Đối thoại giữa LS Phạm Công Út và bà Phạm Thị Nguyệt

FB Mai Quốc Ấn

22-3-2018

Một chuyện Livestream (Dân oan lẫn dân luật nên xem kỹ)

Hôm qua tôi có dự buổi 1 Livestream cuộc đối thoại có mặt 2 người mà tôi biết: luật sư Phạm Công Út và thân chủ là bà Phạm Thị Nguyệt. Có nhiều thông tin về họ mà những người quan tâm đến luật pháp, nhất là các dân oan và dân luật, có thể sẽ cần tham khảo.

Giới thiệu sơ qua:

Ông Phạm Công Út từng là thẩm phán Toà án Nhân dân Quận 8, thuộc Tòa án Nhân dân Tp.HCM, sau lập công ty luật Phạm Nghiêm. Ông Út là một trong các luật sư của “tù nhân thế kỷ” Huỳnh Văn Nén đã giải oan thành công. Luật sư Út cũng tham gia với tư cách cá nhân và tập thể luật sư bào chữa cho nhiều thân chủ trong nhiều vụ án. Tôi biết luật sư Út qua 1 chuyến đi tòa tại Tuy Đức, Đak Nông về vụ việc 1 nhân vật của tôi và đánh giá luật sư Út có lập luận rất tốt về luật Hình sự.

Bà Phạm Thị Nguyệt là một nhân vật của tôi- một dân oan điển hình không chỉ ở Quận 9, Tp.HCM mà là cả nước. Bà Nguyệt thay gia đình đi đòi đất của cha (bị đưa vào hợp tác xã) từ 1990 đến nay. Vì “dám” khiếu kiện dù không biết chữ nên bà Nguyệt bị dọa, bị đánh gãy xương, bị đi tù bởi những kẻ cướp đất của bà gây ra. Ngoài ra, bà Nguyệt còn bị lừa tiền, lừa đất đến mức khánh kiệt bởi những nhà báo, luật sư biến chất.

Tóm tắt vụ việc:

Bà Nguyệt nhờ con tìm trên Google một luật sư vì dân oan và trong thông tin các luật sư thì bà chọn ông Phạm Công Út. Hai người có ký hợp đồng 6 tháng với giá 1 tỉ đồng và 30% đất đòi được sẽ thưởng cho ông Út nếu hủy các quyết định của Quận 9 khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật. Sau khi nhận các đơn của văn phòng luật Phạm Nghiêm đều bị tòa, Viện Kiểm sát,… từ chối và bà Nguyệt phải nhờ “luật sư vỉa hè” làm lại đơn mới nộp được thì bà Nguyệt quyết định thanh lý hợp đồng với luật sư Út và đòi lại tiền.

Trong quá trình này, bà Lê Thị Hồng Bích- vợ ông Út có chuyển khoản cho bà Nguyệt 200 triệu đồng. Thấy số tiền không đủ và cho rằng ông Út không giữ lời nên bà khiếu nại lên Đoàn Luật sư Tp.HCM. Trong các cuộc gặp do Đoàn Luật sư Tp.HCM tổ chức, ông Út nói rằng ông có thực hiện công việc theo hợp đồng và muốn tiếp tục hợp đồng. Khoản tiền 200 triệu nói trên ông Út nói là của vợ ông cho bà Nguyệt mượn nhưng không có giấy tờ. Đến tháng 1/2018, nhân viên ông Út có chuyển cho con bà Nguyệt 300 triệu nữa nhưng bà Nguyệt nói chỉ rút đơn ở Đoàn luật sư Tp.HCM nếu nhận được 700 triệu.

Đến ngày 12/3/2018, tại phiên xử đại án ngân hàng Vietinbank mà ông Phạm Công Út là luật sư của các bị cáo bên Navibank, chủ tọa phiên tòa công bố quyết định rút thẻ luật sư của ông Phạm Công Út của Đoàn Luật sư Tp.HCM.

Nguyên nhân cuộc gặp mặt và livestream:

Trên mạng xã hội có rất nhiều nghi vấn việc luật sư Phạm Công Út bị rút thẻ hành nghề. Có thông tin cho rằng do trong Hội đồng kỷ luật của Đoàn luật sư Tp.HCM có người là luật sư “phía bên kia” trong đại án nói trên nên “chơi” luật sư Út. Có thông tin khác nói luật sư Út bị vậy là do dám lập “hội đồng bào chữa” gồm nhiều luật sư nên “ai đó” ngứa mắt. Lại có người đặt giả thuyết bà Nguyệt bị một luật sư khác hoặc thẩm phán, thư ký tòa tác động nên “hủy kèo” ông Út. Thậm chí người ta thêu dệt chuyện bà Nguyệt chiếm đất của anh chị em (dù bà ấy có vi bằng ủy quyền).v.v..

Tôi đọc tất cả các comment liên quan và đưa ra 1 đề nghị đơn giản: Tổ chức cuộc gặp công khai các bên để cùng lắng nghe sự việc.

Các anh chị quan tâm có thể xem lại livestream ở comment và tự đánh giá!

Dưới góc độ cá nhân tôi, xin nói rõ lại vài điều:

1- Tôi không ủng hộ việc Đoàn luật sư Tp.HCM rút thẻ luật sư Phạm Công Út như cách Đoàn luật sư Phú Yên rút thẻ luật sư Võ An Đôn. (Xem ở comment).

2- Luật sư Út có Facebook và xuất hiện trên truyền thông xưa nay còn bà Nguyệt không có cơ hội đó. Bà ấy bị tấn công trên Facebook mà không được nói lời nào là không công bằng. Cuộc gặp là cơ hội để bà ấy có quyền bảo vệ bản thân trên mạng xã hội. Các bên đồng ý tự nguyện tham gia nên những câu hỏi kiểu “gặp thì giải quyết được gì?” là hết sức ngớ ngẩn.

3- Tôi cố gắng hết sức để cân bằng tất cả thông tin 2 bên. Chỉ có những người được mời và có mặt nghe, thấy rõ (vì livestream có đoạn mờ, không rõ do wifi chập chờn) mới có tư cách nhận xét tôi. Và tôi không ngại đối diện bất kỳ ai.

4- Anh chị nào từng đọc về khái niệm xã hội dân sự sẽ hiểu việc 1 người đàn bà mù chữ, không biết dùng FB đối thoại công bằng với một luật sư từng là thẩm phán mới chính là tinh thần thật sự của xã hội dân sự: đối thoại.

Chú thích: Hình ảnh cắt ra từ clip cuộc gặp. Các comment nên chừng mực vì tôi không thích ai văng tục hay mạt sát cá nhân người khác trong FB mình. Block nhanh hơn lập nick ảo đấy ạ!

Bình Luận từ Facebook