Tiều phu về rừng – Kỳ 8: Ngôi nhà Đức Bảo và những ông bố

FB Nguyễn Văn Thọ

31-3-2018

Ngôi nhà Đức Bảo phố Hàng Bạc được phóng viên Hungary Rev Miklos chụp năm 1960. Nguồn: FB Nguyễn Văn Thọ

Mời đọc lại các kỳ 1-6. Kỳ 7 tác giả “không phổ biến, chỉ lưu hành nội bộ”.

Tôi phải tạm biệt Do Nguyen Mai Khoi trước khi kịp dự khai mạc giới thiệu CD để về Hàng Bạc, vì tôi muốn đến thăm bố vợ tôi ngay buổi tối đầu tiên ở Hà Nội, trước khi ông đi ngủ .

Hàng Bạc có thể coi là phố cổ đẹp nhất nhì Hà Nội, đã từng được hãng phim DEFA mượn vào mùa hè 1981 để quay bộ phim “Sonya‘s Report“, kể về cuộc tình của một nữ điệp viên cộng sản Đức ở Thượng Hải trước chiến tranh thế giới lần thứ II. Họa sỹ dựng cảnh Peter Wilde của Hãng DEFA sang Việt Nam từ 1979 để tìm hiểu và cuối cùng đã chọn phố Hàng Bạc và một phần phố Tạ Hiền để dựng lại cảnh Thượng Hải 1936.

Ngày còn cưa cẩm vợ, hai đứa tối tối rủ nhau đi trên vỉa hè rộng rãi đến cửa hàng trứng vịt lộn gần phố Nguyễn Hữu Huân. Phố xá yên tĩnh đến mức có thể nghe tiếng rao “Bánh khúc đây“ của ông lão bán rong từ đường Trần Quang Khải sát bờ đê vọng vào.

Năm 1960, Rév Miklós (1), phóng viên thường trú của báo Hungary “Tự do nhân dân“ (Népszabadság) có chụp bức ảnh ngôi nhà Đức Bảo, nơi mẹ vợ tôi và bố dượng thuê ở tầng 3 từ năm 1958. Nếu đúng Rév chụp ảnh này vào năm 1960 thì hai người đứng trên Balcon chính là hai ông bà.

Bức ảnh của Rév Miklós cho tôi cảm giác êm dịu về một phố cổ Á châu, pha những nét Âu châu mà tôi vẫn thấy ở các thị trấn nhỏ ở nước Bỉ, nước Pháp.

Ngày nay phố Hàng Bạc được coi là phố có mật độ người và xe, có âm lượng tiếng ồn cao nhất khu phố cổ. Mọi nguyên tắc kiến trúc đô thị đã bị phá vỡ. Tây Ba-lô sang Việt Nam dám từ bỏ nền văn minh đi bộ, đổ xuống chiếm mặt đường để nhường vỉa hè cho quán xá và xe máy. Xe cộ thì quyết không chịu thua bởi biết dựa vào sức mạnh của các loại còi. Khói bụi từ xe máy không thể thắng được khói thịt nướng từ phía Tạ Hiền bay sang trong khi những bóng đèn cao áp đường phố tỏ ra lạc lõng trước các loại ánh sáng quảng cáo từ hai bên đường hắt ra.

Leo lên các bậc cầu thang tối và ẩm của căn nhà bốn tầng Đức-Bảo, nhiều kỷ niệm đẹp về căn nhà này suốt 38 năm qua vùn vụt hiện ra trong đầu. Tôi đã từng gánh nước lên tầng ba trên những bậc thang này. Chú Vladimir, chuyên gia địa chất Tiệp Khắc cũng kể lại với tôi về các bậc thang này, rằng chú thở hổn hển chạy lên thăm cô Hồng Nhung từng nuôi con tại đây đầu những năm 60.(2)

Bố Phú đang nằm trên giường xem TV ở tầng 4, thấy tôi về, ông mừng lắm, cố ngồi dậy. Tuy nhiên vì Bố đã nặng tai nên tôi không hỏi được nhiều chuyện. Bố sinh năm 1918, tròn 100 tuổi và mỗi lần về, tôi lại thấy ông già đi, yếu đi. Hiện ông chỉ đi lại được trong hai căn phòng, tay chống vào một cái xe đỡ. Trong mấy ngày ở Hà Nội, tôi thường xuyên tìm mọi kẻ hở thời gian đến thăm Bố. Hai bố con không nói được nhiều chuyện như trước nữa, nhưng chỉ để cho ông vui.

Bố Phú đã chịu đựng và chứng kiến rất nhiều thăng trầm của số phận. Tôi sẽ phải mất nhiều thời gian nữa mới dám kể về những đau khổ, mất mát của ông. Xin khất bạn bè vào một dịp khác.

Nhưng có lẽ hai điều đau khổ nhất cho ông là phải chứng kiến cái chết của Mẹ năm 2005, mối tình thời trai trẻ của ông và cái chết của bố Quách Tuấn (bố dượng), người bạn thân thiết của ông, vào cuối 2016.

Anh vợ tôi nói: Từ ngày bố Tuấn ra đi, bố Phú yếu hẳn. Tôi biết, sức khỏe Bố Phú suy giảm không phải vì thiếu thuốc tiêm và sự chăm sóc của bố Tuấn, mà vì mất đi một người bạn tri kỷ.

Lớn lên trong một gia đình một ba một má, tôi thường nghe những chuyện buồn về bố dượng, mẹ kế, con riêng, con chung. Nhưng cuộc sống ở gia đình vợ đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bố Quách Tuấn không chỉ coi người chồng cũ của vợ mình là bạn, Bố không chỉ có trách nhiệm với vợ cũ đến ngày ông qua đời, mà ông không bao giờ phân biệt giữa con chung, con riêng của vợ cũng như con riêng của ông. Có gì ông cũng chia đều cho cả 7 người con. Con nào khó khăn, ông giúp thêm, nhưng cũng nói để các con khác biết.

Đức độ của bố Tuấn đã biến ngôi nhà Đức Bảo trở thành nơi sum họp đầm ấm của con cái từ ba cuộc hôn nhân, họ Nguyễn cũng như họ Quách. Tình cảm này cũng lan đến các con dâu, con rể. Ngày Ba tôi ốm nặng cách đây 20 năm, chú Quách Tuấn Vinh, vẫn xuống chăm sóc, cho thuốc, mặc dù anh Thọ ở xa. Tôi về nước lần nào cũng ghé thăm mẹ Vinh.

Truyền thống này đang được thế hệ thứ ba duy trì: Các con tôi mỗi lần về Việt Nam, vẫn được các em, các cháu họ Quách rủ liên hoan với nhau.

Bố Tuấn đã biến nhà Đức-Bảo thành nơi ngu cư của những nhân cách đúng với cái tên của nó: Đạo đức cao quý!

Ngoài xã hội, Bố Tuấn là một thầy thuốc tận tụy với nghề nghiệp. Ông chỉ có bằng Y sỹ Đông Dương của Pháp, nhưng ông đã tự học để trở thành chuyên gia về Phục hồi Chức năng. Tôi đã chứng kiến việc ông xây dựng Viện Điều dưỡng bộ Nông nghiệp từ vùng hồ sình lầy sau Gò Đông Đa. Cơ ngơi khang trang đó nay là Bệnh viên đa khoa Nông Nghiệp 2 ở phố Đặng Tiến Đông. Là viện trưởng ngoài đảng nên bên cạnh ông luôn có một ông đảng viên viện phó không cần chuyên môn. Không có bằng bác sỹ, nhưng ông vẫn hướng dẫn các bác sỹ trẻ thành bác sỹ chuyên khoa phục hồi chức năng (Reha).

Ngày nay khi bàn về “Mãn kinh nam“, nhiều người không biết rằng trong những năm 80 nhiều nhà khoa học đã cười bò khi nghe bố Tuấn nói về đề tài này tại các hội nghị y tế. Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện và Giáo sư Phạm Song là hai trong số ít các nhà y học thời đó tin vào lý luận chuyển đổi hormon trong quá trình lão hóa và ủng hộ ông. Năm 1989, Giáo sư Phạm Song đã cho lập hội đồng khoa học, đặc cách trao bằng Bác sỹ Y khoa cho Bố Tuấn qua đề tài “Phục hồi chức năng tổng hợp“, (trong đó có định nghĩa rõ ràng về hiện tượng mãn kinh cho nữ và mãn dục cho nam).

Ngày Bố mất, trong dòng người tiễn ông về chín suối, có rất nhiều người nghèo, người bất hạnh, những người đã từng leo cái cầu thang tối và ẩm của ngôi nhà Đức Bảo để được ông chăm sóc miễn phí.

(1) Phố cổ Hà Nội năm 1959 qua tay mấy người châu Âu (KT&ĐT).

(2) Chuyện tình của chú Vladimir và cô Hồng Nhung (FB Thọ Nguyễn).

Bình Luận từ Facebook