22-3-2018
Mấy entry trước hang Cua chỉ bàn về cánh lái xe và luật đường bộ nhất là điều 22 về xe ưu tiên lưu thông. Entry này dành cho đội xe cứu hỏa.
Khi tranh luận cần phân biệt thế nào là phạm luật và phạm lỗi kỹ năng. Đi vào đường ngược chiều, vào làn dành cho xe ưu tiên, vượt đèn đỏ, không dừng khi có bảng tín hiệu STOP, gặp xe cứu hỏa, cứu thương không giảm tốc độ, nhường đường và dừng, lái xe say… là phạm luật.
Đi không quan sát, vượt ở khoảng cách không an toàn, đổi hướng không nhìn… là lỗi thuộc về kỹ năng.
Theo Cua Times, về kỹ năng, đội xe cứu hỏa không chuyên nghiệp và cẩu thả nhìn từ hai góc độ: (1) Cách lái xe xử lý khi vào cao tốc ngược chiều và; (2) Lính cứu hỏa không thắt dây an toàn khi đi cứu hộ.
Cuộc tranh cãi xe nào đúng sai hãy để các cơ quan chức năng vào cuộc, nhưng có điều chắc chắn xe cứu hỏa có thể đi ngược chiều. Còi đã hụ, loa phát thông báo, nhưng các xe không biết dừng. Đó là bài học cho tất cả những ai ngồi sau tay lái.
Lái xe khách đã sai, “không nghe, không thấy”, tốc độ giữ nguyên như không hề có báo động, có xe cứu hỏa phát tín hiệu cấp cứu và đang lấn đường.
Ai thi tay lái đều có một điểm phải dừng xe khi có tín hiệu cấp cứu phát ra. Vụ này bị trừ rất nặng nếu…quên.
Lái xe cứu hỏa – ẩu
Quay lại chuyện xe cứu hỏa, được đi ngược chiều nhưng đi như thế nào, xử lý ra sao phụ thuộc vào lái xe.
Trường hợp này, lái xe cứu hỏa đã quá liều và ẩu khi chỉ dừng vài giây bên đường rồi tiếp tục lấn sang làn trái của hướng ngược chiều, chuyện gây tai nạn là dễ hiểu. Lần này thoát thì lần khác sẽ bị nếu không thuộc bài xử lý tình huống.
Trường dạy lái xe cứu hỏa phải lấy đây là bài học xương máu cho tương lai, cần phải tập huấn kỹ trước khi được điều khiển xe cứu hỏa vì đây là loại xe đầy rủi ro, cần một sự chuyên nghiệp, kỹ năng rất cao.
Bên Mỹ cũng thường thấy xe cứu hỏa vượt đèn đỏ nhưng đến chỗ đông xe, còi hụ rất to, đèn lập lòe, các xe phải dừng lại nhường đường, khi an toàn xe cứu hỏa mới vượt. Đổ lỗi cho xe cứu hỏa là không oan.
Lính cứu hỏa – cẩu thả
Khi xem lại clip xe khách lao vào đầu xe cứu hỏa, một cú đâm trực diện, xe cứu hỏa bị lật nghiêng, có hai chiến sỹ bị văng ra từ trên xe. Một người lăn xuống đường rồi lồm cồm bò dậy, người thứ hai nhảy từ trên xe xuống.
Điều này chứng tỏ các chiến sỹ nhà ta không đeo dây bảo hiểm. Ngồi trong xe cứu hỏa phải đeo dây bảo hiểm vì xe thường phóng nhanh, lạng lách, rất nguy hiểm. Đây là lỗi sơ đẳng nhất của người Việt nói chung là lười thắt dây bảo hiểm.
Tai nạn bất ngờ, người văng đi vài mét, va đập là đủ đi nghĩa địa, nhất là xe ở tốc độ cao 70-100km/giờ. Nếu xe lật thì lăn vài vòng, đầu đập vào thành xe để đi gặp Karl Marx – Lenin.
Thống kê bên Mỹ cũng cho hay, 40% lính cứu hỏa chết bị ngạt do lúc chữa cháy và đứng thứ 2 là 25% chết liên quan đến va chạm trên đường đi ứng cứu (cao nhất) và lúc quay về. Như vậy xe cứu hỏa lưu thông là cực kỳ nguy hiểm.
Bài học rút ra
Từ vài giây của vụ tai nạn, có nhiều bài học được rút ra. Xin đơn cử
- Lái xe cứu hỏa phải biết đâu là an toàn cho mình và cho người khác. Đã đi phải đến chứ không phải vào bệnh viện trước cả người bị nạn.
- Lính cứu hỏa phải chuyên nghiệp, đi làm nhiệm vụ cứu người, cứu tài sản, thì mình phải an toàn trước tiên. Đeo dây bảo hiểm khi ngồi xe là bắt buộc vì 25% tai nạn do xe cứu hỏa phóng nhanh là một con số khá lớn.
- Trong thời gian trực, lính và lái xe tuyệt đối không rượu bia. Thời gian của họ thường rất nhiều vì chỉ ngồi đợi tai nạn… mà chuyện này hiếm. Buồn không có việc gì làm mà lôi bia rượu ra giải sầu thì đừng làm lính cứu hỏa.
- Lái xe trên đường phải chuyên nghiệp, biết xử lý khi xe ưu tiên hú còi và phát tín hiệu phải nhường đường.
- Không được dùng làn bên phải sát lề đường cao tốc để vượt. Đã có VẠCH KẺ LIỀN NET (tương đương phân cách cứng) nhất định là cấm lấn. Cảnh sát giao thông phải phạt như phạt đường dành riêng cho BRT.
Xin kể thêm một tin. Đó là tối xe bị kẹt trên đường cao tốc Cầu Giẽ – Pháp Vân suốt 4-5 tiếng, có một xe cứu thương chở người phải thở ô xi và bình sắp cạn, người nhà phải đi van từng xe một để nhường đường. Thử tưởng tượng họ phải đi bộ 20 km để xin từng người. Nếu không chiếm lane dành cho xe ưu tiên thì khó có chuyện đó. Cũng may là mọi chuyện ổn khi xe cứu thương khác đi từ Hà Nội về đã liên lạc được và họ chuyển sang xe kia để đi đường khác về Hà Nội.
Nếu lái xe tiếp tục lấn làn xe ưu tiên, một hôm nào đó chính họ bị nạn, họ sẽ tự phạt chính mình vì trời cứu trong hoàn cảnh tắc toàn tập do thói quen của mình gây nên.
Chúc các bạn lái xe đúng luật và an toàn.