26-3-2018
1. Tháng 9/2017, tướng Daniel Schaeffer – quan chức Bộ Quốc phòng nước Pháp đã hồi hưu, một chuyên gia hàng đầu về tranh chấp trên Biển Đông, gửi cho tôi bài viết của ông “The Code of Conduct of the Parties in the South China Sea: A Tremendous Mistake” (Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông: Một sai lầm to lớn), đã đăng trên website của Tổ chức tư vấn Asie21 ở Pháp). Bài viết cảnh báo các nước ASEAN về mưu đồ của Trung Quốc trong quá trình đàm phán COC và những nguy hiểm mà các nước ASEAN có thể đối mặt một khi COC được thông qua và ký kết, mà không loại bỏ được ‘đường lưỡi bò’ phi pháp do Trung Quốc tự ý vạch ra, ôm trọn hầu hết Biển Đông.
Tôi xin phép tướng Daniel Schaeffer dịch bài này sang tiếng Việt, gửi in ở tạp chí PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI ĐÀ NẴNG (số 94. Tháng 10/2017) và ở tạp chí VĂN HÓA QUẢNG NAM (số 114. Tháng 10/2017).
Vì 2 tờ tạp chí này có lượng độc giả hạn chế nên tôi đã tóm lược bài viết của tướng Daniel Schaeffer thành một bài báo “Cảnh báo của một học giả Pháp về Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong tương lai”, ngắn gọn và “mềm” hơn, gửi đến một tờ báo lớn mà tôi thường cộng tác để cậy đăng, nhằm lan truyền rộng rãi hơn sự cảnh báo này của tướng Daniel Schaffer.
Đại diện tờ báo này lúc đầu nói sẽ đăng, nhưng sau đó thì gọi điện cho tôi nói là đợi Trung Quốc đại hội đảng (cộng sản) xong thì mới đăng được. Tôi đợi 3 tuần thấy họ không đăng thì rút bài, gửi cho một tờ báo lớn khác.
Người liên lạc của tờ báo thứ hai trả lời là sẽ đăng nhưng chỉ đăng 1 phần bài viết và đề nghị bỏ một đoạn quan trọng. Tôi không đồng ý nên gửi cho tờ báo thứ 3.
Biên tập viên của tờ báo thứ 3 viết mail trả lời tôi: “Thời điểm này không đăng và đây là vấn đề quốc tế, nhạy cảm với vấn đề Trung Quốc, chỉ viết về cảnh báo của một vị tướng Pháp, trong khi chưa có chỉ đạo TW và báo mình chưa nắm được thông tin thực chất của các cuộc đàm phán COC nên không dùng là tốt nhất”.
Có nhiều lý do để 3 tờ báo nói trên không đăng bài viết trên của tôi, nhưng nguyên nhân chính, theo BTV của tờ thứ 2 là vì đoạn này:
“Nếu không vô hiệu hóa được ‘đường 9/10 đoạn’ phi pháp, mà đã vội vàng thông qua một COC có tính ràng buộc pháp lý, thì Trung Quốc sẽ dùng “công cụ pháp lý” này để chống lại các nước ASEAN một khi các nước này tiến hành những hoạt động hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền (hoặc quyền chủ quyền) của họ, nhưng lại ở bên trong ‘đường 9/10 đoạn’ do Trung Quốc vạch ra. Đây là dẫn chứng để chứng minh cho điều này:
– “Trung Quốc đã đe dọa chiến tranh với Philippines nếu nước này tiếp tục thăm dò và khai thác dầu ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), một bãi ngầm tọa lạc ở phía bắc quần đảo Trường Sa và phía tây đảo Palawan của Philippines. Hành động này của Trung Quốc là hoàn toàn sai trái bởi vì thực thể chìm dưới nước này đã được Tòa Trọng tài thường trực công nhận là nằm hoàn toàn bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, do đó nó thuộc quyền chủ quyền, không phải là chủ quyền, của nước này. Hơn nữa, Trung Quốc không được quyền yêu sách chủ quyền đối với thực thể này bởi vì Tòa Trọng tài thường trực đã viện dẫn Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) rằng: không ai có thể yêu sách chủ quyền đối với một bãi ngầm, trừ khi nó nằm ở lãnh hải của nước đó”. Rõ ràng Bãi Cỏ Rong không nằm trong lãnh hải của Trung Quốc nhưng Trung Quốc lại đe dọa chiến tranh với Philippines nếu Philippines không chấm dứt thăm dò dầu khí ở đây.
– “Mới đây Trung Quốc đã ép buộc Việt Nam và Công ty Repsol của Tây Ban Nha ngừng thăm dò dầu khí ở lô 136-03, nơi xa nhất về phía đông nam của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thuộc khu vực Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) ở phía tây nam quần đảo Trường Sa”, vì khu vực này nằm bên trong ‘đường 9/10 đoạn’.
Theo tướng Schaeffer, hai dẫn chứng nêu trên cho thấy rất rõ rằng khi một COC có tính ràng buộc pháp lý được thông qua mà ‘đường 9/10 đoạn’ không biến mất, thì “các quốc gia Đông Nam Á ở ven Biển Đông sẽ phải tiếp tục chịu đựng những cáo buộc của Trung Quốc bởi những hoạt động (hợp pháp) của họ, mà Trung Quốc cho là sai trái”. Và như vậy, Trung Quốc sẽ dùng những quy tắc mà các nước ASEAN đặt ra để chống lại họ, thay vì những quy tắc này sẽ bảo vệ họ như họ mong đợi.
Trong đó câu “Mới đây Trung Quốc đã ép buộc Việt Nam và Công ty Repsol của Tây Ban Nha ngừng thăm dò dầu khí ở lô 136-03, nơi xa nhất về phía đông nam của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thuộc khu vực Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) ở phía tây nam quần đảo Trường Sa”, bị coi là nguy hiểm nhất vì đã tiết lộ việc Việt Nam bị Trung Quốc ép phải ngưng thăm dò dầu khí ở lô 136-03. Và vì câu này mà các tờ báo tôi đã gửi bài, đều từ chối đăng bài của tôi.
2. Mấy ngày qua, báo chí nước ngoài (BBC, Reuter, RFI, RFA…) đồng loạt đưa tin Trung Quốc ép Việt Nam ngưng thăm dò dầu khí ở mỏ Cá Rồng Đỏ (Red Emperor). Theo các nguồn tin này thì “…tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam PetroVietnam đã yêu cầu tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol đình chỉ dự án khai thác mỏ Cá Rồng Đỏ ngoài khơi Vũng Tàu, sau khi bị Trung Quốc gây sức ép… Với quyết định tạm dừng của Việt Nam, tập đoàn Tây Ban Nha Repsol cùng với các đối tác được giao quyền khai thác mỏ Cá Rồng Đỏ (tên tiếng Anh là Red Emperor) có khả năng bị mất đến 200 triệu đô la đầu tư. Giới lãnh đạo Repsol và PetroVietnam cũng như bộ Ngoại Giao Việt Nam chưa phản ứng trước yêu cầu bình luận của Reuters” (Trọng Nghĩa – RFI).
Mỏ Cá Rồng Đỏ, là một phần của lô (Block) 07/03 tại khu vực Bể Nam Côn Sơn, cách thành phố biển Vũng Tàu, phía đông nam của Việt Nam khoảng 440 km (273 dặm), hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Vào cuối năm 2017, báo chí Việt Nam đã liên tiếp trích dẫn các giới chức lãnh đạo dầu khí Việt Nam ca ngợi tiềm năng của mỏ khí Cá Rồng Đỏ, có thể sản xuất 25.000-30.000 thùng dầu và 60 triệu mét khối khí mỗi ngày.
Tuy nhiên Trung Quốc cho rằng mỏ này nằm gần “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự động vạch ra (chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, dù đã bị Tòa Trọng tài thường trực (PCA) vô hiệu hóa trong phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc theo Phụ lục 7 của UNCLOS và ngày 12/7/2016), nhưng Trung Quốc vẫn bất chấp phán quyết) và cho rằng mỏ Cá Rồng Đỏ đã ăn vào vùng mỏ thuộc quyền của Trung Quốc.
Diễn biến mới nhất này cho thấy cảnh báo của tướng Daniel Schaeffer là hoàn toàn chính xác. Và Trung Quốc tiếp tục dùng “đường lưỡi bò” làm “cơ sở pháp lý” của họ để đe dọa và uy hiếp các nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam, buộc Việt Nam phải rút lui hai dự án dầu khí quan trọng của mình.
Thực tế này khiến tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của ông Hồ Chí Minh trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vào đêm 19/12/1946:
“Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào,
Chúng ta phải đứng lên!”
Tuy nhiên, vào thời điểm này tôi không thấy ai ra lời kêu gọi “Hỡi đồng bào. Chúng ta phải đứng lên” như ông Hồ Chí Minh đã làm cách đây 72 năm cả.
3. Ngày 5/2/2018 UBKT thành ủy Đà Nẵng ban hành quyết định kỷ luật tôi – Trần Đức Anh Sơn – vì một số bài viết của tôi đăng trên FB, thì ngày 9/2/2018, báo mạng http://mp.weixin.qq.com của Trung Quốc đăng bài 越南海专家被高调处分 凸显中越联手管控南海局势 (tạm dịch: Chuyên gia biển Việt Nam bị phạt nặng để làm gương cho sự hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam về tình hình Biển Đông).
Nội dung bài báo này tường thuật việc tôi bị kỷ luật khá chi tiết, và cho rằng: Trần Đức Anh Sơn là một trong những người nghiên cứu về Biển Đông, hay chỉ trích Trung Quốc…, xuất hiện ở nhiều diễn đàn quốc tế về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, hòa giọng cùng với các chuyên gia phương Tây như Daniel Schaeffer (đăng kèm ảnh tôi với tướng Daniel Schaeffer) chỉ trích Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên biển Nam Hải (Biển Đông), về COC sắp ký giữa ASEAN với Trung Quốc…”.
Bài báo này cũng trích dẫn quan điểm của tướng Daniel Schaeffer trong bài “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông: Một sai lầm to lớn”, mà tôi đã dịch và cho in trên 2 tạp chí nói trên, rồi cho rằng tôi đã đi ngược lại quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về tinh thần hợp tác hữu nghị với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, đã được tướng Nguyễn Chí Vịnh nhiều lần nhắc đến trong các cuộc gặp cao cấp giữa quân đội 2 nước (đăng kèm ảnh tướng Vịnh bắt tay với tướng Tàu Chang Changwan).
Từ đó, bài báo này kết luận: “Nhìn lại vấn đề Trần Đức Anh Sơn bị kỷ luật, không khó để hiểu được rằng Trần Đức Anh Sơn đại diện cho một lực lượng học giả của Việt Nam quan tâm đối với Biển Đông… Việc kỷ luật này là một cảnh báo (cho những ai có quan điểm chống Trung Quốc), có quan điểm tiêu cực với Trung Quốc”.
***
Ba chuyện trên đây, thoạt nhìn thì tưởng là không ăn nhập gì với nhau. Nhưng thực tình thì không hẳn vậy.