ tính mạng con người là trên hết”.
Chiều 31-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đỗ Văn Tiến, tài xế đánh lái xuất thần cứu mạng 2 nữ sinh ở huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng), cho biết theo báo giá của hãng xe, số tiền mà ông phải bỏ ra để sửa chữa chiếc xe 7 chỗ nhãn hiệu Toyota, 1 trong 2 chiếc ô tô mà xe tải do ông Tiến điều khiển va chạm để cứu mạng 2 nữ sinh, lên đến 240 triệu đồng.
“Tôi có đặt vấn đề sẽ bồi thường cho chủ xe số tiền 180 triệu nhưng họ không nghe. Nếu trong trường hợp họ có đồng ý thì gia đình cũng không có ngay số tiền này vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn”-ông Tiến buồn rầu nói.
Tài xế này cho biết thêm sáng thứ 2 tới (sáng ngày 2-4), ông sẽ có cuộc làm việc với cơ quan công an và các chủ xe để bàn bạc, thống nhất cụ thể việc đền bù, sửa chữa 2 chiếc xe ô tô đã bị hư hại do xe tải của mình va phải trong quá trình bẻ lái, tránh 2 nữ sinh bất ngờ ngã trước mũi xe tài do ông Tiến điều khiển.
Theo ông Tiến, sau khi xảy ra vụ tai nạn, ông đã có buổi làm việc với cơ quan công an. “Họ (công an-PV) bảo sau khi giải quyết xong việc bồi thường sẽ tước giấy phép lái xe và nhốt xe của tôi”-ông Tiến cho hay.
Tài xế Tiến tâm sự việc khắc phục hậu quả cho 2 chiếc xe con bị va quệt trong vụ tai nạn và xe tải của công ty bị hư hỏng là vấn đề khiến ông đang lo lắng. Ông cho biết đang mong chờ phía bảo hiểm sau khi xem xét sẽ có phương án hỗ trợ bởi cả 3 xe đều có bảo hiểm 100%. “Tôi hi vọng bảo hiểm sẽ hỗ trợ cho mình, nhưng cũng không rõ ra sao vì 2 chiếc xe kia đang đỗ bên đường chứ không di chuyển, tất cả do mình gặp tai nạn và va phải họ”-tài xế Tiến băn khoăn.
“Tôi đã bàn với vợ, nếu bảo hiểm không chi trả thì mình đành phải đi vay mượn họ hàng để lo”-anh Tiến nói.
Tài xế vừa cứu mạng 2 nữ sinh cũng bộc bạch: “Hiện dân cư mạng cứ gọi tôi là người hùng nhưng tôi không dám nhận. Tôi chỉ nghĩ rằng tính mạng của con người là trên hết, nên tôi buộc phải đánh lái để tránh 2 cô gái. Giây phút đó, tôi bẻ lái là theo bản năng của người cầm lái. Thời điểm đó, trong đầu chỉ kịp lóe lên lời thầy giáo trường lái dặn mình tính mạng con người là trên hết, những thứ khác đều có thể làm lại được”.
Khi được hỏi về danh tính 2 nữ sinh đã khiến anh có thể lâm vào tình trạng nợ nần, ông Tiến cho hay: “Đến giờ, tôi cũng không biết 2 cô gái đó là ai”.
“Sau cú bẻ lái, xe tải va quệt vào 2 chiếc xe ô tô rồi lật ngang ra đường, thoát được ra khỏi cabin tôi lập tức có quay lại để xem 2 nữ sinh kia có việc gì không nhưng mọi người nói vì thấy chiếc xe tải nằm lật giữa đường, sợ lái xe bị thương và sợ bị liên lụy nên họ đã bỏ đi. Với tôi, biết họ không sao thì mình đã có thể thở phào nhẹ nhõm trở lại”-tài xế Tiến nói.
Trước đó như Báo Người Lao Động đã đưa tin, khoảng 13 giờ ngày 29-3, trên đường 359C (đoạn qua xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng), khi tài xế Đỗ Văn Tiến (SN 1977, trú tại huyện Thuỷ Nguyên) đang điều khiển xe tải mang BKS 15C-010.14 chở đá theo hướng quốc lộ 10 về thị trấn Núi Đèo
Đúng lúc xe chạy đến trước cửa nhà nghỉ Đức Việt (đường 359C, xã Hòa Bình) thì bất ngờ 2 nữ sinh đi trên xe máy đã va chạm một phương tiện khác, ngã ra làn đường ô tô, ngay trước đầu xe tải do tài xế Tiến điều khiển. Dù quá bất ngờ, song tài xế Tiến vẫn kịp đánh lái tránh 2 nữ sinh ngã trên làn đường ô tô.
Tuy nhiên, cú đánh lái quá gấp đã khiến chiếc xe tải chở đá va chạm với 2 ô tô đỗ bên đường, gồm 1 chiếc Kia và 1 chiếc Toyota, trước khi bị lật ngang. Tài xế Đỗ Văn Tiến cũng bị thương, gẫy 2 xương sườn.
Đọc câu chuyện oái oăm của anh Đỗ Văn Tiến, tôi thấy ngao ngán cho tình đời, khi tài xế chiếc Toyota bị xe anh Tiến đụng phải muốn làm khó anh, đòi bồi thường khủng trong khi có bảo hiểm 100%. Tôi cũng không hiểu tại sao 2 cố gái được cứu mạng lại không lên tiến giải oan cho anh, giúp tác động vào ý định muốn đổ lỗi cho anh Tiến của những người liên luỵ kia phần nào.
Nhưng tôi phẫn nộ với kế hoạch xử phạt anh Tiến của nhà chức trách địa phương .
Trích “Theo ông Tiến, sau khi xảy ra vụ tai nạn, ông đã có buổi làm việc với cơ quan công an. “Họ (công an-PV) bảo sau khi giải quyết xong việc bồi thường sẽ tước giấy phép lái xe và nhốt xe của tôi”-ông Tiến cho hay.”
Theo tôi, chỉ có luật rừng mới có màn trừng phạt nạn nhân của một tai nạn bất đắc dĩ như thế. Thay vì trừng phạt anh, công an nên bãi miễn trách nhiệm hình sự lẫn dân sự cho anh Tiến. Chủ công ty xe anh nên ca ngợi hành động cứu người như cứu hoả của anh và đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường (nếu có) cho hành động dũng cảm cuả nhân viên mình. Tài xế xe Toyota nên xí xoá cho anh (dĩ nhiên sau khi đã được bảo hiểm sửa chữa xe mình đâu ra đó, dù sao họ còn giữ được cái mạng khi không ngồi trong xe mà?). Còn hai cô gái kia ở đâu còn không mau lên tiếng minh xác cho hành động “làm ơn mắc oán” của ân nhân đã cứu mạng mình?
Việc nhà chức trách địa phương hăm doạ sẽ “tước giấy phép lái xe và nhốt xe” của anh Tiến cho thấy sự bất minh của luật pháp VN. Anh Tiến đã làm gì phạm pháp? Ngoài việc cho thấy sự lố bịch của hình phạt (điều chắc chắn sẽ đem lại hậu quả nghiệt ngã cho kế sinh nhai của gia đình anh Tiến) quyết định đó của công an còn gởi ra một thông điệp tàn nhẫn, mang tính khuyến khích sát nhân đến các tài xế xe tải đường dài như anh Tiến “Nếu ai bất chợt ngã xuống trước mũi xe mình thì không được bẻ lái để cứu họ, phải cán lên họ mà đi, nếu không sẽ bị tước bằng, bị giam xe, vợ con ở nhà chết đói” Luật nào vô lương như thế, nếu không là bộ luật rừng được thi hành triệt để bởi những tên nha sai với khẩu hiệu “Luật là tào, tao là luật”??